Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”
Ngày 25 tháng Giêng năm Cảnh Thống thứ 3 [24/2/1500], tức Minh Hoằng Trị năm thứ 13, Vua sai 2 sứ bộ sang nhà Minh: Hình bộ tả thị lang Nguyễn Duy Trinh, Lễ khoa đô cấp sự trung Lê Lan Hinh, Thượng bảo thiếu khanh Nguyễn Nho Tông tạ ơn phúng tế Vua cha Thánh Tông; Đông các học sĩ Lưu Hưng Hiếu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Đỗ Nhân, Thông sự ty thừa Bùi Đoan Giáo tạ ơn việc sách phong và xin ban mũ áo cho Vua. Năm sau các sứ bộ đến Bắc Kinh, được ban yến, tặng các loại lụa; và tặng cho Vua Hiến Tông một bộ lễ phục, một bộ thường phục, 1 bộ dây đai vàng và tê giác. Sau khi nhận y phục, Sứ thần Đông các học sĩ Lưu Hưng Hiếu nhận thấy rằng y phục tặng cho Vua không đúng theo phục sức của tước Vương, nên đưa lời khiếu nại; triều đình nhà Minh với lập luận kỳ thị, bảo rằng Vương An Nam còn có bổn phận làm thần dân của Thiên tử, nên chỉ ban y phục thần dân mà thôi:
“Ngày 5 tháng 4 năm Hoằng Trị thứ 14 [ 21/4/1501]. Ban cho Quốc vương An Nam Lê Huy mũ da, một bộ lễ phục, 1 bộ thường phục, 1 bộ dây đai vàng và tê giác. Đồ vật ban cho theo lời xin.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 155.
“Ngày 13 tháng 5 năm Hoằng Trị thứ 14 [ 29/5/1501]. Quốc vương An Nam Lê Huy sai bọn Bồi thần Lưu Hưng Hiếu dâng biểu văn và sản vật địa phương để tạ ơn. Khi trở về ban cho Huy các vật như gấm, lụa đoạn. Cùng ban cho bọn Hưng Hiếu yến, và y phục bằng lụa, đoạn, có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 155.
“Ngày 23 tháng 6 năm Hoằng Trị thứ 14 [ 7/7/1501]. Trước đó Thiên tử ban cho Quốc vương Lê Huy mũ da, 1 bộ lễ phục, 1 bộ thường phục. Bọn Bồi thần Lưu Hưng Hiếu lại tâu rằng:
‘Vương nước chúng tôi đã được thụ phong tước Vương, nhưng đồ vật ban cho như thường phục với mũ lụa đen, thì không khác gì các thần dân khác, dường như chưa xứng đáng. Xin được đổi lại, và ban cho y phục tước Vương.’
Bộ Lễ bàn xong rồi nêu lên rằng:
‘An Nam vị trí ở nơi hoang dã phía nam, hâm mộ văn minh giáo hóa. Tổ tiên ta cho là biết giữ bổn phận bề tôi, nên phong cho chúa nước này làm An Nam Quốc vương; vốn để cai trị một phương, làm phên dậu cho Trung Quốc. Tuy danh là Vương, nhưng việc làm thực là thần. Bởi vậy trước sau nối tiếp trên 100 năm nay, danh vị, y phục, mũ áo đều theo thứ bực; yến tiệc lễ nghi đều theo chế độ qui định. Phàm Quốc vương nước này qua đời, xin nối ngôi; triều đình nghĩ đến nước xa xôi bèn gửi Sứ giả đến phong và làm lễ tế. Ban cho Vương mũ, 1 bộ lễ phục để không thiếu vẻ vinh quang của vị chúa; lại ban cho một bộ thường phục, để khỏi quên đạo làm bề tôi; ân nghĩa kiêm toàn, danh phận không lẫn lộn.
Nay bọn Bồi thần Lưu Hưng Hiếu không hiểu đại thể, muốn đem đồ thường phục ban cho Vương đổi lấy vương phục, để y phục của Vương khác với các quan khác. Không hiểu rằng Vương của nước này còn có bổn phận làm thần dân của Thiên tử; phàm chế độ triều đình ban ra đều hàm chứa danh và khí.
Nhưng việc này thực ra không phải do Hưng Hiếu; bọn Thông sự nước này như Phạm Hoài Cẩn ôm lòng gian xui bày, xin điều tra trừng trị để cảnh cáo trong tương lai.’
Thiên tử phán:
Phạm Hoài Cẩn, Lưu Hưng Hiếu vốn đáng điều tra trừng trị, nhưng tha cho không hỏi, vẫn ra lệnh bộ Lễ ban lời dụ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 156.
Ngày 11 tháng 2 [10/3/1500], ra qui định về trường hợp ngành giáo dục thiếu chức Huấn đạo, có thể bổ dụng các Cử nhân có đức hạnh, thi hội trúng tam trường:[1]
“Thừa chế Đặng Tuấn Truyền kính nhận được chiếu chỉ nói rằng: Các xá sinh thi hội trúng tam trường và hàng năm nhiều lần trúng thưởng, nếu chức huấn đạo có khuyết thì cho quan Quốc tử giám bảo đảm người có đức hạnh, có tư cách đáng làm thầy đưa sang Lại bộ để thuyên bổ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 21a.
Tháng 4 [28/4-27/5/1500], lấy Dương Trực Nguyên thăng làm Đô đình uý. Trước kia, Trực Nguyên làm Phủ doãn, đàn hặc, trấn áp bọn cường hào, những kẻ có quyền thế cũng phải chùn tay. Lê Quảng Độ bảo đảm rằng Trực Nguyên có phép cai trị, là người cương nghị, có thể thăng làm Đình uý, vì thế có lệnh này.
Tháng 10 [23/10-20/11/1500], qui định y phục mũ áo. Sai Lễ bộ yết bảng để các vương công, hầu, bá, phò mã, các quan văn võ trong ngoài, nho lại, các quân sắc và dân chúng chiểu theo kiểu mũ áo mình được dùng, mà tuân hành:
“Theo Hội Điển triều Lê, các tướng công trong hoàng thân và quan văn, quan võ từ tam phẩm trở lên, khi vào triều, mũ dùng kiểu mũ phốc đầu.[2] Mũ: của hoàng thân trang sức bằng vàng, quan văn, quan võ trang sức bằng bạc; áo dùng màu tía. Bổ tử [tấm vải hình vuông che ngực]: các tước công trong hoàng thân dùng hình con kỳ lân, quan nhất, nhị phẩm, về hàng văn dùng hình con tiên hạc, về hàng võ dùng hình con sư tử, tam phẩm về hàng văn dùng hình con cẩm kê, về hàng võ dùng hình con bạch thạch. Đai lưng: dùng sừng con tê hoa, đai của hoàng thân trang sức bằng vàng, quan văn, hoặc võ hàm nhất, nhị phẩm trang sức bằng bạc, quan tam phẩm dùng đồi mồi trang sức bằng bạc. Bao lưng: dùng lụa đỏ.
Các quan từ tứ phẩm đến ngũ phẩm; mũ: về hàng võ dùng nón sơn trắng, về hàng văn dùng kiểu phốc đầu, không có trang sức; áo; dùng màu lục. Bổ tử: quan tứ phẩm, về hàng võ dùng hình con hổ, về hàng văn dùng hình con công; ngũ phẫm, về hàng võ dùng hình con báo, về hàng văn dùng hình con văn nhạn. Đai lưng: quan văn, quan võ đều dùng đồi mồi, trang sức bằng thau. Bao lưng: dùng lụa đỏ.
Lục phẩm trở xuống, mũ: về hàng võ dùng nón sơn đỏ, về hàng văn dùng kiểu phốc đầu, không có trang sức; áo: dùng màu xanh; bổ tử: về hàng võ dùng hình con voi, về hàng văn dùng hình con bạch nhàn; đai lưng: quan văn. quan võ đều dùng tốc hương, chung quanh viền thau; bao lưng: dùng đoạn thâm.
Áo mặc khi thượng triều: các quan hàm nhất, nhị phẩm trở lên dùng các hàng gấm vóc có dệt hoa lá sặc sỡ; tam phẩm đến ngũ phẩm dùng các hàng gấm vóc; lụa phẩm trở xuống dùng các hàng tơ lĩnh.
Mệnh phụ [vợ các quan], đều theo với phẩm trật của chồng.
Giám sinh, nho sinh, học sinh, sinh đồ, lại điển và quan viên tử, quan viên tôn đều dùng các hàng lĩnh, là. Thứ dân đều dùng các hàng lĩnh là hoặc vải, lụa.” Cương Mục, quyển 2, trang 10.[3]
Ngày mồng một tháng giêng năm Cảnh Thống thứ 4 [19/1/1501], tức Minh Hoằng Trị năm thứ 14, Vua ngự về Tây Kinh, cấm các quan theo hầu không được sai quân chở vợ con hoặc kỹ nữ đi theo, bừa bãi tình dục.
Cấm đánh đập tàn nhẫn thuộc hạ. Xuống chiếu rằng: Quan trông coi lính và thợ, khi đốc thúc làm việc công, nếu có ai lười biếng, vắng mặt, đáng phải xử lý thì tuyên bố tội trạng, trừng trị theo pháp luật; không được tự mình dùng gậy, dùng tay chân, gạch ngói, dùi gỗ mà đánh đập tàn nhẫn họ. Ai vi phạm thì phải trị tội theo luật.
Ngày mồng 1 tháng 9 [12/10/1501], mưa to, nước tràn ngập kinh thành. Định lệnh sai dịch và thuế cho các loại dân:
”Nhà vua hạ sắc lệnh định thuế sai dịch của nhân đinh: Mỗi suất đinh đồng niên nộp cổ tiền[4] 1 quan 2 tiền; hạng sinh đồ, hoàng đinh và hạng lão thì cứ hai người chuẩn làm một suất; người tàn tật bất cụ:[5] người nào không thể làm nghề gì sinh sống, đều được miễn; người nào có thể làm nghề nghiệp sinh sống, sẽ thu nửa phần thuế thân.” Cương Mục, quyển 2, trang 12.
Ngày 16 tháng 11 [25/12/1501], Vua sai Lại bộ tả thị lang Nguyễn Úc, Đông các hiệu thư Đinh Cương, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Đặng Minh Khiêm sang triều Minh cống hàng năm. Tháng 10 năm sau đến Yên Kinh, được ban yến và y phục; cùng gửi quà tặng cho Vua, gấm, lụa quí. Sau đó Sứ thần Nguyễn Úc mất tại kinh đô, nhà Minh cho tế lễ và đưa linh cửu về nước:
“Ngày 4 tháng 10 năm Hoằng Trị thứ 15 [ 3/11/1502]. Quốc vương An Nam Lê Huy sai Bồi thần bọn Nguyễn Úc đến cống. Lúc trở về ban cho Vương các vật như gấm, lụa đoạn. Lại ban cho bọn Nguyễn Úc yến tiệc, cùng y phục lụa, đoạn, như thường lệ.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 157.
“Ngày 24 tháng 10 năm Hoằng Trị thứ 15 [23/11/1502]. Bồi thần nước An Nam Nguyễn Úc đến triều cống, chết tại kinh sư. Mệnh ban lễ tế; và đưa tang về nước.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 157.
Ngày 25 tháng chạp [2/2/1502], ra sắc chỉ quy định thể lệ thi Hương để thi hành. Đại cương, đến kỳ thi Hương, xã trưởng phải bảo lĩnh cho học trò xã mình; những con em nhà lương thiện, có hạnh kiểm, học vấn, biết làm văn đủ các thể của bốn trường. Xã lớn 20 người, xã vừa 15 người, xã nhỏ 10 người. Xã trưởng kê khai họ tên, lý lịch; phải qua một kỳ ám tả, ai đỗ thì hai ty Thừa Hiến theo lệ mà khảo thí rồi mới cho vào thi.
Khi học trò vào thi, các quan đề điệu, giám thi, phải sai các viên giám quan khám xét, hiệp đồng kiểm tra trường thi, tìm xét mọi dấu vết, xem có chỗ nào cất dấu Thi, Thư và các tài liệu khác. Đến khi học trò vào trường thi, thì phải khám xét kỹ từ ngoài cửa. Nếu thấy người nào sao chép văn bài mang theo, hoặc là người nào thi hộ thì phải bắt ngay người đó đưa ra xét hỏi. Người can phạm bị sung làm quân bản phủ 3 năm, suốt đời không được vào trường thi nữa.
Các viên giám thị niêm phong bài thi, kẻ nào có hành động không minh bạch thì bị biếm hay giáng chức.
Tháng 2 năm Cảnh Thống thứ 5 [9/3-6/4/1502], tức Minh Hoằng Trị năm thứ 15, thi Hội các cử nhân trong nước. Số dự thi là 5.000 người, lấy đỗ 61 người. Vào thi Đình chọn 3 Tiến sĩ cập đệ, 24 Đệ nhị giáp, 30 Đệ tam giáp:
“Vua xem xong, cho bọn Lê Ích Mộc, Lê Sạn, Nguyễn Văn Thái 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Cảnh Diễn, Lê Nhân Tế 24 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Khiêm Bính, Nguyễn Mậu 34 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Vua ngự điện Kính Thiên, Hồng lô tự truyền loa xướng danh. Mọi năm bảng vàng vẫn treo ở ngoài cửa Đông Hoa, đến nay vua sai Lễ bộ bưng ra, đánh trống nổi nhạc rước ra treo ở cửa nhà Thái học. Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học bắt đầu từ đó.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 28b.
Ngày 18 tháng 11 [17/12/1502], sai Thái thường tự khanh Quách Hữu Nghiêm, Giám sát ngự sử Nguyễn Bỉnh Hoà, Cấp sự trung Trần Mậu Tài sang nhà Minh tạ ơn ban cho mũ áo. Quách Hữu Nghiêm dâng bài biểu về việc dâng kỳ hương, được vua Minh khen. Riêng Minh Thực Lục chép sự việc vào năm sau; xác nhận Sứ thần Quách Hữu Nghiêm dâng biểu, được ban y phục và lụa. Bài biểu văn như sau:
“Bọn thất phu mang ngọc bích, bị Lân kinh[6] chê là tham của, lái buôn rợ Hồ giữ hạt châu, mà Mã sử[7] răn là liều mình. Cho nên, kẻ tự gõ cửa dâng thư được khen là trung thuần đáng quý, mà người tiến rau cần, dâng nắng sưởi[8] dẫu nhỏ nhặt cũng đáng nên khen. Hay dở rành rành, gương soi rất rõ. Xét thấy bọn sứ thần bản hộ, cùng nhau đến tự phương xa, tới thăm phong cảnh thượng quốc. Trải muôn dặm trèo non vượt biển, đâu dám sá từ, tưởng chín tầng mây vọng trông nhật nguyệt, mừng ngắm thiên nhan. Tới triều đình Ngu Thuấn văn vật rõ ràng, thấy chế độ nhà Chu y quan lễ nhạc. Một niềm tôn kính, báo đáp khôn bề. Chút ít của cải mang theo, đâu dám mang lòng ngại tiếc. Hiện có một hộp kỳ nam hương lạ, trình giao sai quan chọn lựa dâng lên’.
Vua Minh xem bài văn ấy, cho là bậc nhân tài vào thời Tam đại, sai thái giám Trần Khoa truyền cho lão thần Nội các là bọn Lý Đông Dương xem. Lý tâu rằng: Đó là tấm lòng trung thành của viên ấy, nên ban thưởng hậu để tỏ ý khuyến khích. Vua Minh lại hỏi các quan hầu cận rằng: Hắn làm chức gì ở nước ấy. Các quan trả lời là chức Đô ngự sử. Vua Minh cho dự yến ở trên điện và ban áo màu hồng thẫm thêu hình giải trãi bằng kim tuyến và các thứ đồ tơ gai. ”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 30b.
“Ngày 29 tháng 10 năm Hoằng Trị thứ 16 [ 17/11/1503]. Quốc vương An Nam Lê Huy sai Bồi thần Quách Hữu Nghiêm dâng tờ biểu, sản vật địa phương tạ ân. Đáp lại ban cho Huy các vật như gấm, lụa đoạn. Cùng ban cho bọn Hữu Nghiêm yến tiệc, y phục lụa đoạn có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 159.
Toàn Thư chép thêm, khi Sứ thần Quách Hữu Nghiêm được Vua nhà Minh ban cho chiếc áo đại hồng hoa mây dệt giải trãi bằng kim tuyến và một chiếc thuyền đi nhanh, bèn làm thơ tạ ơn:
“Ngày mồng 9 tháng 2 năm Cảnh Thống thứ 6 [6/3/1503], bọn Quách Hữu Nghiêm đi sứ nhà Minh sắp về, vào từ biệt. Vua Minh sai bọn Tây Di đô đốc đại thông sự, Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ Dương Tông tuyên đọc thánh chỉ, ban cho Quách Hữu Nghiêm chiếc áo đại hồng hoa mây dệt giải trãi bằng kim tuyến, 4 tấm lụa sợi gai, 3 tấm lụa tơ chín. Lại sai Binh bộ thượng thư Tăng Dật phụng sao thánh chỉ cấp riêng cho Quách Hữu Nghiêm một chiếc thuyền đi nhanh, kính theo lệnh này. Quách Hữu Nghiêm dâng bài thơ tạ ơn như sau:
Tằng nhân quốc sự cống trân phong,
Tảo yếu thao bồi ngọc bệ trung.
Trãi thái dĩ chương tam phẩm phục,
Ích chu tái giá bát hoang phong.
Thi từ tiếu phạp khoan như hải,
Tửu lực na kham ẩm tự hồng.
Phúc thọ nghĩ đồng Chu nhã chúc,
Thăng hằng nhật nguyệt chiếu lâm công.
Dịch thơ:
Từng nhân việc nước tạ ân phong,
Yến lớn lạm hầu trước bệ rồng.
Áo trãi nêu màu tam phẩm quý,
Thuyền chim cưỡi gió tám phương thông.
Nguồn thơ thẹn chẳng như khơi biển,
Sức rượu nào kham với ráng hồng.[9]
Phúc thọ chúc bài ca Chu nhã,[10]
Đôi vầng nhật nguyệt sáng soi chung.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 33a.
Ngày mồng 8 tháng Giêng năm Cảnh Thống thứ 6 [4/2/1503], tức Minh Hoằng Trị năm thứ 16, ra sắc lệnh chuẩn bị xe lấy nước để chống hạn, bảo vệ việc làm ruộng:
“Nhà vua hạ sắc lệnh dụ bảo bọn Dưỡng Tĩnh, tham nghị ty Thừa Tuyên sứ ở Thanh Hóa:
‘Trẫm rất lưu tâm đến việc làm ruộng, bọn các ngươi phải hết lòng về việc làm ruộng của dân, nghĩ thi hành chính sách tốt đẹp. Việc hạn hán, thủy lạo là những việc bất thường, cần phải dự bị đề phòng, để việc cày cấy được kịp thời vụ. Trẫm thường cho người đi dò thám, thấy nơi thì ruộng nương trũng thấp, nơi thì đường sá rậm rạp, trời nắng chưa mấy ngày mà dân đã kêu ca là khô cạn quá đỗi. Những việc ấy đều bởi viên chức ở châu, ở huyện không được người tốt đấy. Vậy các người nên sức cho trong hạt mình phải cần làm ngay việc sửa đắp. Các người lại phải chính mình tự đi kiểm xét cửa sông, xe nước, khe nhỏ, đường to. Nếu thấy viên quan nào thừa hành hoàn hảo thì khi khảo công liệt vào hạng nhất; viên quan nào thừa hành một cách dối trá để có chỗ thẩm lậu, thì liệt vào hạng không làm đầy đủ chức phận; rồi đem hết sự thật tâu bày lên trẫm biết, để định việc truất bãi hoặc cho thăng chức“. Cương Mục, quyển 2, trang 15.
Tháng 4 [26/4-24/5/1503], sao Chổi mọc ở phương đông. Lễ bộ tả thị lang Dương Trực Nguyên tâu xin đắp đê bên bờ sông Tô Lịch, trên từ xã Trát Kiều [Thường Tín, Hà Nội] xuống đến xã Cống Xuyên [Thường Tín, Hà Nội] để phòng lụt hạn, làm lợi cho nghề nông, lại xin đào cừ Yên Phúc [Thường Tín, Hà Nội] xuống đến cừ Thượng Phúc [Thường Tín, Hà Nội] để tưới nước cho ruộng dân.
Ngày mồng 6 tháng 5 [30/5/1503] nhân sao chổi mọc, Vua ban thơ ngự chế đề trên quạt, tỏ ý khuyên răn:
“Tinh hỏa hôn trung dạ,
Bồng mang xuất bích đông.
Kinh phương dương đại thủy,
Vệ địa khủng hưng nhung.
Tuần tỉnh vưu tâm lý,
Suy chiêm mạn dị đồng.”
Dịch thơ:
Nửa đêm sao Hỏa mọc,
Tua chổi hiện phương đông.
Đất Kinh lo nước lớn,
Đất Vệ sợ binh nhung.
Chăm nom nên để ý.
Suy xem nghiệm hay không.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 34a.
Tháng giêng năm Cảnh Thống thứ 7 [17/1-15/2/1504], tức Minh Hoằng Trị năm thứ 17, xuống chiếu cho tăng cường việc xây dựng trong cung, dự định xây cất thêm lăng miếu và nhà giải vũ.
Tháng 2 [16/2-15/3/1504], vua ngự về Tây Kinh, Thanh Hóa; tháng 4 [15/4-13/5/1504], thăm Lam Sơn. Khi xa giá trở về cung, thì bị ốm.
Vua vì ham nữ sắc, nên ngày 23 tháng 5 [4/7/1504] bị bệnh nặng, khi sắp mất di mệnh cho hoàng thái tử lên nối ngôi.
Ngày 24 [5/7/1504], vua mất ở điện Đồ Trị. Trước kia, vua xây các điện Thượng Dương, Giám Trị, Đồ Trị, Trường Sinh, để nghỉ ngơi. Vua tự xưng là Thượng Dương động chủ, sinh được 6 hoàng tử, con trưởng là An Vương Tuân, con thứ hai là Uy Mục Đế Tuấn, con thứ ba là Tự Hoàng Thuần, tức Vua nối ngôi Túc Tông; con thứ tư là Thông Vương Dung, con thứ năm là Minh Vương Trị, con thứ sáu là Tư Vương Dưỡng.
Ngày mồng 6 tháng 6 [17/7/1504], Trung quân đô đốc phủ tạ đô đốc Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc phò mã đô uý Lâm Hoài bá Lê Đạt Chiêu cùng các quan phò mã, các quan Ngũ phủ, Lục bộ, Đông các, Hàn lâm viện, Lục tự, Khoa, Đài đến điện Hoàng Cực rước Thái tử Thuần lên ngôi. Đại xá, đổi niên hiệu, lấy năm này làm năm Thái Trinh thứ nhất.
Hiến Tông ưa chuộng văn học, giữ vững cơ đồ, tiết kiệm tiêu dùng, thận trọng hình phạt, sửa chính sự, dùng người hiền, chăm lo cho dân, cũng là bậc vua hiền nhưng ở ngôi không lâu.
Sử thần Vũ Quỳnh có lời bàn như sau: “Vua có tư thế của bậc đế vương, mũi cao, mặt rồng, thần sắc khác thường, Thánh Tông rất yêu quý ngài. Vua đặc biệt anh minh, thông duệ, vượt hơn hẳn mọi người, mà nhân từ, hoà dịu, không hề tỏ vẻ nghiêm khắc. Khi tan chầu lui vào, thường cho dẫn sĩ đại phu tới, hỏi han về việc hay dở, được mất của chính sự, dùng lời nói dịu dàng, nét mặt tươi vui để dẫn dắt cho họ nói ra. Cho nên vua biết rõ tình cảnh người bên dưới, gạt bỏ sự che đậy giấu giếm. Bề tôi có lỗi lầm gì, chỉ răn bảo, quở trách nhẹ nhàng, không nỡ đánh roi làm nhục; biết cách sắp đặt nên nhàn hạ ung dung, chưa bao giờ to tiếng, giận dữ mà thiên hạ đều răm rắp tuân theo. Vua thường nói: Thánh Tổ ta gây dựng đất nước, vua cha ta sửa trong, dẹp ngoài, quy mô đã định, ta không có việc gì phải thay đổi bày đặt, chỉ tuân giữ phép cũ, mở rộng và phát huy thêm, để tỏ rõ công đức của ông cha mà thôi!” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 35a.
Túc Tông Khâm Hoàng Đế tên huý là Thuần, là con thứ ba của Vua Hiến Tông, ở ngôi chưa đầy một năm thì mất, táng ở Kính Lăng. Mẹ là Trang Thuận hoàng thái hậu Nguyễn thị, huý là Hoàn, người làng Bình Lăng, huyện Thiên Thi, tỉnh Hưng Yên. Ngày 11 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 19 [16/9/1488] sinh ra vua. Tháng 3 năm Cảnh Thống thứ 2 [10/4-9/5/1499] được lập làm Hoàng thái tử.
Khi Hiến Tông băng, liền lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thái Trinh, lấy ngày sinh làm Thiên minh thánh tiết, sau khi mất được truy tặng miếu hiệu là Túc Tông. Vua lên ngôi, xưng là Tự Hoàng, làm lễ cáo trời đất tông miếu. Tôn bà nội Trường lạc hoàng thái hậu làm Thái hoàng thái hậu.
Quách Hữu Nghỉêm đi sứ Trung Quốc 2 năm trước, được Vua Minh đặc cách ban thưởng cho chiếc áo đại hồng hoa mây dệt giải trãi bằng kim tuyến; vào tháng 7 năm nay [10/8-7/9/1504] trở về nước.
Ngày mồng 8 tháng 9 [16/9/1504], ngày mồng 8, đặt tên thuỵ cho Vua cha là Thể Thiên Ngưng Đạo Mậu Đức Chí Chiêu Văn Thiệu Vũ Tuyên Triết Khâm Thành Chương Hiếu Duệ Hoàng Đế, miếu hiệu là Hiến Tông. Tôn mẹ làm Trung Thuận Minh Ý Hoàng Thái Hậu.
Bấy giờ bọn Đoàn Thế Nùng làm phản ở Cao Bằng, bị bắt cùng với bè đảng hơn 500 người, đem giết.
Ngày 18 tháng 10 [24/11/1504], đưa linh cữu của Hiến Tông về Tây Kinh, Thanh Hóa; ngày mồng 8 tháng 11 [13/12/1504] táng ở Dụ Lăng. Lễ bộ xét lệ cũ, tâu xin dựng bia; Vua y lời tâu, bèn sai văn thần là bọn Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm soạn văn bia.
Cử 3 sứ bộ sang nhà Minh: sứ bộ thứ nhất, phụ trách cống hàng năm; thứ hai, báo tang Vua Hiến Tông mất; thứ ba, xin cầu phong cho Vua mới lên ngôi:
“Sai sứ sang nhà Minh. Bọn Lại bộ thị lang Đặng Tán, Kiểm thảo Khuất Quỳnh Cửu, Hộ khoa đô cấp sự trung Lưu Quang Phụ đi tuế cống; bọn Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Lân, Giám sát ngự sử Nguyễn Kính Nghiêm đi báo tang; bọn Lễ bộ hữu thị lang Nguyễn Bảo Khuê, Đông các hiệu thư Trần Viết Lương, Hiệu thư Vũ Châu đi cầu phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 37a.
Ngày mồng 8 tháng này [13/12/1504], Vua không khoẻ. Tuy mới lên ngôi chưa được nửa năm, nhưng nhà Vua đã làm được các việc tốt như tha bớt tù nhân, thả cung nữ; ngừng những việc không cần kíp, giảm việc nặng nhọc, bớt đồ dâng cống, giảm nhẹ việc sai dịch, dùng bề tôi cũ có công, nắm giữ mọi uy quyền; hạn chế, răn đe thế lực họ ngoại, dốc lòng thương yêu các vị thân vương.
Ngày mồng 6 tháng 12 [10/1/1515], Vua biết mình sắp mất, bèn ra sắc dụ cho triều thần là bọn Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Cống Xuyên bá Lê Năng Nhượng, và các quan văn võ; đưa người anh là Tuấn lên nối ngôi, tức Vua Uy Mục:
“Bệnh trẫm chưa khỏi, lo rằng việc phó thác nặng nề e sẽ không kham nổi. Con thứ hai của Tiên hoàng đế là Tuấn, là người hiển minh, nhân hiếu, có thể nối được ngôi chính thống, để thừa kế tổ tông, vỗ về thân dân. Đại thần và các quan hãy hết lòng trung trinh để giúp nên nghiệp lớn; thân vương nào dám tiếm vượt ngôi trời thì người trong nước cùng nhau giết đi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 14, trang 37b.
Ngày mồng 8 [12/1/1505], vua băng ở điện Hoàng Cực, có di chiếu cho các quan để tang theo đúng lễ cổ.
————————
[1] Tam trường: Thi Hội đậu 4 kỳ tức trúng cách, được vào thi Đình; trường hợp chỉ đậu 3 kỳ, gọi là tam trường.
[2] Mũ phốc đầu: Có từ đời Đường: Ban đầu làm bằng the lượt, sau vì thấy nó mềm nát, nên làm cốt bằng nan gỗ. Kiểu mũ phốc đầu, người ta cho là Ngư Triều Ân hoạn quan đời Đường Đại Tông [763-779] chế ra trước: ban đầu bốn góc mũ có tai, hai tai vểnh về phía trước và hai tai vểnh về phía sau. Về sau, làm hai tai ngang ra, có dây thép đỡ cho cứng tức là kiểu mũ cánh chuồn.
[3] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, NXB Giáo dục: Hà Nội, 1998.
[4] Cổ tiền, sử tiền: Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn chép: “Người Trung quốc tính một trăm đồng là một tiền, nước ta tính mỗi tiền 36 đồng, gọi là sử tiền, mỗi tiền 60 đồng, gọi là cổ tiền. Như vậy, 10 tiền của sử tiền, hay là cũng gọi một quan sử tiền, tức là 6 tiền của cổ tiền; còn 10 tiền của cổ tiền tức là 1 quan 6 tiền 40 đồng2 của sử tiền. Sử tiền còn có tên riêng là tiền gián; cổ tiền tên riêng là tiền quý.
[5] Bất cụ: Những người tàn phế, mù, què, câm, điếc…
[6] Lân kinh: chỉ Kinh Xuân thu. Kinh Xuân thu chấm dứt ở việc bắt được kỳ lân, nên gọi là Lân kinh.
[7] Mã sử: chỉ bộ Sử ký của Tư Mã Thiên.
[8] Tiến rau cần: xưa có người dân nghèo ăn rau cần thấy ngon, định đem dâng vua. Dâng nắng sưởi: có người đời Tống, mùa xuân sưởi nắng thấy ấm, bảo vợ rằng: Sưởi nắng ấm mà không ai biết, ta sẽ tâu cho vua biết mà sưởi. Tiến rau cần, dâng nắng sưởi là ý chỉ dâng vật tầm thường nhưng xuất phát từ lòng trung thành, chất phác.
[9] Ráng hồng: Vi Cao đời Đường, làm trấn thủ đất Thục, một hôm họp bạn uống rượu, chợt thấy cầu vồng ráng hồng mọc ở ngoài sân, thò đầu ta uống hết cả rượu.
[10] Chu Nhã ở đây chỉ bài thơ Thiên bảo trong Kinh Thi Tiểu Nhã: “Như nhật chi thăng, như nguyệt chi hằng, như Nam Sơn chi thọ, như tùng bách chi mậu” nghĩa là: chúc vua như mặt trời mới lên, như mặt trăng đêm mồng tám, sống lâu như núi Nam Sơn, xanh tốt như cây tùng cây bách.