21/03/1918: Đức mở cuộc tấn công lớn ở Mặt trận phía Tây

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Germany begins major offensive on the Western Front, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, gần sông Somme ở Pháp, quân đội Đức đã mở cuộc tấn công lớn đầu tiên vào Mặt trận phía Tây sau hai năm.

Đầu năm 1918, người Đức đã xác lập vị thế vững chắc trên các chiến trường châu Âu. Quân đội nước này chiếm gần như toàn bộ Bỉ và phần lớn miền bắc nước Pháp. Với việc Romania, Nga và Serbia rút khỏi chiến tranh vào cuối năm 1917, xung đột ở phía đông đang đi đến hồi kết, theo đó cho phép Liên minh Trung tâm tập trung vào việc chống lại quân Anh và Pháp ở phía tây. Thật vậy, đến ngày 21/03/1918, việc Nga rút lui đã cho phép Đức điều ít nhất 44 sư đoàn sang Mặt trận phía Tây.

Tư lệnh quân đội Đức Erich Ludendorff xem đây là cơ hội quan trọng để phát động một cuộc tấn công mới – ông hy vọng sẽ giáng một đòn quyết định vào quân Đồng minh Hiệp ước và buộc họ phải đàm phán hòa bình trước khi lính tiếp viện từ Mỹ đến nơi. Sang tháng 11, ông đệ trình kế hoạch tấn công, được gọi là Kaiserschlacht, hay trận chiến của Kaiser (hoàng đế); Ludendorff đặt mật danh cho chiến dịch mở màn là Michael. Tinh thần chiến đấu trong quân đội Đức đã dâng cao sau tin về kế hoạch tấn công. Nhiều binh sĩ cùng với chỉ huy của họ tin rằng cách duy nhất để trở về nhà là tiến lên.

Chiến dịch Michael bắt đầu vào sáng sớm ngày 21/03/1918. Quân Hiệp ước đã bị bất ngờ, vì lính Đức đã lặng lẽ di chuyển vào vị trí chỉ vài ngày trước khi bắt đầu pháo kích. Ngay từ đầu, chiến dịch đã dữ dội hơn bất cứ thứ gì từng được chứng kiến ở Mặt trận phía Tây. Ludendorff đã hợp tác với các chuyên gia pháo binh để tạo ra một cuộc tấn công mặt đất hiệu quả và sáng tạo, với một loạt pháo kích dữ dội, theo sau bởi một loạt các loại khí độc khác nhau, đầu tiên là hơi cay, sau đó là khí phosgene và chlorine gây chết người. Ông cũng phối hợp với Không quân Đức, Luftstreitkrafte, để tối đa hóa sức mạnh của cuộc tấn công.

Winston Churchill, lúc đó đang ở tiền tuyến với tư cách là Bộ trưởng Bộ Vũ khí Anh, đã viết về trải nghiệm của mình vào ngày 21/3: “Có tiếng ầm ầm của đạn pháo, chủ yếu là từ xa, và tiếng nổ của các cuộc ném bom bằng máy bay. Và rồi, hệt như một nghệ sĩ piano lướt trên những phím đàm từ bổng đến trầm, trong chưa đầy một phút, tiếng pháo nổ kinh hoàng nhất mà tôi từng nghe thấy đã xuất hiện. Nó vây quanh chúng tôi theo đường cong rộng của một ngọn lửa đỏ.”

Đến cuối ngày đầu tiên, người Đức đã tiến quân hơn 6km và gây thương vong cho gần 30.000 quân Anh. Khi sự hoảng loạn bao trùm khắp các tuyến chỉ huy của Anh trong vài ngày tiếp theo, quân Đức lại giành được thêm nhiều lãnh thổ hơn. Vào thời điểm phe Hiệp ước củng cố hàng thủ vào cuối tháng, quân đội của Ludendorff đã vượt qua sông Somme và xuyên thủng phòng tuyến gần điểm nối giữa các chiến hào của Anh và Pháp. Đến khi Ludendorff ra lệnh kết thúc giai đoạn đầu tiên của cuộc tấn công vào đầu tháng 4, pháo của Đức đã nhắm mục tiêu vào Paris, và nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của người Đức để giành chiến thắng trong Thế chiến I đã đạt đến đỉnh điểm.