Tư tưởng Đặng Tiểu Bình đã hết thời

Print Friendly, PDF & Email

20111022_BKP001_0

Tác giả: Minxin Pei | Biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh

Trung Quốc vừa mới tổ chức một chuỗi sự kiện quan trọng mà bên ngoài ít biết đến để kỉ niệm 110 năm ngày sinh của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Nhưng cũng như nhiều buổi lễ chính trị khác tại Trung Quốc, chẳng mấy người thèm suy nghĩ về những gì đang được ca ngợi cũng như ý nghĩa sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Sự thật là, mặc dù Đặng Tiểu Bình đáng được ca ngợi vì đã giải thoát Trung Quốc khỏi vực sâu của chủ nghĩa Mao, “tư tưởng Đặng Tiểu Bình” – hay chủ nghĩa độc tài kiến tạo phát triển – đang chắn bước tương lai của Trung Quốc.

Phân biệt Đặng – nhà cải cách – với tư tưởng của Đặng – một triết lí trị quốc – không phải là một công việc khoa học dễ dàng. Đặng Tiểu Bình, người đã chấp nhận rủi ro đối với quyền lực của mình và của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhằm tách khỏi lối mòn của chủ nghĩa Mao và đưa Trung Quốc đến cách mạng kinh tế, mất vào năm 1997. Tư tưởng của Đặng, vốn nhấn mạnh mục tiêu hiện đại hóa dưới sự lãnh đạo của một nhà nước độc đảng hùng mạnh, tiếp tục định hình hệ thống chính trị Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình, người có tuyên bố nổi tiếng “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột” được người ta nhớ đến như là một người vô cùng thực dụng. Nhưng ngay cả người thực dụng cũng có những nguyên tắc cốt lõi hạn chế hành động của mình, và Đặng không phải là một ngoại lệ. Có hai ý tưởng không thể thay đổi: Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể duy trì quyền lực chỉ duy nhất bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế, và Trung Quốc chỉ có thể hiện đại hóa dưới một chế độ độc đảng mạnh.

Như vậy, việc chối bỏ dân chủ dưới bất kì hình thức nào là cốt lõi trong tư tưởng của Đặng. Mặc dù ông ủng hộ việc cải cách pháp lý để hiện đại hóa, Đặng dứt khoát rằng nền pháp quyền không được phép hạn chế quyền lực của Đảng.

Chắc chắn Đặng Tiểu Bình cũng nhận ra nhiều căn bệnh của nhà nước độc đảng. Với việc các vị trí lãnh đạo được phân bổ – thường là cả đời – dựa trên quan hệ cá nhân thay vì năng lực, Đặng hiểu rằng hệ thống như vậy sẽ vô cùng kém hiệu quả, ngại đổi mới và thiếu năng lực chuyên môn.

Nhưng ông tin rằng cải cách hành chính có thể giải quyết các vấn đề này. Điều ông không lường đến được là sự khó khăn trong việc vượt qua sự chống đối từ bên trong Đảng đối với mọi hành động nhằm hạn chế quyền lực của nó.

Tiến độ cải cách chậm làm Đặng Tiểu Bình không hài lòng, đến nỗi vào cuối thập niên 1980, ông yêu cầu vị thủ tướng mang tư tưởng cải cách Triệu Tử Dương dẫn đầu một nhóm công tác cấp cao nhằm xem xét các khả năng cải tổ cấp tiến, lần này lấy hệ thống chính trị làm mục tiêu trực tiếp. Nhưng khi nhóm này khẳng định rằng phát triển hướng tới hiện đại hóa cần phải lồng vào một số nguyên tắc dân chủ và pháp quyền, Đặng Tiểu Bình đã ngay lập tức dập tắt sáng kiến này. Ông cho rằng hiện đại hóa để thành công cần tập trung quyền lực trong tay một đảng. Tư tưởng này không tính đến việc một nhà nước tham tàn có thể là mối nguy cho phát triển bền vững.

Những điều trên là bi kịch của chủ nghĩa Đặng. Tư tưởng này có được uy tín từ việc phá bỏ một hệ thống hủy diệt và tàn bạo, và đưa Trung Quốc đến một tương lai nhân văn và phồn thịnh hơn. Tuy nhiên, uy tín này cũng được dùng để biện minh cho việc duy trì một hệ thống hiện nay đang cản trở sự phát triển của Trung Quốc.

Thất bại trong triết lí lớn nhất của tư  tưởng Đặng Tiểu Bình chính là việc nó không tính đến khả năng quyền lực vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dung dưỡng lòng tham trong tầng lớp tinh hoa thống trị. Thất bại chính trị lớn nhất chính là việc nó chối bỏ các cải cách dân chủ cần thiết để kiểm soát các quyền lực nói trên.

Trong giai đoạn Đặng Tiểu Bình lãnh đạo, những nghịch lí và hạn chế hiển nhiên của chủ nghĩa Đặng thường ít được nhận ra. Suy cho cùng thì người Trung Quốc đã bị đàn áp quá lâu đến mức chỉ cần những cải cách kinh tế thôi cũng đã là một bước tiến lớn. Chính vì tạo điều kiện cho sáng tạo cá nhân và khả năng kinh doanh, cải cách kinh tế dẫn đến sự phát triển chưa từng thấy trong lịch sử, đưa hàng triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo.

Nhưng việc thiếu đi cải tổ chính trị có nghĩa rằng không có gì ngăn cản tầng lớp lãnh đạo khỏi việc phân chia không đồng đều miếng bánh của cải mới này. Việc phanh phui các vụ tham nhũng gần đây ở mọi cấp của chính phủ cho thấy rằng mối nguy lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Trung Quốc chính là nhà nước độc đảng không được kiểm soát.

Tin vui là chủ tịch Tập Cận Bình dường như nhận ra vấn đề này. Ngoài việc theo gương Đặng Tiểu Bình trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế theo hướng thị trường, ông Tập còn chỉ đạo một chiến dịch chống tham nhũng lớn. Vào tháng 7, ông mở cuộc điều tra chính thức nhằm vào một trong những nhân vặt lão làng của Đảng Cộng Sản đó là Chu Vĩnh Khang. Đây là một khẳng định cho cam kết của ông Tập về việc loại bỏ sự lạm quyền.

Mong muốn trở thành nhà cải cách vĩ đại tiếp theo của ông Tập có thể là nguyên nhân chính phủ hiện nay đang đầu tư rất nhiều vào việc ca ngợi công lao của Đặng Tiểu Bình. Người ta hi vọng rằng ông Tập Cận Bình có thể bắt chước Đặng mà không bị ảnh hưởng tiêu cực từ tư tưởng của Đặng.

Minxin Pei là giáo sư về quản trị chính quyền tại Claremont McKenna College.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate