15/09/1971: Tổ chức Hòa bình Xanh ra đời

Nguồn: Greenpeace is born, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1971, một nhóm các nhà hoạt động xã hội đã nhổ neo từ Vancouver trên một chiếc thuyền đánh cá được tái sử dụng, mà họ đặt tên là Greenpeace. Nhiệm vụ của họ là ngăn chặn Mỹ thử bom hạt nhân bên dưới Đảo Amchitka của Alaska. Dù cuối cùng họ vẫn thất bại trong nhiệm vụ này, nhưng hành động của họ đã mở đường cho sự ra đời của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace).

Tin tức về vụ thử hạt nhân được lên kế hoạch đã khiến các cư dân vùng bờ biển Thái Bình Dương của Bắc Mỹ lo ngại, rằng việc thử một quả bom mạnh như vậy dưới lòng đất, gần một đường đứt gãy, có thể gây ra hậu quả thảm khốc. Nhiều người lo sợ sẽ xảy ra một cơn sóng thần, dẫn đến việc thành lập một nhóm có tên là Ủy ban Đừng Gây ra Sóng thần (Don’t Make a Wave Committee). Được truyền cảm hứng từ Albert Bigelow, cựu Chỉ huy Hải quân Mỹ, người đã cố gắng ngăn cản một vụ thử hạt nhân năm 1958 bằng cách đi thuyền vào vùng biển nơi vũ khí sẽ được triển khai, Ủy ban Đừng Gây ra Sóng thần đã quyết định gửi một con tàu chở đầy người vào vùng nguy hiểm như một cách buộc chính phủ Mỹ phải từ bỏ cuộc thử nghiệm.

Con thuyền Greenpeace, được một thành viên thủy thủ đoàn mô tả là “tàu chiến truyền thông” (media war ship), đã đến Amchitka một tuần trước ngày thử nghiệm theo lịch trình, nhưng chính phủ Mỹ đã phá hỏng kế hoạch của họ. Cuộc thử nghiệm đã bị trì hoãn, nhiều khả năng là do Tổng thống Richard Nixon ra lệnh, buộc Greenpeace phải quay trở lại cảng, nơi thủy thủ đoàn bị bắt vì lý do kỹ thuật.

Quả bom đã được kích nổ ở độ sâu 1,2 km dưới bề mặt của hòn đảo vào ngày 02/11/1971. Vụ nổ 5 megaton, mạnh gấp 250 lần quả bom thả xuống Hiroshima, đã gây ra một đợt sóng xung kích phát ra từ một miệng hố rộng một dặm do vụ nổ tạo ra. Cuộc thử nghiệm này và nhiều cuộc thử nghiệm khác được tiến hành tại Amchitka đã khiến các hạt phóng xạ thấm vào nước ngầm của hòn đảo, sau đó tìm đường vào Thái Bình Dương.

Dù họ đã không ngăn chặn được cuộc thử nghiệm hạt nhân, Ủy ban Đừng Gây ra Sóng thần đã được hàng loạt phương tiện truyền thông chú ý. Các tin tức tiêu cực trên mặt báo có thể là lý do khiến cuộc thử nghiệm hạt nhân tại Amchitka bị hủy bỏ chỉ năm tháng sau đó. Những người tổ chức chuyến đi Greenpeace đã lấy tên con tàu này làm tên tổ chức của mình khi họ lên kế hoạch cho các dự án tiếp theo, và Tổ chức Hòa bình Xanh đã trở thành tổ chức đi đầu toàn cầu trong hoạt động bảo vệ môi trường.