05/05/1919: Phái đoàn Ý trở lại Hội nghị Hòa bình Paris

Nguồn: Italian delegates return to Paris peace conference, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, phái đoàn Ý—do Thủ tướng Vittorio Orlando và Ngoại trưởng Sidney Sonnino dẫn đầu— đã trở lại Hội nghị Hòa bình Versailles ở Paris, Pháp, sau khi đột ngột rời đi 11 ngày trước đó sau các cuộc đàm phán gây tranh cãi về lãnh thổ mà Ý sẽ nhận được sau Thế chiến I.

Tháng 5/1915, Ý tham gia Thế chiến I và về cùng phe với Anh, Pháp và Nga, dựa trên Hiệp ước London được ký một tháng trước, trong đó quân Đồng minh Hiệp ước hứa hẹn giao cho Ý quyền kiểm soát một lãnh thổ lớn sau chiến tranh.

Lãnh thổ này bao gồm vùng đất dọc biên giới của Ý với Đế quốc Áo-Hung, trải dài từ Trentino qua Nam Tyrol đến thành phố Trieste (vốn là khu vực tranh chấp lịch sử giữa Ý và Áo); các vùng của Dalmatia, và nhiều hòn đảo dọc theo bờ biển Adriatic của Áo-Hung; thành phố cảng Vlore của Albania (mà người Ý gọi là Valona) và vùng bảo hộ ở Albania; cùng các lãnh thổ từ Đế chế Ottoman. Khi Orlando và Sonnino đến Paris vào năm 1919, họ coi Hiệp ước London là một thỏa thuận có tính nghiêm ngặt và ràng buộc, đồng thời mong đợi các điều khoản của nó sẽ được thực thi và Ý sẽ được nhận phần thưởng vì đã tham gia cùng với các nước chiến thắng.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp vô cùng hối hận vì đã đưa ra những lời hứa như vậy. Họ rất khó chịu với Ý, cho rằng người Ý đã thất bại trong các đợt tấn công vào Áo-Hung trong chiến tranh, không thực hiện được lời hứa về hỗ trợ hải quân, và liên tục yêu cầu các nguồn lực mà sau đó họ không thể tận dụng trong nỗ lực chiến đấu. Tổng thống Mỹ, Woodrow Wilson, thậm chí còn kiên quyết rằng các yêu cầu của Ý không thể được đáp ứng, vì họ đã vi phạm quyền tự quyết của các dân tộc khác—cụ thể là người Nam Slav hoặc Nam Tư—sống trên các vùng lãnh thổ được đề cập.

Các cuộc đàm phán về yêu cầu lãnh thổ của Ý, dự kiến kéo dài sáu ngày, đã khai mạc vào ngày 19/04/1919 tại Paris. Căng thẳng bùng lên ngay lập tức, khi Orlando và Sonnino giữ vững lập trường trước sự phản kháng quyết liệt từ các nhà lãnh đạo khác. Bộ đôi cũng cảnh báo về một cuộc nội chiến ở Ý — được thúc đẩy bởi một phong trào ngày càng cực đoan của những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu — nếu Ý không nhận được những gì đã được hứa. Sang ngày 23/04, Wilson đưa ra một tuyên bố, lập luận rằng Hiệp ước London phải được gác lại và nhắc nhở Ý rằng nước này nên hài lòng với việc nhận được lãnh thổ Trentino và Tyrol, nơi phần lớn dân số là người Ý.

Một ngày sau, Orlando và Sonnino rời Paris và quay trở lại Rome, nơi họ gặp phải một cuộc biểu tình điên cuồng của những người yêu nước và chống Mỹ. Trong bài phát biểu trước quốc hội Ý, Orlando kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và khẳng định rằng các tuyên bố của Ý dựa trên những lý do cao cả về quyền và công lý đến mức chúng phải được công nhận một cách trọn vẹn. Những người Ý theo chủ nghĩa dân tộc, dẫn đầu bởi nhà thơ và nhà viết kịch đầy sức hút Gabriele D’Annunzio, đã tổ chức các cuộc họp trên khắp đất nước, chê bai gay gắt các nhà lãnh đạo Đồng minh—đặc biệt là Wilson—và ám chỉ sẽ gây chiến nếu yêu cầu của Ý không được đáp ứng.

Tại Paris, việc phái đoàn Ý rời đi đã đe dọa toàn bộ hội nghị, vì phái đoàn Đức dự kiến sẽ sớm đến nơi để nhận các điều khoản thoả thuận của họ. Ban thư ký hội nghị bắt đầu rà soát dự thảo hiệp ước của Đức để loại bỏ mọi đề cập đến Ý, dù chính phủ Ý cùng với các nước Đồng minh Hiệp ước khác vẫn đang nỗ lực tìm cách để Ý quay trở lại bàn đàm phán. Sau khi phái đoàn Áo nhận lời mời đến Paris và dự kiến đến nơi vào giữa tháng 5, người Ý nhận ra tình thế của họ đã trở nên tồi tệ. Trong khi đó, Wilson và Mỹ lại hứa trao cho Ý một khoản tín dụng trị giá 25 triệu USD mà họ rất cần; Anh và Pháp tin rằng lời đề nghị này sẽ giải phóng họ khỏi các nghĩa vụ theo Hiệp ước London, và hy vọng về một thỏa hiệp tốt hơn dần tan biến trước mắt Orlando và đồng bào của ông. Đến ngày 05/05, có thông báo rằng Orlando và Sonnino sẽ quay trở lại Paris và ban thư ký bắt đầu viết tay các phần nhắc đến Ý vào hiệp ước của Đức.

Trong Hiệp ước Versailles cuối cùng, được ký vào tháng 6, Ý đã nhận được một ghế thường trực trong Hội Quốc Liên, Tyrol, và một phần tiền bồi thường chiến phí của Đức. Tuy nhiên, nhiều người Ý tỏ rõ sự thất vọng với số phận của mình sau chiến tranh, và xung đột vẫn tiếp tục diễn ra ở Fiume, một thành phố cảng ở Croatia, nơi người Ý chiếm tỉ trọng dân số lớn nhất và các vùng lãnh thổ khác ở biển Adriatic. Đến mùa thu năm 1919, D’Annunzio và những người ủng hộ ông đã giành quyền kiểm soát Fiume, chiếm giữ nơi này suốt 15 tháng để chống đối chính phủ Ý và lan truyền những bài phát biểu dân tộc chủ nghĩa . Sự phẫn nộ tiếp tục sôi sục ở Anh, Pháp, và Mỹ, cùng với niềm tự hào bị tổn thương của người Ý, và tham vọng trở thành cường quốc trong tương lai—tất cả những cảm xúc này sẽ bị thủ lĩnh phát xít Benito Mussolini khai thác để tạo ra tác động tàn khốc trong Thế chiến II.