Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Mark Leonard, “China’s Game in Gaza,” Foreign Affairs, 08/01/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bắc Kinh đang lợi dụng cuộc chiến của Israel để giành lấy phương Nam toàn cầu như thế nào?

Trong năm vừa qua, khi các nhà ngoại giao phương Tây di chuyển liên tục từ đầu này đến đầu kia của thế giới, cố gắng hết sức để ngăn chặn hàng loạt các cuộc chiến, khủng hoảng, và tai hoạ – từ Ukraine đến Darfur, từ Nagorno-Karabakh đến Cộng hòa Dân chủ Congo – thì Trung Quốc lại đang tận dụng cảnh hỗn loạn. Cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas và chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza đã trao cho Bắc Kinh một cuộc khủng hoảng mới để khai thác. Trong khi Mỹ tự đánh mất uy tín của mình đối với các quốc gia ở phương Nam bằng việc hỗ trợ Israel không giới hạn, thì Bắc Kinh lại cẩn thận điều chỉnh phản ứng của mình đối với cuộc chiến, đặc biệt chú ý đến dư luận ở các nước đang phát triển.

Sáu tháng trước, tôi đã cảnh báo trên Foreign Affairs rằng, trong lúc phương Tây tìm cách duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện có bằng cách điều chỉnh một số yếu tố và mời gọi thêm một số chủ thể tham gia, thì các chiến lược gia Trung Quốc lại ngày càng tập trung vào việc tồn tại trong một thế giới không có trật tự. Và họ đang đề nghị giúp đỡ các nước khác xây dựng chủ quyền và quyền tự do hành động khi sự thống trị của phương Tây suy giảm.

Kể từ cuộc tấn công tàn bạo của Hamas, chính quyền Biden đã cố gắng bảo vệ sự ủng hộ của công chúng dành cho Israel bằng việc âm thầm yêu cầu nhắm mục tiêu cẩn thận hơn trong các cuộc tấn công của Israel ở Gaza và cởi mở hơn với một thoả thuận chính trị với người Palestine. Ngược lại, Bắc Kinh gần như không bị hạn chế bởi nhu cầu cân bằng. Bằng cách kêu gọi giải pháp hai nhà nước, từ chối lên án Hamas, và thực hiện những nỗ lực mang tính biểu tượng để ủng hộ lệnh ngừng bắn, Trung Quốc đã lợi dụng tình cảm chống Israel trên toàn cầu để nâng cao vị thế của mình ở phương Nam. Thông qua những nỗ lực nhằm phản ánh ý kiến công chúng toàn cầu một cách sát sao nhất có thể, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược rộng lớn hơn: ủng hộ những cuộc xung đột toàn cầu đang khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây đau đầu.

TINH CHỈNH LUẬN ĐIỆU

Giống như cách một mô hình trí tuệ nhân tạo điều chỉnh phản ứng của nó sau mỗi lần được huấn luyện với dữ liệu mới, mỗi cuộc khủng hoảng toàn cầu mới lại mang đến cho Trung Quốc thêm một cơ hội để tinh chỉnh luận điệu của mình đối với phương Nam toàn cầu. Từ góc nhìn này, sẽ hữu ích nếu so sánh phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Gaza với phản ứng của nước này đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Trung Quốc phải mất một thời gian mới quyết định được phản ứng chính thức. Ban đầu, họ đã tỏ ra lóng ngóng, chờ đợi trước khi đưa ra những tuyên bố có phần khó hiểu. Trong hầu hết các thông điệp của mình, Bắc Kinh đều nhấn mạnh đến quyền bất khả xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Họ cũng tìm cách nhấn mạnh sự gần gũi của mình với Nga và thừa nhận “những quan ngại an ninh hợp lý” của Nga, chỉ trích Mỹ và NATO. Bắc Kinh cố tình mơ hồ để tránh bị cô lập, nhưng mục tiêu đó lại được thực hiện khá vụng về.

Tuy nhiên, vào thời điểm Hamas phát động cuộc tấn công tàn bạo vào Israel, Bắc Kinh đã mài giũa cách tiếp cận và có thể phản ứng nhanh chóng. Khi rõ ràng rằng hầu hết dư luận ở phương Nam đang chống lại Israel, Trung Quốc ngay lập tức tìm cách tận dụng cuộc khủng hoảng để vạch trần những gì họ coi là tiêu chuẩn kép của Mỹ. Ngày 8/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố kêu gọi ngừng bắn và tán thành giải pháp hai nhà nước. Nhưng điều không được đưa vào tuyên bố là những lời chỉ trích Hamas hoặc lên án vụ thảm sát mà nhóm này thực hiện, dù 4 nạn nhân của nhóm khủng bố là công dân Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Tuvia Gering đã tỉ mỉ ghi lại sự gia tăng các luận điệu chống Israel, một vài trong đó là chống người Do Thái, trong phản ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với chiến tranh, trên cả các kênh chính thức lẫn không chính thức. Cuối tháng 10, tờ Trung Quốc Nhật báo, một cơ quan tuyên truyền, tuyên bố rằng “Mỹ đang đứng về phía lề trái của lịch sử ở Gaza.” Cùng lúc đó, truyền hình nhà nước Trung Quốc đã phát sóng một tuyên bố bài Do Thái mà một phóng viên của họ từng nói cách đây vài năm, rằng người Do Thái chiếm 3% dân số Mỹ nhưng “kiểm soát hơn 70% tài sản của nước này.”

Loại ngôn từ này nên được hiểu là một nỗ lực có ý thức nhằm lặp lại những quan điểm đang thống trị cuộc tranh luận ở phương Nam. Bằng cách khiến quan điểm của họ phù hợp với ý kiến của đa số ở các quốc gia như Indonesia, Ả Rập Saudi, và Nam Phi, Trung Quốc có thể thể hiện bản thân như một giải pháp thay thế cho những gì họ coi là một nước Mỹ hiếu chiến, bá quyền, và đạo đức giả.

Và luận điệu chống Israel của Trung Quốc còn mở rộng sang cả lĩnh vực ngoại giao. Ngày 20/11, một nhóm ngoại trưởng Ả Rập đã bắt đầu chuyến công du tới các quốc gia là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Điểm dừng chân đầu tiên của họ là Bắc Kinh, nơi họ được Ngoại trưởng Vương Nghị chào đón. Lựa chọn đi về phương Đông trước khi đến Pháp, Anh, và Mỹ chắc chắn là có chủ ý. Nó có thể được xem là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Trung Đông kể từ khi nước này làm trung gian đàm phán bình thường hoá quan hệ giữa Iran và Ả Rập Saudi vào tháng 3 năm ngoái. Dù cuộc gặp ở Bắc Kinh không mang lại kết quả cụ thể, nhưng có lẽ đó không phải mục tiêu chính. Thay vào đó, đây là cách để các nước Ả Rập báo hiệu rằng họ có những lựa chọn ngoài Mỹ. Và Trung Quốc đang háo hức đóng vai trò là đối tác thay thế.

HOÀ VÀO ĐÁM ĐÔNG

Kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch ở Gaza, chiến dịch được chính quyền Biden phần lớn tán thành, thế giới Ả Rập ngày càng mất lòng tin vào Mỹ. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng Ả Rập hiện ưa chuộng Trung Quốc hơn Mỹ. Một phần nguyên nhân đến từ một xu hướng lâu dài, nhưng tình hình đang trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến ở Gaza. Cuộc thăm dò do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (do tôi đứng đầu) tiến hành vào mùa thu năm 2023 tại tám quốc gia lớn không thuộc phương Tây – Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Nam Phi – đã phát hiện ra rằng, trái ngược với các cường quốc phương Tây, quan điểm của Trung Quốc tương thích khá nhiều với dư luận ở phương Nam. Cho dù đó là tin vào khả năng Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine, khả năng EU có thể tan rã, hay tình trạng mong manh của nền dân chủ Mỹ, các lập trường chính thức của Trung Quốc cực kỳ quan tâm đến việc phản ánh tình cảm của thường dân Brazil hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm phản ánh dư luận toàn cầu về cuộc xung đột Israel-Palestine là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm giành lấy sự ủng hộ của phương Nam toàn cầu. Đầu tiên và quan trọng nhất, các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza củng cố lập luận của Trung Quốc rằng thế giới đang trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc Mỹ ủng hộ chiến dịch của Israel ở Gaza chứng tỏ rằng trật tự dựa trên luật lệ mà người Mỹ ca tụng chỉ là một sự giả tạo nhằm mục đích tư lợi. Mỹ từng nhanh chóng lên án tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine và cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, nhưng lại im lặng khi Israel làm những gì mà phần còn lại của thế giới cho là “giống hệt” Nga và Trung Quốc.

Chiến lược này đã được thể hiện rõ ràng vào ngày 20/11, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia thượng đỉnh BRICS trực tuyến tập trung vào cuộc chiến ở Gaza. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên sáng lập khối, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi, cùng với những thành viên mới nhất là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Thượng đỉnh này rõ ràng là một nỗ lực nhằm thể hiện BRICS là giải pháp thay thế mới cho các tổ chức phương Tây như G-7. Giống như cuộc gặp của Vương Nghị với các nhà lãnh đạo Ả Rập, hình ảnh mà hội nghị này mang lại quan trọng hơn nhiều so với nội dung thực chất của nó, và một lần nữa, BRICS không đề xuất các bước đi thực tế nào để chấm dứt bạo lực, dù là ngắn hạn hay dài hạn.

Ngoài ra, lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Gaza là một nỗ lực nhằm tận dụng sự cô lập tương đối của nước này. Trung Quốc chỉ có một đồng minh hiệp ước duy nhất trên toàn thế giới – Triều Tiên. Tại Trung Đông, Mỹ đã kiên định với cam kết đảm bảo an ninh cho Israel kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Ngược lại, Trung Quốc được tự do lựa chọn đối tác trong khu vực tùy theo vấn đề cụ thể – chẳng hạn, họ có thể mua dầu của Iran trong khi hợp tác với Ả Rập Saudi về công nghệ tên lửa đạn đạo, hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Syria trong khi cố gắng ràng buộc Thổ Nhĩ Kỳ vào Vành đai và Con đường. Nhờ sự tự do tương đối này, Trung Quốc đã có thể đưa khía cạnh hiệu quả của phản ứng đối với cuộc chiến ở Gaza lên làm ưu tiên hàng đầu. Khác với Mỹ, Trung Quốc không có đồng minh lâu đời nào có thể buộc tội nước này phản bội.

Cuối cùng, Trung Quốc không cố gắng đoàn kết các quốc gia phương Nam thành một liên minh chống phương Tây do Trung Quốc lãnh đạo, như niềm tin của nhiều người ở Washington. Trong khi Mỹ nói về việc các quốc gia khác nên ủng hộ quan điểm của họ và tuân theo các quy tắc toàn cầu, thì Trung Quốc lại thể hiện mình là người quảng bá cho một “thế giới đa văn minh” và là đối tác vì sự phát triển và chủ quyền. Quả thực, ưu điểm của Bắc Kinh chính là trong một thế giới bị phân mảnh, họ không buộc các nước khác phải chọn phe.

Một lần nữa, Trung Quốc rất đồng tình với dư luận toàn cầu. Theo một cuộc thăm dò của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu đối với các quốc gia lớn không thuộc phương Tây, được tiến hành vào tháng 12/2022 và tháng 1/2023, đa số đáng kể trên thế giới không nghĩ rằng quốc gia của họ sẽ phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Chẳng hạn, chỉ 14% người Ấn Độ cho rằng một thế giới lưỡng cực sẽ xuất hiện trong vòng 10 năm tới, trong đó họ có thể bị buộc phải lựa chọn giữa các khối do Trung Quốc và Mỹ thống trị. Vì vậy, trong khi Mỹ yêu cầu “các quốc gia bị mắc kẹt ở giữa” phải liên kết chặt chẽ hơn bao giờ hết, nhận thức về sự không liên kết của Trung Quốc đã cho phép nước này trở thành đối tác được ưa chuộng trong đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới.

TRẬT TỰ THIẾU TIN CẬY

Trong nỗ lực giới hạn cuộc chiến giữa Israel và Hamas, chính quyền Biden đã phát triển một chiến lược nhằm xoa dịu Israel, liên tục nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với nhà nước Do Thái, và kiềm chế không chỉ trích công khai nhằm gây ảnh hưởng đến cách Israel tiến hành chiến tranh. Tuy nhiên, ở nơi công cộng và chỗ riêng tư, chính quyền Biden cũng đang khuyến khích chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát triển một chiến lược quân sự thực tế ở Gaza, chú ý hơn đến luật pháp quốc tế, và làm nhiều hơn để giảm thiểu cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra. Bằng cách này, chính quyền Mỹ dường như đang chuẩn bị để trở thành trung gian cho một tiến trình chính trị giữa người Israel, người Palestine, và các nước láng giềng Ả Rập của họ sau khi bạo lực lắng xuống.

Chúng ta nên hy vọng rằng chiến lược này thành công, nhưng xét về mặt dư luận toàn cầu, những giới hạn trong cách tiếp cận của Mỹ và ảnh hưởng của Biden đối với Netanyahu đã hiển hiện rõ ràng. Xét đến thương vong dân sự từ các cuộc không kích của Israel, những lập luận của phương Tây nhằm bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ đã dần trở nên rỗng tuếch ở phương Nam toàn cầu. Điều này có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho Ukraine, những người đã xây dựng tính chính danh từ bản chất phá vỡ trật tự của hành động xâm lược của Nga. Và nếu, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Tập Cận Bình đưa ra quyết định xâm chiếm Đài Loan, ông chắc chắn sẽ hy vọng rằng lập trường của mình về cuộc chiến ở Gaza sẽ khiến phương Nam đứng về phía Bắc Kinh hơn là Washington.

Mark Leonard là Giám đốc về Chính sách Đối ngoại và Quan hệ quốc tế tại Thư viện Quốc hội Mỹ, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, và là tác giả cuốn “The Age of Unpeace.”