Nguồn: Ford’s assembly line starts rolling, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1913, Henry Ford đã lắp đặt dây chuyền sản xuất đầu tiên để sản xuất hàng loạt xe hơi. Sáng kiến của ông đã rút ngắn thời gian chế tạo một chiếc xe hơi từ hơn 12 giờ xuống còn một giờ 33 phút.
Mẫu xe Model T của Ford, được giới thiệu vào năm 1908, đơn giản, chắc chắn và tương đối rẻ tiền – nhưng vẫn không đủ rẻ đối với Ford, người quyết tâm chế tạo “xe hơi cho đại chúng.” (Ông nói, “Khi tôi hoàn thành, gần như mỗi người sẽ có một chiếc xe”). Để giảm giá xe hơi, Ford nghĩ rằng ông chỉ cần tìm cách chế tạo chúng hiệu quả hơn.
Ford đã cố gắng tăng năng suất của nhà máy trong nhiều năm. Những công nhân chế tạo xe hơi Model N (tiền thân của Model T) đã sắp xếp các bộ phận thành một hàng trên sàn, đặt chiếc xe hơi đang chế tạo lên ván trượt và kéo nó dọc theo hàng khi họ làm việc. Sau đó, quy trình hợp lý hóa dần trở nên tinh vi hơn. Ví dụ, Ford đã chia quá trình lắp ráp Model T thành 84 bước riêng biệt và đào tạo để mỗi công nhân của mình chỉ làm một bước. Ông cũng thuê chuyên gia nghiên cứu chuyển động Frederick Taylor để làm cho những công việc đó thậm chí còn hiệu quả hơn. Trong khi đó, ông đã chế tạo những cỗ máy có thể tự động dập các bộ phận (và làm việc đó nhanh hơn nhiều so với ngay cả người công nhân nhanh nhất).
Mảnh ghép quan trọng nhất trong cuộc thập tự chinh về hiệu suất của Ford là dây chuyền sản xuất hàng loạt. Lấy cảm hứng từ các phương pháp sản xuất dòng chảy liên tục được sử dụng bởi các nhà máy xay bột, nhà máy bia, nhà máy đóng hộp, và tiệm bánh công nghiệp, cùng với việc phân xác động vật tại các nhà máy đóng gói thịt ở Chicago, Ford đã lắp đặt các dây chuyền chuyển động cho các bộ phận của quy trình sản xuất: Ví dụ, công nhân chế tạo động cơ và hộp số trên băng tải chạy bằng dây thừng và ròng rọc. Đến tháng 12/1913, ông công bố phát minh của mình: dây chuyền sản xuất có khung gầm chuyển động.
Sang tháng 2/1914, ông đã bổ sung thêm một dây đai cơ khí, chạy với tốc độ 1,8 mét một phút. Sau khi tăng tốc, Ford sản xuất ngày càng nhiều xe hơi, và vào ngày 04/06/1924, chiếc Model T thứ 10 triệu đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất ở Highland Park. Dù Model T không tồn tại lâu sau đó – vào giữa những năm 1920, khách hàng muốn một chiếc xe vừa rẻ lại vừa đầy đủ tiện nghi, trái ngược với sự đơn giản của Model T – nó đã mở ra kỷ nguyên xe hơi cho tất cả mọi người.