Ông chủ Tập đoàn Wahaha và bài học đáng giá cho Tập Cận Bình

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Can Xi Jinping’s ‘buy new products’ campaign fix China’s economy?, ”Nikkei Asia, 29/02/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Có lẽ Tập nên học hỏi từ nhà sáng lập huyền thoại của Wahaha.

Chủ tịch Tập Cận Bình muốn người Trung Quốc đi mua sắm nhiều hơn. Trong cuộc họp kinh tế quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức hồi tuần trước, ông đã liên tục đề cập đến việc người dân nên mua sản phẩm mới để thay thế sản phẩm cũ.

Theo Tân Hoa Xã, ông nói với Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương rằng: điều quan trọng là phải “thúc đẩy một đợt đổi mới thiết bị và trao đổi hàng tiêu dùng quy mô lớn.”

Nhưng đây là một lời kêu gọi, hay một mệnh lệnh? Dù thế nào đi chăng nữa, nỗ lực mới nhất của Tập nhằm khôi phục nền kinh tế đang suy yếu đã khiến người tiêu dùng cũng như các công ty tư nhân vừa và nhỏ bối rối.

Xét đến tình hình kinh tế hiện tại, nhiều người Trung Quốc không đủ tiền mua đồ gia dụng mới và nhiều công ty cũng không đủ khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người chỉ ra động cơ ngầm của quyết định này. “Sản xuất dư thừa trong khi xuất khẩu giảm mạnh,” một người lập luận, “rõ ràng họ đang muốn giải quyết lượng hàng tồn kho khổng lồ.”

“Liệu sẽ có bất kỳ khoản trợ cấp lớn nào [từ chính phủ] không? Tôi cá là không,” một người dùng khác viết. “Một chính sách bỏ qua [các nguyên tắc] thị trường sẽ không hiệu quả.”

Một người khác nữa đưa ra gợi ý cho những kẻ đã quen ra lệnh: “Các nhà lãnh đạo [chính trị trên khắp đất nước] nên làm gương bằng cách đem bỏ tất cả đồ cũ trong nhà của họ, rồi mua sắm đồ nội thất và đồ điện tử mới.”

Ngay khi Tập đưa ra chiến dịch không được lòng dân này, một doanh nhân huyền thoại Trung Quốc đã qua đời, để lại những lời nhắc nhở về việc khu vực tư nhân từng đóng vai trò như thế nào trong việc tạo ra sự bùng nổ kinh tế.

Suốt nhiều thập niên, Tông Khánh Hậu (Zong Qinghou), nhà sáng lập tập đoàn nước giải khát Hàng Châu Wahaha, là người đi đầu trong giới kinh doanh Trung Quốc, tận dụng các nguyên tắc thị trường kiểu Trung Quốc nhằm hướng tới một nền kinh tế tự do.

Đây là nơi Tập đoàn Hàng Châu Wahaha sản xuất các sản phẩm đồ uống của mình vào năm 1998. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

Tông đã xây dựng một sự nghiệp vững chắc tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nơi Tập từng làm Bí thư Tỉnh uỷ vào đầu những năm 2000. Rất nhiều phụ tá thân cận hiện nay của Tập cũng đến từ Chiết Giang nên “phe Chiết Giang” đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trên toàn cầu để mô tả họ.

Chiết Giang cũng là nơi các công ty tư nhân ban đầu có thể phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, theo chính sách cải cách và mở cửa được giới thiệu vào cuối những năm 1970. Với số lượng doanh nghiệp nhà nước ít ỏi, tỉnh này đã trở thành môi trường lý tưởng cho bất kỳ ai muốn thử sức với kinh doanh.

Tông, người qua đời vào ngày 25/01 vừa qua ở tuổi 79, đã thành lập Wahaha ở Hàng Châu vào năm 1987. Cái tên độc đáo của công ty là một từ tượng thanh để mô tả tiếng cười.

Một người giao hàng đặt bó hoa ở cổng vào khu trụ sở cũ của Tập đoàn Wahaha ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, vào ngày 26/02/2024. © AP

Khởi nghiệp từ một nhà máy chỉ có ba người, Wahaha cuối cùng đã phát triển thành công một loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng dành cho trẻ em và vươn lên dẫn đầu.

Bí quyết đằng sau sự phổ biến rộng rãi của thức uống này là chính sách một con nghiêm ngặt của Trung Quốc. Những đứa trẻ sinh ra theo chính sách này thường được gọi là “tiểu hoàng đế.” Được cha mẹ, ông bà chiều chuộng nên các em chẳng bao giờ bị ép ăn bất cứ thứ gì mình không thích.

Kết quả là, ngay cả khi Trung Quốc đã giải quyết được tình trạng thiếu lương thực đang hoành hành ở các khu vực thành thị, nhiều vị “tiểu hoàng đế” vẫn bị thiếu hụt dinh dưỡng.

Đó là khi Tông nhìn thấy cơ hội.

Ông hợp tác với một trường đại học địa phương để phát triển một loại đồ uống tốt cho sức khoẻ, nhắm vào nhóm trẻ em được cưng chiều trên cả nước.

Doanh số bán hàng nhảy vọt và Wahaha tăng biên chế lên gần 150 nhân viên, bao gồm cả những công nhân di cư từ vùng nông thôn.

Năm 1991, Wahaha gây chú ý trên toàn quốc khi mua lại Nhà máy Thực phẩm Đóng hộp Hàng Châu, một công ty nhà nước có lịch sử hơn 30 năm và có 2.200 nhân viên chính thức.

Vào thời điểm đó, trái cây tươi ngày càng xuất hiện nhiều tại các khu chợ đang nở rộ ở thành thị, đây là kết quả của việc áp dụng các nguyên tắc thị trường.

Điều này gây ra một hậu quả không lường trước được: Hàng tồn kho trái cây đóng hộp, bốc mùi hôi, chất đống tại các nhà máy của công ty nhà nước. Một phần do quản lý lỏng lẻo và phụ thuộc nhiều vào chính phủ, các công ty nhà nước thua lỗ ngày càng nhiều, với tình hình tài chính kiệt quệ đến mức một số công ty không thể trả lương cho nhân viên.

Việc Wahaha mua lại nhà máy đóng hộp đã gây chấn động cho một đất nước chưa quen với việc các công ty tư nhân nhỏ bé nuốt chửng những tập đoàn khổng lồ do nhà nước điều hành.

Wahaha, một điển hình của cải cách và mở cửa, đã tiếp tục phát triển và hiện có doanh thu hàng năm vượt quá 7 tỷ USD.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei và các tổ chức truyền thông khác vào năm 1998, Tông để lại ấn tượng của một người giản dị và đầy nhiệt huyết. Vừa nói chuyện vừa cầm bình trà đỏ trước mặt, ông liên tục nhắc đến từ “thị trường.”

Lời nói của ông nghe thật mới mẻ, xuất hiện chỉ ba năm trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và trong thời kỳ đất nước vẫn chưa có thị trường bất động sản cho phép người dân tự do mua bán chung cư và các tài sản khác.

Tập Cận Bình (trái) vào tháng 9/1999. Tông Khánh Hậu vào tháng 5/1998. (Nguồn ảnh của Katsuji Nakazawa)

Trong cuộc phỏng vấn, Tông nhấn mạnh rằng “thị trường là nơi đặt nền tảng phát triển của một công ty”, và thề rằng công ty của ông sẽ “tiếp tục tạo ra những thứ mà mọi người cần.”

Cũng vào khoảng thời gian đó, Tập đang làm việc ở tỉnh Phúc Kiến lân cận. Ông háo hức nói về việc Trung Quốc gia nhập WTO trong cuộc phỏng vấn với Nikkei năm 1999, và khi bước sang thế kỷ mới, ông chuyển đến Chiết Giang để đảm nhận vị trí lãnh đạo hàng đầu.

Tình cờ thay, cũng trong năm 1999, Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đã được thành lập tại Hàng Châu. Nhà sáng lập Jack Ma (Mã Vân), nhân vật tiêu biểu của kỷ nguyên internet ở Trung Quốc, nằm trong thế hệ thứ hai của cái gọi là “các thương nhân Chiết Giang.”

Jack Ma thuộc thế hệ thứ hai của “các thương nhân Chiết Giang.” © Reuters

Dù thuộc về các thế hệ khác nhau, nhưng cả Tông Khánh Hậu và Mã Vân đều sở hữu tư duy theo định hướng thị trường. Là những doanh nhân tư nhân, họ có chung khả năng nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường. Sự mở rộng của thị trường tự do đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Quay trở lại thời điểm hiện tại. Điều kiện kinh doanh tại các công ty tư nhân vừa và nhỏ đang xấu đi, một phần do chính sách lâu dài của chính quyền Tập là ưu tiên các công ty nhà nước. Đã xuất hiện những trường hợp doanh nghiệp nhà nước được chính phủ hậu thuẫn thâu tóm và sáp nhập các công ty tư nhân – hoàn toàn trái ngược với những gì Wahaha bắt đầu làm vào những năm 1990.

Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với vấn đề sản xuất dư thừa, một vấn đề có lẽ nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi sức tiêu thụ ngày càng trì trệ. Mô hình truyền thống – là xuất khẩu hàng hóa thặng dư với giá thấp và bỏ qua chi phí – sẽ không thể kéo dài mãi mãi.

Hãy thông cảm cho các chủ sở hữu của các công ty tư nhân vừa và nhỏ, vốn là nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc, nếu họ mất đi niềm tin vào tương lai và cắt giảm vốn đầu tư.

Tình hình cũng không khá hơn với người lao động. Xu hướng tiền lương đã bị đảo ngược và đang trên đà giảm. Ngay cả lương của các công chức chính quyền địa phương ở Hàng Châu và nhiều nơi khác cũng đang giảm.

Nhiều công ty buộc phải cắt giảm việc làm và tái cơ cấu. Ngay cả nhân viên tại các công ty hàng đầu (blue-chip) ở Chiết Giang, nơi được coi là quê hương của các công ty tư nhân, cũng phải sống trong nỗi sợ bị sa thải.

Chiến dịch “mua sản phẩm mới” của chính quyền Tập đã gợi nhớ đến “tự lực cánh sinh,” một khẩu hiệu thời Mao Trạch Đông từng được Tập sử dụng trong giai đoạn Trung Quốc tham gia cuộc thương chiến khốc liệt với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trong chiến dịch tranh cử để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, Donald Trump đang đề xuất khả năng áp thuế hơn 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. © Reuters

Mùa thu năm 2018, Tập đã đến thị sát Nhà máy Trung Quốc Nhất Trọng (Nhà máy Công nghiệp Nặng Số 1) thuộc sở hữu nhà nước tại Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang.

Tại đây, Tập phát biểu “Trung Quốc ngày càng khó tiếp cận các công nghệ tiên tiến và công nghệ chủ chốt trên phạm vi quốc tế. Chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng, buộc Trung Quốc phải đi theo con đường tự lực. Nhưng đây không phải là điều xấu, bởi sau cùng, Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào chính mình để phát triển.”

Tập đã không đề cập đến khẩu hiệu tự lực cánh sinh. Nhưng mệnh lệnh “mua sản phẩm mới” mà ông ban từ trên xuống nhằm cứu thị trường đang phải vật lộn với tình trạng sụt giảm tiêu dùng và vấn đề cung vượt cầu kinh niên là một động thái lỗi thời, gợi nhớ đến thời kỳ trước cải cách và mở cửa.

Trump, hiện là ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa cho vị trí đối đầu Joe Biden trong cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ, đã đề cập đến khả năng áp thuế hơn 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông giành chiến thắng vào tháng 11.

Đúng là Tập cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng điều mà nền kinh tế ốm yếu của Trung Quốc cần không phải là một mệnh lệnh được ban hành theo kiểu từ trên xuống, bất chấp các nguyên tắc thị trường.

Điều cần thiết là phải thay đổi quan điểm coi trọng các công ty nhà nước. Các công ty tư nhân cần có sự đảm bảo rằng họ được tự do đáp ứng thị trường theo cách phù hợp.

Thay vào đó, việc chính quyền Tập ưu tiên những vấn đề mà họ cho là “an ninh quốc gia” đã gây trở ngại cho các công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, cũng như cho chính thường dân Trung Quốc. Ưu tiên này cũng đang kìm kẹp các công ty và doanh nhân nước ngoài.

Nếu chính quyền tiếp tục đi theo con đường này, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sẽ tiếp tục bốc hơi. Nhiệm vụ số một của chính quyền Tập là đưa ra một sự đảo ngược chính sách triệt để, mà mọi người trên thế giới đều có thể hiểu được.

Về vấn đề này, huyền thoại Tông Khánh Hậu đã để lại một bài học quý giá: “thị trường là nơi đặt nền tảng phát triển của một công ty”.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.