Nguồn: Stephen M. Walt, “America Fueled the Fire in the Middle East,” Foreign Policy, 15/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Israel đang dần trở thành một mối đe dọa lớn – nhưng trách nhiệm nằm ở Washington nhiều hơn là Tehran.
Quyết định của Iran nhằm trả đũa cuộc tấn công của Israel vào lãnh sự quán của họ ở Damascus, Syria – bằng cách tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa – cho thấy chính quyền Biden đã xử lý tình hình Trung Đông sai lầm đến mức nào. Sau khi tự thuyết phục mình vào đêm trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 rằng khu vực này “yên bình hơn so với nhiều thập niên trước,” các quan chức Mỹ đã phản ứng theo những cách khiến tình hình vốn đã tồi tệ càng trở nên tồi tệ hơn. Điều tốt nhất mà người ta có thể nói để bào chữa là họ có rất nhiều bạn đồng hành. Các đời chính quyền Trump, Obama, Bush và Clinton đều đã tạo ra nhiều vấn đề.
Phản ứng của chính quyền Mỹ trước cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào ngày 7/10 bao gồm ba mục tiêu chính. Đầu tiên, họ đã tìm cách truyền đạt sự ủng hộ kiên định dành cho Israel: ủng hộ Israel bằng lời nói, thường xuyên trao đổi với các quan chức hàng đầu của Israel, bảo vệ Israel trước các cáo buộc diệt chủng, phủ quyết các nghị quyết ngừng bắn tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và liên tục cung cấp cho Israel nguồn cung vũ khí sát thương. Thứ hai, Washington đang cố gắng ngăn chặn xung đột ở Gaza leo thang. Cuối cùng, họ đã cố gắng thuyết phục Israel hành động kiềm chế, vừa để hạn chế gây tổn hại cho dân thường Palestine, vừa để giảm thiểu thiệt hại cho hình ảnh và danh tiếng của Mỹ.
Chính sách này đã thất bại vì các mục tiêu của nó vốn dĩ mâu thuẫn với nhau. Việc hỗ trợ vô điều kiện cho Israel khiến các nhà lãnh đạo của nước này không còn động lực để bận tâm đến lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ, vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ phớt lờ chúng. Gaza đã bị phá hủy, ít nhất 33.000 người Palestine (trong đó có hơn 12.000 trẻ em) đã thiệt mạng, và các quan chức Mỹ buộc phải thừa nhận rằng dân thường ở đó đang phải đối mặt với nạn đói. Sau khi yêu cầu ngừng bắn ở Gaza, lực lượng dân quân Houthi ở Yemen đã tiếp tục nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ. Trong khi đó, xung đột cấp độ thấp giữa Israel và Hezbollah vẫn đang âm ỉ, và bạo lực đã gia tăng mạnh mẽ ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Giờ đây, đến lượt Iran trả đũa vụ đánh bom lãnh sự quán của mình ngày 1/4 bằng cách tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến rộng hơn.
Bởi vì người Mỹ đã quen với việc nghe nói rằng Iran là hiện thân của cái ác, nên một số độc giả có lẽ sẽ có xu hướng đổ lỗi cho Tehran về tất cả những rắc rối này. Chẳng hạn, chỉ mới tuần trước, câu chuyện trang nhất trên tờ New York Times khẳng định rằng Iran đang đưa vũ khí vào “tràn ngập” Bờ Tây với hy vọng khuấy động tình trạng bất ổn ở đó.
Theo quan điểm này, Iran đang đổ thêm dầu vào một khu vực vốn đã chìm trong biển lửa. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khía cạnh khác trong câu chuyện, và hầu hết chúng đều phản ánh không tốt về Mỹ.
Xin nói rõ: Iran được cai trị bởi một chế độ thần quyền tàn bạo mà tôi không hề có thiện cảm, dù tôi thực sự thông cảm với hàng triệu người Iran đang sống dưới sự cai trị của chế độ này, những người đang phải hứng chịu tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Một số hành động của chế độ Iran – chẳng hạn như ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine – rất đáng bị phản đối. Nhưng những nỗ lực nhỏ lẻ của họ nhằm tuồn vũ khí đến Bờ Tây (hoặc Gaza) có đặc biệt tàn ác hay không? Và liệu quyết định đáp trả cuộc tấn công gần đây của Israel vào lãnh sự quán Iran – vốn đã giết chết hai tướng Iran – có gây ngạc nhiên chút nào hay không?
Theo Công ước Geneva, dân cư sống dưới sự “chiếm đóng thù địch” (belligerent occupation) hoàn toàn có quyền chống lại lực lượng chiếm đóng. Xét đến việc Israel đã kiểm soát Bờ Tây và Đông Jerusalem kể từ năm 1967, đưa hơn 700.000 người định cư bất hợp pháp đến xâm chiếm những vùng đất này, và giết hại hàng nghìn người Palestine trong quá trình đó, thì rõ ràng đây chính là một sự “chiếm đóng thù địch.” Tất nhiên, các hành động phản kháng vẫn phải tuân theo luật chiến tranh, và Hamas cũng như các nhóm người Palestine khác đã vi phạm luật này khi tấn công thường dân Israel. Nhưng chống lại sự chiếm đóng thù địch là việc làm hợp pháp, và giúp đỡ người dân chống lại kẻ chiếm đóng không hẳn là sai, ngay cả khi Iran làm điều này vì lý do riêng của mình chứ không phải vì cam kết sâu sắc với chính nghĩa của người Palestine.
Tương tự, quyết định trả đũa của Iran sau khi Israel ném bom lãnh sự quán và giết chết hai vị tướng của nước này khó có thể là bằng chứng cho bản năng hiếu chiến của họ, đặc biệt là khi Tehran đã nhiều lần ra tín hiệu rằng họ không muốn mở rộng chiến tranh. Quả thật, hành động trả đũa của Iran được tiến hành theo cách đưa ra những cảnh báo đáng kể cho Israel và dường như là nhằm báo hiệu rằng Tehran không muốn leo thang căng thẳng hơn nữa. Như lời các quan chức Mỹ và Israel thường nói khi họ sử dụng vũ lực, Iran chỉ đơn giản là đang cố gắng “khôi phục khả năng răn đe.”
Đừng quên rằng chính người Mỹ đã đưa vũ khí vào “tràn ngập” Trung Đông suốt hàng chục năm. Họ cung cấp cho Israel hàng tỷ USD thiết bị quân sự hiện đại mỗi năm, cùng với những cam kết được lặp đi lặp lại rằng sự hỗ trợ của Mỹ là vô điều kiện.
Sự ủng hộ đó không hề suy giảm ngay cả khi Israel ném bom và bỏ đói dân thường ở Gaza. Nó cũng không bị ảnh hưởng khi Israel chào đón chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bằng việc tuyên bố tịch thu vùng đất lớn nhất của người Palestine ở Bờ Tây kể từ năm 1993. Washington chẳng có động tĩnh gì khi Israel ném bom lãnh sự quán Iran, dù người Mỹ đã lên án vụ tấn công gần đây của Ecuador vào Đại sứ quán Mexico ở Quito. Thay vào đó, các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc đã tới Jerusalem để thể hiện sự ủng hộ, và Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng cam kết của ông với Israel vẫn “bền chặt.” Thế thì có gì ngạc nhiên khi các quan chức Israel tin rằng họ có thể phớt lờ lời khuyên từ Mỹ?
Các quốc gia với sức mạnh không được kiểm soát thường có xu hướng lạm dụng nó và Israel cũng không ngoại lệ. Bởi vì Israel mạnh hơn rất nhiều so với Palestine – và thật ra họ cũng có năng lực hơn Iran – nên Israel có thể hành động chống lại người Palestine mà không bị trừng phạt, và đó là điều thường xuyên xảy ra. Hàng chục năm hỗ trợ hào phóng và vô điều kiện của Mỹ đã cho phép Israel làm bất cứ điều gì họ muốn, theo đó góp phần khiến nền chính trị cũng như cách hành xử của nước này đối với người Palestine ngày càng trở nên cực đoan theo thời gian.
Chỉ trong những trường hợp cực kỳ hiếm hoi, khi người Palestine có thể huy động sự phản kháng hiệu quả – như họ đã làm trong phong trào Intifada lần thứ nhất (1987-1993) – thì các nhà lãnh đạo Israel như cựu Thủ tướng Yitzhak Rabin mới buộc phải thừa nhận sự cần thiết của thỏa hiệp và nỗ lực kiến tạo hòa bình. Thật không may, bởi Israel quá mạnh, còn Palestine quá yếu, và các nhà hòa giải Mỹ quá nghiêng về phía Israel, nên không ai trong số những người kế nhiệm Rabin sẵn sàng đưa ra cho người Palestine một thỏa thuận mà họ có thể chấp nhận.
Nếu bạn vẫn còn khó chịu vì Iran đã buôn lậu vũ khí vào Bờ Tây, hãy tự hỏi bản thân sẽ cảm thấy thế nào nếu tình hình bị đảo ngược. Thử tưởng tượng rằng Ai Cập, Jordan, và Syria đã giành chiến thắng trong Cuộc chiến Sáu ngày hồi năm 1967, buộc hàng triệu người Israel phải chạy trốn. Các quốc gia Ả Rập chiến thắng sau đó đã quyết định cho phép người Palestine thực hiện “quyền hồi hương” và thành lập một nhà nước của riêng họ ở một số nơi hoặc toàn bộ dải đất Israel/Palestine. Giả sử thêm rằng khoảng một triệu người Do Thái ở Israel cuối cùng đã trở thành những người tị nạn không quốc tịch, bị giam giữ trong một vùng đất chật hẹp như Dải Gaza. Thế rồi, một nhóm cựu chiến binh Irgun và những người Do Thái theo đường lối cứng rắn khác đã tổ chức một phong trào phản kháng, giành quyền kiểm soát vùng đất này và từ chối công nhận nhà nước Palestine mới. Hơn nữa, họ còn tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ những người đồng cảm trên khắp thế giới và bắt đầu tuồn vũ khí vào vùng đất này, nơi họ dùng vũ khí để tấn công các khu định cư và thị trấn gần đó của nhà nước Palestine mới thành lập. Và sau đó, hãy giả sử rằng nhà nước Palestine phản ứng bằng cách phong tỏa và ném bom vùng đất này, khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng.
Trong hoàn cảnh đó, bạn nghĩ chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ bên nào? Liệu Mỹ có bao giờ cho phép một tình huống như thế xảy ra không? Các câu trả lời rất rõ ràng, và chúng nói lên rất nhiều về cách tiếp cận một chiều của Mỹ đối với cuộc xung đột này.
Điều trớ trêu bi thảm ở đây là các cá nhân và tổ chức ở Mỹ nhiệt tình nhất trong việc bảo vệ Israel khỏi những lời chỉ trích, và kêu gọi hết chính quyền này đến chính quyền khác ủng hộ Israel, bất kể Israel có làm gì, trên thực tế đã gây ra thiệt hại lớn cho đất nước mà họ đang cố gắng giúp đỡ.
Hãy xem “mối quan hệ đặc biệt” đã dẫn chúng ta đi đến đâu sau 50 năm. Giải pháp hai nhà nước đã thất bại và câu hỏi về tương lai của người Palestine vẫn chưa được giải quyết, phần lớn là vì hoạt động vận động hành lang đã khiến các tổng thống Mỹ không thể gây áp lực đáng kể lên Israel. Cuộc xâm lược thiếu sáng suốt của Israel vào Lebanon năm 1982 (một phần trong kế hoạch ngu ngốc nhằm củng cố quyền kiểm soát của Israel đối với Bờ Tây) đã dẫn đến sự nổi lên của Hezbollah, lực lượng hiện đang đe dọa Israel từ phía bắc. Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức Israel khác đã cố gắng làm suy yếu Chính quyền Palestine và ngăn chặn tiến trình hướng tới giải pháp hai nhà nước bằng cách ngấm ngầm ủng hộ Hamas, từ đó góp phần gây ra thảm kịch ngày 7/10. Chính trị nội bộ của Israel thậm chí còn phân cực hơn chính trị nội bộ Mỹ, và các hành động của Israel ở Gaza, mà hầu hết các nhóm vận động hành lang luôn cố gắng bảo vệ, đang biến nước này thành một quốc gia bị bài xích. Sự ủng hộ của giới trẻ Mỹ—trong đó có nhiều người gốc Do Thái—đang giảm dần.
Và tình huống không vui này đã cho phép Iran bảo vệ chính nghĩa của người Palestine, tiến gần hơn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân, và cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập nước này. Nếu Ủy ban Công vụ Israel của Mỹ (AIPAC) và các đồng minh của họ có khả năng phản tư, họ sẽ cảm thấy xấu hổ vì sự giúp đỡ của họ đã khiến Israel gây hại cho chính mình.
Ngược lại, những người đã lên tiếng chỉ trích một số hành động của Israel – và đã bị bôi nhọ một cách sai lầm là bài Do Thái, ghét Do Thái, hoặc tệ hơn – trên thực tế đang khuyến nghị những chính sách tốt hơn cho cả Mỹ và Israel. Nếu lời khuyên của chúng tôi được lắng nghe, thì Israel ngày nay có lẽ đã an toàn hơn, hàng chục ngàn người Palestine vẫn còn sống, Iran sẽ không có bom nguyên tử, Trung Đông gần như chắc chắn sẽ yên bình hơn, và danh tiếng của Mỹ tư cách là người bảo vệ nguyên tắc về nhân quyền và trật tự dựa trên luật lệ vẫn sẽ còn nguyên vẹn. Cuối cùng, sẽ chẳng có lý do gì để Iran phải buôn lậu vũ khí đến Bờ Tây nếu vùng đất này là một phần của nhà nước Palestine độc lập, và sẽ chẳng có lý do gì để các nhà lãnh đạo Iran cân nhắc xem liệu đất nước họ có trở nên an toàn hơn nếu họ sở hữu khả năng răn đe hạt nhân của riêng mình hay không.
Nhưng cho đến khi có sự thay đổi cơ bản hơn trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông, những khả năng đầy hứa hẹn đó sẽ vẫn nằm ngoài tầm với, và những sai lầm đã đưa chúng ta đến với rắc rối ngày hôm nay có thể sẽ lặp lại.
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.