Đại Việt dưới thời Lê Thần Tông và Lê Chân Tông (1635-1649)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”

Vua Lê Thần Tông xuống chiếu truyền ngôi cho Vua Chân Tông; trị vì 6 năm Vua Chân Tông mất, Thần Tông lại tiếp tục ngôi Vua. Trong thời gian này phe Trịnh, Nguyễn mấy lần tương tranh, quân Nguyễn tiến đến bờ sông Gianh, rồi tạm thời hòa hoãn. Tại Trung Quốc nhà Thanh diệt Minh, đòi Sứ thần ngoại quốc nạp sắc phong của nhà Minh.

Tháng 10 năm Đức Long thứ 7 [10/11-8/12/1635], tức Minh Sùng Trinh năm thứ 8, từ tháng 10, Vua Lê Thần Tông đổi niên hiệu là Dương Hoà năm thứ nhất, cho đại xá.

Tại miền Nam, vào ngày Đinh Hợi mồng 10 tháng 10 [19/11/1635], Chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất, con thứ hai là Nguyễn Phúc Lan lên cầm quyền, gọi là Chúa Thượng, bấy giờ 35 tuổi.

Trấn thủ Quảng Nam là Anh con thứ 3 của Chúa Phúc Nguyên tức thì phát binh làm phản, cùng Ký lục là Phạm mưu đắp lũy Cu Đê làm kế cố thủ và bày thủy quân ở cửa biển Đà Nẵng để chống lại. Rồi Phạm lẻn về đem tình trạng làm phản ấy trình chúa Thượng. Chúa triệu Tôn Thất Khê vào, khóc mà bảo rằng:

Anh bất hiếu bất cung, tội không tha được. Nhưng tôi là con, đương ở vào cảnh tang tóc đau thương, nay cầm dao mà đâm kẻ ruột thịt với mình, lòng tôi thực không nỡ. Vả vì một người mà làm lụy đến trăm họ, điều đó người nhân giả cũng lấy làm thương tâm. Vậy tôi muốn nhường ngôi để tắt sự tranh giành, chú nghĩ thế nào?”

Khê thưa rằng:

Tội Anh tất phải giết, thần và người đều giận, lẽ nào nín náu để hại đến nghĩa lớn ư? Xin lấy nghĩa mà cắt đứt ơn riêng, để tỏ rõ phép nước”.

Chúa gạt nước mắt nghe theo. Rồi sai Bùi Hùng Lương, Tống Triều Phương lãnh thủy sư tiến đến vụng Trà Sơn [vịnh Đà Nẵng], Tôn Thất Yên, Tống Văn Hùng lãnh bộ binh tiến đến lũy Cu Đê, hai đạo giáp đánh. Bấy giờ cai đội bộ binh là Dương Sơn cùng Tôn Thất Tuyên đem quân theo đường tắt, đánh thẳng vào Quảng Nam. Dương Sơn đến trước, xông vào dinh bắt được quyển sổ đồng tâm ghi những người đồng mưu. Anh sợ chạy trốn về phía cửa biển Đại Chiêm [Cửa Đại, Quảng Nam]. Tuyên đuổi theo bắt được, đóng gông giải về. Anh nằm rạp xuống sân kêu van, Chúa còn không nỡ giết. Khê và các tướng đều xin rằng:

Anh phản nghịch, tội rất lớn. Phải xử theo phép nước để răn bọn loạn tặc”.

Chúa bèn theo lời, sai Khê theo sổ đồng tâm mà bắt giết hết.

Tháng 12 [8/1-6/2/1636], dời công phủ sang xã Kim Long thuộc huyện Hương Trà [phường Kim Long, Huế], Chúa cho rằng Kim Long là nơi núi sông đẹp tốt, bèn sai dựng cung thất, xây thành quách.

Tháng Giêng năm Dương Hòa thứ 2 [7/2-6/3/1636] tức Minh Sùng Trinh năm 9, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan sai sứ ra cáo phó với nhà Lê Chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất. Tháng 2 [7/3-5/4/1636], vua Lê sai Lại khoa cấp sự trung là Nguyễn Quang Minh và Binh khoan cấp sự trung là Nguyễn Thật đem vàng bạc đến phúng, bọn Quang Minh đến, sửa soạn nghi lễ tế điếu đầy đủ, khi về Chúa tặng rất hậu.

Mùa xuân, nhà Lê gửi thư cho quan Tam ty Lưỡng Quảng, nhờ chuyển tờ tâu xin phong tước Vương một lần nữa, nhưng triều Minh không chấp thuận.

Tháng 10 năm Dương Hoà thứ 3 [16/11-15/12/1637], tức Minh Sùng Trinh năm thứ 10, thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Xuân Chính 20 người. Đến kỳ thi Đình, vua thân ra đầu đề văn sách, cho bọn Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Nghi, Nguyễn Thế Khanh đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Hữu Thường 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Cổn 15 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân. Từ thời Trung Hưng, đến nay mới lấy tam khôi: Trạng nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa.

Ngày 30 tháng 12 [13/2/1638] sai chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh, phó sứ là bọn Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình, Thân Khuê gồm 2 sứ bộ sang tuế cống nhà Minh.

Tháng 3 năm Dương Hoà thứ 4 [14/4-13/5/1638], tức Minh Sùng Trinh năm thứ 11. Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng mất, con là Kính Hoàng làm phản, Chúa Trịnh Tráng thống lãnh binh sĩ đi đánh. Trước kia, Kính Khoan đầu hàng xin làm phiên trấn, nhà vua y cho, đến nay Kính Khoan mất, con là Kính Hoàn không dâng lễ cống nạp theo như chức phận, lại dấy quân làm phản, tiếm xưng niên hiệu là Thuận Đức. Chúa Trịnh Tráng thống lãnh binh sĩ đi đánh, tiên phong là Hạ quận công bị giặc bắt, riêng Lâm quận công ngoài mặt trận tỏ vẽ sợ hãi rụt rè, Chúa Trịnh chém quận Lâm, rồi ra hiệu lệnh nghiêm ngặt, đốc suất các quân sĩ bốn mặt bao vây. Gặp lúc nóng bức, nhiều lam chướng, nên dẫn quân về.

Ngày 2 tháng 12 [5/1/1639], Chúa Trịnh đem quân đánh Cao Bằng, Nguyễn Danh Thế làm Tham tán quân mưu, đánh bại đảng giặc ở Hạ Lan thuộc Cảm Hoá [các huyện Ngân Sơn, Na Ri, thuộc Bắc Kạn], phá 19 động. Ngày 13 [16/1/1639], tiến vào Cao Bằng, chia quân đánh giặc các châu Quy Thuận [huyện Tĩnh Tây, Quảng Tây], Thượng Lang [huyện Trùng Khánh, Trấn Biên thuộc Cao Bằng], Hạ Lang [Cao Bằng]. Giặc đều tan chạy vào rừng núi, không để lại dấu vết, quan quân lưu lại 10 ngày rồi rút về.

Tháng 4 năm Dương Hoà thứ 5 [3/5-31/5/1639], tức Minh Sùng Trinh năm thứ 12, định rõ lại về việc kiện tụng và bồi thường nhân mạng, theo như quy chế năm Cảnh Thống thứ 6 [1503] phạm nhân chỉ bị tịch thu ruộng đất, tài sản của bản thân và của vợ con thôi. Nếu không đủ, thì cho khai lấy ruộng đất, tài sản của cha mẹ, anh em làm tiền đền mạng, không được bắt cả họ hàng, làng xóm, coi đó là điều luật lâu dài.

Sai Thượng thư bộ Công Thiếu phó Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì cùng bọn Nguyễn Thọ Xuân, Nguyễn Xuân Chinh, Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Phúc Khánh lên trấn Nam Quan đợi mệnh đón sứ thần Nguyễn Duy Hiếu về nước. Duy Hiếu dâng sớ tâu:

Đến Yên Kinh dâng biểu cầu phong Quốc vương, Vua Minh giao cho bộ bàn, cho rằng không có văn bản cũ để lại có thể tra xét được, nên không cho. Chỉ ban sắc thư tưởng lệ thôi.” Toàn Thư, quyển 21, trang 23a.

Chúa Trịnh vẫn tiếp tục liên lạc ngoại giao với Tuần phủ Quảng Tây để xin phong tước Vương cho Vua Lê. Nhưng phía nhà Minh ôm hận việc quân Lê Trịnh mấy lần lấy cớ dẹp tàn dư họ Mạc đem quân sang đánh đuổi tại lãnh thổ Trung Quốc, nên cương quyết từ chối:

Ngày 6 tháng 10 năm Sùng Trinh thứ 13 [18/11/1640]. Binh khoa Cấp sự trung Trương Tấn Ngạn dâng lời tâu:

‘Tuần phủ Quảng Tây Lâm Chí được Ðầu mục An Nam Trịnh Tráng xin thay mặt để thỉnh cầu tước Vương. Khảo về An Nam, từ đời Mạc Ðăng Dung hàng được phong Ðô Thống sứ, sau đó Lê Ninh đóng tại sông Tất Mã lo thờ phụng họ Lê. Ðến đời Lê Duy Ðàm đuổi nhà Mạc, hàng năm cống sản vật địa phương, Thần tổ [Minh Thần Tông] khen trung thuận, chuẩn cho tiếp tục chức Ðô Thống sứ. Nay lấy công gì mà lại xin phong? Tuy triều đình che chở nước nhỏ, không hẹp hòi, nhưng man di đầy tham vọng, Trịnh Tráng đắc chí tranh hoành gây mối lo cho đất đai nội địa, như cỏ tranh làm tắc nghẽn khe suối, làm sao co thể cho phép được!’

Thiên tử cho là phải.” (Minh Thực Lục v. 1, t. 389, Hoài Tông q. 13, t. 10a)

Tháng Giêng nhuận năm Dương Hoà thứ 6 [22/2-21/3/1640], tức Minh Sùng Trinh năm thứ 13, thi Hội các nhân sĩ trong nước. Lấy đỗ bọn Phí Văn Thuật 22 người. Đến kỳ thi Đình, vua thân ra đầu đề văn sách, cho bọn Phí Văn Thuật 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Hoàng Vinh 20 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 8 [16/9-14/10/1640], phía Nguyễn lấy được châu Bắc Bố Chính [phía nam Hà Tĩnh], rồi trả lại, Chúa Trịnh Tráng bèn giết tướng trấn thủ là Nguyễn Khắc Liệt. Thời Chúa Nguyễn Phước Nguyên, Khắc Liệt ngầm đi lại, đến khi Chúa Thượng lên ngôi, Khắc Liệt đem lòng nghi hoặc, quấy rối châu Nam Bố Chính [vùng sông Gianh]. Quan lại ở biên thùy đem việc ấy báo về, Chúa giận lắm, họp các tướng bàn, Nguyễn Hữu Dật nói:

Khắc Liệt là kẻ tiểu nhân phản bội, Trịnh Tráng bề ngoài dù có tin dùng, nhưng bề trong vẫn ngờ ghét. Thần xin làm kế phản gián, phao thư cho họ Trịnh nói Khắc Liệt đã cùng ta giao ước là giả làm không hòa, khi quân ta đánh úp thì giả vờ thua chạy, về dụ Tráng đến để giết. Làm như thế để khích thêm lòng giận của Tráng. Ta nhân cho quân ngầm vượt sông Gianh, đón Khắc Liệt đến họp, để nhắc lời ước cũ, thừa lúc không phòng bị mà đánh úp luôn, Khắc Liệt chẳng bị ta bắt cũng bị họ Trịnh giết”.[1]

Chúa Thượng theo kế ấy. Riêng Chúa Trịnh được thư, quả nhiên giận lắm. Tức thì sai Thái úy Trịnh Kiều đem 5.000 quân vào Bắc Bố Chính bắt Khắc Liệt. Đến nơi thì Khắc Liệt đã bị tướng Nguyễn là Nguyễn Phước Kiều và Trương Phước Phấn đánh chạy rồi. Trịnh Kiều cho rằng Khắc Liệt giả đò thua, bắt giải về cho Trịnh Tráng giết. Quân Nguyễn bèn lấy được đất châu Bắc Bố Chính. Chúa Trịnh phúc thư nói về tình nghĩa lâu đời, và xin trả lại đất Bắc Bố Chính, Chúa Nguyễn bèn trả lại.

Tháng 5 năm Dương Hoà thứ 7 [8/6-7/7/1641], tức Minh Sùng Trinh năm thứ 14, tại miền Thuận Quảng trời hạn, lúa khô héo, mỗi đấu gạo trị giá 60 đồng tiền, dân chết đói nhiều. Nhưng sau đó có mưa, mùa lại được, dân chúng yên nghiệp làm ăn.

Tháng 9 năm Dương Hoà thứ 8 [24/9-23/10/1642], tức Minh Sùng Trinh năm thứ 15, Chúa Trịnh bàn với các quan giúp việc, cho là hiện nay kỷ cương của thiên hạ cốt ở việc xét xử công bằng kiện tụng và dẹp bắt trộm cướp, bèn sai quan đi cai trị các xứ. Lấy Phó đô tướng Thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc trấn giữ xứ Sơn Nam, Thái thường tự khanh Phạm Công Trứ làm tán lý, Thái bảo Phù quận công Trịnh Lịch trấn giữ xứ Sơn Tây, Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Trừng làm tán lý, Quỳnh Nham công Trịnh Lê trấn giữ xứ Kinh Bắc, Công bộ hữu thị lang Nguyễn Bình làm tán lý, Thiếu uý Hoa quận công Trịnh Sầm trấn giữ xứ Hải Dương, Hộ khoa đô cấp sử trung Nguyễn Nhân Trứ làm tán lý.

Tháng 2 năm Dương Hoà thứ 9 [20/3-17/4/1643] (từ tháng 10 trở đi là Chân Tông Phúc Thái năm thứ nhất, Minh Sùng Trinh năm thứ 16), Chúa Trịnh Tráng sai thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc và Quỳnh Nham công Trịnh Lệ cùng với bọn Tán lý hữu thị lang Nguyễn Quang Minh, Tự khanh Phạm Công Trứ, Nguyễn Danh Thọ thống lĩnh đại quân đi đánh họ Nguyễn tại phương Nam. Đánh úp tỳ tướng Thắng Lương hầu ở xã Trung Hoà [Quảng Bình], bắt được đem chém, rồi tiến quân thẳng tới cửa biển Nhật Lệ [Đồng Hới].

Tháng 3 [18/4-17/5/1643], Chúa Trịnh hộ vệ xa giá, tiến vào châu Bố Chính, đóng tại xã An Bài [huyện Chính Bình, tỉnh Quảng Bình], liệu định quân cơ, trao phương lược cho các tướng.

Tháng 4 [18/5-15/6/1643], Trịnh Tráng sai Trịnh Đào đánh lũy Trung Hòa, quân Nguyễn phòng thủ rất vững, Đào đánh không được. Bấy giờ trời nắng lắm, quân Trịnh nhiều người ốm chết, khó ở lâu, bèn rút đại quân trở về.

Tháng 10 [11/11-10/12/1643], Vua Thần Tông xuống chiếu truyền ngôi cho Hoàng thái tử Duy Hựu miếu hiệu là Chân Tông, riêng Vua được tôn làm Thái thượng hoàng.

Tại miền Nam, Chúa Thượng có chí đánh miền Bắc, từng kén chọn bộ binh, thao diễn trận pháp. Một hôm chúa ngự thuyền rồng đi chơi cửa Eo [Thuận An], thấy thủy quân không được chỉnh tề, bèn ra lệnh cho ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân ở xã Hoằng Phước thuộc huyện Phú Vang. Cho đắp núi đất cao hơn 30 thước, rộng hơn 150 thước, cứ đến kỳ tháng 7 [14/8-12/9/1643] thao diễn phép bơi chèo và bắn súng, ai trúng thì thưởng vàng lụa.

Vua Lê Chân Tông

Vua Lê Chân Tông là con trưởng của Vua Thần Tông, 13 tuổi được truyền ngôi, ở ngôi 7 năm, niên hiệu Phúc Thái, hưởng dương 20 tuổi, táng ở lăng Hoa Phố.

Tháng 10 năm Phúc Thái thứ nhất [11/11-10/12/1643] thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Lê Trí Trạch 9 người. Tháng 12 thi Đình [10/1-7/2/1644], cho bọn Nguyễn Khắc Thiệu 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Đình Dự 7 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 4 năm Phúc Thái thứ 2 [6/5-4/6/1644],[2] tức Minh Sùng Trinh năm thứ 17, sai quan khảo hạch các cống sĩ trong nước, người nào có đức được trọng vọng, bổ vào các chức phủ, huyện.

Tháng 12 [29/12/1644-27/1/1645], sai Thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc, cùng Đốc thị Dương Trí Trạch, Tán lý Phạm Công Trứ đi dẹp đảng Mạc đất Cao Bằng, tiến quân đặt phục binh, chém 1 viên tỳ tướng của giặc.

Tại miền Nam vào tháng tư [6/5-4/6/1644] Thế tử Nguyễn Phước Tần đánh phá giặc Ô Lan [tức Hà Lan] ở Cửa Eo [Thuận An]. Bấy giờ Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn, quân tuần biển báo tin. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung, hẹn đưa thủy quân đánh. Trung lấy cớ chưa trình lên trên, nên ngần ngại chưa quyết. Thế tử đốc suất chiến thuyền kéo thẳng ra, Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền dưới quyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung dùng cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay thuyền, Trung bèn dục binh thuyền tiến theo, thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhắm phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn, tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết, Thế tử bèn thu quân về.

Chúa mới nghe tin Thế tử đi một mình thì cả sợ, bèn tự đốc suất đại binh tiếp ứng, vừa tới cửa biển, xa trông thấy khói bốc mù trời, kíp ra lệnh cho các quân tiến lên. Khi được tin thắng trận, Chúa mừng cười nói răng:

Trước kia tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển,[3] nay con ta cũng lại như thế, ta không lo gì nữa.”

Ngày 19 tháng 5 năm Phúc Thái thứ 3 [14/5/1645], tức Minh Long Vũ năm thứ nhất, Thanh Thuận Trị năm thứ nhất, phong Thái bảo tây quận công Trịnh Tạc làm Khâm sai tiết chế các quân thủy bộ Thái úy tây quốc công, mở phủ Khiêm Định, các việc nhà nước đều giao cho xử quyết. Vương Trịnh Tráng bị bệnh, các con là Phù quận công Trịnh Lịch, Hoa quận công Trịnh Sầm bất đắc chí, nỗi quân làm loạn. Ngày mồng 2 [26/5/1546] Thái úy tây quốc công Trịnh Tạc ra quân, đánh bắt được Lịch, còn Sầm thì trốn tại vùng Ninh Giang [sông Đáy]. Sai Thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng điều quân đuổi theo, đuổi kịp tại Chúc Sơn [huyện Chương Mỹ, Hà Tây], bắt được dâng nộp, đều đem chém cả. Tán lý Phạm Công Trứ, võ tướng Đào Quang Nhiêu cũng dự phần bàn mưu đánh dẹp.

Năm Phúc Thái thứ 4 [1646], tức Minh Long Vũ năm thứ 2, Thanh Thuận Trị năm thứ 2, sai Chánh sứ Nguyễn Nhân Chính, Phó sứ là bọn Phạm Vĩnh Niên, Trần Khái, Nguyễn Cổn cùng với sứ nhà Minh là Đô đốc Lâm Sâm vượt biển đến Phúc Kiến cầu phong. Khi ấy Vua Minh lên ngôi, bị người Thanh đánh phá, bề tôi nhà Minh lại tôn lập Vĩnh Lịch hoàng đế. Nhà Minh bèn sai bọn Hàn lâm Phan Kỳ mang sắc thư, cáo mệnh, và ấn bạc mạ vàng sang nước ta, phong cho Thái thượng hoàng Thần Tông làm An Nam quốc vương. Sứ Minh cùng bọn Nhân Chính đi đường bộ, theo cửa trấn Nam Quan đến nước ta.

Bấy giờ Trung Quốc loạn to. Thủ lĩnh Long Châu tại Quảng Tây là Triệu Hữu Kính bị người anh họ Triệu Hữu Đào giết. Con Kính là Hữu Khải cầu cứu, nhà Lê bèn sai Quỳnh nham công Trịnh Lệ tiến quân lên đánh Cao Bằng, bắt được Triệu Hữu Đào và cả gia thuộc đem về kinh sư, dụ bảo phải hòa mục với nhau, rồi cho về nước.

Tháng 10 [7/11-6/12/1646] thi Hội sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Đăng Cảo 17 người. Tháng Chạp [6/1-4/2/1647] vào thi Đình, Vua đích thân sát hạch, cho Nguyễn Đăng Cảo đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, Nguyễn Viết Cử đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Văn Đạt 15 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tại miền Nam nhà Nguyễn mở khoa thi Chính Đồ lấy người thi đậu ra làm quan, và khoa Hoa Văn lấy người viết chữ tốt làm thư lại.

Tháng 5 năm Phúc Thái thứ 4 [3/6-1/7/1647], tức Minh Vĩnh Lịch năm thứ nhất, Thanh Thuận Trị năm thứ 4, bọn Nguyễn Nhân Chính theo sứ Minh mang sắc phong và ấn đến cửa ải Nam Quan. Bèn sai Lễ bộ thượng thư Thiếu bảo Dương quận công Nguyễn Nghi cùng với bọn Hộ bộ tả thị lang Nguyễn Thọ Xuân, Thiêm đô ngự sử Đồng Nhân Thái, Hộ khoa đô cấp sự trung Nguyễn Sách Hiển, Đề hình Trương Luận Đạo, Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Văn Quảng đón tiếp về Kinh. Sứ Minh làm lễ ban phong, tuyên đọc chiếu thư như sau:

Trẫm nghĩ, đế vương dấy lên, trước hết vỗ yên ngoài cõi, Xuân Thu nghĩa lớn, riêng lo tưởng lệ tôn vương. Xưa Hoàng tổ ta mở mang bờ cõi, chân trời, góc biển, đều thuộc bản đồ. Nước An Nam người riêng hưởng thanh giáo, lễ nhạc y quan dần dần quen nếp, chịu ơn nhà nước trăm đời, để phúc cháu con mấy kiếp. Đô thống ty Lê Hựu sớm tỏ tài lành, một niềm cung thuận, nêu đức hay chinh phục cõi hoang, mà tiếng tốt thấu vào cửa khuyết. Đương khi Long Vũ Hoàng Đế ta ngự ở đất Mân [Phúc Kiến], một mình nước ngươi vượt biển sang triều cống. Tuy nhà nước không quý vật xa, nhưng làm tôi dâng cống, lòng thành thờ nước lớn thực đáng khen. Nghĩ cõi xa cũng là con đỏ, ta ban đất chia phong, chính là vỗ yên người xa bằng đức. Trẫm là cháu đích tôn của Thần Tông Hoàng Đế, được thần dân trong nước suy tôn, nối giữ nghiệp lớn, cai trị muôn phương, xa thì hâm mộ truyền thống hoà hiệp của Đường đế Nghiêu, gần lại nhớ tới oai thanh gồm trị của Hán Tuyên Đế. Nay loài hôi tanh làm phản, bị cả bốn biển cùng thù. Tráng sĩ Sở, Thục nổi như mây, cờ nghĩa Ngô, Việt đều hưởng ứng. Tiêu diệt giặc Hồ, dẹp yên bốn cõi. Khen ngươi trung thành, trẫm rất yêu mến. Vì thế, sai quan Hàn lâm Phan Kỳ, quan Khoa đài Lý Dụng Tiếp đem phù tiết phong ngươi làm An Nam quốc vương. Ôi! Đồ phẩm phục vâng tự mệnh trời, ngọc khuê bích truyền tới con cháu. Làm vua nước ngươi, chăn nuôi dân ngươi, việc nông tang cũng thuộc đức đế, cõi xa về chầu, trấn phiên tới cống, ngọc cung cầu chớ biếng chức xưa. Trẫm nghĩ, cột đồng nhà Hán dựng lên, cõi Nam yên mãi, vua Hạ hội ở Đồ Sơn, lại thấy Trung Nguyên. Hãy kính theo!”

Vào tháng 6, quân Thanh chiếm được hành doanh nhà Minh tại Phúc Kiến, nhân gặp các Sứ thần các nước Lưu Cầu, Lữ Tống, An Nam còn lưu lại, bèn khuyên mang sắc phong, ấn của nhà Minh cấp trước đây đến kinh đô, Vua Thanh sẽ theo lệ cũ phong tước:

Ngày 8 Ðinh Sửu tháng 6 năm Thuận Trị thứ 4 [9/7/1647]. Khởi đầu vào cuối triều Minh, 3 nước Lưu Cầu,[4] An Nam, Lữ Tống[5] sai sứ đến lưu ngụ tại Phúc Kiến, chưa kịp trở về. Ðại binh bình định Phúc Kiến, bắt đưa về kinh sư. Mệnh ban cho Cống sứ 3 nước là bọn Lý Quang Diệu y phục, lụa đoạn, vải, lại còn ban sắc dụ để mang về nước chiêu dụ các Quốc vương. Sắc dụ Quốc vương Lưu Cầu như sau:

‘Trẫm cai trị Trung Quốc, coi thiên hạ cùng một nhà. Nghĩ đến nước Lưu Cầu, từ xưa đến nay, đời đời xưng thần thờ Trung Quốc, sai sứ triều cống, đã thành lệ. Nay sai người mang sắc dụ nước các ngươi rằng, nếu muốn thuận trời, tuân theo lý, hãy đưa sắc phong, ấn của nhà Minh xưa cấp, rồi sai sứ mang đến kinh đô, Trẫm sẽ theo lệ cũ phong cho.’

Văn hiểu dụ 2 nước An Nam, Lữ Tống, cũng giống như vậy.” (Thanh Thực Lục. Thế Tổ Thực Lục, quyển 32, trang 18)

Tháng 8 [30/8-27/9/1647], tại phía Nam nhà Nguyễn bắt đầu mở khoa thi, lấy 7 người trúng cách về Chính đồ, 24 người trúng cách về Hoa văn, đều bổ dụng cả.

Tháng 2 năm Phúc Thái thứ 6 [23/2-23/3/1648], tức Minh Vĩnh Lịch năm thứ 2, Thanh Thuận Trị năm thứ 5, Chúa Trịnh Tráng sai Quận công Lê Văn Hiểu đem các quân thủy bộ chia đường vào Nam xâm lấn, đóng đồn ở châu Nam Bố Chính. Trước hết cho quân thủy xâm phạm cửa biển Nhật Lệ [Đồng Hới, Quảng Bình], rồi tiến quân xâm phạm dinh Quảng Bình. Viên trấn thủ dinh Quảng Bình là Trương Phúc Phấn cùng với con là Hùng cố giữ lũy Trường Dục, quân Trịnh cố sức đánh, không sao phá được. Bấy giờ Thế tử Nguyễn Phúc Tần được lệnh Chúa Nguyễn Phúc Lan giao cho đốc suất các tướng đem quân đi đánh. Tiền quân tiến đến xã An Đại, gặp quân Trịnh, liền cấp tốc đánh luôn, phá tan được, thế quân rất phấn chấn. Phúc Tần đến Quảng Bình, hội hợp các tướng bảo rằng:

Quân họ Trịnh tuy nhiều nhưng người đánh giỏi có ít. Nếu ta nhân lúc ban đêm dùng voi xông vào, tất nhiên bên kia mất hết khí phách mà bỏ chạy tan vỡ, bấy giờ ta đem đại binh tiến đánh, thì đánh một trận cũng có thể bắt được“.

Bèn sai Triều Phương thống lãnh quân thủy, phục sẵn ở sông Cẩm La, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Tiến đem hơn trăm thớt voi khỏe, nhân trống canh năm, xông thẳng vào doanh trại quân Trịnh, rồi các quân tiếp tục tiến theo đánh úp, phá được doanh trại. Quân Trịnh thua to, tan vỡ bỏ chạy, gặp quân thủy chặn ngang, chết đuối không kể xiết. Quân Nguyễn bắt được tướng bên Trịnh là Gia, Lý và Mỹ, cùng 3.000 quân làm tù binh, rồi đuổi đến bờ sông Gianh [bắc Quảng Bình] thì trở về. Bọn tỳ tướng bị bắt cho trở về Bắc, riêng quân lính cho vào Quảng Nam khai khẩn lập nghiệp. Trịnh Tráng bèn sai Lê Văn Hiểu làm tướng Tả quân, Hồng lô tự khanh Trần Ngọc Hậu làm Đốc đồng, thống lãnh hơn một vạn quân đóng ở Hà Thanh [Kỳ Anh, Hà Tĩnh], Đông quận công Lê Hữu Đức làm tướng Hữu quân, Lễ khoa cấp sự trung Vũ Lương làm Đốc đồng thống lãnh một ngàn quân đóng ở Hoành Sơn [biên giới Hà Tĩnh Quảng Bình], thuộc tướng của Tả quân là Phạm Tất Toàn đóng ở Ba Đồn phía bắc sông Gianh.

Ngày Tân mão [19/3/1648], Chúa Nguyễn Phúc Lan, về tới phá Tam Giang [huyện Quảng Điền, Thừa Thiên] thì mất trên thuyền, ở ngôi Chúa 13 năm, hưởng dương 48 tuổi. Thế tử Nguyễn Phúc Tần bấy giờ 29 tuổi, bầy tôi tôn lên làm Tiết chế thủy bộ các dinh Thái bảo Dũng quận công, còn gọi là Chúa Hiền.

Tháng 8 năm Phúc Thái thứ 7 [7/9-5/10/1649], (Từ tháng 10 trở đi, Thần Tông lại lên ngôi, Khánh Đức năm thứ nhất, Minh Vĩnh Lịch năm thứ 3, Thanh Thuận Trị năm thứ 6), Vua Lê Chân Tông băng, không có con nối dõi. Tháng 10 [4/11-3/12/1649], Chúa Trịnh Tráng ủy Thế tử Tây quốc công Trịnh Tạc và các quan văn võ cùng bàn, tâu xin Thái thượng hoàng Thần Tông lên ngôi lần thứ hai, đổi niên hiệu là Khánh Đức năm thứ nhất.

Tháng 11 [4/12/1649-1/1/1650], Chúa Nguyễn sai sứ ra Đông Đô. Tham tụng Nguyễn Duy Thì nói với Trịnh Tráng rằng:

“Chúa miền Nam cùng ta đã hai đời kết thông gia, nay nhân có sứ lại ta nên yên ủi dung nạp”.

Tráng bèn hậu đãi sứ, rồi cho về.

———————–

[1] Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Hà Nội: NXB Giáo Dục, 2006, trang 54.

[2] Lịch: Kể từ năm 1644 trở về trước cho đến năm 1306 lịch nước ta giống lịch Trung Quốc. Sau năm 1644 nước ta vẫn giữ nguyên lịch cũ Hiệp Kỷ, riêng tại Trung Quốc triều Thanh theo lời đề nghị của các giáo sĩ Tây Phương đổi sang lịch mới gọi là Thời Hiến. Bởi vậy lịch ta không còn giống lịch Trung Quốc nữa, nên chúng tôi căn cứ vào nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong bài Lịch và lịch Việt Nam trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập 1, để đổi từ Âm lịch sang Dương lịch.

[3] Tiên quân: Chỉ Nguyễn Phúc Nguyên, từng đánh tan 2 thuyền Tây Dương vào năm 1585.

[4] Lưu Cầu: tên nước xưa, nay thuộc Nhật Bản.

[5] Lữ Tống: tên nước xưa, nay thuộc Philippines.