28/04/1965: Quân đội Mỹ đổ bộ vào Cộng hòa Dominica

Nguồn: U.S. troops land in the Dominican Republic in attempt to forestall a “communist dictatorship”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1965, để ngăn chặn điều mà ông tuyên bố sẽ là một “chế độ độc tài cộng sản” ở Cộng hòa Dominica, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã điều hơn 22.000 quân Mỹ đến đảo quốc này. Hành động của Johnson đã kích động làn sóng biểu tình ở Mỹ Latinh, cũng như làm dấy lên sự hoài nghi của nhiều người Mỹ.

Những rắc rối ở Cộng hòa Dominica bắt đầu vào năm 1961, khi nhà độc tài lâu năm Rafael Trujillo bị ám sát. Trujillo là một kẻ cầm quyền tàn bạo, nhưng lập trường chống cộng cứng rắn đã giúp ông nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Cái chết của ông dẫn đến sự trỗi dậy của một chính phủ cải cách đứng đầu là Juan Bosch, người được bầu làm tổng thống vào năm 1962.

Tuy nhiên, quân đội Dominica lại khinh thường Bosch và các chính sách tự do của ông. Bosch bị lật đổ vào năm 1963. Cộng hòa Dominica theo đó rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị trong cuộc tranh giành quyền lực giữa nhiều nhóm khác nhau, bao gồm cả quân đội ngày càng chia rẽ. Năm 1965, các lực lượng yêu cầu phục chức cho Bosch đã bắt đầu tấn công chính phủ do quân đội kiểm soát.

Trong chính phủ Mỹ, nỗi lo ngại rằng một “Cuba thứ hai” đang được hình thành ở Cộng hòa Dominica cũng bắt đầu lan rộng. Quả thật, nhiều quan chức Mỹ nghi ngờ rằng lãnh đạo Cuba Fidel Castro đứng sau bạo lực ở Dominica. Vào ngày 28/04, hơn 22.000 quân Mỹ, được hỗ trợ bởi các lực lượng của một số quốc gia thành viên Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (một tổ chức kiểu Liên Hiệp Quốc dành cho Tây bán cầu, do Mỹ chi phối) chính thức đổ bộ vào Cộng hòa Dominica. Trong vài tuần tiếp theo, họ chấm dứt giao tranh và giúp thành lập một chính phủ bảo thủ, phi quân sự.

Tổng thống Johnson tuyên bố rằng ông đã hành động để ngăn chặn việc thiết lập một “chế độ độc tài cộng sản” ở Cộng hòa Dominica. Và để làm bằng chứng, ông đã cung cấp cho các phóng viên Mỹ danh sách những người bị tình nghi là cộng sản ở đảo quốc này. Chỉ cần đánh giá danh sách này một cách sơ lược là đủ để thấy rằng bằng chứng rất mong manh – một số người trong danh sách đã chết, trong khi những người khác không thể được xem là cộng sản theo bất kỳ nghĩa nào.

Nhiều chính phủ Mỹ Latinh cùng các cá nhân và tổ chức tư nhân đã lên án hành động xâm lược Cộng hòa Dominica của Mỹ, gọi nó là sự trở lại của “ngoại giao pháo hạm” đầu thế kỷ 20, khi Thủy quân Lục chiến Mỹ xâm lược và chiếm đóng một số quốc gia Mỹ Latinh bằng những lý do vụn vặt. Tại Mỹ, các chính trị gia và công dân vốn đã hoài nghi về chính sách của Johnson ở Việt Nam đã chế giễu những tuyên bố của Johnson về “nguy cơ cộng sản” ở Dominica. Những lời chỉ trích như vậy sẽ trở nên quen thuộc hơn đối với chính quyền Johnson khi Mỹ tham gia sâu hơn vào cuộc chiến ở Việt Nam.