Liệu có hồi kết nào cho xung đột giữa Israel và Hezbollah?

Nguồn: Daniel Byman, “Does Israel’s Conflict with Hezbollah Have an Endgame?,” Foreign Policy, 12/08/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhóm phiến quân Lebanon sẽ vẫn là mối đe dọa đối với Israel ngay cả sau chiến tranh.

Cuộc chiến của Israel ở Gaza từ lâu đã gắn liền với một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, với Iran; với lực lượng Houthi ở Yemen; và quan trọng nhất là với lực lượng Hezbollah của Lebanon, những người tấn công Israel dưới danh nghĩa đoàn kết ủng hộ Hamas. Mỗi cuộc xung đột nhỏ này đang có nguy cơ trở nên căng thẳng hơn sau hai vụ ám sát liên tiếp của Israel, nhắm vào chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah vào cuối tháng 7 ở Beirut và lãnh đạo chính trị Ismail Haniyeh của Hamas tại nơi trú ẩn an toàn của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ở trung tâm Tehran.

Xung đột ở Lebanon có thể chuyển từ chiến tranh hạn chế sang xung đột toàn diện, dù là do tính toán sai lầm của Israel hay Hezbollah, hay do quyết định có chủ ý của một trong hai bên rằng họ sẽ giành lợi thế nếu khơi mào, thay vì trì hoãn, một cuộc chiến dường như là không thể tránh khỏi. Nếu Israel phát động một cuộc chiến tổng lực, đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn và gây thiệt hại nặng nề cho cả Israel và Lebanon. Nhưng sau khi tiếng súng từ cuộc xung đột lớn này dừng lại, Israel có lẽ sẽ nhận ra rằng cuộc xung đột giữa họ và Hezbollah vẫn không được giải quyết, và rằng họ chỉ thu được rất ít lợi ích về mặt chiến lược ngay cả khi giành chiến thắng về mặt quân sự. Tốt hơn hết là Israel nên cố gắng tăng cường khả năng răn đe, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Hezbollah sẽ tiếp tục đe dọa.

Trước cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, người Israel đã miễn cưỡng chấp nhận sự hiện diện của Hezbollah ở biên giới phía bắc của họ. Khoảng 100.000 chiến binh toàn thời gian và bán thời gian mà Hezbollah có thể huy động, cùng với kho vũ khí tên lửa khổng lồ của họ (lớn hơn nhiều so với của Hamas) đã tạo ra một thế răn đe khó chịu, khi cả hai bên đều hiểu rằng một cuộc chiến sẽ có sức hủy diệt rất lớn. Cả hai bên đều nhớ rõ cuộc xung đột kéo dài 34 ngày của họ vào năm 2006. Trong cuộc chiến đó, Hezbollah liên tục bắn tên lửa vào Israel và gây tổn thất đáng kể cho lực lượng mặt đất của Israel khi họ tiến vào Lebanon, nhưng Hezbollah cũng chịu thương vong nặng nề trong quá trình này – nặng gấp nhiều lần Israel. Không bên nào mong muốn một trận tái đấu trong những năm sau đó.

Tuy nhiên, cuộc tấn công ngày 7/10 đã đảo lộn nền hòa bình khó chịu này. Bên cạnh hàng nghìn cuộc tấn công xuyên biên giới Israel-Lebanon kể từ đó đến nay, cuộc xâm lược của Hamas còn khiến Israel bị tổn thương về mặt tâm lý và đã giết chết gần 1.200 người, đồng nghĩa với việc tính toán rủi ro của nước này đã trở nên rất khác. Giờ đây, người Israel tự hỏi, nếu một cuộc tấn công bất ngờ từ Hamas yếu hơn nhiều còn có thể gây ra sự tàn phá như vậy, thì một cuộc tấn công từ Hezbollah đáng sợ hơn sẽ gây ra loại khổ đau nào? Nếu trước đây chiến tranh là mối đe dọa, thì giờ đây hòa bình và sự tự mãn đi kèm với nó mới là điều đáng lo ngại.

Thêm vào nỗi sợ này là tình thế lưỡng nan của 60.000 người Israel phải rời bỏ nhà cửa, những người đã chạy trốn khỏi miền bắc đất nước trước các cuộc tấn công của Hezbollah, và sẽ chỉ quay trở lại khi họ cảm thấy thực sự an toàn. Một lần nữa, hãy nhớ đến ngày 7/10, thật khó để đảm bảo an toàn cho người dân chừng nào mối đe dọa vẫn còn rình rập ngay bên kia biên giới. Israel có thể tiến hành chiến tranh để tiêu diệt hoàn toàn Hezbollah, như nước này đang tìm cách làm với Hamas, hoặc ít nhất là đẩy lực lượng Hezbollah vượt ra ngoài Sông Litani, nơi mà lực lượng này đáng lẽ phải ở như theo các điều kiện của Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, theo đó kết thúc cuộc chiến năm 2006.

Sẽ hữu ích nếu chúng ta xem xét hậu quả của cuộc chiến đó. Sau khi xung đột kết thúc, Iran đã giúp tái vũ trang cho Hezbollah và cũng đổ tiền tái thiết vào Lebanon, giúp nhóm này ghi được điểm chính trị trước nhiều cộng đồng bị tàn phá bởi chiến tranh. Hezbollah cũng đã phá vỡ Nghị quyết 1701 khi đưa các chiến binh của mình trở lại biên giới với Israel dưới vỏ bọc của một tổ chức từ thiện môi trường có tên là “Xanh không biên giới.” Chính phủ và quân đội Lebanon – cũng như các lực lượng Liên Hiệp Quốc đóng tại khu vực – quá yếu để ngăn chặn cuộc xâm nhập.

Sự hỗ trợ của Iran dành cho Hezbollah đã không hề suy giảm kể từ năm 2006. Tehran tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hezbollah và có thể sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự đáng kể cho nhóm này sau cuộc xung đột mới với Israel. Thật vậy, nỗ lực tấn công thất bại của Iran vào Israel hồi tháng 4 đã khẳng định giá trị của việc có một đồng minh đáng gờm như Hezbollah ở biên giới Israel. Và việc hỗ trợ cho nhóm chiến binh Lebanon thậm chí còn dễ dàng hơn so với năm 2006, vì Iran và các đồng minh hiện kiểm soát hành lang trên bộ nối Iran với Iraq, Iraq với Syria, và Syria với Lebanon, cho phép vận chuyển vũ khí cho nhóm này bằng đường bộ một cách dễ dàng hơn.

Nếu chiến tranh xảy ra, Israel sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì một cuộc xung đột lâu dài ở Lebanon. Quân đội của họ đã kiệt sức sau gần một năm chiến đấu ở Gaza, với nhiều quân nhân dự bị Israel đã phải phục vụ nhiều lần ở dải đất này. Phụ tùng thay thế, đạn dược, và các nhu yếu phẩm khác cũng tương đối thiếu hụt cho một cuộc chiến kéo dài. Do đó, ngay cả một cuộc chiến quy mô lớn cũng chỉ có thể diễn ra trong thời gian giới hạn, tạo điều kiện cho Hezbollah phục hồi sức mạnh.

Chính Hezbollah cũng có thể kéo dài cuộc chiến. Một phần trong chiến lược của Israel ở Gaza là chia cắt lực lượng Hamas, chiếm đóng các khu vực khác nhau của vùng đất, và truy lùng các chiến binh Hamas để tiêu diệt nhóm này. Lebanon lớn hơn nhiều so với Gaza và Israel không thể đơn giản đưa lực lượng của mình vào toàn bộ Lebanon trong một khoảng thời gian ngắn. Trên thực tế, điều tốt nhất Israel có thể làm là tái chiếm các khu vực phía nam Lebanon, như họ đã làm từ năm 1982 đến năm 2000. Trong giai đoạn đó, các cuộc tấn công cấp thấp đã liên tục gây thương vong cho quân Israel, khiến nước này cuối cùng phải rút lui. Hezbollah ngày nay đáng gờm hơn nhiều, và ngay cả khi phải chịu nhiều tổn thất hơn mức họ cảm thấy có thể chịu được, thì phần lớn lực lượng của nhóm này vẫn có thể rút lui khỏi khu vực biên giới và quay trở lại khi Israel rời đi, hoặc thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công du kích nếu phía Israel quyết định ở lại.

Israel cũng sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích khác từ quốc tế và từ Mỹ nếu nước này bị xem là kẻ xâm lược trong cuộc xung đột mới ở Lebanon. Hiện tại, hình ảnh của Israel trong mắt dư luận thế giới đang xấu đi do cuộc chiến ở Gaza, và nhiều người Mỹ trẻ tuổi đã kịch liệt chỉ trích Israel. Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và nhiều chế độ khác không ưa gì Hezbollah và người ủng hộ của họ, Iran, nhưng sự tàn phá của chiến tranh và sự đau khổ của thường dân Lebanon sẽ khiến người dân các nước Ả Rập này chống lại Israel hơn nữa, khiến các chính phủ này không thể ủng hộ các chiến dịch chống Hezbollah.

Điều quan trọng nhất là: tương tự như ở Gaza, không có gì giải quyết được vấn đề quản trị ở Lebanon. Không có đối thủ nào mạnh bằng Hezbollah, theo đó giúp nhóm này được tự do kiểm soát đất nước. Vì vậy, Hezbollah sẽ không biến mất do thất bại quân sự hay vì bị một nhóm khác ở Lebanon đàn áp.

Một cách tiếp cận mang tính răn đe sẽ tốt hơn, và Hezbollah đã ra tín hiệu rằng họ sẽ ngừng các cuộc tấn công nếu có lệnh ngừng bắn ở Gaza. Amos Hochstein, người phụ trách vấn đề Lebanon của chính quyền Biden, đang cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận có thể mang lại lợi ích cho Lebanon và cải thiện vị thế an ninh của Israel.

May mắn thay cho Israel, Hezbollah khác với Hamas ở những khía cạnh có thể khiến khả năng răn đe trở nên hiệu quả hơn. Hezbollah đã thừa nhận sức mạnh quân sự của Israel trong nhiều năm, và sự tàn phá ở Gaza là một lời nhắc nhở khác rằng Israel sẽ không khoan nhượng. Và các nhà lãnh đạo Hezbollah đã cho thấy rằng họ quan tâm đến Lebanon nhiều hơn Hamas quan tâm đến Gaza. Nền kinh tế Lebanon đã sụp đổ kể từ năm 2019 và một cuộc chiến khác có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của đất nước – và Hezbollah sẽ bị đổ lỗi.

Cách tiếp cận này về cơ bản là không khiến người ta thỏa mãn: dù lý tưởng nhất là một nền hòa bình thỏa thuận sẽ đẩy các chiến binh của Hezbollah ra xa biên giới Israel, nhóm này vẫn sẽ là mối đe dọa đối với Israel. Tuy nhiên, một sự răn đe không thỏa mãn vẫn tốt hơn là một cuộc chiến tàn khốc mà cuối cùng sẽ dẫn đến một kết cục cũng không thỏa mãn.

Tuy nhiên, chiến lược chưa bao giờ là thế mạnh của Israel. Cơ quan quân sự và tình báo của Israel có thể rất xuất sắc: Vụ ám sát Haniyeh gần đây ở trung tâm Tehran chỉ là ví dụ mới nhất trong rất nhiều ví dụ. Nhưng quá trình ra quyết định về an ninh quốc gia của Israel đã bị chính trị hóa cao độ và tư duy ngắn hạn đang chiếm ưu thế trong tính toán. Quả thực, sau hơn 10 tháng giao tranh ở Gaza, Israel vẫn thiếu một kết cục thực tế.

Xu hướng này trong ngắn hạn có thể khiến Israel tấn công trước và cố gắng tìm ra mục tiêu dài hạn sau đó. Việc Mỹ và đồng minh tiếp tục gây áp lực để buộc Israel tránh chiến tranh tổng lực là cần thiết để mang lại cho các nhà lãnh đạo Israel một vỏ bọc chính trị nhằm tránh một cuộc chiến vừa tốn kém vừa phản tác dụng.

Daniel Byman là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là Giáo sư tại Trường Quan hệ Đối ngoại của Đại học Georgetown. Cuốn sách mới nhất của ông là “Spreading Hate: The Global Rise of White Supremacist Terrorism.”