04/05/1961: Chuyến xe Tự do đầu tiên khởi hành từ Washington, D.C.

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The first Freedom Ride departs from Washington, D.C., History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1961, một nhóm 13 thanh niên đã khởi hành từ Bến Xe buýt Greyhound ở Washington, D.C., đi về miền Nam nước Mỹ. Hành trình ban đầu khá yên bình, nhưng nhóm này sẽ gặp phải bạo lực kinh hoàng trên đường đến New Orleans, và cuối cùng buộc phải sơ tán khỏi Jackson, Mississippi. Tuy nhiên, họ vẫn giành được một vị trí trong lịch sử với tư cách là những người tham gia Chuyến xe Tự do (Freedom Riders) đầu tiên.

Hai phán quyết của Tối cao Pháp viện, Morgan vs. VirginiaBoynton vs. Virginia, đã cấm phân biệt chủng tộc trên các tuyến xe buýt, và một phán quyết vào năm 1955 của Ủy ban Thương mại Liên bang cũng cấm việc sử dụng các xe buýt “phân biệt nhưng bình đẳng” (separate but equal). Tuy nhiên, các tuyến xe buýt ở miền Nam nước Mỹ vẫn tiếp tục tuân thủ Đạo luật Jim Crow, phớt lờ quy định của liên bang về xoá bỏ phân biệt chủng tộc (desegregate). Đại hội Bình đẳng Chủng tộc, với sự hỗ trợ của Ủy ban Sinh viên Điều phối Bất bạo động, đã quyết định phản đối hành động của các bang miền Nam bằng cách cử những thanh niên cả da trắng lẫn da đen cùng nhau đi xe buýt đến miền Nam. Quyết định này được lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình ngồi và Hành trình Hòa giải năm 1947, trong đó các nhà hoạt động cố gắng xoá bỏ phân biệt chủng tộc trên xe buýt đã bị bỏ tù ở Bắc Carolina vì vi phạm Đạo luật Jim Crow.

Những người đi xe buýt ngày 04/05 phần lớn là sinh viên, nhưng cũng có một số là thiếu niên. Trong số này có John Lewis, 21 tuổi, người sẽ tiếp tục đồng tổ chức Cuộc tuần hành vì Việc làm và Tự do tại Washington và đại diện cho một quận ở Georgia, bao gồm phần lớn Atlanta, tại Quốc hội Mỹ trong 33 năm. Được đào tạo về biểu tình bất bạo động, nhóm thanh niên đã ngồi thành từng cặp đa chủng tộc trên xe buýt để đưa ra tuyên bố về hội nhập chủng tộc, đồng thời ngăn chặn bạo lực. Tuy nhiên, khi họ đến Rock Hill, Nam Carolina, Lewis đã bị đánh trọng thương, và tình hình thậm chí còn tệ hơn khi họ đến gần Birmingham, Alabama. Tại Anniston, ngoại ô Birmingham, một đám đông địa phương ủng hộ KKK đã tấn công một trong những chiếc xe buýt, đốt cháy nó và khiến một số sinh viên biểu tình phải nhập viện. Cảnh sát địa phương đã bắn chỉ thiên cảnh cáo để xua tan cuộc bạo loạn, dù sau đó có thông tin cho rằng cảnh sát đã đảm bảo riêng với KKK rằng sẽ cho họ đủ thời gian để tấn công trước khi can thiệp. Ở Birmingham, cũng có nhiều thành viên KKK đánh nhóm sinh viên biểu tình bằng gậy bóng chày và xích xe đạp trước khi cảnh sát địa phương, dẫn đầu bởi Bull Connor khét tiếng, đến nơi.

Các sinh viên đành từ bỏ kế hoạch đến New Orleans và được sơ tán khỏi Jackson, Mississippi, nhưng dù chuyến đi đầu tiên đã bị buộc kết thúc, nhiều sinh viên khác vẫn bắt đầu chuyến đi của mình. Xuyên suốt mùa hè, hơn 400 người đã tham gia hàng chục Chuyến xe Tự do. Giống như nhóm sinh viên đầu tiên, họ thường gặp phải bạo lực và bị bắt giam, nhưng hành động của họ đã khiến nước Mỹ phải chú ý đến sự tàn bạo của chế độ người da trắng thượng đẳng, và việc các bang, doanh nghiệp, và cơ quan hành pháp miền Nam tiếp tục coi thường các luật liên bang một cách trắng trợn. Cuối cùng, các sinh viên đã thực sự xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc trên những chuyến xe buýt.