Caesar của người Mỹ

Nguồn: Donna Zuckerberg, “An American Caesar,” Foreign Policy, 30/06/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng.

Ý nghĩa của việc so sánh hai nhà lãnh đạo cách nhau hai thiên niên kỷ.

Tháng 4 vừa qua, trong lúc nền kinh tế thế giới chao đảo vì các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Lãnh đạo Phe Thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đã đăng trên X rằng “Nero đánh đàn. Còn Trump đánh golf.” Schumer đã nối dài lịch sử so sánh Trump với các nhân vật La Mã cổ đại. Tổng thống Mỹ được ví như Augustus khi tập trung quyền lực của nền Cộng hòa vào một cá nhân độc tài, hoặc như một Caligula tàn bạo và thất thường, hay một kẻ mị dân theo kiểu Tiberius Gracchus hoặc Publius Clodius Pulcher.

Nhưng người mà Trump thường xuyên được so sánh nhất là Julius Caesar, người vào năm 49 TCN đã dẫn quân vượt Sông Rubicon, con sông đánh dấu biên giới giữa tỉnh Cisalpine Gaul và khu vực do Rome trực tiếp kiểm soát. Bằng việc đưa quân vượt Rubicon, Caesar đã phá vỡ các luật lệ hạn chế quyền lực của mình. Theo nhà sử học La Mã Suetonius, trong lúc băng qua sông, Caesar tuyên bố rằng “xúc xắc đã được gieo.” Sau 5 năm nội chiến, ông được tuyên bố là nhà độc tài trọn đời vào năm 44 TCN và bị ám sát không lâu sau đó.

Những điểm tương đồng giữa Caesar và Trump đã trở nên quá hấp dẫn đến nỗi phép so sánh này đã sụp đổ dưới sức nặng của chính nó và tự đảo ngược. Caesar giờ đây mới là người được so sánh với Trump, khi một phiên bản năm 2017 của vở kịch Julius Caesar của William Shakespeare và loạt phim tài liệu năm 2023 của BBC về chế độ độc tài của Caesar đều trực tiếp gán ghép hai nhân vật này.

Chúng ta không biết chính xác ngày Caesar vượt Sông Rubicon, cũng không biết chính xác con sông này ở đâu. Nhưng Trump đã vượt Sông Rubicon rất nhiều lần, như nhà tâm lý học và nhà văn Mary L. Trump, cháu gái của Tổng thống, đã chỉ ra. Cứ vài tuần, một chuyên gia lại tuyên bố rằng Trump đã vượt qua một Rubicon nào đó. Những lời ám chỉ này xuất hiện thường xuyên đến nỗi, chỉ vài ngày sau bài đăng của Schumer so sánh Trump với Nero, nhà sử học Michele Renee Salzman đã đăng một bài viết đầy nhiệt huyết trên trang của Quảng trường Công cộng Zócalo, có tựa đề “Hãy ngừng so sánh việc Trump phá vỡ luật pháp với việc Caesar vượt Rubicon.”

Và việc sử dụng phép ẩn dụ Rubicon không chỉ giới hạn ở những người chỉ trích Trump. Những người tham gia cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 đã mang theo biểu ngữ với hashtag #CrossTheRubicon (Vượt Sông Rubicon), một bằng chứng cho sự phổ biến của thuật ngữ Rubicon trong các không gian trực tuyến của phe cực hữu mà tôi đã mô tả trong cuốn sách năm 2018 của mình, Not All Dead White Men (tạm dịch: Không phải mọi ông da trắng đã chết đều đáng tôn thờ). Năm 2022, trên tờ Newsweek, Newt Gingrich đã phân tích xem liệu cuộc đột kích của FBI vào Mar-a-Lago có phải là một khoảnh khắc Rubicon hay không, và vào năm 2024, tờ Washington Times cho xuất bản một bài xã luận với tựa đề “Đảng Dân chủ vượt Sông Rubicon với phán quyết rằng Trump có tội.”

Salzman chỉ trích phép ẩn dụ Rubicon là vì nó chưa đủ sâu sắc. Bà lập luận rằng Caesar cơ bản muốn duy trì hệ thống chính trị La Mã với chính ông là người nắm quyền: “Khi Caesar vượt Rubicon, mục tiêu của ông rất cụ thể và có giới hạn. Caesar không có ý định tái tạo nền cộng hòa hay phá hủy cách thức hoạt động của nền chính trị La Mã. Ông đơn giản chỉ muốn đưa quân đội của mình qua sông để tranh cử chức chấp chính quan.”

Nhưng tham vọng của Trump, theo Salzman, là rộng lớn hơn nhiều. “Khác với các mục tiêu hạn chế của Caesar vào năm 49 TCN, Trump khát khao một sự thay đổi sâu rộng cho nền cộng hòa của chúng ta – lật đổ mọi thứ, từ chính sách đối ngoại kéo dài hàng thập kỷ và các cơ quan liên bang được thành lập hợp pháp, cho đến nghiên cứu y tế, giáo dục và luật pháp.”

Không khó để bác bỏ sự so sánh giữa Trump và Caesar, nếu bạn muốn.

Cả hai đều là những người theo chủ nghĩa dân túy, nhưng Trump cũng là một tổng thống không được lòng dân trong lịch sử, với tỷ lệ ủng hộ sau 100 ngày  đầu tiên trong nhiệm kỳ thấp nhất trong 80 năm qua. Ngược lại, Caesar nắm trong tay một cơ sở ủng hộ rộng rãi với tư cách là một nhà bảo trợ hào phóng và một vị tướng lừng danh. Cả hai đều cực kỳ giàu có, nhưng Caesar nổi tiếng là một chiến lược gia quân sự lỗi lạc và một người có học thức, được kính trọng ngay cả bởi những nhân vật đa tài như Cicero, người đã lồng ghép những tham chiếu uyên bác đến văn học Hy Lạp vào các bức thư gửi Caesar. (Có thể câu nói thực sự của Caesar khi vượt sông là “hãy để xúc xắc được gieo,” một câu trích dẫn từ nhà hài kịch Hy Lạp Menander.)

Nhưng xét cho cùng, việc soi mói tiểu tiết có lẽ không phải là mục đích của chúng ta. Tất nhiên, Trump không hoàn toàn giống một nhà độc tài từ một hệ thống chính trị khác biệt, đã tồn tại cách đây hơn 2.000 năm (ngay cả khi cả hai đều hơi tự ti về mái tóc thưa của mình). Cố gắng dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo bằng cách nhìn vào Thành Rome cổ đại là một việc làm dễ hiểu nhưng vô ích.

Như nhà sử học Rhiannon Garth Jones lập luận trong cuốn sách gần đây của bà, All Roads Lead to Rome (Mọi con đường đều dẫn đến Thành Rome), có một lịch sử lâu đời và phong phú về các đế chế tự định nghĩa mình trong cuộc đối thoại về Rome và sử dụng Rome như một tên gọi tắt, một cách để thể hiện quyền lực đế quốc. Ý nghĩa của Rome dường như tùy vào quan điểm của người xem.

Vậy tất cả những so sánh về Rubicon này nói lên điều gì? Các nhà bình luận dường như muốn tuyên bố rằng khoảnh khắc này, hành động này, sự kiện này là một điểm không thể quay đầu, báo hiệu một thay đổi lớn. Có lẽ họ đúng, dù những bài học của các sự kiện lịch sử thường khó hiểu đối với những người đương thời đang sống trong chúng. Có lẽ, đối với người La Mã vào những năm 40, việc Caesar vượt Sông Rubicon cũng chỉ là một trong một loạt các sự kiện mà họ cho là hoàn toàn không thể tưởng tượng được, theo đó phá vỡ mọi chuẩn mực và quy tắc đã được đồng thuận.

Có lẽ họ cũng cảm thấy lạc lõng như chúng ta, tuyệt vọng tìm kiếm một phép so sánh lịch sử để giúp họ hiểu được thời đại của mình, tuyệt vọng tìm kiếm tiền lệ cho điều chưa từng có tiền lệ. Theo nhà sử học Hy Lạp Polybius, khi vị tướng La Mã Scipio nhìn đống đổ nát của Thành Carthage bị chinh phục, ông đã trích dẫn một câu của Homer về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Thành Troy; những người cùng thời với Caesar hẳn đã làm điều gì đó tương tự.

Với tôi, những so sánh này nói lên sự vô ích tuy đáng sợ nhưng hấp dẫn của việc đặt thời điểm hiện tại vào cuộc đối thoại với quá khứ cổ điển. Giống như hầu hết các phép so sánh, việc so sánh Trump và Caesar cuối cùng sẽ cho bạn biết nhiều về người đưa ra phép so sánh hơn là về bất kỳ nhà lãnh đạo nào có liên quan. Phép ẩn dụ Rubicon đã bị lạm dụng đến nỗi, dù nó có thể quan trọng đối với một số người, nhưng nó đã vượt quá điểm có ý nghĩa như một cách để giải thích cảm giác khi chứng kiến các chuẩn mực dân chủ được trân trọng bị vi phạm gần như mỗi ngày.

Bài học của các phép ẩn dụ Rubicon có lẽ là: Khi được sử dụng bởi cánh tả, chúng báo hiệu sự khó chịu với các hành động của Trump. Còn khi được sử dụng bởi cánh hữu, chúng báo hiệu một sự sẵn sàng để hành động tập thể, ngay cả khi điều đó dẫn đến bạo lực. Có lẽ những kẻ bạo loạn cầm biểu ngữ hiểu những bài học lịch sử tốt hơn các nhà bình luận và nhà sử học. Nhưng chỉ có thời gian mới biết câu trả lời.

Donna Zuckerberg là tác giả của “Not All Dead White Men: Classics and Misogyny in the Digital Age” và cuốn hồi ký sắp ra mắt “Antiquated.” Bà đã sáng lập và điều hành ấn phẩm trực tuyến từng đoạt giải thưởng Eidolon từ năm 2015 đến năm 2020.