Lê Hy Tông lên ngôi, tàn tích nhà Mạc bị dẹp bỏ

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”

Mùa xuân năm Đinh Tỵ [1677], nhà Lê đánh dẹp Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng. Trước đây, Ngô Tam Quế làm phản nhà Thanh, Kính Vũ theo giúp. Khi Tam Quế chết, triều đình nhân cơ hội tiến quân tiễu trừ bọn Kính Vũ, nhà Thanh ưng thuận, họ Mạc bị dẹp bỏ.

Tại miền Nam vào tháng Giêng năm Kỷ Vị [11/2-11/3/1679], tướng cũ nhà Minh là Tổng binh Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến cửa biển Tư Dung, Thừa Thiên, tự trình bày vì nghĩa không chịu làm tôi nhà Thanh, nên đến để xin làm tôi tớ. Chúa bèn úy lạo khen thưởng, trao cho quan chức đến ở đất Đông Phố. Bọn Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Lạp [cửa Xoài Rạp, sông Đồng Nai, Gia Định], đến đóng ở Bàn Lân, vỡ đất hoang, dựng phố xá. Năm Kỷ Tỵ [1688], Phó tướng Hoàng Tiến giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch ở cửa biển Mỹ Tho. Thống binh Mai Vạn Long kéo quân đến, dùng mưu giết Hoàng Tiến.

Tháng Chạp năm Đức Nguyên thứ 2 [15/1-13/2/1676], em Vua Huyền Tông là Hoàng tử là Duy Cáp lên ngôi Hoàng đế, miếu hiệu là Hy Tông. Trước kia, khi Thần Tông sắp mất, dặn Vương Trịnh Tạc rằng: Cung nhân Trịnh Thị Ngọc Trúc có thai mới được khoảng 4 tháng, chưa biết là con trai hay con gái, nhờ Vương trông nom giúp cho. Đến khi Hoàng tử sinh ra, hình dáng kỳ vĩ; khi lên 9 tuổi, Vương nuôi ở trong phủ. Đến đây, Vương đích thân dìu lên điện, lên ngôi Vua, đổi niên hiệu, lấy tháng Giêng năm sau làm Vĩnh Trị năm thứ nhất. Vua trị vì 30 năm, dùng 2 niên hiệu, Vĩnh Trị [1676-1680] và Chính Hòa [1680-1704].

Tháng Chạp [15/1-13/2/1676], triều đình quy định công việc cho sáu bộ: Bộ Lại phụ trách về quan tước, phong tặng, tuyển bổ khảo xét thăng giáng và các việc bổ sung, chu cấp. Bộ Hộ giữ các việc về đất đai, nhân dân, kho tàng, tiền tệ, lương thực, vận chuyển và các việc bổng lộc, thuế khoá, cống nộp, muối mắm, gang sắt. Bộ Lễ giữ các việc lễ nghi, cúng tế, chúc tụng, yến ẩm, học đường, các nghi thức về áo mũ, ấn phù, chương biểu, cống sứ, triều cận, kiêm coi các việc về thiên văn, thuốc men, bói toán, và tăng đạo, giáo phường, đồng văn, nhã nhạc. Bộ Binh giữ các việc binh nhung, cấm vệ, xe ngựa, nghi trượng, khí giới và các việc về biên cương, trấn thủ, nhà trạm, nơi hiểm yếu, việc khẩn cấp. Bộ Hình giữ các việc luật lệnh, hình pháp, xét xử ngục tụng, xử tội về ngũ hình.[1] Bộ Công giữ các việc về thành trì, cầu cống, đường sá, thuyền thợ và các công việc về xây dựng, sửa chữa, giữ các điều cấm về núi rừng, vườn tược, sông ngòi.

Tháng Giêng năm Bính Thìn Vĩnh Trị thứ nhất [14/2-13/3/1676], tức năm Khang Hy thứ 15, tế nam giao.

Tháng 7 [9/8-7/9/1676], hạ lệnh cho Thượng thư bộ Công Hồ Sĩ Dương, trông coi việc sửa chữa Quốc sử.

Tháng 2 [14/3-12/4/1676], tại miền Nam, vùng Phú Xuân [Huế] mưa lụt, mặt đất nước sâu 4 thước. Vùng này có nạn sâu keo, lúa má tổn hại, dân nhiều người chết đói.

Mùa xuân năm Đinh Tỵ Vĩnh Trị thứ 2 [1677], tức năm Khang Hy thứ 16, Chúa Trịnh sai Đinh Văn Tả đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng, Kính Vũ trốn sang đất nhà Thanh, toàn bộ đất Cao Bằng đều bình định được. Trước đây, Kính Vũ dựa vào thế lực triều đình nhà Thanh, chiếm cứ đất Cao Bằng. Đến khi Ngô Tam Quế làm phản nhà Thanh ở Vân Nam, Kính Vũ theo Tam Quế và giúp binh lương. Tam Quế chết, quân nhà Thanh kéo vào Quảng Tây. Vì thế, triều đình bàn nhân cơ hội này tiến quân tiễu trừ bọn Kính Vũ. Trước hết đưa thư cho Lại Tháp Lị, tướng quân nhà Thanh, kể rõ tội trạng Kính Vũ, rồi sai Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Đăng đem quân đi đánh, Thân Toàn giữ chức Thị sư, Đoàn Tuấn Hòa Tham tán việc quân. Vào tháng 8 [28/8-26/9/1677], bọn Đinh Văn Tả đánh phá được Kính Vũ ở Cao Bằng, Kính Vũ chạy sang Long Châu [Quảng Tây], đồ đảng còn lại đều tan vỡ. Dư đảng nhà Mạc chiếm cứ Cao Bằng, kể từ Kính Dụng đến Kính Vũ, trải 3 đời, 85 năm, đến nay mới dẹp tan, triều đình nhà Lê khôi phục được hết đất Cao Bằng. Sau triều đình cho triệu Văn Tả về, dùng Đặng Công Chất thay thế và để Tuấn Hòa ở lại giữ chức Tham tán.

Văn Tả là người mạnh khỏe, có thao lược, thường theo lệnh đi đánh dẹp, đánh đâu được đấy, là viên tướng có tiếng một thời. Con cháu sau này đời đời giữ việc binh nhung, người ta có câu ngạn ngữ: “Hàm Giang thảo tặc“. Câu ấy có ý nói Văn Tả người đất Hàm Giang đánh giặc giỏi.

Tháng 7 năm Mậu Ngọ Vĩnh Trị thứ 3 [17/8-15/9/1678], tức năm Khang Hy thứ 17, định rõ điều lệ thi Hương. Thi Hương, thi Hội, cứ ba năm mở một khoa.

Tháng 3 [21/4-19/5/1678], tại miền Nam Chúa Nguyễn lấy đất Cựu Dinh và hai huyện Vũ Xương [huyện Đăng Xương, Quảng Trị], Hải Lăng [Quảng Trị] làm phủ An Tiêm.

Tháng 2 năm Kỷ Vị Vĩnh Trị thứ 4 [12/3-10/4/1679], tức năm Khang Hy thứ 18, xác định công lao các tướng sĩ thu phục đất Cao Bằng, thăng thưởng theo thứ hạng khác nhau.

Sau khi thăng thưởng các tướng sĩ có công đánh dẹp, triều đình nhà Lê gửi tờ sớ chúc mừng nhà Thanh đánh dẹp được Ngô Tam Quế. Nhân đó trình bày việc đánh bắt đảng nghịch Mạc Nguyên Thanh tại Cao Bằng, đã từng cấu kết với Ngô Tam Quế. Lần này thì nhà Thanh đành phải chấp nhận sự việc, không có lời phản đối:

Ngày 21 Nhâm Tý tháng 11 năm Khang Hy thứ 18 [23/12/1679]

Quốc vương An Nam Lê Duy Chính chúc mừng thắng lớn, sớ rằng:

‘Nghịch tặc Ngô Tam Quế gây biến loạn mấy năm, ngăn cản đường do nước thần đến cống, lại mấy lần sai ngụy quan tìm mọi cách hiếp dụ, bắt thần phục tòng. Thần nhất quyết giữ tấm lòng trung, không dám theo giặc. Nhưng tên nghịch thần trong nước là Mạc Nguyên Thanh bội ơn theo giặc, ngầm cấu kết với Ngô Tam Quế, mang hơn một vạn quân mã ngầm vào đất Cao Bằng thuộc nước thần, mưu đồ đánh úp. Nay nhờ uy trời, bọn đảng giặc tại phía nam Vân Nam, sẽ bị bắt trong vài ngày, thần xin sửa soạn nghi lễ cống, một mặt sai Bồi thần đến kinh đô chúc mừng, một mặt đuổi bắt đảng nghịch Mạc Nguyên Thanh, để làm rõ tội.’

Ðược chỉ ban: ‘Lệnh Nghị chính vương và đại thần hội nghị’

Sau đó phúc tấu:

‘Viên Quốc vương không quên ơn Thiên tử, hết sức trung thành, không chịu theo giặc. Nay lại đến chúc mừng tiến cống, đáng giao cho bộ Lễ, tuân hành theo lệ cũ Quốc vương An Nam tiến cống. Còn việc viên Quốc vương xưng Mạc Nguyên Thanh đầu thuận nghịch tặc nên sai quân truy bắt, thì không cần bàn đến.’

Thiên tử chấp thuận.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 86, trang 13-14)

Sau đó triều đình nhà Thanh nhận thêm lời tâu của các quan lại địa phương, cân nhắc sự việc, rồi quyết định cách chức Đô thống sứ của Mạc Nguyên Thanh, riêng người em Mạc Kính Quang và gia quyến, thì đem trở về An Nam:

Ngày 10 Ðinh Hợi tháng 4 năm Khang Hy thứ 21 [16/5/1682]

Bộ binh bàn rồi phúc tấu:

‘Tuần phủ Quảng Tây Hác Cốc dâng sớ tâu: ‘Ðô thống sứ An Nam Mạc Nguyên Thanh cùng em là Mạc Kính Quang bị Trịnh Tộ nước An Nam đánh đuổi, chạy vào nội địa, cũng không có bằng chứng theo giặc trợ ác làm hại địa phương.’

 Nhưng viên Tướng quân nguyên nhiệm Mãng Y Ðồ thì tâu rằng:

 ‘Mạc Nguyên Thanh bỏ Cao Bằng, thua bại chạy đến Phú Châu.[2]

 Lại còn Quốc vương An Nam Lê Duy Chính dâng sớ tâu:

 ‘Ngô Tam Quế gây biến, Mạc Nguyên Thanh đồng ác tiếp giúp, biện lương cho giặc.’

Mạc Nguyên Thanh chịu ơn lớn của Hoàng thượng, được phong làm Ðô thống sứ, trú giữ Cao Bằng, không lo báo ân, lúc Ngô Tam Quế phản loạn, lại theo giặc trợ ác, lý ra đáng trị tội nặng. Nhưng riêng bản thân, cách chức Ðô thống sứ, miễn nghị xử, riêng Mạc Kính Quang mang gia quyến theo, nạp ấn đầu thuận, miễn bị xử phạt. Nhưng bọn chúng người ngoại quốc, không tiện cư trú tại nội địa, nên viên Tổng đốc cần đưa Mạc Kính Quang và gia quyến trở về An Nam, dặn dò viên Quốc vương đừng giết hại bọn Mạc Kính Quang, lệnh tìm chổ thuận tiện cư trú.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 102, trang 5-6, tập 5, trang 24-25)

Tháng 10 [3/11-2/12/1679], Thanh Hóa bị nạn đói. Nước lụt tràn ngập, hoàng trùng phá hại lúa, nhân dân phần nhiều phiêu tán. Triều đình hạ lệnh tha thuế dân đinh và các thuế tuần ty, thuế bến đò, giảm bớt các sự lệ cúng tế.

Tại miền Nam vào tháng Giêng [11/2-11/3/1679], tướng cũ nhà Minh là Tổng binh Long Môn [tỉnh Quảng Đông] Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến, Cao Lôi Liêm, Tổng binh Trấn Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung [cửa Tư Hiền, Thừa Thiên] và Đà Nẵng, tự trình bày là bề tôi vì nước mất trốn ra ngoài, nghĩa không chịu làm tôi nhà Thanh, nên đến để xin làm tôi tớ.

Bấy giờ các quan cùng các bàn bạc rằng: Phong tục tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai phái, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông Phố [Gia Định, Biên Hòa] nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng nhân lấy sức của họ cho đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa theo lời bàn, bèn sai đặt yến úy lạo khen thưởng, trao cho quan chức khiến đến ở đất Đông Phố. Lại cáo dụ nước Chân Lạp rằng như thế là có ý săn sóc nước Chân Lạp.

Bọn Ngạn Địch đến cửa khuyết tạ ơn để đi. Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Lạp [cửa Xoài Rạp, sông Đồng Nai, Gia Định], đến đóng ở Bàn Lân. Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và, đi lại tấp nập, do đó mà phong hóa văn minh thấm dần vào đất Đông Phố.

Tháng 10 năm Canh Thân Vĩnh Trị thứ 5 [21/11-20/12/1680], tức Khang Hy thứ 19), sao Chổi xuất hiện ở phương Tây. Hạ lệnh ân xá, đổi niên hiệu là Chính Hòa.

Tháng 8 [24/8-22/9/1680], tại Thuận Hóa nước lụt, ngập mặt đất sâu hơn trượng, người và súc vật bị thương và chết nhiều.

Năm Tân Dậu Chính Hòa thứ 2 [1681], tức năm Khang Hy thứ 20, tại miền Bắc từ mùa xuân đến mùa hạ, không mưa, lúa mạ khô héo, nhân dân đói khổ.

Tháng 3 [18/4-17/5/1681], tại miền Nam Chưởng dinh tiết chế Nguyễn Hữu Dật mất, 78 tuổi. Có di biểu lời rất khích thiết, Chúa Nguyễn Phúc Tần xem xong, than thở, tặng tước Chiêu quận công. Hữu Dật là người sáng suốt, có tài thao lược, nhiều lần dựng bày mưu lớn, đương thời lấy làm ỷ trọng, từng ví với Khổng Minh. Sau khi chết, dân Quảng Bình tiếc nhớ, gọi là Bồ Tát, lập đền thờ ở xã Thạch Xá [huyện Lệ Thủy, Quảng Bình].

Tháng 5 [16/6-14/7/1681], đào kênh Trung Đan [huyện Hải Lăng, Quảng Trị]. Chúa ra xem, khi về đến quán Thanh Kệ dừng lại, ra lệnh cho các đội trưởng thi ngựa, cho ngựa đứng ở tây quán Triều Sơn, hễ nghe lệnh thì nhất tề phóng cương, chạy đến trường bắn xã Vạn Xuân [huyện Hương Trà, Thừa Thiên] thì dừng. Chúa bảo bề tôi theo hầu rằng:

Binh phải nhờ vào sức ngựa, ngày thường diễn tập cũng là giảng võ đấy”.

Bèn sai sửa chữa đường quan từ Vạn Xuân đến quán Thanh Kệ, đắp đài ngự mã, ra lệnh cho các quan văn võ và mã đội tả hữu thường tập tành, nhờ đó quân kỵ xạ đều tài giỏi.

Tháng 8 [12/9-10/10/1681], cho đào kênh Mai Xá [huyện Do Linh, Quảng Trị]. Bấy giờ chúa đi săn ở ấp Cổ Lâm [huyện Hướng Hóa, Quảng Trị], thuyền qua kênh Thị Môn, có người địa phương nói rằng chỗ này sóng gió bất thường, thuyền buôn nhiều khi chìm đắm. Chúa muốn đào kênh mới, có người xã Mai Xá [huyện Do Linh, Quảng Trị] tên là Thế vẽ một bản đồ dâng lên, xin đào từ xã Mai Xá đến bến quán Nhĩ Hạ. Chúa theo lời, sai các quân và nhân dân hai huyện Vũ Xương [huyện Triệu Phong, Quảng Trị] và Hải Lăng đào, qua một tháng thì đào xong. Khách buôn đi lại lấy làm tiện lợi. Chúa hậu thưởng cho tên Thế. Lại sai đo chỗ đất đào làm kênh hết bao nhiêu để trừ ngạch thuế cho xã Mai Xá và xã Lâm Xuân [huyện Do Linh, Quảng Trị].

Tháng Giêng năm Nhâm Tuất Chính Hòa thứ 3 (8/2-8/3/1682), tức năm Khang Hy thứ 21, triều đình sai các Sứ thần Thân Toàn và Đặng Công Chất sang nhà Thanh dâng tuế cống, nhân tiện cáo phó về việc Vua Huyền Tông mất và xin phong tước.

Vào cuối năm sứ bộ đến Bắc Kinh, được ban yến. Bị bộ Lễ đàn hạch về việc cống vàng, bạc, khí dụng không đủ số lượng, nhưng cuối cùng được Vua Khang Hy chấp thuận:

Ngày 22 Bính Dần tháng 9 năm Khang Hy thứ 21 [22/10/1682]

Quốc vương An Nam Lê Duy Chính sai bọn Bồi thần Thân Toàn mừng bình định xong bọn giặc, cùng nạp tuế cống các sản vật địa phương, được ban yến theo lệ.

Viên nối dõi tước Vương Lê Duy Chính tâu:

‘Anh ruột thần là Lê Duy Ðịnh mất vào tháng 3 năm Ất Mão, thần tuân theo lòng dân quyền quản lý việc nước, lúc này Trung Quốc có báo động tại biên giới,[3] nên tấm lòng kẻ dưới chưa đề đạt được lên trên. Nay gặp kỳ cống, xin trình bày đầy đủ.’

Ðược chiếu chỉ phán:

“Người nối tước Vương Lê Duy Chính tiến cống với tấm lòng thành, đáng được ban ơn, hãy xét theo lệ bàn và tâu lên.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 104, trang 28, tập 5, trang 61)

Ngày 8 Tân Hợi tháng 11 năm Khang Hy thứ 21 [6/12/1682]

Bộ lễ đề xuất:

‘Lê Duy Chính, người nối chức Quốc vương An Nam, tiến cống vàng bạc khí mãnh, xét theo số lượng qui định tại bản gốc thì không phù hợp.’

Ðược chiếu chỉ ban rằng:

‘Ngoại quốc cống hiến, hiện vật vốn không đủ trọng, đặc biệt đem lòng hướng theo giáo hóa với lòng thành mới đáng khen, còn việc thiếu vàng bạc khí mãnh chỉ là chuyện nhỏ, các cống vật khác, bộ các ngươi định liệu giảm bớt.’

Rồi bộ bàn rằng:

‘Từ nay trở về sau miễn tiến cống các vật như bạch quyên, giáng chân hương, bạch mộc hương, trung hắc tuyến hương.’

Thiên tử chấp thuận.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục, quyển 106, trang 2, tập 5, trang 72)

Tháng 8 [2/9-30/9/1682] Chúa Trịnh Tạc mất, con là Căn nối giữ tước Vương. Trịnh Tạc nắm chính quyền 25 năm, khi mất, truy xưng là Dương Vương. Thế tử Căn nối nghiệp, xưng Định Vương. Căn là con trưởng của Tạc, từng làm Phó đô tướng, trấn thủ Nghệ An, rồi dần dần phong đến Tiết chế, giữ chính quyền trong nước, tước Định nam vương. Đến nay Tạc mất, Căn bèn nối ngôi Chúa.

Tháng 10 [30/10-28/11/1682], Lê Hải, Trấn thủ Cao Bằng, dụ được đồ đảng họ Mạc là Nguyễn Công Hồi đầu hàng. Nguyễn Công Hồi đem hơn một ngàn thuộc hạ đến đầu hàng, triều đình phong cho Hồi tước Quận công và thăng thưởng cho Hải chức Đề đốc.

Mùa xuân năm Quí Hợi Chính Hòa thứ 4 [1683], tức năm Khang Hy thứ 22, người nhà Thanh giao trả tù binh họ Mạc cho nước ta, nhà Vua ngự ở điện Kiền Nguyên để nhận. Vào tháng 6 năm trước, Vua Thanh hạ lệnh cho quan chức Quảng Tây giao trả tù binh gồm những người nhà Mạc là bọn Kính Liêu, Tuần phủ Quảng Tây, báo tin ấy cho nước ta biết. Triều đình hạ lệnh cho Bồi tụng Nguyễn Quai và Cấp sự trung Trần Thế Vinh, Đặng Đình Tướng cùng với Trấn thủ Lạng Sơn Thân Đức Tài đi nhận. Vương Quốc Trinh, thông phán Nam Ninh, là viên quan do triều đình nhà Thanh phái ủy, muốn giao trả tù binh ở cửa ải Thủy Khẩu[4] thuộc Cao Bằng, hắn đã dựng nhà từ trước để đợi phái bộ nước ta, nhưng bọn Nguyễn Quai lấy lẽ rằng, Cao Bằng không phải là nơi giao nhận, không chịu theo. Quốc Trinh trong bụng căm giận, nhưng cũng gượng gạo đến trấn Nam Quan, vốn là địa điểm hai bên chính thức giao thiệp. Khi đến nơi, hắn buông lỏng cho lính thổ đánh đấm lẫn nhau, đâm thủng cả hai lần áo cừu của Đình Tướng, rồi lại đòi nộp 5.500 lạng bạc. Số tù binh họ Mạc mà nhà Thanh giao trả, vừa lớn vừa nhỏ là 350 người, Đức Tài kiểm điểm xét duyệt, rồi phân phối đưa đi, cho ở xen vào với dân Lạng Sơn, còn bọn Kính Liêu cả thảy 124 người thì dẫn giải về triều. Nhà vua ngự điện Kiền Nguyên nhận tù binh, sau lại cho dẫn đến sân phủ chúa để chịu tội, bọn này đều được tha. Bọn Kính Liêu ba người được triều đình trao cho quan chức, ngoài ra đều phân phối đi các nơi ở xen vào với dân bản xứ, hằng năm giúp đỡ cho vải và tiền. Sau này, triều đình xét thấy Đình Tướng đưa số bạc cho Quốc Trinh nhà Thanh quá nhiều, nên Đình Tướng bị giáng chức một trật, còn Nguyễn Quai và Sĩ Vinh có bệnh, không dự vào việc hội họp giao bạc cho Quốc Trinh, nên phải phạt tiền nhiều ít khác nhau. Triều đình lại đưa thư sang nhà Thanh nói về tình trạng Quốc Trinh yêu sách và không có lễ độ, viên Tổng đốc Lưỡng Quảng là Ngô Hưng Tộ sau khi xét hỏi Quốc Trinh, liền đem bản án dâng lên triều, cuối cùng Quốc Trinh bị khép vào tội trảm hậu,[5] còn số bạc mà Quốc Trinh nhận hối lộ thì thu lấy sung công.

Sau khi hoàn thành công việc trao trả thuộc hạ họ Mạc cho An Nam, viên Tuần phủ Quảng Tây tâu về triều như sau:

Ngày 24 Quí Sửu tháng 7 năm Khang Hy thứ 22 (14/9/1683)

Tuần phủ Quảng Tây Hác Dục tâu báo:

‘Bọn Ðô thống sứ nước An Nam trước đây mang gia quyến đến đầu thuận, trước đây đã nhận được chiếu chỉ cho đưa trở về An Nam để an sáp.[6] Ngoại trừ Mạc Kính Quang trải qua bệnh rồi mất, quyến thuộc và dân có kẻ chạy trốn hoặc chết, số còn lại gồm 350 người, thì vào ngày 24 tháng 5 [18/6/1683] năm nay áp tống ra khỏi ải Nam Quan, giao cho viên quan nước này được phái đến, là Thân Công Đức Tài, đưa về an sáp.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 111, trang 8-9, tập 5, trang131)

Vào tháng Giêng năm Khang Hy thứ 22 [27/1-25/2/1683], nhà Thanh cử hai sứ bộ đến nước ta, đến nơi vào tháng 9 [20/10-17/11/1683].

Sứ bộ thứ nhất do Hàn lâm viện thị độc Minh Ðồ làm Chánh sứ, Biên tu Tôn Trác làm Phó sứ đến phong cho Lê Duy Chính tức Vua Lê Hy Tông làm Quốc vương. Do trước đây, Ngô Tam Quế, bầy tôi phản nghịch nhà Thanh, chiếm cứ Vân Nam, xin nhà Lê cứu viện, nhưng bị cự tuyệt, nên trong dịp vua Khang Hy tự tay viết bốn chữ “trung hiếu thủ bang[7] ban tặng, nhắm đề cao việc làm An Nam. Bản văn về sắc phong và 4 chữ Khang Hy ban tặng, như sau:

Ngày 26 Mậu Thìn tháng Giêng năm Khang Hy thứ 22 [21/2/1683]

Mệnh Hàn lâm viện thị độc Minh Ðồ làm Chánh sứ, Biên tu Tôn Trác làm Phó sứ đến phong cho người nối chức Quốc vương An Nam là Lê Duy Chính làm Quốc vương An Nam. Sách văn như sau:

“Kẻ gần yên vui, người xa tìm đến, phô bày lòng giáo hóa của trời, đạo chỉ có một, phong hóa hỗn đồng, nơi bốn phương vì nghĩa đến sân đình. Ðược đội ơn trên, đời đời dốc lòng trung, mãi mãi không quên lời minh ước, nên con cháu được hưởng phước lành.

Ngươi, Lê Duy Chính, thừa kế Quốc vương nước An Nam, tuy sinh tại đất Nam Giao nhưng cõi lòng vẫn hướng về nơi kinh khuyết đất Bắc. Ngàn năm giữ địa vị, tôn sùng thanh giáo ơn ban, vạn lý xa thư,[8] được phụng hưởng Vương tước. Nay ngươi nối dõi, thỉnh mệnh triều đình, phẩm phục cũ được tăng quang, càng thêm rạng đức tốt, chịu ơn mới thêm sáng, tràn trề bởi lời khen. Ðặc sai sứ phong ngươi làm Quốc vương An Nam, ngươi hãy kính giữ chức phiên, làm phên dậu lâu dài, chớ thờ ơ với phận sự, khiến lu mờ nghiệp cũ, trung hiếu hai vai, vĩnh viễn chịu ân trạch. Khâm tai! Trẫm mệnh không thay thế!” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 107, trang 7-8, tập 5, trang 87-88)

Ngày 5 Ðinh Sửu tháng 4 năm Khang Hy thứ 22 [1/5/1683]

Ban cho Quốc vương An Nam Lê Duy Chính bốn chữ lớn của vua ‘Trung hiếu thủ bang” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục, quyển 109, trang 5, tập 5, trang 108)

Sứ bộ thứ hai, Vua Thanh lại sai Thị độc Ô Hách và Lang trung Chu Xán sang điếu tế hai Vua Huyền Tông và Gia Tông. Nhân dịp chúa Trịnh Tạc mới mất, Trịnh Căn mời sứ thần nhà Thanh đến viếng, Minh Đồ bèn dùng lễ riêng phúng viếng:

Ngày 27 Kỷ Tỵ tháng Giêng năm Khang Hy thứ 22 [22/2/1683]

Trước kia Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ mất, lúc này dùng binh tại Quảng Tây [đánh dẹp Ngô Tam Quế], nên chưa sai sứ sang tế. Sau đó người nối chức Vương là Lê Duy Ðịnh lại mất, nay mới bắt đầu cáo ai. Sai Hàn lâm viện thị độc Ổ Hách làm Chánh sứ, Lang trung bộ lễ Chu Xán làm Phó sứ, đến dụ tế.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 107, trang 8, tập 5, trang 88.

Tháng 4 năm Giáp Tý Chính Hòa thứ 5 [14/5-12/6/1684], tức năm Khang Hy thứ 23, Trịnh Căn mới lên ngôi chúa, tỏ ra lưu ý đến sự đau khổ ở dân gian, bèn hạ lệnh rằng:

Thương yêu nhân dân là công việc đứng đầu trong mọi việc chính trị. Nhân dân, có người vì quan sở tại hà khắc, bọn quyền quý ức hiếp, có người vì cớ gì đó mà phải phiêu tán đi nơi khác, những hạng người ấy cần được vỗ về thương yêu mới phải“.

Sai ty Hiến sát các xứ đi tuần hành dò hỏi, đến cuối năm, theo tình thật từng loại người làm tờ khải trình bày, để tìm phương pháp giúp đỡ.

Tháng 8 [5/5-8/10/1684], mưa gió lớn, vỡ đê sông Nhị Hà, lúa ruộng ở các huyện vùng Tây Bắc phần nhiều tổn hại.

Tháng 8 năm Ất Sửu Chính Hòa thứ 6 [30/8-27/9/1685] tức năm Khang Hy thứ 24), định rõ lại phép khảo công, mỗi năm khảo công một lần, nhưng khảo đủ ba lần trong 3 năm, mới gộp lại để thi hành việc thăng, giáng. Điều lệ khảo công thăng giáng như sau:

Quan trong kinh, ngoài trấn, người nào ba lần khảo đều thượng hạng, được thăng chức một bậc và thưởng 50 quan tiền.

Người nào 2 lần thượng hạng, 1 lần trung hạng, được thăng chức một bậc và thưởng 20 quan tiền.

Người nào 1 lần thượng hạng, 2 lần vào trung hạng, được thăng chức một bậc.

Người nào ba lần vào trung hạng, thì đợi khi đủ niên hạn giữ hiện chức, sẽ thuyên chuyển bổ dụng.

Người nào 3 lần khảo đều vào hạ hạng, phải giáng một bậc và phạt 50 quan tiền.

Người nào 2 lần vào hạ hạng, 1 lần vào trung hạng, phải giáng một bậc và phạt 20 quan tiền.

Người nào 1 lần vào hạ hạng, 2 lần vào trung hạng, phải giáng một bậc.

Tại miền Nam bấy giờ trong cõi vô sự, thóc lúa được mùa. Chúa Nguyễn Phúc Tần lo sửa sang việc chính trị, không xây đài tạ, không gần con hát gái đẹp, bớt nhẹ dao dịch thuế má, trăm họ vui vẻ, đều khen là đời thái bình.

Năm Bính Dần Chính Hòa thứ 7 (1686), tức năm Khang Hy thứ 25, sứ bộ nước ta sang triều Thanh tiến cống và tạ ơn ban sắc phong. Trên đường đi, vào tháng 3 Sứ thần Nguyễn Đình Cổn bị bệnh mất, các quan địa phương làm lễ tế. Tháng 7 đến Bắc Kinh, triều đình nhà Thanh báo cho các ty liên hệ biết và đưa yết kiến Vua Khang Hy, tháng 8, trước khi về nước lại ban quà thưởng cho Vua Lê Hy Tông và các Sứ thần:

Ngày 13 Mậu Dần tháng 3 năm Khang Hy thứ 25 [16/4/1686)

Do Bồi thần An Nam Nguyễn Ðình Cổn tiến cống, bị bệnh mất giữa đường. Mệnh quan địa phương đến tế như lệ.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 125, trang 9, tập 5, trang 327)

Ngày 19 Tân Sửu tháng 7 năm Khang Hy thứ 25 [6/9/1686]

Quốc vương An Nam Lê Duy Chính sai sứ dâng biểu tạ ơn sách phong và thưởng cấp, cùng tiến cống sản vật địa phương. Báo cho các ty liên hệ hay biết.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 127, trang 8, tập 5, trang 354)

Ngày 25 Ðinh Mùi tháng 7 năm Khang Hy thứ 25 [12/9/1686]

Thiên tử ngự tại cửa Thái Hòa thị triều, các quan văn võ lần lượt lên tạ ơn, thứ đến Sứ thần nước An Nam hành lễ.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 127, trang 9, tập 5, trang 354]

Ngày 28 Canh Thìn tháng 8 năm Khang Hy thứ 25 [15/10/1686]

Ban cho Quốc vương An Nam Lê Duy Chính 50 tấm lụa nõn trong ngoài, bọn Cống sứ được ban thưởng theo lệ.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục, quyển 127, trang 16-17, tập 5 trang 365)

Tháng 10 năm Đinh Mão Chính Hòa năm thứ 8 [5/11-4/12/1687], tức Khang Hy thứ 26), tại miền Bắc đã lâu không mưa, thóc lúa thu hoạch sút kém, giá gạo vọt cao, triều đình sai quan trong kinh đi đến các đạo xem xét hình thế ruộng đất, làm xe tát nước để tưới ruộng.

Tháng 3 [12/4-10/5/1687], tại Thuận Hóa Chúa Nguyễn Phúc Tần mất, Chúa tại vị 39 năm, thọ 68 tuổi. Vì người con đầu mất sớm, con thứ 2 là Nguyễn Phúc Trăn, 39 tuổi, lên nối nghiệp. Chúa Trăn mới nối ngôi, nới rộng hình phạt, nhẹ tô thuế, trăm họ ai cũng mừng vui, bấy giờ gọi là Chúa Nghĩa.

Tháng 11 [5/12/1687-2/1/1688], nghe tin Chúa Nguyễn mất, Vua chính nước Chân Lạp là Nặc Thu, Vua thứ hai là Nặc Nộn, sai bề tôi là Ốc Nha Lịch Đa Thi Na đến dâng hương làm lễ cúng Chúa.

Tháng 2 năm Mậu Thìn Chính Hòa thứ 9 [2/3-31/3/1688], tức năm Khang Hy thứ 27, Chúa Trịnh Căn bổ dụng cháu nội là Bính làm Tiết chế [Tổng chỉ huy]. Bính là con Trịnh Vĩnh, Vĩnh là con cả Trịnh Căn. Căn muốn lập Bính làm người thừa tự, bèn cho Bính Tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ các xứ, kiêm giữ cả chính quyền, chức Thái úy, tước Tấn quốc công, mở phủ Dực quốc.

Tháng 5 [29/5-27/6/1688], Thổ ty Vân Nam xâm chiếm đất biên giới tại ba châu thuộc Tuyên Quang và Hưng Hóa. Trước đây Vũ Công Tuấn, dòng dõi Gia quốc công Vũ Văn Mật chạy sang Vân Nam, muốn nhờ nhà Thanh giúp sức. Nhân đấy thổ ty Khai Hóa bèn ăn hiếp dân, chiếm lấy đất ba châu, đặt tuần ty ở các động ven biên giới, sách nhiễu thu thuế người buôn bán. Ba châu gồm hai châu Bảo Lạc, Vị Xuyên thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa, vị trí giáp liền với phủ Khai Hóa [Vân Nam] nhà Thanh.

Đất trong 3 châu, gồm các xã thôn: Bách Đức, Mỹ Phong, Túc Lẫm, Hữu Sào, Ngọc Tỷ thuộc châu Bảo Lạc, Tuyên Quang, các xã, thôn, động: Đông Mông, Vô Cữu, Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc châu Vị Xuyên, Tuyên Quang, 28 thôn và các động như: Cam Đường, Hương Sơn, Sơn Yêu, Trình Lạn và Hoa Quán thuộc châu Thủy Vĩ, Hưng Hóa. Thổ ty Mông Tự [phủ Lâm An, Vân Nam ] cũng xâm chiếm 25 thôn của động Trình Hàm thuộc châu Thúy Vĩ, Hưng Hóa.

Lê Huyến, nguyên Trấn thủ Hải Dương, được lệnh đi Trấn thủ Tuyên Hưng, Huyến bèn cùng đốc đồng Đặng Đức Nhuận và Trần Thọ đưa thư sang Vân Nam biện luận rõ về việc này, một mặt Huyến lại chiêu dụ dân các động trở về với nước ta, nhưng thổ ty Vân Nam không chịu giao trả lại. Thành ra từ đây trở đi đất ở biên giới ba châu nhiều chỗ bị mất về nhà Thanh.

Tại miền Nam, vào tháng 6 [28/6-26/7/1688], Phó tướng Long Môn Hoàng Tiến giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch ở cửa biển Mỹ Tho, tự xưng là Phấn dũng hổ oai tướng quân, thống lĩnh quân Long Môn, dời đồn sang Nan Khê [Kiến Hòa, Bến Tre], giữ chỗ hiểm đắp lũy, đúc đại bác, đóng chiến thuyền, thả quân đi đánh phá. Vua chính nước Chân Lạp là Nặc Thu oán giận, bèn mưu với bề tôi là ốc Nha Cống Sa bỏ việc triều cống và đắp ba lũy Bích Đôi [Gò Bích], Cầu Nam và Nam Vang, chằng xích sắt ngăn sông, làm kế cố thủ. Vua thứ nhì là Nặc Nộn biết mưu ấy, cho chạy báo tin với dinh Trấn Biên. Phó tướng Mai Vạn Long liền dâng thư của Nặc Nộn qua đường trạm. Chúa giận lắm, bèn triệu các quan bàn việc xuất binh. Chưởng dinh Tống Đức Minh nói:

Nặc Thu là một tên man nhỏ ghẻ lở, không cần phiền đến đại tướng của triều đình. Cai cơ Trấn Biên là Nguyễn Thắng Long con Nguyễn Dương Lâm là người có mưu lược, quen biết thủy thổ Chân Lạp, nên sai làm thống binh đi đánh. Vả lại Hoàng Tiến giết chủ tướng nó, cầm quân ở Nan Khê, lòng hắn thế nào chưa lường được, xin sai Tiến làm tiên phong để xem nó theo hay phản. Nếu hắn hoài tâm do dự thì ta tiến quân đánh ngay. Nặc Thu ngăn đằng trước, đại binh bức đằng sau, Tiến tất bị bắt. Đã đánh được Tiến thì thừa thế ta đánh thẳng vào Chân Lạp. Đó là kế vạn toàn”.

Chúa theo lời, nhưng có đội trưởng Trương Thiêm Lộc, cháu gọi Vạn Long bằng cậu là người tham lợi, biết đất Chân Lạp có nhiều của báu, muốn Vạn Long làm tướng để mình theo đi, bèn vào triều xin với chúa. Chúa nói rằng:

Vạn Long tuổi già, ta không muốn làm nhọc vì việc quân nữa”.

Thiêm Lộc thưa rằng:

Xưa Mã Viện tuổi ngoài bảy chục mà còn mặc giáp cưỡi ngựa để ra trận. Nay Vạn Long tuổi chưa đến 60, mà cầm quân lại ở dưới tỳ tướng, chắc trong lòng lấy làm hổ thẹn”.

Chúa bèn nghe theo, lấy Vạn Long làm Thống binh, Nguyễn Thắng Long và Nguyễn Tân Lễ làm Tả hữu vệ trận, Thủ hợp Văn Vỵ làm Tham mưu, đem quân đánh Chân Lạp. Sai Hoàng Tiến làm Tiên phong, dưới quyền tiết chế của Vạn Long.

Vào tháng Giêng năm Kỷ Tỵ Chính Hòa thứ 10 [21/1-19/2/1689] tức năm Khang Hy thứ 28, Thống binh Mai Vạn Long kéo quân đến cửa biển Mỹ Tho, đóng ở Sầm Khê [Rạch Gầm, tỉnh Tiền Giang], rồi sai người đến Nan Khê triệu Hoàng Tiến đem quân đến.

Tháng Giêng nhuần [20/2-20/3/1689], Nặc Thu nghe quân ta đến gần bờ cõi rất sợ hãi, cùng với bề tôi là Oc Nha Da Trình mưu dùng kế hoãn binh, bèn chọn một người con gái đẹp có tài biện luận tên là Chiêm Dao Luật, sai đem của báu đến dinh Hoàng Tiến nói rằng:

Tướng quân ở đất Chân Lạp đã lâu năm. Người xưa ăn một bữa cơm cũng phải báo ơn. Nay nghe tướng quân vâng mệnh đánh Chân Lạp, trộm nghĩ không khen tướng quân đâu”.

Tiến nói rằng:

Vạn Long ngày nay triệu ta, không phải là có thành tâm, chỉ là muốn bắt ta trước, rồi sau sẽ diệt Nặc Thu thôi. Lẽ nào ta lại bị nó đánh lừa. Về nói với chúa mày đừng ngờ!”.

Tiến bèn đóng quân giữ chỗ hiểm. Vạn Long giục mãi không đến, biết Tiến quả có chí khác rất lấy làm lo. Trong quân có Văn Thông (người Quảng Ngãi), có tài biện luận, nên được Vạn Long sai đến dinh Tiến, làm thuyết khách. Văn Thông bảo Tiến rằng:

Tướng quân chịu mệnh lệnh đi đánh Chân Lạp, cớ sao đã lâu mà không đến gặp Thống binh?”

Tiến nói:

“Tôi nghĩ cái thân lưu lạc, nhờ tiên vương cho ở đất này, bao giờ dám quên ơn? Nhưng tôi xem sự ăn mặc của tôi được nhờ, đều là sản vật của Chân Lạp, nay đem quân đánh họ thì là bất nghĩa, nhưng vì Chân Lạp mà chống mệnh vua thì là bất trung, tiến thoái hai đàng đều khó. Còn muốn đóng quân tự thủ, chờ xem tình thế ra sao”.

Văn Thông nói:

“Bất nghĩa là lỗi nhỏ, bất trung là tội lớn, tướng quân còn phải chọn gì? Tôi nghĩ tướng quân bây giờ không gì bằng đến gặp Thống binh một lần để cởi mối ngờ, rồi sau sẽ dần tính kế, như thế tốt hơn”.

Tiến nói:

Tiên sinh đã dạy tôi nên gặp Thống binh, nhưng lúc gặp thì chả biết Thống binh có ra thành đón tôi không? Cùng chia ngôi tả hữu với tôi không? Có cho đem quân tới hội mà không ngờ không?”.

Văn Thông nói:

Nhường chiếu để đãi kẻ sĩ, đó là bản tâm của Thống binh. Tôi về nói với Thống binh, ắt được như ước. Chỉ mong tướng quân đừng thất tín thôi”.

Văn Thông bèn từ biệt về, rồi báo cáo với Vạn Long. Vạn Long lại sai Văn Thông đi mời Tiến, và đặt phục binh ở chỗ hiểm yếu để chờ. Quả nhiên Tiến đi thuyền ra sông đến hội. Phục binh vùng dậy, bốn mặt đánh vào, Tiến bỏ thuyền chạy, nhắm trốn về phía cửa biển Lôi Lạp. Vạn Long xua quân vào lũy, bắt được vợ con Tiến đều chém cả.

Sau đó chiêu tập quân Long Môn, sai bộ tướng của Dương Ngạn Địch là Trần Thượng Xuyên quản lãnh, để làm tiên phong. Thừa thắng, Vạn Long tiến đánh Nặc Thu, đốt đứt xích sắt ngang sông, liên tiếp lấy được ba lũy Bích Đôi, Cầu Man và Nam Vang. Nặc Thu lui giữ thành Long Úc cố thủ. Gặp mưa gió sấm sét nổi lớn, Vạn Long muốn đóng quân ở sông Cái [sông Cửu Long], Thắng Sơn can rằng:

Chân Lạp đất nhiều rừng rú, nước sông chảy xiết, ta đóng quân ở đấy, lỡ khi quân địch kết bè ở thượng lưu thả xuống thì ta lấy gì mà chống? Chẳng bằng rút quân về bản doanh để chứa oai nuôi sức. Họ thấy quân ta đã rút ắt sinh trễ nải, ta thừa lúc không phòng bị mà đánh một trận là diệt được”.

Vạn Long theo lời. Nặc Thu cùng các tướng bàn mưu, bèn sai Nặc Sa đưa lễ đến dinh Vạn Long để cầu hoãn binh. Vạn Long giận bắt giam lại. Nặc Thu lại sai nữ sứ giả là Chiêm Dao Luật đem vàng lụa đến hiến. Vạn Long sai Dao Luật cùng Nặc Sa đem hịch về báo với Nặc Thu, bắt phải nộp cống. Dao Luật về nước đã được hơn một tháng mà không thấy mang lễ cống đến. Vạn Long ngờ, họp các tướng lại bàn. Nguyễn Tân Lễ nói:

Quân chúa đi dẹp loạn, cốt yếu là bắt cho kẻ làm phản phải phục. Nay nước sông đang chảy mạnh, chiến thuyền đi ngược không tiện, chưa có thể khinh tiến được. Huống quân ta lại không quen thủy thổ. Hãy cứ đóng quân để đợi nó đến, đó là thượng sách”.

Vạn Long khen là phải. Thắng Sơn nói:

Chân Lạp hay phản phúc dối trá, không gì bằng đánh gấp đi, há nên ngồi đợi để cho già mỏi quân đi à?”

Vạn Long nói:

Làm tướng cốt lấy ân tín làm trọng, không phải lấy chém giết là oai. Ta muốn đem thành tín để phục người Man, họ đã hàng phục thì còn chiến đấu làm gì?”.

Bấy giờ các tướng chia binh vỡ đất cày cấy, không lo phòng bị chiến tranh.

Tháng 8 [13/9-12/10/1689], tướng sĩ Trấn Biên hành quân lâu ngày không lập được công gì, vì Thống binh Mai Vạn Long lầm tin lời nói của Dao Luật đóng quân không tiến, lòng quân do đó oán giận. Cai cơ Nguyễn Thắng Sơn đem tình trạng ấy báo lên, Chúa cả giận nói:

Kẻ thất phu tham lợi trái phép, tội không thể tha”.

Tức thì triệu quần thần bàn chọn tướng khác thay. Chưởng cơ Hoằng Lược tiến cử Cai cơ Nguyễn Hữu Hào (con Hữu Dật) là người trí dũng có thể dùng được. Chúa bèn sai Hữu Hào làm Thống binh, văn chức Hòa Tín làm Tham mưu, thủ hợp Diệu Đức làm Thị chiến, Nguyễn Thắng Sơn làm tiên phong, kén thêm quân ở Phú Yên, Thái Khang và Phan Rí để tiến đánh Chân Lạp. Bãi truất Vạn Long làm thứ nhân, giáng chức Văn Vị.

Tại miền Bắc vào tháng 6 [17/7-14/8/1689] Vũ Công Tuấn sau khi lẫn lút sang Vân Nam, nương dựa vào thổ ty Nùng Tiên Lai. Công Tuấn tự xưng là tiểu Giao Cương vương, ngầm cùng dư đảng họ Mạc là bọn Kính Chửu, Kính Thọ hô hào tụ tập binh lính dưới quyền và người Nùng cướp bóc ở biên giới Tuyên Quang, Hưng Hóa. Trấn thủ Nguyễn Công Triều đem quân tiến đánh, không thắng được. Tiếp đó, triều đình sai Đốc suất Lê Hải, Đốc thị Đặng Đình Tướng đem quân tiến lên, hội hợp với Công Triều để xếp đặt công việc ở địa phương này. Bọn Lê Hải nhiều lần đưa văn thư sang viên Tổng đốc Vân Nam, nhưng viên phủ Khai Hóa không đề đạt giúp, sau phải dùng vải, lụa và bạc, giao kết một cách hậu tình với thổ ty Mộng Tự [phủ Lâm An] là Lý Thế Bình, Thế Bình mới chuyển đạt giúp cho. Viên tổng đốc Vân Nam bèn hạ lệnh cho 3 phủ Khai Hóa, Lâm An và Quảng Nam tra xét rõ ràng, giao trả lại bọn Vũ Công Tuấn, gái trai lớn bé hơn 120 người. Bọn Lê Hải bắt Vũ Công Tuấn đem giết đi, đồ đảng của hắn đều tan rã, rồi kéo quân về.

Tháng 10 [12/11-11/12/1689], triều đình hạ lệnh cho bọn Hữu Thị lang bộ hình Đoàn Tuấn Khoa, hội đồng với nhà Thanh khám xét địa giới châu Lộc Bình thuộc Lạng Sơn. Thôn Na Oa châu Lộc Bình thuộc Lạng Sơn là nơi đất đai màu mở rộng rãi, tiếp giáp với châu Tư Lăng nhà Thanh, Thổ tù Vi Đức Thắng đời đời giữ đất này. Gần đây, vì biên giới phương bắc có việc, nhiều đất bỏ hoang, nhân cơ hội ấy, Đức Thắng bèn chiếm 7 thôn thuộc châu Tư Lăng, chiêu tập dân biên giới lập thành thôn trại. Thổ tù châu Tư Lăng là Vi Vinh Diệu đem việc này cáo tố với Tổng đốc Quảng Tây Ngô Hưng Tộ. Vả lại, Vinh Diệu tham đất Na Oa màu mỡ, muốn lấy luôn cả đất này. Việc này triều đình đưa công văn hội đồng khám xét, đã mấy mươi năm mà vẫn chưa giải quyết được.

Đến nay sai Tuấn Khoa đi hội đồng khám xét, về bên quan phái ủy của nhà Thanh, thì phủ Tư Minh có viên quan trong quân phủ nhà Thanh là họ Trần và doanh Quỳ Đạo [cách châu Tư Minh, tỉnh Quảng Tây 25 dặm về phía nam] có viên quan trong quân phủ nhà Thanh là họ Trương. Khi nhận giới mốc, thì Vi Vinh Diệu chỉ một dãy núi cao có con sư tử đá trắng là giới mốc của hai nước. Viên quan phái ủy của nhà Thanh nói:

Giới mốc ở núi này, tại sao lại tranh xuống đến Na Oa? Nhà ngươi cậy là người của Thiên triều muốn xâm chiếm đất đai của An Nam hay sao“?

Bèn quyết đoán đất Na Oa trả về châu Lộc Bình. Vinh Diệu tự nghĩ rằng, đã không chiếm được Na Oa thì bỏ luôn cả bảy thôn một thể. Tuấn Khoa bèn cùng người nhà Thanh lập mốc đá rồi trở về triều. Nói về chỗ đất bảy thôn mà nước ta được nhận, đều là đất bỏ hoang rậm, không thấy bóng người, bóng khói, chỉ có thôn Na Oa là nơi đất rộng, người nhiều, thu được mối lợi khá lớn. Chúa Trịnh Căn khen về việc này, lại cho Tuấn Khoa được làm Bồi tụng. Sau, thổ tỵ châu Tư Lăng tranh kiện mãi, triều đình lại sai Bồi tụng Nguyễn Đình Hoàn cùng với Đinh Phụ Ích, Đốc trấn Lạng Sơn, hội đồng khám xét.

Sau đó, Thổ tù châu Tư Lăng là Vi Thế Hoa đem 4.000 lạng bạc đến làm tin để lấy đất Na Oa. Vi Phúc Kiêm tư tình ưng thuận, Thế Hoa bèn đào hào và dựng 3 bia đá ở xã An Khoái châu Lộc Bình. Từ đấy đất Na Oa lại mất về nhà Thanh.

——————-

[1] Ngũ hình: Chỉ 5 thứ hình phạt gồm: đánh bằng roi, đánh bằng gậy, tù khổ sai, đày đi xa, giết.

[2] Phú Châu: Tên một thổ châu thuộc phủ Quảng Nam, tỉnh Vân Nam.

[3] Có báo động nơi biên giới: chỉ việc năm Ất Mão tức năm 1675, Ngô Tam Quế làm phản tại phía nam Trung Quốc.

[4] Thủy khẩu quan: Thủy khẩu quan ở phía tây bắc Long Châu 95 dặm, giáp biên giới nước ta.

[5] Trảm giam hậu: Một thứ hình phạt thời xưa, can phạm đã bị xử vào tội đem chém, nhưng còn được đợi ít lâu để xét lại.

[6] An sáp: cho định cư, sống xen kẽ vào dân.

[7] Trung hiếu thủ bang: Có lòng trung thành hiếu kính để giữ nước.

[8] Xa thư: do thành ngữ “Thư đồng văn, xa đồng quĩ” tức sách cùng chung chữ viết, trục xe cùng chung kích thước, ý chỉ sự thống nhất.