Nguồn: Afrikaner police admit to killing Stephen Biko, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1997, tại Nam Phi, bốn cựu cảnh sát thời kỳ apartheid đã xuất hiện trước Ủy ban Sự thật và Hòa giải, và thừa nhận đã giết Stephen Biko, nhà lãnh đạo phong trào “Nhận thức về người da đen” (Black Consciousness Movement, BCM) của Nam Phi vào năm 1977.
Năm 1969, Biko, một sinh viên y khoa, đã thành lập một tổ chức cho sinh viên da đen Nam Phi để chống lại chính sách phân biệt chủng tộc apartheid của chính phủ thiểu số da trắng, đồng thời thúc đẩy bản sắc của người da đen. Năm 1972, ông tham gia tổ chức Đại hội Người da đen và năm sau đó bị chính phủ da trắng (Afrikaner) cấm tham gia hoạt động chính trị. Bốn năm sau, vào tháng 9/1977, ông bị bắt vì tội lật đổ. Trong lúc bị cảnh sát giam giữ tại Port Elizabeth, Biko đã bị đánh đập dã man và sau đó bị đưa đi hơn 1125 km đến Pretoria, nơi ông bị ném vào một phòng giam. Ngày 12/09/1977, ông qua đời trong tình trạng trần truồng, bị cùm trên sàn nhà bẩn thỉu của một bệnh viện cảnh sát. Tin tức về vụ giết người chính trị, bị phủ nhận bởi chính phủ Nam Phi, đã dẫn đến các cuộc biểu tình quốc tế và lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc.
Năm 1995, sau quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình cho đa số người da đen ở Nam Phi, Ủy ban Sự thật và Hòa giải được thành lập để xem xét chính sách apartheid kéo dài hàng thập niên, cũng như giải quyết những người đã lạm dụng quyền lực của họ dưới chế độ này. Tuy nhiên, trong một điều khoản của thoả thuận chuyển giao quyền lực, chính phủ thiểu số da trắng sắp mãn nhiệm yêu cầu ủy ban phải ân xá cho những người đến đầu thú về các tội ác có động cơ chính trị trong thời kỳ apartheid. Desmond Tutu, người đoạt Giải Nobel Hòa bình, đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu ủy ban, và ủy ban này ngay sau đó đã bị nhiều người Nam Phi chỉ trích vì luôn sẵn sàng ân xá.
Đầu năm 1997, bốn cựu cảnh sát, bao gồm cả Đại tá Cảnh sát Gideon Nieuwoudt, đã xuất hiện trước ủy ban và thừa nhận đã giết Stephen Biko hai thập niên trước đó. Ủy ban đồng ý xem xét yêu cầu ân xá chính trị của họ, nhưng đến năm 1999 đã từ chối cấp ân xá vì bốn người này không thể thiết lập động cơ chính trị cho vụ giết người dã man. Các đơn xin ân xá khác vẫn đang được xem xét.