Trump, Vance, và cuộc tấn công vào các trường đại học Mỹ

Nguồn: Gideon Rachman, “Trump, Vance and the attack on American universities,” Financial Times, 21/04/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cáo buộc bài Do Thái của Nhà Trắng chỉ là một chiến thuật vụ lợi nhằm theo đuổi một cuộc tấn công rộng hơn vào quyền tự do học thuật.

Giờ đây, mọi chuyện hẳn đã rõ ràng. Cuộc tấn công của chính quyền Trump vào các trường đại học Mỹ không nhằm mục đích chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, mà là nỗ lực đưa các tổ chức nuôi dưỡng tư duy độc lập vào tầm kiểm soát của chính phủ.

Theo phong trào của Trump, các trường đại học là trái tim của giới tự do của Mỹ. Nếu muốn đánh bại chủ nghĩa tự do, các trường đại học hàng đầu cần phải bị hạ gục.

Năm 2021, J.D. Vance từng có một bài phát biểu với tựa đề “Các trường đại học là kẻ thù.” Phó tổng thống tương lai lập luận rằng “chúng ta phải thẳng thắn và quyết liệt tấn công các trường đại học ở đất nước này.”

Điều quan trọng cần lưu ý là bài phát biểu của Vance được đưa ra hai năm trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 07/10. Nhưng các cuộc biểu tình của sinh viên về Gaza trong khuôn viên trường đại học đã trao cho phong trào Maga cơ hội mà họ đang tìm kiếm. Giờ đây, Trump, Vance, và nhiều người khác đang lợi dụng các cáo buộc bài Do Thái để theo đuổi một cuộc trả thù.

Trump và những người ủng hộ ông đã lấy một chút sự thật và tạo ra một thứ quái dị từ sự thật đó. Đúng là sau cuộc tấn công của Hamas, một số học giả và sinh viên tại các trường đại học Mỹ khác nhau đã đi quá giới hạn, trở thành người bài Do Thái và tôn vinh chủ nghĩa khủng bố. Nhiều sinh viên Do Thái bị quấy rối và thậm chí cảm thấy cần phải che giấu danh tính Do Thái của mình. Các hiệu trưởng trường đại học, khi làm chứng trước Quốc hội về vấn đề bài Do Thái, lại đưa ra những câu trả lời ngu ngốc – và một số đã phải trả giá bằng công việc của mình.

Nhưng những yêu cầu được nêu trong một lá thư do lực lượng đặc nhiệm bài Do Thái của chính quyền Trump gửi đến Đại học Harvard vào ngày 11/04 còn đi xa hơn thế. Nhân danh việc thực thi “sự đa dạng quan điểm,” lá thư này về cơ bản yêu cầu trao cho chính quyền liên bang quyền thẩm định việc tuyển sinh sinh viên, tuyển dụng giảng viên, và quan điểm chính trị của cả sinh viên và giảng viên. Không có gì ngạc nhiên khi Harvard đã từ chối yêu cầu đó.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái, Vance đã sử dụng Viktor Orbán của Hungary như một hình mẫu để đối phó với các trường đại học. Dưới thời Orbán, Đại học Trung Âu đã bị buộc phải rời khỏi Hungary. Vance đề xuất rằng các trường đại học Mỹ cũng nên được “lựa chọn giữa việc tiếp tục tồn tại hoặc áp dụng một cách tiếp cận giảng dạy ít thiên vị hơn.”

Chính quyền Trump đang đe dọa nguồn tài trợ liên bang, tình trạng miễn thuế, và khả năng tiếp nhận sinh viên nước ngoài của Harvard. Nếu họ có thể buộc trường đại học nổi tiếng và giàu có nhất nước Mỹ phải khuất phục, thì tất cả những trường khác đều có thể bị buộc tuân theo. Và tự do học thuật ở nước Mỹ sẽ chết.

Việc đặt cáo buộc bài Do Thái làm trung tâm của cuộc tấn công vào các trường đại học là hành động vụ lợi nhưng khôn ngoan về mặt chiến thuật. Lòng căm thù người Do Thái được cho là điều đáng xấu hổ một cách rộng rãi và đúng đắn. Chủ nghĩa bài Do Thái công khai – hoặc thậm chí là không chống lại bài Do Thái một cách đủ mạnh – có thể khiến công việc hoặc nguồn tài trợ của bạn gặp rủi ro. Chính quyền Trump và chính quyền Netanyahu muốn xóa bỏ sự khác biệt giữa việc phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza với các hành vi bài Do Thái. Nhưng rõ ràng chúng không phải là một. Nhiều người biểu tình trong khuôn viên trường tại Columbia, Harvard, và những nơi khác là người Do Thái.

Chiến dịch chống lại các trường đại học của chính quyền Mỹ đang – có lẽ là cố ý – tạo ra bầu không khí sợ hãi trong khuôn viên trường, vượt xa các nhà hoạt động ủng hộ Palestine. Hơn 1.000 sinh viên nước ngoài được cho là đã bị thu hồi thị thực hoặc thay đổi tình trạng pháp lý thường vì các lý do mơ hồ – và một số thậm chí đã bị bắt giữ.

Hơn một triệu sinh viên nước ngoài ở Mỹ đang được khuyên nên cẩn trọng. Chẳng hạn, Đại học Boston đã thúc giục họ lập “kế hoạch an toàn cá nhân” – bao gồm các liên lạc khẩn cấp và bạn bè được ủy quyền đón con của họ từ nhà trẻ nếu cha mẹ chúng bị giam giữ.

Suốt nhiều thập kỷ, các trường đại học Mỹ đã thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Việc Mỹ là nơi có hầu hết các trường đại học hàng đầu thế giới chính là một trong những thế mạnh lớn nhất của nước này. Phá hủy hệ thống trường đại học là điều hoàn toàn trái ngược với “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Nhưng nó có thể giúp củng cố quyền lực cho Trump và những người thừa kế của ông.

Ngoài việc là một bi kịch đối với Mỹ, cuộc tấn công vào giới học thuật còn là một thảm họa tiềm tàng đối với người Mỹ gốc Do Thái, những người đã được các trường đại học lớn của đất nước cung cấp nơi ẩn náu và một con đường thăng tiến. Louis Brandeis, người Do Thái đầu tiên làm thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ, đã trưởng thành từ Harvard. Tương tự là Henry Kissinger, một người tị nạn Do Thái và một trong những nhà ngoại giao có ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Người Do Thái có tỷ lệ đại diện quá cao tại các trường Ivy League, so với tỷ lệ của họ trong dân số Mỹ.

Vance là một người Công giáo bảo thủ, và Kristi Noem, Bộ trưởng An ninh Nội địa đã buộc tội Harvard không bảo vệ người Do Thái, là một tín đồ theo đạo Tin lành. Alan Garber, Hiệu trưởng Harvard, người đã ký văn bản từ chối các yêu cầu của chính quyền, mới là người Do Thái. Nhiều học giả lỗi lạc dẫn đầu cuộc phản công của Harvard cũng là người Do Thái – bao gồm Steven Pinker, Lawrence Summers, và Steven Levitsky.

Chủ nghĩa bài Do Thái là một vấn đề ở Mỹ. Nhưng có thể nói rằng nó phổ biến ở cánh hữu cực đoan nhiều như ở cánh tả. “Thuyết Thay thế vĩ đại” (great replacement theory) đổ lỗi cho người Do Thái với cáo buộc thúc đẩy nhập cư hàng loạt đã có ảnh hưởng đáng kể lên phe cánh hữu ủng hộ Trump.

Các trường đại học hàng đầu của Mỹ không hề miễn nhiễm với chỉ trích. Họ đã sai rất nhiều lần – về mọi thứ, từ “văn hóa hủy bỏ” đến chính sách tuyển sinh. Tuy nhiên, chính quyền Trump không đưa ra lời khuyên thân thiện, và chỉ đang thực hiện nhiệm vụ phá hoại mà thôi.