27/06/2015: Cờ Hợp bang Miền Nam bị gỡ khỏi Tòa nhà Tiểu bang Nam Carolina

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Activist Bree Newsome removes Confederate flag from South Carolina State House, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2015, các nhà hoạt động đóng giả người chạy bộ ra hiệu cho một đồng đội của họ rằng cảnh sát đã tạm thời rời mắt khỏi cột cờ bên ngoài Tòa nhà chính quyền Tiểu bang Nam Carolina. Sau khi nhận được tín hiệu, Brittany “Bree” Newsome leo lên cột, gỡ lá cờ Hợp bang Miền Nam đang bay phấp phới ở đó và bị bắt giữ. Hành động của Newsome đã gây tiếng vang trên toàn nước Mỹ và cuối cùng dẫn đến việc bang Nam Carolina vĩnh viễn gỡ bỏ lá cờ Hợp bang khỏi tòa nhà.

Hành động bất tuân dân sự của Newsome diễn ra chỉ mười ngày sau khi một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng sát hại chín người Mỹ gốc Phi trong một buổi học Kinh Thánh tại một nhà thờ lịch sử của người gốc Phi ở Charleston, Nam Carolina. Newsome đã nghe điếu văn của Tổng thống Barack Obama dành cho một trong những nạn nhân, Mục sư Clementa Pinckney, trong lúc lái xe đến Columbia. Để chuẩn bị cho sự kiện, cô đã tập leo núi và xin lời khuyên từ các nhà hoạt động Greenpeace có kinh nghiệm leo cây. Khi cô cầm lá cờ trên tay, một sĩ quan cảnh sát ra lệnh cho cô xuống, cô đáp lại “Các anh chống lại tôi bằng hận thù, áp bức, và bạo lực. Tôi chống lại các anh nhân danh Chúa. Lá cờ này phải hạ xuống hôm nay.” Cô đã đọc bài Thánh Vịnh 23 khi bị bắt vào tù.

Mặc dù lá cờ được treo lại chỉ trong vòng một giờ, hành động của Newsome đã có tác động tức thời và lâu dài. Các nhà lãnh đạo dân quyền và các nhân vật văn hóa nổi tiếng khác đã lên tiếng phản đối lá cờ và ủng hộ Newsome. Ngôi sao NBA Dwyane Wade và nhà làm phim Michael Moore đều đề nghị trả tiền bảo lãnh cho cô. Cuộc biểu tình đã thu hút sự chú ý đến nhiều biểu tượng của Hợp bang vốn vẫn đang chiếm vị trí nổi bật ở nơi công cộng trên khắp miền Nam nước Mỹ, và sự chú ý này cuối cùng đã buộc tiểu bang Nam Carolina phải hành động.

Vào ngày 9 tháng 7, cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa thống trị ở Nam Carolina đã thông qua một dự luật loại bỏ vĩnh viễn lá cờ khỏi tòa nhà, và Thống đốc Nikki Haley thuộc Đảng Cộng hòa nhanh chóng ký phê duyệt. Newsome sau đó đã liên kết hành động của mình với các hành động bất tuân dân sự từ thời kỳ dân quyền đầu tiên, cho rằng nó tương đương với cách “bốn người Greensboro[1] thể hiện sức mạnh và quyền lực khi đến ngồi tại quầy ăn của Woolworth. Các anh nói chúng tôi không thể ngồi đây sao? Chúng tôi sẽ ngồi đây. Các anh nói chúng tôi không thể hạ lá cờ này xuống sao? Chúng tôi sẽ hạ lá cờ này xuống ngay hôm nay. Đây chính là cảm giác chiến thắng.”

——————–

[1] Bốn người Greensboro (Greensboro Four) là bốn sinh viên đại học người Mỹ gốc Phi, gồm David Richmond, Franklin McCain, Ezell A. Blair, Jr., và Joseph McNeil. Các sinh viên này đã tham gia vào một cuộc biểu tình ngồi tại quầy ăn trưa Woolworth ở Greensboro, Bắc Carolina. Hành động của họ đã châm ngòi cho phong trào biểu tình ngồi lan rộng khắp miền Nam nước Mỹ, góp phần quan trọng vào phong trào dân quyền.