Nguồn: Sina Toossi, “Iran Has Defined Its Red Line With Israel,” Foreign Policy, 18/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Thông qua cuộc tấn công hồi cuối tuần trước, Tehran đã thực hiện một sự thay đổi chiến lược trong khu vực.
Ngày 14/4, cộng đồng quốc tế rúng động trước cuộc tấn công quân sự táo bạo và trực tiếp của Iran vào Israel. Khoảng 300 vũ khí – bao gồm 170 máy bay không người lái, hơn 30 tên lửa hành trình, và hơn 120 tên lửa đạn đạo – đã thách thức một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới. Dù hầu hết đều bị đánh chặn hoặc không tiếp cận được mục tiêu, nhưng các quan chức Mỹ xác nhận có ít nhất chín tên lửa đã tấn công hai căn cứ không quân của Israel.
Để hiểu đầy đủ những tác động của cuộc tấn công này, cần phải xem xét bối cảnh nội bộ của Iran. Các quan chức chính phủ, nhà phân tích, và nhân vật chính trị ở Iran coi vụ tấn công của họ là dấu hiệu của một sự thay đổi chiến lược nhằm thay đổi động lực trong khu vực. Họ nói rằng vụ tấn công không nhằm mục đích kích động một cuộc chiến tổng lực, mà nhằm thiết lập sự răn đe chiến lược.
Quyết định điều chỉnh chiến lược này đã diễn ra sau một thời gian dài, khi các hành động của Israel chống lại lợi ích của Tehran gần như không bị đáp trả. Những hành động này bao gồm các cuộc tấn công vào các nhân vật quân sự, nhà khoa học, và cơ sở hạ tầng quan trọng của Iran, vốn được thực hiện mà không bị trừng phạt.
Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi sau bài phát biểu của Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei trong lễ Eid al-Fitr vào ngày 10/04. Bài phát biểu này được đưa ra sau cuộc không kích của Israel nhắm vào lãnh sự quán Iran ở Damascus, Syria vào ngày 01/04, khiến 16 người thiệt mạng, trong đó có hai sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Trong bài phát biểu công khai của mình, Khamenei tuyên bố: “Các cơ sở lãnh sự quán và đại sứ quán ở bất kỳ quốc gia nào cũng được coi là đất của quốc gia mà đại sứ quán trực thuộc; khi lãnh sự quán của chúng ta bị tấn công, thì xem như lãnh thổ của chúng ta đã bị tấn công; đây là một quy ước toàn cầu. Chế độ độc ác đã phạm sai lầm trong vấn đề này; nó phải bị trừng phạt, và nó sẽ bị trừng phạt.”
Phản ứng quân sự sau đó của Iran đã được tính toán kỹ lưỡng, với các cảnh báo sớm được đưa ra cho nhiều quốc gia trong khu vực, nhằm giảm thiểu thương vong cũng như cung cấp cho Israel các lựa chọn giảm leo thang. Các quan chức Iran đã nhanh chóng đưa ra một thông điệp dứt khoát trong tư thế chiến lược mới này: Bất kỳ vụ tấn công nào vào đất Iran trong tương lai, hoặc chống lại công dân Iran ở nước ngoài, sẽ dẫn đến các cuộc phản công trực tiếp vào lãnh thổ Israel. Theo đó, Iran đã xác định ngưỡng chịu đựng của mình, và tạo ra một thực tế chiến lược mới.
Suy ngẫm về những sự kiện này, nhà phân tích bảo thủ người Iran Gholamreza Bani Asadi tuyên bố: “Thời đại ‘đâm xe rồi bỏ chạy’ đã qua. Chỉ một đòn tấn công riêng lẻ vào chúng tôi cũng sẽ dẫn đến phản ứng gấp mười lần.” Tình cảm này đã lặp lại lập trường rộng hơn ở Iran sau vụ tấn công của Israel.
Yousef Mashfeq, một nhà phân tích khác của Iran, cũng góp phần vào luận điệu này bằng cách tuyên bố, “Iran đã chứng minh rằng chỉ với khả năng tối thiểu và bằng cách sử dụng các máy bay không người lái và tên lửa đơn giản nhất, chúng ta có thể áp đảo Israel và vượt qua hệ thống phòng thủ của nước này; đến mức ngay cả hỗ trợ từ Mỹ và các nước khác cũng không thể chống lại các đợt tấn công.” Phân tích của ông phù hợp với một quan điểm khác đang thịnh hành trong giới bình luận của Cộng hòa Hồi giáo Iran, rằng họ đã cố tình tránh sử dụng các loại vũ khí tinh vi nhất trong cuộc phản công quân sự của mình.
Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, cơ quan chính chịu trách nhiệm đưa ra quyết định về chính sách đối ngoại, khẳng định rằng cuộc tấn công vào Israel là phù hợp với Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Hội đồng nhấn mạnh rằng chiến dịch này là một phản ứng hạn chế, chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự. Họ tuyên bố, “Iran đã thực hiện hành động trừng phạt cần thiết tối thiểu chống lại chế độ Do Thái hung hăng, để bảo đảm lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia của mình. Hiện tại, Iran không có kế hoạch thực hiện thêm bất cứ hành động quân sự nào.”
Sau vụ tấn công, các luận điệu từ phía Iran dường như thách thức quan điểm phổ biến về ưu thế răn đe của Israel. Các quan chức Iran đã ám chỉ rằng, nếu tình trạng thù địch leo thang, họ có thể coi tài sản và lợi ích của Mỹ trong khu vực là mục tiêu tiềm tàng để trả đũa.
Hơn nữa, các nhà lãnh đạo quân sự của Iran đã bày tỏ sự sẵn sàng cản trở giao thông hàng hải qua Eo biển Hormuz, một vị trí rất quan trọng đối với thương mại quốc tế. Tuyên bố đe dọa phong tỏa eo biển gần đây của chỉ huy hải quân IRGC càng củng cố lập trường này. Thời điểm Iran bắt giữ một tàu hàng, được cho là thuộc sở hữu của một ông trùm Israel, ngay trước thềm cuộc tấn công vào Israel, dường như là một màn phô diễn năng lực có chủ ý. Hành động này tương tự như chiến lược của Houthi ở Biển Đỏ, và ngụ ý rằng Iran sẵn sàng cản trở hoạt động hàng hải ở Vịnh Ba Tư nếu xảy ra xung đột toàn diện, và điều này nhiều khả năng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
Tất cả các phe phái chính trị của Cộng hòa Hồi giáo Iran đều đã thể hiện sự đoàn kết ủng hộ vụ tấn công, với các nhân vật từ các phe bảo thủ, ôn hòa, và cải cách đều ủng hộ hành động này. Cựu Tổng thống chủ trương ôn hoà Hassan Rouhani đã bày tỏ hy vọng rằng Israel sẽ “rút ra bài học” và ngừng hành vi gây hấn để tránh phản ứng “tương xứng” từ Iran. Đồng tình với quan điểm này, cựu Tổng thống theo chủ nghĩa cải cách Mohammad Khatami ca ngợi phản ứng của Iran là “có tính toán, dũng cảm, hợp lý, và hợp pháp.”
Các nhân vật theo chủ nghĩa cải cách khác bày tỏ hy vọng rằng việc Iran đáp trả có thể tạo cơ hội xuống thang căng thẳng ngoại giao trong khu vực. Mohammad Hossein Khoshvaght, biên tập viên của trang tin cải cách Fararu, nhận xét rằng “Ngay cả trong chiến tranh, tất cả các bên đều cố gắng không đốt cháy mọi cây cầu phía sau lưng mình, đồng thời luôn để ngỏ khả năng ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.” Ngoài ra, Masoud Pezeshkian, một nghị sĩ theo chủ nghĩa cải cách, gợi ý rằng “nếu Iran và Mỹ đồng ý ngăn chặn việc phát động một cuộc chiến mới, chúng ta có thể mở rộng thỏa thuận này sang các lĩnh vực khác”.
Trong khi đó, một bộ phận khác của xã hội dân sự Iran, bao gồm những người ủng hộ dân chủ và các tổ chức lao động, đã cùng nhau lên tiếng phản đối chiến tranh sau vụ tấn công vào Israel. Một tuyên bố, được ký bởi hơn 350 nhân vật xã hội dân sự – bao gồm những nhà bảo vệ quyền phụ nữ và những lãnh đạo sinh viên nổi tiếng – tuyên bố: “Chúng tôi, những nhà hoạt động dân sự, tin rằng diễn ngôn về tìm kiếm dân chủ gắn liền với chính sách ‘Không chiến tranh,’ và diễn ngôn này không liên quan đến các thế lực hiếu chiến, dù ở vị trí của Cộng hòa Hồi giáo hay dưới vỏ bọc của phe đối lập.”
Đồng thời, bốn liên đoàn lao động độc lập – Liên minh Công nhân Tự do Iran, Hội đồng Điều phối các Hiệp hội Giáo viên Iran, Nhóm Người về hưu Thống nhất, và Hội đồng Người về hưu Iran – đã đưa ra các tuyên bố đề cập đến hậu quả thảm khốc của chiến tranh đối với người Iran. Ngoài ra, Nasrin Sotoudeh, một luật sư bất đồng chính kiến nổi tiếng, đã công khai bày tỏ sự phản đối chiến tranh, nói rằng: “Chúng tôi không muốn chiến tranh dưới bất kỳ danh nghĩa nào.”
Tuy nhiên, kể từ cuộc tấn công vào Israel, chính phủ Iran đã tăng cường đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, đặc biệt là bất kỳ lời chỉ trích nào đối với chiến dịch quân sự của họ. Cơ quan tư pháp đã triệu tập nhiều nhân vật chính trị, chuyên gia truyền thông, và các ấn phẩm báo chí vì dám chỉ trích hành động của Iran. Những cá nhân nổi tiếng, bao gồm Hossein Dehbashi, một nhà làm phim tài liệu và nhà báo, và Abbas Abdi, một nhà báo và nhà hoạt động xã hội, đang phải đối mặt với cáo buộc “gây rối loạn an ninh tinh thần của công chúng.”
Tương tự, Tổ chức Tình báo của IRGC đã cam kết thực hiện các biện pháp nghiêm khắc chống lại bất kỳ lời ủng hộ trực tuyến nào dành cho Israel, đồng thời kêu gọi công chúng báo cáo những sự việc kiểu này cho bộ phận mạng của tổ chức.
Sau cùng, cuộc tấn công của Iran vào đất Israel đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông. Việc Iran phô trương năng lực quân sự một cách chiến lược, dù còn hạn chế, đóng vai trò như một lời nhắc nhở rõ ràng về khả năng răn đe đang phát triển của nước này. Và những tuyên bố từ Tehran sau vụ tấn công không chỉ là lời nói khoác lác, nhưng giống như một tuyên bố nghiêm túc về ý định trả đũa mạnh mẽ hơn trước bất kỳ hành động gây hấn nào của Israel trong tương lai.
Sina Toossi là nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Chính sách Quốc tế.