Học giả nổi tiếng lo kinh tế Thái Lan tụt hậu, bị Việt Nam vượt mặt

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Thitinan Pongsudhirak, “Thailand’s era of economic stagnation,” Bangkok Post, 05/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sau hai mươi năm bất ổn và hỗn loạn chính trị, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nền kinh tế Thái Lan bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu của suy sụp và tuyệt vọng. Suốt nhiều thập niên, nền kinh tế Thái Lan đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Nhưng biệt danh “Chảo chống dính Thái Lan” (“Teflon Thailand”, chỉ khả năng chống chịu trước các khó khăn của nền kinh tế Thái Lan – NBT) có lẽ đã trở thành dĩ vãng. Các tít báo đều nói rằng nền kinh tế Thái Lan đang đi xuống nhanh chóng. Trừ phi có những cải cách chính trị cơ bản, Thái Lan nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp với nguy cơ trì trệ trầm trọng.

Dù phải đối mặt với sự bất ổn và mong manh về chính trị trong phần lớn bốn thập niên trước cuộc khủng hoảng kinh tế 1997-1998, được đặc trưng bởi các cuộc đảo chính quân sự, bầu cử và hiến pháp, nền kinh tế Thái Lan vẫn đạt được mức tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, từ năm 1999 đến năm 2005, nền kinh tế tăng trưởng 5% mỗi năm. Nhưng kể từ khi chính trị Thái Lan trở nên hỗn loạn với nhiều cuộc đảo chính và hiến pháp hơn, tăng trưởng kinh tế cũng bắt đầu trở nên bấp bênh và sa sút.

Quỹ đạo tăng trưởng của đất nước hiện dao động trong khoảng 3%, với xu hướng giảm. Chẳng hạn, vào năm 2023, tăng trưởng GDP của Thái Lan chỉ đạt 1,9%. Đối với năm 2024, theo Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (cơ quan hoạch định kinh tế của đất nước), dự báo tăng trưởng đã được điều chỉnh giảm từ 2,7-3,7%, mức được tính toán vào tháng 11 năm ngoái, xuống 2,2-3,2% vào tháng 2 năm nay. Mức giảm này phù hợp với dự báo của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Trung ương Thái Lan.

Nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng ảm đạm là hàng loạt thách thức, từ cầu bên ngoài thấp hơn và sự gián đoạn địa kinh tế do xung đột Mỹ-Trung, đến nợ hộ gia đình cao và mất khả năng cạnh tranh tổng thể trước sự cạnh tranh gay gắt hơn trong khu vực lân cận. Tuy nhiên, nguyên nhân trên hết vẫn là tình trạng bất ổn chính trị kéo dài của Thái Lan. Một hoặc hai năm đảo chính quân sự, theo sau là sửa đổi hiến pháp và bầu cử để thiết lập lại cục diện, đã trở thành điều bình thường trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và đối tác kinh tế.

Nhưng khi Thái Lan liên tục tự bắn vào chân mình bằng hết cuộc đảo chính này đến cuộc đảo chính khác, vào năm 2006 và 2014, cùng với các cuộc biểu tình trên đường phố, sự can thiệp của ngành tư pháp, và việc giải tán các đảng phái chính trị bất kể kết quả bầu cử ra sao, khiến việc phục hồi ngày càng trở nên khó khăn hơn. Biểu tượng cho sự bất ổn và bất mãn của hai thập niên qua là chính phủ dưới thời Tướng Prayut Chan-o-cha từ năm 2014 đến năm 2023: 5 năm đầu tiên là chế độ quân sự hoàn toàn cai trị bằng sắc lệnh và 4 năm còn lại là sự cai trị được quân đội hậu thuẫn và tư pháp cho phép, vốn ưu tiên an ninh nội bộ hơn là tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng.

Thời kỳ Prayut đã kết thúc với cuộc bầu cử tháng 5/2023, như một bước ngoặt lớn của Thái Lan. Đối với những người theo dõi Thái Lan từ cộng đồng đầu tư cũng như nhiều nơi khác ở trong và ngoài nước, cuộc bầu cử năm ngoái là bước khởi động lại cần thiết khi nền kinh tế Thái Lan được cho là sẽ lấy lại chỗ đứng nhờ sự ổn định và hiệu quả nhất định về chính trị. Thái Lan được kỳ vọng tiến lên phía trước sau khi có kết quả bầu cử rõ ràng, với 2/3 số phiếu bầu thuộc về các đảng Move Forward và Pheu Thai. Nhiều người theo dõi Thái Lan đã xem chương trình cải cách của Move Forward, vốn trùng lặp đáng kể với cương lĩnh chính sách của Pheu Thai, chính là con đường phía trước.

Tuy nhiên, hơn một năm sau bầu cử, đất nước vẫn dậm chân tại chỗ. Theo nhiều nguồn tin, Move Forward sắp bị giải tán vì các cam kết bầu cử nhằm cải cách Điều 112, hay luật khi quân. Ngay cả Pheu Thai, đảng đã thành lập và lãnh đạo chính phủ liên minh, cũng đang bị cản trở từ mọi phía khi cố gắng thực hiện các chương trình chính sách của mình mà không động đến các cải cách quan trọng về quân đội và hoàng gia. Đối với những người theo dõi Thái Lan, đất nước này đã không còn khả năng phục hồi nữa. Lớp “chống dính” nổi tiếng của Thái Lan nay đã hết tác dụng.

Dữ liệu không chính thức và bằng chứng về sự suy thoái kinh tế của Thái Lan do sự lạc hậu về chính trị đã xuất hiện từ nhiều nguồn khác nhau. Chẳng hạn như ngành sản xuất xe hơi, vốn chiếm tới 11% GDP. Theo Nikkei Asia, Malaysia đã vượt Thái Lan để trở thành thị trường xe hơi lớn thứ hai của ASEAN, dù quy mô thị trường của Thái Lan lớn gấp đôi Malaysia. Hơn nữa, một tập đoàn xe hơi đa quốc gia của Nhật Bản gần đây đã tổ chức một cuộc họp lớn ở Bangkok để quyết định xem liệu họ có nên duy trì hoạt động ở Thái Lan, hay chuyển một số tài sản của mình đi nơi khác, đặc biệt là nếu chính phủ Thái Lan dự định ưu ái xe điện do Trung Quốc sản xuất.

Trước đây, có một quy tắc ngầm định là Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ hai của ASEAN sau Indonesia. Nhưng xét đến tốc độ tăng trưởng thấp hiện tại của Thái Lan, quy tắc này có thể sớm thay đổi. GDP danh nghĩa của Việt Nam vào đầu năm 2024 đã đạt khoảng 466 tỷ USD, so với 548 tỷ USD của Thái Lan. Nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 6%, trong khi Thái Lan chỉ tăng trưởng 3% hàng năm, quy mô GDP của Việt Nam sẽ vượt GDP Thái Lan vào năm 2030. Chẳng trách mà một tờ báo địa phương đã giật tít “Thái Lan đã trở thành ‘Đông Nam Á bệnh phu’?” Nếu không có những câu chuyện tăng trưởng tồi tệ hơn, chẳng hạn như của Pakistan, thì phạm vi đã mở rộng sang toàn châu Á, chứ không chỉ riêng Đông Nam Á.

Thái Lan cũng từng nổi tiếng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng câu chuyện này cũng đang thay đổi. Theo dữ liệu từ Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Thái Lan đã tụt xuống vị trí thứ năm trong số các nền kinh tế thành viên ASEAN vào năm 2022, từ vị trí thứ hai vào năm 2010. Indonesia, Việt Nam, và Malaysia đã vượt qua Thái Lan để cùng đứng đầu với Singapore.

Người ta cũng có thể xem xét ngẫu nhiên các lĩnh vực cạnh tranh khác, chẳng hạn như ngành hàng không toàn cầu. Trong khảo sát của AirlineRatings.com năm 2024, hãng hàng không Thai Airways vốn nổi tiếng trước đây đã không có mặt trong top 25 hãng hàng không cao cấp nhất. Korean Air đứng thứ 2, All Nippon Airways của Nhật Bản thứ 7, Vietnam Airlines thứ 11, Singapore Airlines thứ 12, và Eva Air của Đài Loan thứ 13. Hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không quốc gia thường được coi là mô hình thu nhỏ về khả năng cạnh tranh và tiềm lực kinh tế của một quốc gia. Những sai lầm tồi tệ tại Thai Airways cũng giống như những sai lầm của nền kinh tế Thái Lan, từ nạn thân hữu và tham nhũng, đến quản lý vô trách nhiệm và thiếu trách nhiệm giải trình với cổ đông.

Tương tự, các trường đại học Thái Lan cũng đã tụt hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu, trong khi hai cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Singapore lại nằm trong top 20 quốc tế, chưa kể đến các trường đại học đang phát triển ở Malaysia. Không có gì đáng ngạc nhiên khi điểm PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế) của học sinh Thái Lan vào tháng 12 năm ngoái là thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi các nước láng giềng như Malaysia đang cố gắng đưa lập trình vào chương trình giáo dục trung học, thì Bộ Giáo dục Thái Lan lại chỉ nghĩ về việc dạy học sinh cách tôn kính các biểu tượng truyền thống của dân tộc, tôn giáo, và hoàng gia.

Sẽ không thiếu những kẻ phủ nhận sự thật, những kẻ đang trốn sau sự tự mãn và những vinh quang trong quá khứ. Họ sẽ khăng khăng rằng Thái Lan đang làm rất tốt. Một số người có lợi ích trong việc giữ nguyên trạng đáng báo động này. Những người khác chỉ đơn giản là không đủ can đảm để đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Sự thật là Thái Lan đã và đang tụt hậu. Nếu không có sự điều chỉnh mạnh mẽ, nước này rồi sẽ trở thành một quốc gia hạng ba, vẫn thu hút du khách nhờ người dân hiếu khách và ngành du lịch giá trị tốt, nhưng chẳng còn gì khác.

Thitinan Pongsudhirak là giáo sư và nghiên cứu viên cấp cao của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế tại Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Chulalongkorn. Ông đã nhận bằng Tiến sĩ tại Trường Kinh tế London với giải luận văn hàng đầu vào năm 2002. Được Hiệp hội Nhà xuất bản Châu Á công nhận về mảng viết bình luận, các quan điểm và bài viết của ông đã được nhiều phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế đăng tải rộng rãi.