Nguồn: U.S. government takes over control of nation’s railroads, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1917, tám tháng sau khi Mỹ tham gia Thế chiến I, đứng về phía quân Đồng minh Hiệp ước, Tổng thống Woodrow Wilson đã tuyên bố quốc hữu hóa phần lớn các tuyến đường sắt của đất nước theo Đạo luật Kiểm soát và Sở hữu Liên bang.
Quyết định tham chiến vào tháng 4/1917 của Mỹ trùng hợp với thời điểm tình hình ngành đường sắt của nước này đang đi xuống: thuế và chi phí hoạt động tăng cao, kết hợp với giá cả do pháp luật ấn định, đã đẩy nhiều công ty đường sắt vào tình trạng vỡ nợ ngay từ cuối năm 1915.
Một năm sau đó, với một dự luật được Quốc hội thông qua vào phút chót, Wilson đã buộc ban quản lý đường sắt phải chấp nhận yêu cầu của công đoàn về một ngày làm việc 8 giờ. Tuy nhiên, nhiều công nhân lành nghề đã rời bỏ ngành đường sắt đang suy yếu để chuyển sang làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí đang bùng nổ, hoặc thậm chí là trở thành lính chiến.
Đến cuối năm 1917, dường như hệ thống đường sắt hiện tại không còn đáp ứng được nhiệm vụ hỗ trợ nỗ lực chiến tranh và Wilson đã quyết định quốc hữu hóa. Hai ngày sau thông báo của ông, Cơ quan Quản lý Đường sắt Mỹ (USRA) chính thức nắm quyền kiểm soát. William McAdoo, Bộ trưởng Tài chính của Wilson, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Đường sắt. Các tuyến đường sắt sau đó được chia thành ba khu vực Đông, Tây, và Nam. Dịch vụ hành khách đã được sắp xếp hợp lý hơn, theo đó loại bỏ một lượng đáng kể các chuyến đi không cần thiết. Hơn 100.000 toa xe lửa mới và 1.930 động cơ hơi nước đã được đặt hàng – được thiết kế theo tiêu chuẩn mới nhất – với tổng chi phí là 380 triệu USD.
Tháng 3/1918, Đạo luật Kiểm soát Đường sắt được thông qua, tuyên bố rằng trong vòng 21 tháng kể từ khi ký hiệp ước hòa bình, các tuyến đường sắt sẽ được chính phủ trả lại cho chủ sở hữu, và chủ sở hữu sẽ được bồi thường vì tài sản của họ đã bị trưng dụng. USRA giải tán hai năm sau đó, và vào tháng 3/1920, và đường sắt Mỹ một lần nữa trở thành tài sản tư nhân.