Liệu Tập Cận Bình có hành động giống như Gia Cát Lượng thời xưa?

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Did Xi Jinping act like ancient military strategist Zhuge Liang?,” Nikkei Asia, 05/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Gia Cát Lượng đã ra lệnh xử tử tướng quân thân tín Mã Tốc để giữ nghiêm quân pháp.

Dường như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm chính xác những gì Gia Cát Lượng, một chính khách và chiến lược gia quân sự Trung Quốc, đã làm với vị tướng thân tín của mình là Mã Tốc gần hai thiên niên kỷ trước.

Không hẳn là vậy. Dưới thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng, người giữ chức tể tướng và sau đó là nhiếp chính của nước Thục, đã bật khóc khi ra lệnh chém đầu Mã vì vi phạm kỷ luật quân đội.

Ngày 28/11 vừa qua, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra một thông báo bất ngờ tại một cuộc họp báo. Với giọng điệu đanh thép, người này cho biết Miêu Hoa, một quan chức cấp cao của quân đội, đã bị đình chỉ chức vụ vì “nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.”

Miêu, 69 tuổi, là Ủy viên kiêm Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương. Ông cũng là một vị tướng, cấp bậc cao nhất trong Quân đội Giải phóng Nhân dân. Quân ủy Trung ương là cơ quan quân sự hàng đầu giám sát Quân Giải phóng.

Chức vụ này rất quan trọng trong quân đội vì Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị chịu trách nhiệm quản lý tổ chức và công tác nhân sự, cũng như ý thức hệ chính trị, trong đó bao gồm cả Tư tưởng Tập Cận Bình.

Miêu Hoa đến Bình Nhưỡng, Triều Tiên, vào ngày 14/10/2019. Ông đã giữ một chức vụ quan trọng trong quân đội trước khi bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. © AP

Miêu được cho là rất thân thiết với Tập. Quân ủy Trung ương chỉ có sáu thành viên, bao gồm cả Tập, và họ tham gia vào mọi quyết định về các vấn đề quân sự quan trọng.

Dù Tập đã củng cố đáng kể quyền lực của mình, ông vẫn lo ngại về lòng trung thành của quân đội đối với ông. Quân Giải phóng Nhân dân gồm một số nhánh – Lục quân, Hải quân, Không quân, và Quân chủng Tên lửa.

Có thể nói, Tập đã chọn Miêu vào vị trí ở Quân ủy Trung ương như một người đại diện của mình, để giúp ông kiểm soát tất cả các nhánh của quân đội về mặt chính trị. Nhưng Tập đã không thể tiếp tục bảo vệ Miêu.

Điều đáng chú ý là Miêu sinh ra ở tỉnh Phúc Kiến và là thành viên cốt cán của phe Phúc Kiến. Nhiều nhân vật thân cận với Tập hiện là người của phe ngày càng hùng mạnh này. Đây là một trong hai nhóm chính trị lớn nhất ủng hộ Tập, cùng với phe Chiết Giang.

Việc Miêu bị đình chỉ chức vụ đã diễn ra khi phe Phúc Kiến đang chiếm ưu thế trước phe Chiết Giang.

Không rõ “nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” trong vụ của Miêu có nghĩa là gì. Nhưng điều chắc chắn là ông đã bị tình nghi tham nhũng.

Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc với tư cách là Tổng Bí thư vào năm 2012, Tập đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt. Tuy nhiên, trên thực tế, nạn tham nhũng trong quân đội vẫn chưa bị xóa bỏ.

Tập và các thành viên khác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đến gặp các nhà báo Trung Quốc và nước ngoài tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 15/11/2012. © AP

Trong khi đó, vụ việc của Miêu và cuộc đàn áp trước đây đối với nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong quân đội lại mang ý nghĩa khác nhau.

Chiến dịch chống tham nhũng của Tập chủ yếu nhắm vào những nhân vật không cam kết trung thành với ông. Cho đến nay, ông vẫn chưa từ bỏ bất kỳ trợ lý nào mà ông thực sự tin tưởng.

Câu hỏi đặt ra là ai đã báo cho các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm kỷ luật đáng ngờ của Miêu.

Theo lời một chuyên gia đã theo dõi chiến dịch chống tham nhũng của Tập suốt 12 năm qua, một số thế lực không thân cận với Tập có thể đã đưa ra những lời buộc tội gay gắt đối với Miêu, đến mức Tập không thể bỏ qua.

Nếu đúng như vậy, thì điều đó có nghĩa là: lần đầu tiên, logic chiếm ưu thế là mọi quan chức tham nhũng đều phải bị đưa ra xét xử bất kể họ có thân thiết với Tập đến đâu.

Nhiều khả năng, quyết định bất ngờ về Miêu đã được đưa ra theo chỉ thị trực tiếp và đột ngột của Tập.

Bởi nếu không thì một người phát ngôn sẽ không thể nào tuyên bố trước các nhà báo trong và ngoài nước rằng một quan chức quân đội cấp cao hơn mình rất nhiều đã bị kỷ luật.

Ngoài ra, đã có sự chậm trễ đáng kể trong việc đưa tin của các cơ quan truyền thông nhà nước chính, theo đó cho thấy quyết định đình chỉ Miêu đến rất bất ngờ.

Khi nói đến các vấn đề chính trị nhạy cảm trong quân đội, các kênh truyền thông này thường đưa tin đồng bộ và sử dụng giọng điệu trang trọng. Và chỉ khi đó, người phát ngôn phụ trách mới tiết lộ chi tiết sự việc. Đây là truyền thống tại Trung Quốc.

Nhưng chương trình tin tức buổi tối chính của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc vào ngày 28/11 hoàn toàn không đề cập đến nội dung cuộc họp báo của người phát ngôn Bộ Quốc phòng được tổ chức trước đó trong ngày. Sang ngày 29/11, tờ Nhân dân Nhật báo mới đăng một bài viết dài của Tân Hoa Xã về cuộc họp báo, nhưng chỉ đề cập vài dòng về hình phạt đối với Miêu.

Cũng cần chú ý đến cách diễn đạt của thông báo. Cụm từ kiểm tra (jiancha) đã được sử dụng thay cho cụm từ thường dùng là điều tra (diaocha).

Nhìn chung, khi nói đến các vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của đảng viên, các thông báo đều sử dụng thuật ngữ điều tra. Điều này nhằm cho thấy chính quyền có kế hoạch trừng phạt nghiêm khắc những kẻ vi phạm.

Xưa kia, Gia Cát Lượng đã khóc khi ra lệnh chém đầu Mã Tốc. Nhưng lần này, việc sử dụng cụm từ kiểm tra cho thấy Miêu không nhất thiết sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc, chẳng hạn như án chung thân hoặc án tử hình treo.

Trong quá khứ, những nhân vật có ảnh hưởng trong quân đội bị cuốn vào chiến dịch chống tham nhũng kéo dài của Tập đều đã bị trừng phạt nghiêm khắc, bao gồm các cựu sĩ quan quân đội cấp cao như Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.

Quách và Từ đều từng giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau này, Quách bị kết án chung thân, còn Từ qua đời vì ung thư trong thời gian bị giam giữ sau khi bị khai trừ khỏi đảng. Những tướng lĩnh quân đội này đều được cho là không thân thiết và trung thành với Tập.

Quách Bá Hùng chào cờ trong lúc hát quốc ca trước cuộc họp tại Lầu Năm Góc ở Washington vào ngày 18/07/2006. Sau đó, ông bị kết án tù chung thân. © Reuters

“Dù Chủ tịch Tập không thể bảo vệ được Miêu, người mà ông đã trao cho một chức vụ quan trọng, nhưng vẫn có khả năng là ông sẽ tỏ ra khoan hồng với vị tướng này,” một chuyên gia am hiểu chính trị Trung Quốc nhận định.

Miêu từng làm việc trong Tập đoàn quân số 31, một đơn vị của Quân Giải phóng Nhân dân đóng tại tỉnh Phúc Kiến, quê hương ông, nhưng hiện đã không còn tồn tại.

Tập đã dành gần 17 năm làm việc tại Phúc Kiến, bắt đầu từ giữa những năm 1980. Trong những ngày cuối cùng ở đó, ông sống tại Phúc Châu, với tư cách là Tỉnh trưởng Phúc Kiến. Ông cũng đã thăng chức cho nhiều cựu sĩ quan của Tập đoàn quân 31.

Trong một động thái rất bất thường, Tập đã điều chuyển Miêu từ Lục quân sang Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân vào năm 2014, đưa ông lên làm Chính ủy, mục đích là để loại bỏ những tác động tiêu cực của chủ nghĩa bè phái trong các nhánh Lục quân, Hải quân, và Không quân.

Nhưng điều mà Tập thực sự muốn làm là tăng cường kỷ luật toàn diện trong Hải quân – nơi tham nhũng đã xảy ra tràn lan, dù không quá lộ liễu – và qua đó tăng cường lòng trung thành của lực lượng này đối với ông.

Xét đến mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Đài Loan, việc duy trì lòng trung thành và tinh thần của lực lượng Hải quân là vô cùng quan trọng.

Sau khi giữ chức Chính ủy Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân, Miêu tiếp tục được thăng chức lên Quân ủy Trung ương vào năm 2017. Ông cũng trở thành Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương, phụ trách quản lý chính trị trong quân đội.

Miêu và các sĩ quan khác đến từ Tập đoàn quân số 31 hiện đang chiếm giữ nhiều vị trí cấp cao trong chính quyền Tập, và nắm quyền với tư cách là thành viên của phe Phúc Kiến trong quân đội.

Sau khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc bị thanh trừng, Đổng Quân đã được chọn làm người kế nhiệm. Quyết định thay đổi nhân sự này đã thu hút sự chú ý, vì Đổng là cựu sĩ quan Hải quân đầu tiên đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu bộ quốc phòng.

Đổng Quân đến Singapore cùng phái đoàn của mình để gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào ngày 31/05. Theo tin đồn, ông đã được thăng chức theo đề xuất của Miêu Hoa. (Ảnh của AFP/Jiji)

Người ta còn đồn rằng Đổng được thăng chức là nhờ Miêu tiến cử.

Ngoài chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, Lý Thượng Phúc còn phục vụ trong Quân ủy Trung ương và là Ủy viên Quốc vụ viện – một chức vụ trong chính phủ tương đương cấp phó thủ tướng. Nhưng khác với Lý, Đổng không giữ bất kỳ chức vụ nào trong Quân ủy Trung ương hoặc Quốc vụ viện.

Nếu Trung Quốc có hành động quân sự chống lại Đài Loan, Quân ủy Trung ương sẽ phải chấp thuận việc đó. Nhưng Đổng, người chỉ xử lý công tác ngoại giao quốc phòng, sẽ không có tiếng nói trong một quyết định như vậy.

Ông cũng đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế kể từ khi tờ Finance Times đưa tin gần đây rằng ông đang bị điều tra như một phần trong cuộc điều tra rộng hơn về vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Quân Giải phóng Nhân dân.

Nhưng vụ việc của Miêu có ý nghĩa chính trị quan trọng hơn nhiều so với trường hợp của Đổng, xét theo vị trí của họ.

Câu chuyện về Gia Cát Lượng rưng rưng nước mắt ra lệnh chém đầu Mã Tốc đã được kể lại trong nhiều thế kỷ như một câu chuyện anh hùng. Nhưng vẫn chưa rõ liệu việc Tập đột ngột sa thải Miêu có được ghi nhớ theo cách tương tự hay không.

Tình hình chính trị Trung Quốc đã bước vào giai đoạn quan trọng và chúng ta cần đặc biệt chú ý xem liệu vụ việc của Miêu Hoa có làm thay đổi đôi chút tiến trình chính trị của Trung Quốc hay không.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.