Nguồn: Ezekiel Kweku, “The Thin Blue Line That Divides America,” New York Times, 04/01/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ba năm trước đây, giữa những lá cờ mà những người ủng hộ Donald Trump mang theo khi họ xông vào Điện Capitol – gồm cờ Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) năm 2016 và cờ Keep America Great (Giữ cho nước Mỹ luôn vĩ đại) năm 2020, cờ chiến đấu của Hợp bang miền Nam, cờ Gadsden, cờ Cây thông, và cờ Sao và Sọc (Quốc kỳ) – đã xuất hiện một biến thể quen thuộc của lá cờ Mỹ: các ngôi sao trắng trên nền đen, các sọc đen trắng xen kẽ nhau, ngoại trừ sọc đầu tiên có màu xanh lam.
Xét về thiết kế, lá cờ này trông khá lạ. Sọc màu xanh này cố gắng tạo ra tính đối xứng lên một hình ảnh về cơ bản là bất đối xứng. Nhưng với tư cách là một biểu tượng chính trị, nó có sức mạnh không thể phủ nhận. Là sự kết hợp của Quốc kỳ Mỹ với biểu tượng đại diện cho cảnh sát, lá cờ với đường kẻ màu xanh lam (cờ Blue Lives Matter) đã thực sự trở thành một tuyên bố mạnh mẽ.
Được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 2010, nó nhanh chóng trở thành biểu tượng phổ biến của cảnh sát, thể hiện niềm tự hào, tình đoàn kết, tưởng nhớ, và thách thức. Nhưng nó còn đại diện cho nhiều hơn thế. Ngoài việc là dấu hiệu ngành nghề, lá cờ còn là biểu tượng của bản sắc cá nhân, một biểu tượng không chỉ dành riêng cho các thành viên của cơ quan hành pháp – mà sau cùng, còn có thể được sử dụng để chống lại họ.
Làm thế nào mà một biểu tượng ủng hộ cảnh sát lại được những kẻ bạo loạn mang theo khi họ đối đầu với cảnh sát? Đó là một câu chuyện kéo dài suốt 70 năm về cảnh sát, tội phạm, và chính trị trong việc tạo ra một bản sắc nhóm mới – một bản sắc giúp Trump được bổ nhiệm làm tổng thống và cố gắng giữ ông ở vị trí đó. Và nó đã bắt đầu ở phía bên kia đại dương xa xôi, trong Chiến tranh Crimea từ 169 năm trước.
Năm 1854, liên minh Ottoman, Anh, và Pháp đã cố gắng ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga vào thành phố cảng nhỏ Balaclava. Phóng viên chiến trường William H. Russell đã quan sát trận chiến từ một sườn núi gần đó, và bài viết mà ông gửi về cho tờ Times of London đã thể hiện khung cảnh trận chiến một cách vô cùng sống động – kỵ binh Nga tựa “những đám mây ngồi trên lưng ngựa, quay cuồng trong cuộc hành quân như những chiếc lá mùa thu bị gió thổi bay;” và cuộc tiến công của họ trông như “những vệt người đang di chuyển, chạy khắp thung lũng như ánh trăng trên mặt nước.”
Vào thời điểm quan trọng nhất của trận chiến, kỵ binh Nga với quân số áp đảo đã ồ ạt tiến về phía Trung đoàn 93 của Anh, những người đang đứng chắn để bảo vệ căn cứ. Russell viết rằng trung đoàn áo đỏ – được xếp thành hai hàng, thay vì bốn hàng như thường lệ – trông giống như một “vệt màu đỏ đứng bên cạnh một hàng súng thép.” Trung đoàn 93 đã bắn hai loạt đạn vào quân Nga. Sang loạt đạn thứ hai, kỵ binh Nga đã chuyển hướng, thế là căn cứ được giữ vững và một huyền thoại ra đời.
Vài tháng sau, Times đưa tin rằng trong một cuộc tranh luận ở Hạ viện Anh về việc chiến công dũng cảm nào nên được vinh danh bằng huy chương, Bá tước Ellenborough đã ca ngợi sự anh hùng của “’đường kẻ màu đỏ’ đã đối đầu và đánh tan quân Nga.” Gần như chắc chắn, bá tước đã đề cập đến câu chuyện của Russell, nhưng việc Ellenborough diễn đạt lại từ ‘vệt’ (streak) thành ‘đường kẻ’ (line) là ngẫu nhiên, hay thực sự có chủ ý vẫn sẽ là bí mật của lịch sử. Dù thế nào đi nữa, phiên bản ‘đường kẻ màu đỏ’ đã chiếm ưu thế trong ngôn từ thông dụng, đến mức nhiều năm sau, ngay cả Russell cũng đã quên mất rằng đường kẻ đó từng là một vệt.
Gần như ngay sau khi cụm từ này được đặt ra, định nghĩa của nó đã được mở rộng để trở thành từ đồng nghĩa với quân đội Anh nói chung, và thường được dùng để mô tả lòng dũng cảm của họ khi đối mặt với kẻ thù có quân số vượt trội. Thế rồi các màu sắc mới liên tục được thêm vào – đường kẻ màu trắng để chỉ thực dân Anh, trong khi đường kẻ màu vàng là các nhà hoạt động bảo thủ.
Còn tại Mỹ, Willis John Abbot, một nhà báo quân sự, đã viết về Trận Vicksburg, nơi “quân miền Nam đã rơi vào tình trạng bối rối, dao động, và thất bại trước một đường kẻ màu xanh lam” – có ý chỉ lực lượng của Liên minh miền Bắc. Các nhà báo khác lại sử dụng khái niệm này để chỉ những Kỵ sĩ Rough Rider ở Cao nguyên San Juan và các đồn trú biên giới của Mỹ trải dài khắp miền Tây.
Khi tuổi già khiến cho hàng ngũ cựu binh thời Nội chiến Mỹ dần thưa thớt, và màu ô liu và nâu dần thay thế màu xanh lam trên quân phục, “đường kẻ màu xanh lam” đã được dùng để chỉ một nhóm mới: các sĩ quan cảnh sát.
Gần một thế kỷ sau Trận Balaclava, William H. Parker, một sĩ quan cảnh sát chuyên nghiệp và một cựu binh Thế chiến II từng bị thương ở Normandy, đã trở thành người đứng đầu Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD). Năm 1950, sự thăng tiến của ông đi kèm với nhiệm vụ nhổ tận gốc nạn tham nhũng và khôi phục hình ảnh đã bị tổn hại của Sở. Và trên chiến trường Crimea, ông đã tìm thấy một phép ẩn dụ để thực hiện cả hai nhiệm vụ này.
Parker tuyên bố: “Giữa các công dân tuân thủ pháp luật và những tên tội phạm chuyên săn lùng họ, có một đường kẻ màu xanh lam – chính là các sĩ quan cảnh sát.” Theo tầm nhìn của ông, cảnh sát không chỉ bảo vệ an toàn công cộng, mà còn chống lại sự suy tàn của nền văn minh phương Tây, sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Cộng sản, sự thờ ơ về mặt đạo đức của nước Mỹ thời hậu chiến, sự suy tàn của gia đình hạt nhân…
Parker đã xây dựng lại Sở Cảnh sát Los Angeles theo hình ảnh chuyên nghiệp của “đường kẻ màu xanh lam.” (Nhằm quảng bá cho sự chuyển đổi này, ông đã tạo ra chương trình trò chuyện The Thin Blue Line, và đồng sáng tạo thuật ngữ Dragnet, để chỉ các thủ tục phá án của cảnh sát.) Ông rút các sĩ quan của mình khỏi các sự kiện cộng đồng và các cuộc đi bộ tuần tra, thay vào đó bố trí xe hơi cho họ, và cách ly họ khỏi sự giám sát chính trị. Những thay đổi này quả thực đã làm giảm tham nhũng, nhưng chúng còn có một tác động khác: biến LAPD thành một đội quân.
Đường kẻ màu xanh lam sẽ trở thành phép ẩn dụ chủ đạo cho cảnh sát. Năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan cho biết “đường kẻ màu xanh lam đã ngăn chặn một khu rừng chiếm lại vùng đất trống mà chúng ta gọi là nền văn minh.” Năm 1993, Tổng thống Bill Clinton gọi lực lượng này “không gì khác hơn là tấm đệm của chúng ta nhằm chống lại sự hỗn loạn, chống lại những xung động tồi tệ nhất của xã hội này.”
Nhưng tầm nhìn của Parker đã vượt ra ngoài phạm vi nghề nghiệp của cảnh sát. Năm 1965, ông nói với một ủy ban dân quyền đang điều tra Bạo loạn Watts rằng “theo quan điểm của tôi, cảnh sát là nhóm thiểu số bị chà đạp, bị áp bức, và bị ngăn trở nhiều nhất ở nước Mỹ.” Nửa thế kỷ sau, niềm tin này sẽ khơi dậy một nền chính trị bản sắc làm mờ đi đường kẻ màu xanh lam. Đối với những người ủng hộ tư tưởng này, trở thành cảnh sát không nhất thiết là trở thành một người lính trong cuộc chiến giữa trật tự và hỗn loạn, mà còn hơn thế nữa. Trong một số trường hợp, điều này thậm chí có thể bị coi là phi pháp. Nhóm này vì thế sẽ có một lá cờ thể hiện phép ẩn dụ yêu thích của Parker.
Chí ít là kể từ thập niên 1980, các sĩ quan cảnh sát đã bắt đầu thêm một sọc màu xanh lam vào dải băng tang màu đen gắn trên huy hiệu của họ, nhằm tưởng nhớ những đồng nghiệp đã hy sinh. Đến những năm 1990, Steve Bollinger, một huấn luyện viên bắn súng của cảnh sát ở Hạt DeKalb, Georgia, đã bán những chiếc ghim cài ve áo và đề can xe hơi hình sọc xanh trên nền đen – nhưng chỉ bán cho các sĩ quan đồng nghiệp. (Tuy nhiên, những thường dân nhanh nhạy đã phát hiện ra rằng việc dán đề can lên xe có thể giúp bạn tránh bị phạt vì chạy quá tốc độ). Nhưng vào cuối năm 2014, Andrew Jacob, sinh viên Đại học Michigan, đã nhìn thấy cơ hội tiếp thị một phiên bản khác của biểu tượng này.
Trong lúc nước Mỹ sôi sục giữa làn sóng biểu tình sau quyết định không truy tố các sĩ quan cảnh sát về cái chết của Michael Brown và Eric Garner, cũng như trong vụ Tamir Rice, Jacob đã phác thảo một lá cờ Mỹ có hai màu đen trắng với một sọc xanh chạy ngay bên dưới các ngôi sao. Nhiều tuần sau, khi hai sĩ quan cảnh sát New York bị giết bởi một người đàn ông thề sẽ trả thù cho Brown và Garner, Jacob đã bắt đầu sản xuất và bán lá cờ của mình, từ đó giúp thúc đẩy một phong trào mới.
Blue Lives Matter không chỉ thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết đối với cảnh sát, mà còn là một phản ứng và phản đối Black Lives Matter. Nó gợi ý rằng không phải chỉ có mạng sống của người da đen mới bị xã hội đánh giá thấp, mà mạng sống của các sĩ quan cảnh sát cũng vậy.
Khẩu hiệu nghe có vẻ vô hại của Black Lives Matter có thể đại diện cho một loạt các vấn đề chính trị, từ yêu cầu đơn giản là giảm số người bị cảnh sát giết chết, đến một quan điểm rộng hơn, rằng hệ thống tư pháp hình sự – và gần như mọi thể chế của Mỹ – đều phân biệt chủng tộc và phải bị bãi bỏ.
Tương tự, Blue Lives Matter cũng là một phong trào đi ngược lại sự đơn giản trong tên gọi của nó: Nó chắc chắn có nghĩa là các cảnh sát xứng đáng được tôn trọng, vì đã đảm nhiệm một công việc quan trọng và nguy hiểm. Nhưng nó cũng có thể có nghĩa là nền chính trị mang tính chủng tộc quá mức đã đảo ngược hệ thống tư pháp hình sự, trừng phạt những người gìn giữ hòa bình, chiều chuộng bọn tội phạm, và biến những người mang huy hiệu cảnh sát trở thành những nạn nhân bị cô lập trên toàn quốc. Blue Lives Matter đã biến cảnh sát thành một nhóm liên kết.
Đây là lý do tại sao lá cờ có đường kẻ màu xanh lam này lại có thể hoà hợp với các biểu tượng khác xuất hiện trong cuộc biểu tình Unite the Right (Hữu khuynh Hợp nhất) của liên minh cực hữu tại Charlottesville, Virginia vào năm 2017. Chúng bao gồm cờ Kekistan, được dùng như một sự tôn kính đối với Quốc Xã; cờ Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia, một kết hợp lộn xộn giữa lá cờ của Đức Quốc Xã và cờ Mỹ; cờ Mắt Rồng của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng thuộc phong trào Bản sắc Mỹ; cờ chữ vạn và mặt trời đen; cờ chiến đấu của Hợp bang miền Nam. Jacob ngay lập tức lên án việc những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng sử dụng cờ Blue Lives Matter, nhưng tiềm năng biểu tượng của nó đã được chứng minh từ nhiều tháng trước. Khi Hạ nghị sĩ Steve King bị chỉ trích vì để một lá cờ chiến đấu của Hợp bang miền Nam trên bàn làm việc của mình – ông vốn là đại diện của Iowa, một bang thuộc Liên minh miền Bắc, không có di sản miền Nam – ông đã lặng lẽ thay thế nó bằng một lá cờ có đường kẻ màu xanh lam.
“Tổ tiên” gần nhất của cờ Blue Lives Matter là lá cờ Mỹ có hai màu đen trắng, mà nay đã bị lãng quên, nhưng từng được dùng bởi những người biểu tình Black Lives Matter ngay sau vụ giết hại Brown ở Ferguson, Missouri. Về mặt chức năng, nó gợi nhớ đến sự hoán đổi màu sắc trong lá cờ của người Mỹ gốc Phi của nghệ sĩ David Hammons, đổi màu đỏ, trắng, và xanh lam thành màu đỏ, đen, và xanh lục của phong trào châu Phi. Qua bảng màu tối giản này, nó đã gợi lại hình ảnh những huy hiệu cờ Mỹ nhạt màu trên trang phục nguỵ trang của quân đội. Giống như lá cờ LGBT của Mỹ, nó cũng là một cách chơi chữ bằng hình ảnh, nhưng mang thông điệp nghiêm túc hơn: Đường màu xanh đã chia rẽ nước Mỹ với chính nó.
Giống như các phiên bản kết hợp khác của cờ Mỹ, lá cờ có đường kẻ màu xanh lam là một điểm tập hợp cho một bản sắc bị gạt ra ngoài lề xã hội, một cách để khẳng định các quyền của người Mỹ, và một yêu cầu được tôn trọng vốn đã bị phủ nhận từ lâu. Và bạn không cần phải là một cảnh sát thì mới có thể ủng hộ quan điểm đó.
Bản sắc đang nở rộ này là cơ hội cho bất kỳ chính trị gia nào đủ táo bạo để nắm bắt nó. Trong khi người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha ngày càng mất niềm tin vào cảnh sát, thì niềm tin đó lại đang tăng lên đối với người Mỹ da trắng. Donald Trump đặc biệt thích hợp để tận dụng sự trỗi dậy của cảnh sát trong chính trị bản sắc. Ông bước vào chính trường từ những năm 1980, với lời kêu gọi khôi phục án tử hình và giảm bớt sự giám sát lên cảnh sát. Vì vậy, cũng chẳng ngạc nhiên khi chương trình tranh cử của Trump lại đi kèm với những lời kêu gọi cảnh sát “cứng rắn hơn”, mở rộng các biện pháp rà soát nghi can (stop and frisk), yêu cần án tử hình cho những kẻ giết chết các sĩ quan cảnh sát, “kiểm tra nghiêm ngặt” những người tị nạn, xây dựng bức tường biên giới phía nam, và cấm người nhập cư từ các quốc gia có đông dân số theo đạo Hồi.
Tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa năm 2016, sau khi Trump giành được đề cử, David Clarke, cảnh sát trưởng gốc Phi của Hạt Milwaukee, đã đứng trước đám đông, đeo một chiếc ghim có hình lá cờ với đường kẻ màu xanh lam trên đồng phục của mình, và lên tiếng phản đối “tình trạng hỗn loạn” của phong trào Black Lives Matter cũng như “sự sụp đổ của trật tự xã hội”.
Đến khi Trump bắt đầu chiến dịch tái tranh cử năm 2020, phong trào Black Lives Matter đã nổi lên trở lại sau cái chết của George Floyd, bởi nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã mang lại sự cấp bách mới và tình hình khó khăn hơn do Covid gây ra. Chiến dịch tranh cử của Trump mô tả các thành viên Đảng Dân chủ là kẻ thù của luật pháp và trật tự, những người tìm cách gây bạo loạn ở các thành phố của Mỹ và gây hỗn loạn ở biên giới.
Tại một cuộc mít tinh ở Waukesha, Wisconsin, lá cờ có đường kẻ màu xanh lam đã chiếm vị trí trung tâm, được treo phía trên đám đông, ngay phía sau bục phát biểu của Trump, ở vị trí mà theo truyền thống phải là Quốc kỳ Mỹ. Tại Macon, Georgia, nó được treo thẳng đứng phía sau sân khấu, song song với cờ Sao và Sọc. Tại một cuộc mít tinh ở Thành phố Bullhead, Arizona, nó được dùng để trang trí khán đài cạnh bục phát biểu, trong khi một phiên bản khổng lồ đã được giương cao bằng cần cẩu phía trên đám đông. Từ trên sân khấu, Trump tuyên bố rằng trong khi ứng viên của Đảng Dân chủ đứng về phía “những kẻ bạo loạn và phá hoại,” thì ông đứng về phía “những anh hùng của lực lượng hành pháp”.
Tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa, Phó Tổng thống Mike Pence đã nói rõ những hậu quả nếu Trump thua trong cuộc bầu cử: “Có một sự thật phũ phàng là bạn sẽ không được an toàn ở nước Mỹ của Joe Biden. Dưới quyền Tổng thống Trump, chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng những người đang đại diện cho đường kẻ màu xanh lam.”
Để bảo vệ người Mỹ khỏi những gì ông nói là âm mưu đánh cắp cuộc bầu cử và phá hủy đất nước, Trump đề nghị những người ủng hộ ông – cảnh sát, quân đội, người đi xe đạp, công nhân xây dựng – đối đầu với kẻ thù của ông trên đường phố, theo đó xem những người ủng hộ ông như là các đại diện của luật pháp “Họ là những người ôn hòa, chống phát xít (antifa), và nhiều hơn thế – tốt hơn hết hãy hy vọng họ sẽ luôn như vậy.”
Sau khi lời tiên tri của Trump trở thành hiện thực, và “cuộc đảo chính” của nền dân chủ đại diện đã từ chối trao cho ông nhiệm kỳ thứ hai, khi những người ủng hộ ông tập hợp lại trên bãi cỏ trước Điện Capitol, khó tránh khỏi việc họ coi mình là người thực thi luật pháp và trật tự, và thế là một đường kẻ màu xanh lam đối đầu với một đường kẻ màu xanh lam khác.
Sau ngày 6/1, khi cả nước Mỹ chứng kiến cờ Blue Lives Matter được giương cao bởi những kẻ bạo loạn đã tấn công sĩ quan Cảnh sát Thủ đô Michael Fanone (ông nói rằng họ đã dùng lá cờ đó để đánh ông theo đúng nghĩa đen), lá cờ có đường kẻ màu xanh lam đã ngày càng gây nhiều tranh cãi giữa các sĩ quan cảnh sát. Năm 2023, Sở Cảnh sát Los Angeles quyết định cấm trưng bày lá cờ này tại các nơi làm việc công cộng của cảnh sát. Trong một email giải thích quyết định của mình với các sĩ quan, Cảnh sát trưởng Michel Moore than thở rằng “các nhóm cực đoan” đã “cướp mất” lá cờ của họ.
Tuy nhiên, không phải những kẻ cơ hội đã biến sọc xanh trên lá cờ thành thứ gây chia rẽ nước Mỹ, bởi ý tưởng đó ngay từ đầu đã được dệt vào tấm vải.
Ezekiel Kweku là biên tập viên phụ trách các dự án đặc biệt trên chuyên mục bình luận của New York Times.