Hồ Diệu Bang: Người suýt nữa đã thay đổi Trung Quốc

Nguồn: Trần Kiên, “The Man Who Almost Changed China,” Foreign Affairs, 01/01/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Hồ Diệu Bang và công cuộc cải cách và mở cửa còn dang dở.

Một trong những sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20 là bước ngoặt lịch sử của Trung Quốc hướng tới một chương trình cải cách toàn diện trong những năm sau cái chết của Mao Trạch Đông vào năm 1976. Bằng cách nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế và toàn xã hội trong giai đoạn này, Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 1989, đã tạo ra một nền tảng mà chỉ trong vài thập kỷ sau đó đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói tuyệt đối, biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới và đưa nước này trở thành một cường quốc trong thế kỷ 21 – đối thủ hợp lý duy nhất của Mỹ. Dù Đặng lãnh đạo quá trình này, nhưng vào thời điểm đó, ông đã được hỗ trợ bởi lời khuyên và nỗ lực của một nhà lãnh đạo ít được biết đến hơn, Hồ Diệu Bang.

Hồ không được công nhận rộng rãi như Mao, Đặng, và chính khách hàng đầu thời Mao là Chu Ân Lai. Ngay cả ở Trung Quốc, những người trưởng thành sau năm 1989 thường cũng chỉ biết rất ít về ông. Nhưng như học giả quan hệ quốc tế Robert Suettinger chỉ ra trong cuốn The Conscience of the Party: Hu Yaobang, China’s Communist Reformer (Lương tâm của Đảng: Hồ Diệu Bang, Nhà cải cách cộng sản Trung Quốc), Hồ là một nhân vật đóng vai trò thiết yếu trong quá trình “cải cách và mở cửa.” Trước và trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch (và sau đó là Tổng Bí thư) của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1981 đến năm 1987, ông đã nỗ lực phá vỡ sự thống trị về mặt ý thức hệ của chủ nghĩa Mao đối với nền chính trị Trung Quốc, khôi phục quyền của hàng triệu người bị thanh trừng trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976), và nỗ lực đảm bảo rằng các mệnh lệnh cải cách sẽ được ưu tiên trong quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, cam kết cải cách chính trị của Hồ đã khiến ông bị hạ bệ, sau khi bất đồng với Đặng buộc ông phải rời khỏi vị trí tổng bí thư ĐCSTQ vào tháng 01/1987. Nhưng ông vẫn được dân thường Trung Quốc cũng như giới trí thức và sinh viên trẻ xem là người đấu tranh cho sự dân chủ hóa chính trị Trung Quốc.

Hồ đột ngột qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 04/1989, và sự ra đi của ông đã thúc đẩy cuộc chiếm đóng định mệnh ở Quảng trường Thiên An Môn của những người biểu tình ủng hộ dân chủ, cũng như các cuộc biểu tình tương tự trên khắp cả nước. Sau bảy tuần, Đặng đã đàn áp các cuộc biểu tình một cách tàn nhẫn, và trong quá trình đó, đã ngăn chặn quá trình dân chủ hóa chính trị mà Hồ từng hy vọng. Quan điểm chính của Hồ là tăng trưởng kinh tế không đủ để làm động lực cho nhà nước Trung Quốc; nếu không có tính chính danh do cải cách chính trị và dân chủ hóa mang lại, Trung Quốc sẽ rơi vào hỗn loạn trong quá trình hiện đại hóa và phát triển của mình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tin rằng họ đã tìm ra cách để phá vỡ mối liên hệ đó, nhưng có lý do chính đáng để tin rằng Hồ sẽ được chứng minh là đúng – và cuối cùng, khi họ phải đối mặt với một nền kinh tế đang chững lại và sự bất mãn tăng cao, họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đối mặt với lời cảnh báo của Hồ.

CON NGƯỜI LÝ TƯỞNG

Tiểu sử của Suettinger là một câu chuyện khai sáng về Hồ, khám phá một cách thấu đáo về con người ông và cách ông nổi lên như một nhân vật khát vọng cải cách trong một thế giới của các lãnh đạo cộng sản. Đây là tiểu sử đầy đủ đầu tiên của Hồ được viết bằng tiếng Anh. Nhưng Suettinger, một cựu sĩ quan tình báo quốc gia dưới thời chính quyền Clinton và là một học giả lâu năm về Trung Quốc, không phải là học giả người Mỹ đầu tiên thử sức với một tác phẩm như vậy. Nhà khoa học xã hội Ezra Vogel đã qua đời vào năm 2020, trước khi ông kịp hoàn thành cuốn tiểu sử của riêng mình về Hồ, một cuốn sách mà ông dự định sẽ là phần tiếp theo của Deng Xiaoping and the Transformation of China (Đặng Tiểu Bình và Sự chuyển mình của Trung Quốc), cuốn tiểu sử về Đặng được đón nhận rộng rãi của ông vào năm 2011. Hai nhà lãnh đạo này luôn xuất hiện như một cặp đôi; vận may của họ đã lên xuống cùng nhau trong những thập kỷ đầy biến động dưới sự cai trị của Mao, trước khi cả hai lên nắm quyền sau khi Mao qua đời. Và di sản của Hồ sẽ được xác định phần lớn bởi rạn nứt cuối cùng của ông với Đặng, một rạn nứt thể hiện tầm nhìn cải cách khác nhau của họ.

Vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc đời của Hồ không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Rào cản rõ ràng nhất, và dường như không thể vượt qua, đối với bất kỳ người viết tiểu sử nào là việc không thể tiếp cận các kho lưu trữ và các nguồn chính thống khác – và trong trường hợp của Hồ, cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc lẫn phương Tây đều gần như không thể tiếp cận được những nguồn này. Suettinger đã dành gần một thập kỷ để tìm kiếm các nguồn thông tin và phỏng vấn những nhân vật đương thời, và trong quá trình đó, ông đã đào sâu vào cuộc đời của Hồ theo cách mà không một học giả phương Tây nào từng làm trước đây. Kết quả là một tác phẩm vô cùng tinh tế, không chỉ mô tả Hồ là một nhà lãnh đạo cải cách can đảm và cẩn trọng, mà còn làm sáng tỏ một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử gần đây của Trung Quốc.

Hồ là một người theo chủ nghĩa lý tưởng, một người trung thực, chân thành, và thẳng thắn, như lời những người từng quen biết và làm việc với ông mô tả. Ông sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân nghèo nhưng có học thức ở tỉnh Hồ Nam. Nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ, ông đã được đi học, dù trong hoàn cảnh khó khăn; suốt nhiều năm, ông phải đi bộ gần 20km đường mòn gồ ghề trên núi mỗi ngày để đến trường. Năm 14 tuổi, ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản, tổ chức tập hợp thanh niên của ĐCSTQ, và bắt đầu chiến đấu. Việc ông là người có giáo dục, kết hợp với sự cống hiến của ông cho cách mạng và nhiệt huyết với công việc, đã giúp ông nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ Hồng Quân (sau này trở thành Quân Giải phóng Nhân dân) và ĐCSTQ. Ông đã sống sót sau cuộc Vạn lý Trường chinh đau thương và huyền thoại – cuộc rút lui của Hồng Quân, đi sâu vào nội địa đất nước từ năm 1934 đến năm 1935 – và điều này chỉ củng cố thêm uy tín Cộng sản của ông. Vào thời điểm ĐCSTQ lên tiếp quản Trung Quốc vào năm 1949, Hồ đã trở thành chính ủy quân đoàn trẻ nhất trong quân đội.

Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 1932, như một phần của chiến dịch trấn áp những nhân vật được cho là “phản động” trong hàng ngũ, các điệp viên của Mao đã cáo buộc Hồ là điệp viên của kẻ thù mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào; ông chỉ thoát khỏi án tử hình thông qua sự can thiệp vào phút chót của hai thanh tra Đoàn Thanh niên, những người biết rõ ông là một đồng chí trung thành. Sang đầu những năm 1940, trong một chiến dịch do Mao phát động nhằm củng cố sự thống trị của mình đối với đảng, Hồ và các thành viên khác của ĐCSTQ đã phải trải qua sự tra tấn tinh thần của việc tự phê bình vô tận. Như Suettinger chỉ ra, những thử thách này đã gieo vào Hồ hạt giống của sự nghi ngờ chủ nghĩa Mao và khuynh hướng tàn bạo của nó trong việc cố gắng kiểm soát cách mọi người suy nghĩ và hành xử.

Tuy nhiên, Hồ vẫn hết lòng trung thành với ĐCSTQ sau khi những người Cộng sản đẩy lùi phe Quốc Dân Đảng ra Đài Loan và chính thức thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Ông sớm có cơ hội làm việc với Đặng. Từ năm 1950 đến năm 1952, Hồ là một bí thư đảng ở miền bắc tỉnh Tứ Xuyên, báo cáo trực tiếp với Đặng, lúc đó là bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên. Hồ đã quét sạch tàn dư của lực lượng Quốc Dân Đảng trong khu vực, khôi phục trật tự sau nội chiến, tiến hành cải cách ruộng đất, và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Thành tích xuất sắc và thái độ tận tụy với công việc đã giúp ông giành được sự ngưỡng mộ của Đặng. Thành tựu của họ cũng giúp cả hai được ban lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh chú ý.

Đến năm 1953, cùng với Đặng, Hồ được đưa lên sân khấu chính trị quốc gia và chuyển đến Bắc Kinh để đảm nhiệm chức vụ bí thư, sau đó là bí thư thứ nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Nhưng trên cương vị đó, Hồ đã tham gia vào một loạt các nỗ lực thảm hại của Mao, bao gồm Phong trào Phản Hữu, một chiến dịch chính trị nhằm thanh trừng những người bị cáo buộc là bất đồng chính kiến trong hàng ngũ trí thức; Đại Nhảy vọt, chương trình kinh tế và xã hội bắt đầu vào năm 1958 đã dẫn đến một nạn đói tàn khốc; và Phong trào Giáo dục Xã hội Chủ nghĩa, một chiến dịch nhồi sọ ý thức hệ diễn ra vào đầu đến giữa những năm 1960.

Hồ đã cố gắng hết sức để tham gia vào các phong trào này bằng cách tuân thủ và thực hiện mọi mệnh lệnh từ Bắc Kinh một cách trung thành nhất có thể. Tuy nhiên, ông cũng bắt đầu lo lắng về việc nhiều đồng chí và cấp dưới của mình bị dán nhãn vô căn cứ là “cánh hữu” và về nỗi thống khổ của dân thường trong Đại Nhảy vọt. Những trải nghiệm đó đã nuôi dưỡng trong ông sự nghi ngờ sâu sắc về chương trình “cách mạng liên tục” không tưởng của Mao. Tại một hội nghị của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ ở Lư Sơn vào năm 1959, ông miễn cưỡng tuân theo động thái chung là chỉ trích Bành Đức Hoài, vị cựu bộ trưởng quốc phòng đã bị Mao xác định là thủ lĩnh của “phe chống đảng” vì dám đưa ra những bình luận chỉ trích về Đại Nhảy vọt. Rồi sau đó, khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu vào năm 1966, Mao đã nhắm vào Hồ và các nhà lãnh đạo khác của Đoàn Thanh niên Cộng sản và chỉ trích họ nghiêm khắc. Bản thân Hồ đã nhiều lần bị đưa đến các cuộc mít tinh lên án, nơi Hồng Vệ Binh sẽ công kích ông và tìm cách làm nhục ông trước công chúng. Đặng cũng phải chịu khốn khổ trong Cách mạng Văn hóa, hai lần bị Mao và các đồng minh của ông thanh trừng.

Năm 1969, các điệp viên của Mao tại Trung tâm Đoàn Thanh niên đã trục xuất Hồ đến một trang trại ở tỉnh Hà Nam để “cải tạo.” Ông bị buộc phải làm việc chân tay nặng nhọc hầu như mỗi ngày, và đã rất khổ sở trong thời gian này. Sau cái chết của Lâm Bưu, một trong những cấp dưới chủ chốt của Mao, vào năm 1971, Hồ được phép trở về Bắc Kinh, nhưng không được đưa trở lại hàng ngũ tinh hoa của đảng. Trong thời gian này, ông đọc rất nhiều sách – bao gồm các tác phẩm kinh điển của Marx, lịch sử Trung Quốc, sách triết học và đạo đức, và thậm chí cả các vở kịch Shakespeare được dịch ra tiếng Trung. Ông ngày càng chỉ trích chủ nghĩa Mao về cả lý thuyết và thực hành. Khi Mao qua đời, vào tháng 9/1976, trật tự cũ đứng trước đang bị đe dọa, và Hồ đã sẵn sàng thúc đẩy sự nghiệp cải cách cấp tiến ở Trung Quốc.

MỞ CỬA

Cái chết của Mao mở ra một giai đoạn bất ổn ở Trung Quốc, trong đó nhiều phe phái tranh giành quyền lực với nhau. Hồ liên kết với Đặng, người đang nổi lên từ thời kỳ lưu vong thứ hai trong Cách mạng Văn hóa. Trong khi những kẻ thù chính của Đặng, bao gồm người kế nhiệm được Mao lựa chọn là Chủ tịch đảng Hoa Quốc Phong, tuyên bố tuân thủ “hai bất kỳ” – tức khẩu hiệu “chúng tôi sẽ tuyệt đối ủng hộ bất kỳ quyết định nào của Chủ tịch Mao và kiên định tuân theo bất kỳ chỉ thị nào mà Chủ tịch Mao đưa ra” – Hồ lại tìm kiếm một con đường khác. Tháng 05/1978, tờ Quang Minh Nhật báo, một cơ quan tư tưởng của đảng, đã xuất bản một bài tiểu luận do một nhóm giáo viên tại Trường Đảng Trung ương viết (khi đó Hồ là hiệu phó của trường và đã duyệt qua bài tiểu luận trước khi xuất bản), có tựa đề “Thực hành là Tiêu chí Duy nhất để Phán quyết Sự thật.” Bài viết lập luận rằng sự thật phải được thử nghiệm và chứng minh bằng thực hành – một lời khiển trách ngầm đối với tính không thể lay chuyển của những giáo điều của Mao và những tuyên bố được cho là sự thật của nó. Bài tiểu luận đã tạo ra làn sóng chấn động trong toàn hệ thống; nó thực sự hủy hoại tính chính danh của Hoa (vì vị trí nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc của ông là hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ định của Mao), và bác bỏ những hạn chế mà Mao và tư tưởng của ông đã áp đặt lên Trung Quốc. Đòn tấn công ý thức hệ này đã nâng cao đáng kể vị thế của Đặng trong cuộc đấu tranh nội đảng với phe phái của Hoa và góp phần đưa Đặng trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào năm 1978.

Sau khi Đặng nổi lên nắm quyền, Hồ cũng được cất nhắc trở thành Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng vào tháng 12/1977. Trong vai trò này, Hồ đã tìm cách sửa chữa những bất công của Cách mạng Văn hóa và các chiến dịch chính trị khác của Mao. Dưới sự chỉ đạo của Hồ, hàng chục nghìn cán bộ ĐCSTQ, bao gồm hàng trăm cán bộ cấp cao, đã được phục chức và được giao các vị trí chính thức. Hồ cũng giúp chấm dứt làn sóng tẩy chay nhắm vào hàng chục triệu công dân bình thường, những người đã phải chịu đựng vì các sáng kiến phá hoại của Mao, và để họ được sống một cuộc sống yên ổn. Những nỗ lực nhằm khắc phục những hành động thái quá của thời Mao đã giúp Hồ giành được sự ủng hộ từ bên trong đảng cũng như từ công chúng. Năm 1981, Hồ thay thế Hoa làm Chủ tịch Đảng (năm sau, chức vụ này sẽ được đổi thành Tổng Bí thư), cho phép ông hoạt động như cánh tay phải của Đặng trong việc khởi xướng và thúc đẩy các cải cách.

Từ năm 1978 đến năm 1982, Đặng và Hồ đã đưa ra một loạt chính sách nhằm mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. Những chính sách này bao gồm từ bỏ hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung cứng nhắc được vay mượn từ Liên Xô, phi tập thể hóa nông nghiệp, áp dụng một số cơ chế thị trường, cho phép đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, tìm kiếm quan hệ thương mại với các nước phương Tây, và gửi sinh viên Trung Quốc đi du học. Kết quả của những thay đổi này là nền kinh tế nhìn chung đã tăng trưởng mạnh mẽ – với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 10% trong suốt thập kỷ – và năng suất cũng vậy. Trước khi cải cách, tỷ trọng GDP toàn cầu của Trung Quốc dựa trên sức mua tương đương dao động quanh mức 2%; ngày nay, con số này là khoảng 20%.

Điều kỳ lạ là Suettinger chỉ tập trung vào những đóng góp trong nước của Hồ trong giai đoạn này, hoàn toàn bỏ qua cách ông giúp chuyển đổi định hướng của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài. Dưới thời Mao, Trung Quốc tự cho mình là một quốc gia cách mạng, quyết tâm thách thức hệ thống quốc tế hiện tại và các thể chế do Mỹ và các nước tư bản phương Tây khác thống trị. Nhưng Hồ là một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên nhận ra nhu cầu về một chính sách đối ngoại giảm tính đối đầu theo bản năng, tăng cường hợp tác, và hướng tới tương lai. Vào đầu những năm 1980, ông đóng vai trò trung tâm trong một cuộc đánh giá đại chiến lược của ĐCSTQ, dẫn đến việc đảng này từ bỏ quan điểm của Mao rằng một cuộc chiến tranh thế giới khác là điều không thể tránh khỏi, và đạt được sự đồng thuận rằng việc phấn đấu vì một môi trường bên ngoài hòa bình là vì lợi ích lâu dài và cơ bản của Trung Quốc. Quan hệ tốt đẹp với thế giới bên ngoài sẽ cho phép đất nước tập trung vào phát triển kinh tế và theo đuổi hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Hồ đã định hình quỹ đạo của sự thay đổi, hiểu rằng việc mở cửa ra thế giới sẽ giúp đẩy nhanh các cải cách trong nước. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1979, ủng hộ quan hệ hữu nghị giữa hai nước; ông cũng ủng hộ và thậm chí còn đích thân tham gia vào việc cải thiện quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc với cựu thù Nhật Bản (chẳng hạn, vào năm 1983, ông đã mời 3.000 sinh viên Nhật Bản đến thăm Trung Quốc); ông nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh với London bằng cách đến thăm Vương quốc Anh và tiếp đón Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến thăm cấp nhà nước của bà tới Bắc Kinh năm 1986, điều này đã giúp lời hứa của Đặng với người Anh – rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi quy chế đặc biệt của Hong Kong cho đến năm 2047 – trở nên đáng tin cậy hơn.

NGHỈ HƯU SỚM

Với Đặng là lãnh đạo tối cao và Hồ là tổng bí thư, tưởng chừng Trung Quốc sẽ đi trên con đường cải cách ngày càng sâu rộng trong suốt phần lớn những năm 1980. Nhưng điều đó lại không xảy ra. Đến năm 1984, Đặng, Hồ và một số cựu lãnh đạo khác của ĐCSTQ đã bắt đầu có những bất đồng quan điểm nghiêm trọng về con đường phía trước. Điểm tranh cãi chính là liệu có nên tạo ra nhiều kiềm chế đối trọng hơn trong hệ thống ĐCSTQ hay không, đó là điều mà Hồ mong muốn. Lúc đầu, có vẻ như Đặng cũng ủng hộ cách tiếp cận này. Tuy nhiên, trong lúc ông củng cố quyền lực của mình, Đặng ngày càng lo lắng rằng những cải cách như vậy sẽ dẫn đến việc chấp nhận một nền dân chủ theo kiểu phương Tây, đe dọa chế độ độc đảng của ĐCSTQ. Dù ông sẵn sàng thúc đẩy cải cách và mở cửa nền kinh tế, nhưng ông đã nhiều lần kêu gọi đảng và đất nước chống lại “tự do hóa tư sản” và duy trì “bốn nguyên tắc cơ bản,” tuân thủ “con đường xã hội chủ nghĩa,” chế độ chuyên chính vô sản, sự lãnh đạo của ĐCSTQ, cũng như các tư tưởng Marx-Lenin và Mao.

Ngược lại, Hồ muốn tiến xa hơn theo hướng dân chủ hóa chính trị. Và vì thế, giữa hai người đã xảy ra rạn nứt. Trong khi Đặng liên tục nhấn mạnh nhu cầu chống lại “tự do hóa tư sản,” Hồ lại công khai nhắc đến nhu cầu dân chủ hơn, tự do ngôn luận hơn, và sự tham gia của công chúng nhiều hơn vào chính trị. Đặng ngày càng thất vọng với sự thẳng thắn của Hồ và bắt đầu mất lòng tin vào đồng minh lâu năm của mình.

Hồ tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Bắc Kinh, tháng 3/1987 © Gene Del Bianco / Reuters.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm với lời kêu gọi công khai của Hồ vào năm 1985 về việc “trẻ hóa” giới lãnh đạo ĐCSTQ đang già đi. Ông bắt đầu với chính mình, tuyên bố rằng “Tôi gần 70 tuổi rồi, và tôi sắp nghỉ hưu… Những đồng chí kỳ cựu trên 80 tuổi thậm chí còn nên từ chức hơn nữa.” Đặng không bao giờ từ chối đề xuất này, và thậm chí còn ám chỉ rằng ông có thể sẵn sàng nghỉ hưu. Nhưng đó chỉ là lời nói suông. Khi Hồ ngây thơ gợi ý rằng Đặng sẽ nêu gương tốt bằng cách “dẫn đầu trong việc nghỉ hưu,” đó là một bước đi quá xa đối với nhà lãnh đạo tối cao. Tháng 01/1987, tại một “cuộc họp đời sống dân chủ” có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao của đảng, do Đặng và các cán bộ lão thành khác chủ trì, Hồ đã bị buộc phải từ chức tổng bí thư. Hồ đã bình tĩnh chấp nhận hầu hết các cáo buộc chống lại mình, vì theo lời kể của Suettinger, ông thấy “cần phải duy trì sự ổn định và thống nhất trong giới lãnh đạo.”

Nhưng việc bị hạ bệ không phải là hồi kết của câu chuyện về Hồ. Dù đã bị kéo khỏi sân khấu chính trị của Trung Quốc, nhưng ông vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nó. Nhiều người trong nước bắt đầu gọi ông là “lương tâm của đảng” – ẩn dụ này không chỉ là lời khen ngợi, mà còn ám chỉ rằng ĐCSTQ đã lạc lối khi không có ông. Trong những năm sau khi Hồ từ chức, khoảng cách giữa sự thay đổi kinh tế và xã hội nhanh chóng và sự trì trệ chính trị đã liên tục tạo ra căng thẳng giữa nhà nước và người dân, cũng như trong xã hội Trung Quốc. Sự bất mãn và lo lắng về tốc độ cải cách chính trị chậm chạp dần lan rộng khắp nơi.

Khi Hồ mất vào tháng 04/1989, các sinh viên ở Bắc Kinh – và sau đó là công dân từ mọi tầng lớp – đã nhanh chóng biến sự kiện tưởng niệm Hồ thành một cuộc biểu tình công khai mạnh mẽ để thể hiện nỗi thất vọng và tức giận của họ trước tình trạng thiếu cải cách chính trị và nạn tham nhũng tràn lan. Những người biểu tình đến tụ tập đông đúc ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Và những gì xảy ra sau đó đã trở thành một khoảnh khắc quyết định trong lịch sử Trung Quốc. Vào ngày 04/06, Đặng và các lão thành khác của ĐCSTQ đã ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên và những người biểu tình, dẫn đến thảm kịch đẫm máu gây chấn động thế giới.

LỜI CẢNH BÁO CỦA HỒ

Hơn bốn thập kỷ sau khi khởi động dự án cải cách và mở cửa, Trung Quốc hiện đang đứng trước một bước ngoặc khác. Tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ cải cách là rất phi thường, và đến năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thành công đó có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là Trung Quốc trong thời kỳ cải cách và mở cửa đã được hưởng một nền hòa bình lâu dài; được dẫn dắt bởi những người như Hồ, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị với thế giới bên ngoài và tránh đối đầu, đặc biệt là với Mỹ.

Nhưng viễn cảnh khác về cải cách chính trị – tầm nhìn của Hồ – rõ ràng là chưa được thực hiện. ĐCSTQ vẫn cố thủ ở Bắc Kinh. Viễn cảnh về một hệ thống chính trị với kiềm chế đối trọng lớn hơn dường như rất xa vời. Từ thời Đặng trở đi, giới lãnh đạo ĐCSTQ đã tận dụng tối đa sự tăng trưởng kinh tế liên tục và nhanh chóng của Trung Quốc để thúc đẩy tính chính danh của mình, và đã nhận công lao cho mọi thành công kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, tính chính danh được định nghĩa như vậy phụ thuộc vào tăng trưởng hiệu suất liên tục; tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc phải kéo dài mãi mãi nếu chính phủ muốn tận hưởng tính chính danh đi kèm với thành tích kinh tế đó. Sự chậm lại hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc không chỉ là một vấn đề kinh tế. Nó đại diện cho một thách thức nghiêm trọng đối với nhà nước Trung Quốc. Ngay từ thời của mình, Hồ đã hiểu được chuyện này, đó là lý do tại sao ông muốn Trung Quốc thực hiện cải cách chính trị sâu rộng, và đưa ra các cơ chế có thể đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng xã hội, đạo đức, và văn hóa của người dân Trung Quốc.

Những nhu cầu đó vẫn chưa được giải quyết, và sự thiếu hụt này đã thỉnh thoảng làm bùng phát căng thẳng giữa nhà nước và xã hội Trung Quốc, cũng như giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Hồ biết điều đó sẽ xảy ra. Trong lúc tìm cách tái thiết hình ảnh Trung Quốc trên thế giới, ông vẫn hiểu rằng những thách thức lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt không đến từ bên ngoài mà từ bên trong.

Trần Kiên là Giám đốc Trung tâm Lịch sử, Kinh tế, và Văn hóa Toàn cầu tại Đại học New York-Thượng Hải và Đại học Sư phạm Hoa Đông và là Nghiên cứu viên Toàn cầu tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson. Ông là tác giả cuốn “Zhou Enlai: A Life” (Chu Ân Lai: Một cuộc đời).