Nguồn: Alessandro Arduino, “Prigozhin’s Ghost Lives On in China,” Foreign Policy, 21/10/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Nhà sáng lập đã khuất của Wagner vẫn truyền cảm hứng cho các blogger quân sự và những người ủng hộ an ninh tư nhân ở Trung Quốc.
Yevgeny Prigozhin, một lãnh chúa quân sự và nhà kinh doanh dịch vụ ăn uống, đã không ngờ rằng cuộc nổi loạn ngắn ngủi sẽ dẫn ông đến cái chết, để lại di sản cùng những người ngưỡng mộ vượt xa biên giới nước Nga, đến tận Trung Quốc, nơi Prigozhin đã trở thành một nhân vật được sùng bái trên mạng xã hội bị giám sát gắt gao.
Prigozhin hiện có người theo dõi nằm trong số các blogger quân sự hàng đầu trên Weibo, một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất tại Trung Quốc – tương tự như những gì xảy ra ở Nga. Từ Moscow đến Bắc Kinh, Prigozhin được xem là hiện thân của lòng yêu nước mạnh mẽ và chân thành, một người đàn ông ưu tiên lợi ích của đất nước hơn là mạng sống của chính mình. Ông được ca ngợi là người của nhân dân, bất chấp khối tài sản mà ông thu về từ các hoạt động của Tập đoàn Wagner.
Những lời chỉ trích thẳng thắn của ông đối với các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Nga đã củng cố hình ảnh của ông như một người dám nói ra sự thật, sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình. Điều này đã nhận được sự đồng cảm ở Trung Quốc, nơi đang xảy ra một cuộc thanh trừng các quan chức quân sự hàng đầu trong Quân đội Giải phóng Nhân dân do những cáo buộc tham nhũng và phản bội lý tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, nhiều blogger quân sự Trung Quốc đã nghi ngờ Mỹ có liên quan trong cái chết của Prigozhin, dù không có bằng chứng nào cho giả thuyết này. Một cuộc khảo sát trên Weibo, giới hạn ở 1.000 người trả lời, cho thấy phần lớn mọi người khẳng định rằng Mỹ đã dàn dựng vụ tai nạn máy bay của Prigozhin để kích động nội chiến ở Nga. Một số ít người tham gia khảo sát chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố rằng việc để Prigozhin thoát tội mà không bị trừng phạt có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
ĐCSTQ xem sự yêu mến dành cho Tập đoàn Wagner là con dao hai lưỡi trong cuộc tranh luận trực tuyến ở Trung Quốc. Một mặt, nó minh họa cho nhu cầu trao quyền cho các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc để bảo vệ công dân Trung Quốc và cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Mặt khác, nó làm khơi dậy bóng ma về các công ty an ninh được trang bị vũ khí hạng nặng theo đuổi chương trình nghị sự chính trị trong nước.
Các chuyên gia an ninh hàng đầu Trung Quốc – các học giả, cựu quan chức quân đội, và các blogger nghiệp dư – đều bị mê hoặc bởi thói phô trương và thái độ quyết hoàn thành công việc bằng mọi giá của Tập đoàn Wagner. Họ lập luận rằng cách tiếp cận hiện tại của Trung Quốc đối với việc bảo vệ lợi ích của nước này ở nước ngoài vẫn còn thụ động và ủng hộ các chiến thuật quyết đoán hơn theo phong cách Wagner. Những thất bại trong chiến dịch chống khủng bố ở Mozambique và vụ thảm sát lính Wagner gần đây của phiến quân Tuareg Mali hầu như không được chú ý. Một số blogger có hàng triệu người theo dõi xem Wagner là hình mẫu cho các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc chuyên bảo vệ các dự án và cơ sở hạ tầng của Sáng kiến Vành đai và Con đường ở các khu vực có nguy cơ cao trên toàn cầu.
Từ Châu Á đến Châu Phi, người lao động Trung Quốc ở nước ngoài đang phải đối mặt với các mối đe dọa lớn dần, với tình trạng bắt cóc và tử vong ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Vào tháng 3/2023, chín công dân Trung Quốc đã thiệt mạng khi các tay súng tấn công một khu mỏ ở Cộng hòa Trung Phi. Chỉ một năm sau, vào tháng 3/2024, năm kỹ sư Trung Quốc đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết ở Pakistan, và một vụ tấn công tương tự cũng đã xảy ra trong tháng này, khiến Bắc Kinh phải kêu gọi tăng cường an ninh. Hơn nữa, việc các blogger an ninh Trung Quốc ca ngợi Prigozhin và đội quân lính đánh thuê của ông là những người giải phóng, là lực lượng chiến đấu hiệu quả hơn quân đội Nga ở Ukraine thực chất là một nhát đâm ngấm ngầm vào các nhà quản lý cấp cao của tổ hợp công nghiệp-quân sự Trung Quốc, những người đã bị sa thải vì nhận hối lộ và sản xuất thiết bị quân sự chất lượng thấp.
Do đó, ban kiểm duyệt các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc dường như đang cố tình cho phép các bình luận như vậy, vì chúng phù hợp với chương trình nghị sự của chính phủ. Tuy nhiên, ranh giới của các diễn ngôn được chấp nhận trên mạng xã hội hoàn toàn có thể thay đổi, gây rủi ro cho các blogger nếu lập trường của Bắc Kinh về Wagner hoặc quân đội thay đổi đột ngột.
Vì họ đăng ký Weibo bằng số định danh do chính phủ cấp và phải chịu trách nhiệm pháp lý cho các bài đăng của mình, nên các chuyên gia và nhà phân tích này phản ánh một hướng suy nghĩ của chính phủ. Vạn Lý Hỏa Thành của Trung Quốc giúp đảm bảo những lời đề cập đến Wagner chủ yếu chỉ tập trung vào Ukraine, nhưng các hoạt động của nhóm này ở Châu Phi và Trung Đông cũng được nhắc đến.
Các cuộc thảo luận trực tuyến ở Trung Quốc đóng khung các chiến dịch của Wagner tại Châu Phi là một sự hỗ trợ cho quá trình phi thực dân hóa, cũng như chống lại cách tiếp cận và ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới của phương Tây đối với lục địa này – về cơ bản là sao chép lại lập luận chính thức của Nga. Khi đổ lỗi cho Pháp về tình hình hỗn loạn ở Mali, một nhà bình luận Trung Quốc đã chỉ trích phương Tây bằng cách khẳng định rằng Wagner chống lại “chủ nghĩa khủng bố và ly khai, đồng thời thể hiện chủ nghĩa nhân đạo.” Một blogger khác cho rằng sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc có một công ty tương đương với Blackwater của Mỹ, thay vì một công ty như Wagner vì “danh tiếng quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác” và công dân Trung Quốc sẽ không được phép thực hiện những hành động tàn bạo như toán lính đánh thuê người Nga.
Nhìn từ góc độ của phương Tây, đề xuất này khá khó hiểu vì sau vụ thảm sát Quảng trường Nisour ở Iraq, Blackwater đã phải mang tiếng xấu khủng khiếp. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, Erik Prince, nhà sáng lập Blackwater, đã hợp tác với tập đoàn tài chính nhà nước CITIC để thành lập công ty an ninh Frontier Services Group tại Hong Kong. Và vì thế, làn sóng phẫn nộ và thảo luận lan rộng trên toàn cầu xoay quanh việc nhân viên Blackwater giết hại thường dân Iraq đã không bao giờ đến được với công chúng Trung Quốc nói chung.
Các cuộc thảo luận trực tuyến cũng nêu bật vấn đề rằng Trung Quốc phải xác định quỹ đạo tương lai của các công ty an ninh tư nhân của mình. Các blogger quân sự có ảnh hưởng với hàng triệu người theo dõi xem Wagner là hình mẫu cho ngành công nghiệp an ninh tư nhân và quân sự Trung Quốc. Họ lập luận rằng Bắc Kinh phải phát triển các công ty quyết đoán hơn, với khả năng bảo vệ công dân và khoản đầu tư của người Trung Quốc ở nước ngoài. Đồng thời, người ta cũng lo ngại rằng các nhân viên an ninh tư nhân có thể trở thành lực lượng vũ trang không thể kiểm soát khi họ trở về từ nghĩa vụ ở nước ngoài.
Sự tương phản giữa tham vọng và sợ hãi này đã được phản ánh qua việc mô tả Prigozhin như một nhân vật đáng sùng bái trong các cuộc tranh luận trực tuyến. Một phân tích sâu hơn cho thấy những lo ngại và quan tâm của cư dân mạng đối với cuộc chiến Nga-Ukraine, làm nổi bật một số điểm kỳ lạ. Đáng chú ý, Prigozhin được xem là một CEO thành đạt ở Trung Quốc, hơn là một lãnh chúa hay chiến lược gia quân sự, như thường thấy ở những nơi khác.
Công chúng Trung Quốc có xu hướng thích cách tiếp cận theo kiểu kinh doanh đối với việc quân sự hóa các chức năng an ninh. Ở Trung Quốc, bất chấp lời kêu gọi sống tiết chế của ĐCSTQ, việc vươn lên trở thành tỷ phú từ một khởi đầu khiêm tốn thường được xem là dấu hiệu của sự nhạy bén về mặt chiến thuật và sự khôn ngoan. Khác với ở Nga – nơi các blogger tập trung tranh luận về các chiến lược quân sự của Prigozhin – ở Trung Quốc, thành công trong kinh doanh của Prigozhin vẫn là điểm thu hút chính đối với những người theo dõi ông.
Những người ủng hộ mô hình Wagner vẫn tin tưởng vào hào quang bất khả chiến bại của nhóm này. Một blogger nhớ lại Wagner đã giải cứu những người thợ mỏ Trung Quốc tại Cộng hòa Trung Phi vào tháng 7/2023 theo yêu cầu của Đại sứ quán Trung Quốc. Lực lượng này đã tìm thấy những người thợ mỏ trong một khu rừng và “cung cấp cho họ thức ăn, nơi trú ẩn, và bảo vệ an ninh” trước khi hộ tống họ đến thủ đô. Dư luận Trung Quốc phần lớn đồng tình với quan điểm phổ biến ở vùng đất trải dài từ Cộng hòa Trung Phi đến Niger, nơi ngập tràn tuyên truyền và thông tin sai lệch của Nga, mà không đề cập đến các vụ thảm sát hàng loạt và bạo lực trên cơ sở giới tính. Và họ xem lính đánh thuê Wagner là những người giải phóng chứ không phải là những kẻ áp bức.
Khi còn sống, Prigozhin đã phục vụ Putin bằng cách trở thành đối trọng với những nhân vật chóp bu của quân đội. Khi đã chết, huyền thoại về Prigozhin ở Nga là chất xúc tác hữu ích hướng sự tức giận vào quân đội thay vì tổng thống, và truyền cảm hứng cho những tân binh Wagner trong tương lai. Ở Trung Quốc, ngay cả trong số những người ủng hộ Wagner nhiệt thành nhất, việc Putin mô tả Prigozhin là một “người tài năng” nhưng “đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong cuộc sống” vẫn là lời cảnh báo cho các doanh nhân an ninh tư nhân Trung Quốc – đừng vượt qua lằn ranh đỏ của đảng.
Nhiều năm trước, một cuộc tranh luận tương tự đã nổ ra trên Weibo, kêu gọi cải cách trong lĩnh vực an ninh tư nhân của Trung Quốc, lấy cảm hứng từ sự trỗi dậy của Blackwater. Những cải cách này chưa bao giờ thành hình – và chúng khó có thể thành hiện thực như những gì người hâm mộ Wagner mong đợi. Ngay cả với thành công của Wagner, ĐCSTQ vẫn bảo vệ chặt chẽ độc quyền vũ lực của mình, và nguyên tắc từ thời Mao, rằng đảng kiểm soát nòng súng (quân đội), vẫn được duy trì vững chắc.
Huyền thoại về Prigozhin, ngay cả với sự kiểm soát gắt gao ở Trung Quốc, cũng phục vụ mục đích kép: Nó thúc đẩy tham vọng về một khu vực an ninh tư nhân Trung Quốc mạnh mẽ hơn, được quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời đóng vai trò như một câu chuyện cảnh báo về hậu quả khi lính đánh thuê chống lại chính lãnh đạo của họ.
Alessandro Arduino là tác giả của “Money for Mayhem: Mercenaries, Private Military Companies, Drones, and the Future of War” và “China’s Private Army: Protecting the New Silk Road.”