#224 – Toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau

Print Friendly, PDF & Email

global connections

Nguồn: Joseph S. Nye (2007). “Globalization and Interdependence” (Chapter 7), in Joseph S. Nye, Understanding International Conflicts (New York: Longman), pp. 204-232.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Understanding International Conflicts

Với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh năm 1989, một số nhà quan sát cho rằng vấn đề kinh tế sẽ đóng vai trò trọng tâm hơn trong nền chính trị thế giới. Các mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế mở rộng trên toàn cầu đã tăng nhanh khi chi phí liên lạc và giao thông vận tải giảm xuống, giúp thu hẹp khoảng cách không gian. Vai trò của thị trường cũng đã tăng lên nhờ các công nghệ mới về thông tin và giao thông vận tải cũng như sự thay đổi thái độ đối với vai trò của chính phủ và nhà nước. Gần như một nửa sản xuất công nghiệp hiện nay được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia. Quyết định của các công ty này về việc đặt nhà máy sản xuất ở đâu có tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế và chính trị nội bộ của các các nước.

Như nhà kinh tế Dani Rodrik đã chỉ ra, toàn cầu hóa “làm lộ ra một hố sâu ngăn cách giữa những nhóm có kỹ năng và khả năng dịch chuyển để phát triển tốt trong thị trường toàn cầu” và những nhóm người không có những lợi thế đó, “như công nhân, người hưu trí, và những nhà hoạt động môi trường, với chính phủ bị kẹt ở giữa.”[1] Một số nhà lý luận nhận thấy một sự cạnh tranh mới về “địa kinh tế” đang thay thế dần cho cạnh tranh địa chính trị và họ dự báo rằng trừng phạt kinh tế và cấm vận sẽ trở thành những công cụ chính của chính trị quốc tế.

Nhận ra những thay đổi này là một điều quan trọng. An ninh có thể được coi như một điều hiển nhiên trong thời bình, nhưng tất cả các thị trường đều hoạt động trong một khuôn khổ chính trị nhất định. Thị trường toàn cầu phụ thuộc vào cấu trúc quyền lực quốc tế. An ninh cũng giống như oxy, dễ bị xem nhẹ cho đến khi nó mất đi, và sau đó bạn không thể nghĩ đến cái gì khác ngoài nó. Tương tự như vậy, các biện pháp trừng phạt kinh tế đã trở thành công cụ phổ biến bởi chúng tránh được việc sử dụng bạo lực, nhưng hiệu quả của chúng không nhất quán. Một số nghiên cứu cho thấy chúng chỉ đạt được hiệu quả mong đợi trong chưa tới một nửa số trường hợp được áp dụng. Các biện pháp trừng phạt đa phương là một yếu tố góp phần chấm dứt chủ nghĩa apacthai ở Nam Phi và gây sức ép lên Serbia và Libya vào những năm 1990, nhưng chúng không có tác dụng trong việc đẩy lùi quân đội Iraq khỏi Kuwait hay đưa một tổng thống được bầu trở lại nắm quyền ngay ở một nước nghèo như Haiti. Hơn nữa, toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã từng gia tăng nhanh chóng khi các quốc gia theo đuổi các chính sách tương đối tự do về thương mại, đầu tư và di cư trong thế kỷ 19. Tuy nhiên điều này vẫn không thể giúp ngăn chặn hai cuộc thế chiến và một cuộc đại suy thoái kinh tế trong nửa đầu thế kỷ 20 nổ ra và làm gián đoạn những nhân tố của xu hướng dài hạn là toàn cầu hóa.

Các khía cạnh của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa – được định nghĩa như một mạng lưới toàn cầu của sự phụ thuộc lẫn nhau – không có nghĩa là sự phổ cập khắp toàn cầu. Ví dụ, vào đầu thế kỷ 20, một nửa dân số Mỹ sử dụng mạng internet, so với một một phần mười nghìn dân số Nam Á. Phần lớn người dân trên thế giới hiện nay không có điện thoại, hàng trăm triệu người sống cuộc sống của những người nông dân trong các làng mạc hẻo lánh và hầu như có rất ít sự kết nối với thị trường thế giới hay dòng chảy toàn cầu của các ý tưởng. Thực ra, toàn cầu hóa đi liền với sự gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trên nhiều phương diện. Toàn cầu hóa không đồng nghĩa với sự đồng nhất hay sự bình đẳng.

Thậm chí trong số các quốc gia giàu, toàn cầu hóa diễn ra rất ít so với vẻ bề ngoài. Một thị trường thế giới được toàn cầu hóa thực sự sẽ bao gồm sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, con người và luồng vốn, với các mức lãi suất tương đương. Thật ra chúng ta vẫn còn phải đi một chặng đường để đến được mục tiêu đó. Ví dụ, ngay cả ở Bắc Mỹ, Toronto trao đổi thương mại với Vancouver nhiều gấp mười lần so với Seatle mặc dù khoảng cách là như nhau và mức thuế là không đáng kể. Toàn cầu hóa đã làm cho đường biên giới quốc gia mờ nhạt đi, nhưng không có nghĩa là các đường biên giới không còn phù hợp nữa. Toàn cầu hóa cũng không đồng nghĩa với việc tạo ra cộng đồng toàn cầu. Xét về mặt xã hội, tiếp xúc giữa con người thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau và tôn thờ các giá trị khác biệt thường dẫn đến xung đột, như chúng ta từng thấy qua các cuộc thập tự chinh vĩ đại thời trung cổ hay cách quan niệm hiện tại coi Mỹ như là “Quỷ Satan” của nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông. Rõ ràng, xét về khía cạnh xã hội cũng như kinh tế, sự đồng nhất hóa không nhất thiết phải đi kèm toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa có một số phương diện khác nhau, mặc dù thường trong cách viết của các nhà kinh tế thì dường như toàn cầu hóa và nền kinh tế thế giới là một và như nhau. Nhưng những dạng khác của toàn cầu hóa cũng có những hệ quả quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Dạng cổ nhất của toàn cầu hóa liên quan tới môi trường. Ví dụ, đại dịch đậu mùa đầu tiên được ghi nhận ở Ai Cập năm 1350 trước CN. Nó lan đến Trung Quốc năm 49 sau CN, Châu Âu sau năm 700, Châu Mỹ năm 1520, và Châu Úc năm 1789. Đại dịch này hay còn gọi là Cái Chết Đen bắt nguồn từ Châu Á, nhưng sự lây lan của nó đã giết chết từ một phần tư đến một phần ba dân số Châu Âu vào thế kỷ 14. Người Châu Âu mang căn bệnh đến Châu Mỹ vào thế kỷ 15 và 16, và đã giết chết đến 95 phần trăm người dân bản địa. Năm 1918, một đại dịch cúm gây nên bởi một loại virut từ loài chim giết chết khoảng 40 triệu người trên toàn thế giới, nhiều hơn cả số thương vong của các cuộc thế chiến. Một số nhà khoa học ngày nay dự báo rằng một đại dịch cúm tương tự sẽ bùng phát trở lại. Từ năm 1973, 30 căn bệnh truyền nhiễm chưa từng được biết đến trước đây đã xuất hiện, trong khi những căn bệnh quen thuộc khác đã lan tràn khắp toàn cầu dưới dạng kháng thuốc. Trong vòng 20 năm sau khi HIV/AIDS được phát hiện vào những năm 1980, căn bệnh này đã giết chết 20 triệu người và khiến 40 triệu người nữa nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Một số chuyên gia dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi trước năm 2010. Sự phát triển của các hệ thực vật và động vật ngoại nhập ở các khu vực mới đã quét sạch các loài bản địa và có thể làm tổn thất hàng trăm tỉ đô la một năm. Mặc khác, không phải tất cả các tác động của toàn cầu hóa môi trường là xấu. Chẳng hạn, cả Châu Âu và Châu Á đều hưởng lợi từ việc nhập khẩu các giống cây trồng của tân thế giới như khoai tây, ngô, hay cà chua, và cuộc “cách mạng xanh” trong công nghệ làm nông trong một vài thập kỷ qua đã giúp đỡ cho các nông dân nghèo trên toàn thế giới.

Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người trên toàn thế giới. Hàng nghìn nhà khoa học từ hơn 100 quốc gia gần đây cho biết có những bằng chứng mới và rõ ràng cho thấy đa phần tình trạng trái đất nóng dần lên quan sát được trong hơn 50 năm qua là do các hoạt động của con người, và nhiệt độ trung bình toàn cầu trong thế kỷ 21 được dự báo là sẽ tăng thêm từ 2,5 oF đến 10oF. Hậu quả có thể là một loạt biến đổi nghiêm trọng về khí hậu, với việc quá nhiều nước tập trung ở một số vùng và khô hạn một số vùng khác. Những tác động ở Bắc Mỹ có thể bao gồm bão mạnh hơn, lũ lụt, hạn hán, và lở đất. Ở Châu Âu nhiệt độ tăng lên của nước biển có thể làm biến đổi dòng chảy đại dương và gây nên xu hướng lạnh dần đi ở khu vực này. Nhiệt độ tăng lên đã kéo dài các mùa không có băng giá ở nhiều khu vực và làm giảm 10% khu vực tuyết phủ khắp toàn cầu kể từ những năm 1960. Các tảng băng đang tan chảy. Tốc độ mực nước biển tăng trong vòng một thế kỷ qua nhanh gấp mười lần tốc độ trung bình trong hơn ba thiên niên kỷ qua. Như nhà khoa học của Đại học Havard James McCarthy chỉ ra, “Điều khác biệt bây giờ là trái đất có hơn 6 tỉ dân và các hệ thống tự nhiên và nhân tạo cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, và chất xơ cho chúng ta đang bị tác động mạnh mẽ bởi khí hậu.”[2] Khi biến đổi khí hậu gia tăng, “sự thay đổi trong tương lai sẽ không diễn ra dễ chịu như đã từng xảy ra trong quá khứ.” Cho dù khí CO2 được thải ra không khí từ Trung Quốc hay Mỹ thì nó đều vẫn ảnh hưởng đến tình trạng trái đất ấm dần lên.

Toàn cầu hóa quân sự bao gồm các mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau, trong đó vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực được sử dụng. Các cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ 20 là một ví dụ. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính chiến lược toàn cầu giữa Mỹ và Liên Xô là rõ ràng và được thừa nhận rộng rãi. Nó không chỉ tạo ra những liên minh trải khắp toàn cầu, mà cả hai bên đã có thể sử dụng tên lửa xuyên lục địa để tiêu diệt lẫn nhau trong vòng 30 phút. Sự phụ thuộc lẫn nhau về quân sự mang tính khác biệt không chỉ vì là một trải nghiệm mới, mà bởi vì quy mô và tốc độ của xung đột tiềm tàng xuất phát từ sự phụ thuộc lẫn nhau về quân sự quá lớn. Ngày nay, Al Qaeda và các chủ thể xuyên quốc gia khác đã thiết lập những mạng lưới hoạt động toàn cầu, thách thức những cách tiếp cận truyền thống đối với quốc phòng.

Toàn cầu hóa về mặt xã hội là sự lan rộng của con người, văn hóa, hình ảnh, và các tư tưởng. Di cư là một ví dụ cụ thể. Trong thế kỷ 19, khoảng 80 triệu người vượt đại dương để đến nơi sinh sống mới – nhiều hơn trong thế kỷ 20. Vào đầu thể kỷ 21, 32 triệu cư dân của Mỹ (11,5 phần trăm dân số) là những người sinh ra ở nước ngoài. Hơn nữa, khoảng 30 triệu người (sinh viên, doanh nhân, khách du lịch) nhập cảnh Mỹ mỗi năm. Các tư tưởng là một phần quan trọng của toàn cầu hóa xã hội. Bốn tôn giáo lớn của thế giới – Phật giáo, Do Thái giáo, Thiên chúa giáo, và Hồi giáo – đã được truyền bá rộng rãi trong vòng hơn hai thiên niên kỷ qua, tương tự như các phương pháp khoa học và các quan điểm Khai sáng về thế giới trong vòng mấy thế kỷ qua. Toàn cầu hóa chính trị (là một phần của toàn cầu hóa xã hội) thể hiện trong việc lan rộng các dàn xếp hiến pháp, sự tăng lên về số lượng của các quốc gia được dân chủ hóa, và sự phát triển của luật pháp và thể chế quốc tế. Những người nghĩ rằng nói về một cộng đồng quốc tế là vô nghĩa đã bỏ qua tầm quan trọng của sự lan rộng khắp toàn cầu những tư tưởng chính trị như phong trào chống nô lệ thế kỷ 19, chống chủ nghĩa thực dân sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và các phong trào phụ nữ và môi trường hiện nay. Dĩ nhiên, thế giới còn lâu mới tiến tới một cộng đồng toàn cầu thay thế sự trung thành của các công dân đối với bộ tộc, bộ lạc, và nhà nước của mình, nhưng các tư tưởng chính trị xuyên quốc gia như vậy tác động tới cách các nước xây dựng các mục tiêu quốc gia và sử dụng quyền lực mềm của mình như thế nào.

Toàn cầu hóa thế kỷ 21 có gì mới?

Dù đã diễn ra trong nhiều thế kỷ, toàn cầu hóa hiện tại đạt tới một mức độ “sâu sắc hơn và nhanh hơn”. Toàn cầu hóa ngày nay khác toàn cầu hóa thế kỷ 19 khi chủ nghĩa đế quốc Châu Âu cung cấp hầu hết các cấu trúc chính trị, và các chi phí giao thông và liên lạc đắt đỏ có nghĩa là ít người có thể tương tác trực tiếp với các dân tộc và tư tưởng từ các nền văn hóa khác. Nhưng đa số sự khác biệt quan trọng nhất lại liên quan chặt chẽ đến cuộc cách mạng thông tin. Như nhà báo Thomas Friedman lập luận, toàn cầu hóa hiện tại diễn ra “xa hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và sâu sắc hơn.”[3]

Các nhà kinh tế dùng thuật ngữ “tác động mạng lưới” để đề cập đến tình huống mà ở đó một sản phẩm trở nên có giá trị hơn khi cùng một lúc nó được nhiều người khác nhau sử dụng. Một chiếc điện thoại thôi thì vô dụng, nhưng giá trị của nó tăng lên khi mạng lưới điện thoại được mở rộng. Đó là lý do tại sao internet đang gây ra một sự thay đổi nhanh chóng đến vậy. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz lập luận rằng một nền kinh tế tri thức tạo ra “các tác động mang tính lan tỏa mạnh mẽ, thường lan ra như những ngọn lửa và tạo ra những sáng tạo khác, mở ra những phản ứng dây chuyền của các phát minh mới… Nhưng hàng hóa – trái ngược với tri thức – thường không lây lan như lửa.”[4] Hơn nữa, khi sự phụ thuộc lẫn nhau đã trở nên sâu sắc hơn và nhanh hơn, mối quan hệ giữa các mạng lưới khác nhau đã trở nên quan trọng hơn. Các mối liên kết giữa các mạng lưới xuất hiện nhiều hơn. Kết quả là, “tác động hệ thống” – khi nhiễu động nhỏ tại một khu vực có thể lan rộng ra trên toàn hệ thống – càng trở nên quan trọng hơn.

Khi các quan chức chính phủ định hình các chính sách đối ngoại, họ gặp phải sự gia tăng “độ dày” của chủ nghĩa cầu hóa – hay mật độ các mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau. Điều này cũng có nghĩa rằng tác động của các sự kiện trong một khu vực địa lý, về kinh tế hay sinh thái, đều có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến các khu vực địa lý khác, trên phương diện quân sự hay xã hội. Các mạng lưới quốc tế này đang ngày càng trở nên phức tạp và do đó tác động của chúng càng trở nên khó dự báo hơn. Hơn nữa, trong xã hội của con người, người ta thường cố gắng vượt qua những người khác và giành các lợi thế về kinh tế, xã hội hay quân sự thông qua các cách không thể đoán trước được. Kết quả là, toàn cầu hóa luôn đi kèm sự thiếu chắc chắn. Sẽ có sự cạnh tranh liên tục giữa một bên là sự không chắc chắn và tính phức tạp ngày càng tăng, và một bên là các nỗ lực của các chính phủ, tập đoàn, và các tổ chức khác để có thể hiểu và kiểm soát được các hệ thống liên kết ngày càng phức tạp này nhằm phục vụ lợi ích của mình. Các cuộc khủng hoảng tài chính liên tục hoặc sự gia tăng nhanh nạn thất nghiệp có thể dẫn đến các phong trào của người dân đòi hạn chế sự phụ thuộc lẫn nhau.

Tốc độ nhanh chóng cũng là một đòi hỏi của việc đưa ra các chính sách ứng phó, bên cạnh các vấn đề là sự không chắn chắn và khó khăn. Như đã đề cập, toàn cầu hóa hiện đại diễn ra ở tốc độ nhanh hơn các dạng toàn cầu hóa trước kia. Thủy đậu phải mất gần 3 thiên niên kỷ mới lây lan đến được tất cả các lục địa có cư dân sinh sống, với điểm đến cuối cùng là Châu Úc vào năm 1775. Bệnh AIDS chỉ mất chưa đầy ba thập kỷ để lay lan từ Châu Phi ra khắp thế giới. Và chuyển sang các dạng virus theo nghĩa bóng, năm 2000 virus máy tính “love bug” do các tin tặc ở Philippin tạo ra chỉ cần 3 ngày là đã lây lan khắp toàn cầu. Từ ba thiên niên kỷ đến ba thập kỷ đến ba ngày: đó là những con số biết nói minh chứng cho tốc độ gia tăng của toàn cầu hóa.

Sự tham gia trực tiếp của công chúng vào các công việc toàn cầu cũng đã gia tăng ở các nước giàu. Những người dân bình thường đầu tư vào các quỹ tương hỗ ngoại quốc; đánh bạc trên các trang web nước ngoài, du lịch và thưởng thức các món ăn lạ, những thứ mà từng chỉ dành cho người giàu. Friedman gọi sự thay đổi này là “sự dân chủ hóa” của công nghệ, tài chính và thông tin bởi vì chi phí giảm đã làm những gì xa xỉ trước đây giờ có thể trong tầm với của nhiều người. Tuy nhiên, “dân chủ hóa” không hẳn là một từ chính xác, vì trong thị trường, tiền có tiếng nói, mà mọi người bắt đầu với những ví tiền khác nhau. Ví dụ, không thể có sự công bằng trên thị trường vốn, mặc dù các công cụ tài chính mới cho phép nhiều người tham gia hơn. Ít nhất phải có một triệu đô thì các nhà đầu tư mới có thể bắt đầu tham gia vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. “Phổ cập hóa” có thể là từ chính xác hơn để miêu tả xu hướng này, với nghĩa rằng có sự gia tăng mạnh mẽ về số người và dạng người tham gia vào các mạng lưới toàn cầu. Năm 1914, theo nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes, “Một cư dân Luân-đôn có thể đặt hàng bằng điện thoại trong khi nhâm nhi trà sáng trên giường và chờ nhiều loại hàng hóa được sản xuất trên toàn thế giới được đưa đến tận cửa nhà mình với số lượng tùy thích.”[5] Nhưng quý ông người Anh của Keynes hẳn phải là một người giàu mới mới có thể là người mua sắm toàn cầu như vậy. Ngày nay các siêu thị và các nhà bán lẻ trên internet đã mở rộng khả năng đó đến đa số người dân ở các xã hội hậu công nghiệp.

Sự mở rộng của các kênh liên lạc xuyên quốc gia vượt qua khoảng cách liên lục địa có nghĩa là người ta phải nắm bắt nhiều chính sách ở cấp độ quốc tế, bao gồm các quy định và các tập quán – từ việc kiểm nghiệm các dược phẩm, chuẩn mực kế toán, tiêu chuẩn sản phẩm đến các quy định trong ngành ngân hàng – những việc mà trước đây được xem là đặc quyền của các chính phủ quốc gia.

Những gì mà cuộc cách mạng thông tin bổ sung cho toàn cầu hóa hiện đại là tốc độ và sự sâu rộng trong mạng lưới liên hệ lẫn nhau, khiến cho chúng trở nên phức tạp hơn. Nhưng sự “toàn cầu hóa sâu rộng” này không đồng nhất mà khác nhau tùy vào từng vùng, từng địa phương và từng vấn đề.

Các phản ứng chính trị đối với toàn cầu hóa

Chính trị trong nước quyết định các phản ứng đối với thay đổi. Một số quốc gia gặt hái thành công, như các xã hội tư bản chủ nghĩa đang dân chủ hóa từ Hàn Quốc đến Đông Âu. Một số thích nghi theo cách riêng và đầy sáng tạo. Ví dụ, các quốc gia Châu Âu nhỏ như Hà Lan hay Bắc Âu đã duy trì chính phủ khá lớn và nhấn mạnh việc đền bù cho các lĩnh vực gặp bất lợi, trong khi các quốc gia công nghiệp phát triển Âu Mỹ nhìn chung nhấn mạnh thị trường, sự cạnh tranh và giảm điều tiết. Chủ nghĩa tư bản không có nghĩa là đồng nhất và có sự khác biệt đáng kể giữa Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Có nhiều cách để phản ứng trước thị trường toàn cầu và vận hành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Trong các xã hội khác như Iran, Afghanistan, và Sudan, các nhóm bảo thủ đã chống lại toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ, thậm chí là bạo lực. Phản ứng trước toàn cầu hóa giúp thúc đẩy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Các thiết chế và sự chia rẽ trong nước – về mặt kinh tế hoặc sắc tộc – có thể dẫn đến các xung đột trong nước, và các cuộc xung đột này có thể làm biến đổi các bản sắc chính trị và sắc tộc một cách sâu sắc và khó lường. Như chúng ta đã thấy ở chương trước, ở Bosnia, giới lãnh đạo chính trị đã dùng các bản sắc truyền thống của người dân nông thôn để áp đảo và làm hòa tan các giá trị toàn cầu đã bắt đầu phát triển ở các thành phố với những kết quả rất tiêu cực. Trong khi đó Iran chứng kiến sự tranh giành giữa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các thành phần tự do hơn – những người Hồi giáo nhưng có thiện cảm hơn với các giá trị phương Tây.

Như đã đề cập ở trước, sự bất bình đẳng ngày càng tăng là nguyên nhân chính của các phản ứng chính trị vốn đã ngăn chặn các làn sóng trước đây của toàn cầu hóa kinh tế đầu thế kỷ 20. Giai đoạn hiện tại của toàn cầu hóa, như nửa thế kỷ trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng gắn liền với sự gia tăng bất bình đẳng giữa và trong nội bộ các quốc gia. Tỉ lệ chênh lệch giữa thu nhập của 20 phần trăm dân số thế giới sống trong các quốc gia giàu nhất và 20 phần trăm dân số thế giới sống ở các quốc gia nghèo nhất tăng từ 30 lần trong năm 1960 lên 74 lần năm 1977. So sánh tương tự, tỉ lệ này tăng từ 7 lần năm 1870 lên 11 lần năm 1913. Trong bất cứ trường hợp nào, sự bất bình đẳng đều có thể có những hệ lụy chính trị ngay cả khi tỉ lệ bất bình đẳng không tăng lên. Như nhà kinh tế học Robert Wade nhận xét, “Kết quả là rất nhiều người trẻ tuổi giận dữ, những người mà công nghệ thông tin đã mang lại cho họ những phương tiện để đe dọa sự ổn định của xã hội nơi mà họ sống và thậm chí là đe dọa sự ổn định xã hội của các nước giàu.”[6] Khi dòng chảy thông tin gia tăng làm mọi người nhận thức rõ hơn sự bất bình đẳng, không có gì ngạc nhiên khi một số người quyết định phản đối toàn cầu hóa.

Hệ quả chính trị của những thay đổi về sự bất bình đẳng này rất phức tạp, nhưng nhà lịch sử kinh tế Karl Polanyi lập luận một cách thuyết phục trong nghiên cứu kinh điển “The Great Transformation” (Sự chuyển biến vĩ đại) của mình rằng các lực lượng thị trường do cuộc cách mạng công nghệ và toàn cầu hóa trong thế kỷ 19 tạo ra không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế to lớn mà còn cả sự phá vỡ về mặt xã hội và các phản ứng chính trị. Không có các mối quan hệ tự động giữa bất bình đẳng và các phản ứng chính trị, nhưng yếu tố đầu tiên có thể dẫn đến yếu tố thứ hai. Đặc biệt khi sự bất bình đẳng kết hợp với sự bất ổn định, như khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế làm người dân mất việc làm, những phản ứng như vậy cuối cùng có thể dẫn đến sự hạn chế tốc độ toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới.

Sự phản kháng gia tăng gần đây chống lại toàn cầu hóa một phần là những phản ứng trước những thay đổi gây nên bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Từ phương diện kinh tế, các thị trường không hoàn hảo là không hiệu quả, nhưng từ phương diện chính trị, một số sự không hoàn hảo của thị trường quốc tế có thể được coi như “thiếu hiệu quả một cách hữu ích” bởi chúng góp phần giảm tốc độ và làm dịu lại các thay đổi chính trị. Khi giúp xóa bỏ những sự không hiệu quả này, toàn cầu hóa đã trở thành tù nhân chính trị của các thành công về kinh tế. Thêm nữa, khi mạng lưới toàn cầu trở nên phức tạp hơn sẽ xuất hiện nhiều hơn những sự liên kết giữa các vấn đề vốn có thể tạo ra sự xung đột.

Quyền lực và sự phụ thuộc lẫn nhau

Những nhà theo chủ nghĩa tự do đôi khi lập luận rằng sự phụ thuộc lẫn nhau đồng nghĩa với hòa bình và hợp tác, nhưng rất tiếc là mọi việc không đơn giản như vậy. Tranh giành quyền lực vẫn tiếp diễn thậm chí trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Bởi các liên minh phức tạp hơn và quyền lực được sử dụng dưới những dạng thức khác nhau, các cuộc xung đột thường giống như chơi cờ trên những bàn khác nhau cùng một lúc. Xung đột trong thế kỷ 21 liên quan tới cả súng và bơ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông từng nói rằng quyền lực phát sinh từ nòng súng. Sau cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973, người ta nhận ra rằng quyền lực còn phát sinh từ các thùng dầu, như chúng ta sẽ thấy trong phần cuối của chương này.

Khái niệm sự phụ thuộc lẫn nhau

“Sự phụ thuộc lẫn nhau” thường là một thuật ngữ mơ hồ được dùng theo những cách trái ngược nhau, như những thuật ngữ chính trị khác như “chủ nghĩa quốc gia”, “chủ nghĩa đế quốc” và “toàn cầu hóa.” (Thực ra, như chúng ta đã thảo luận, toàn cầu hóa là một phần của sự phụ thuộc lẫn nhau xảy ra ở cấp độ toàn cầu). Các chính khách và các nhà phân tích có những động cơ khác nhau khi sử dụng các thuật ngữ chính trị. Các nhà lãnh đạo muốn càng nhiều người ủng hộ mình càng tốt. Các nhà lãnh đạo chính trị làm cho ngữ nghĩa trở nên mơ hồ và cố gắng thêm vào đó ý nghĩa về một điều tốt đẹp chung cho tất cả mọi người: “Chúng ta cùng trên một con thuyền, do đó chúng ta phải hợp tác với nhau, và vì vậy hãy đi theo tôi.” Mặt khác, nhà phân tích lại muốn tạo ra sự phân biệt để hiểu rõ hơn về thế giới. Họ muốn phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái được và cái mất. Nhà phân tích có thể chỉ ra rằng con thuyền mà tất cả chúng ta đang ở trên đó có thể đang hướng đến cảng của một người này chứ không phải của người khác, hay là chỉ một người nai lưng chèo thuyền trong khi một người khác lái thuyền hoặc chỉ quá giang mà không phải làm gì.

Nếu theo nghĩa là một thuật ngữ mang tính phân tích, “sự phụ thuộc lẫn nhau” đề cập đến tình huống mà trong đó các chủ thể hay sự kiện thuộc các bộ phận khác nhau của hệ thống tác động đến nhau. Nói một cách đơn giản, sự phụ thuộc lẫn nhau có nghĩa dựa vào nhau. Tình huống như vậy tự thân nó không có nghĩa là tốt hay xấu, và cũng có thể có nghĩa là tốt hơn hoặc xấu hơn. Trong các quan hệ cá nhân, sự phụ thuộc lẫn nhau có thể nói nôm na là lời cam kết hôn nhân trong đó hai người phụ thuộc lẫn nhau cho dù mối quan hệ đó có làm họ “giàu hơn, nghèo hơn, tốt hơn, hay tồi tệ hơn” đi nữa. Và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước đôi khi cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia trở nên giàu hoặc nghèo hơn, đôi khi tốt đẹp hơn và đôi khi lại tồi tệ hơn. Trong thế kỷ 18, Jean-Jacques Rousseau chỉ ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau thường đi cùng với sự chà xát và xung đột. “Giải pháp” của ông là sự cô lập và tách biệt. Nhưng điều này thường ít có khả năng xảy ra trong một thế giới toàn cầu hóa. Khi các quốc gia thử tự cô lập, như trường hợp Bắc Triều Tiên và Myanmar (trước đây là Miến Điện), họ thường phải chịu các tổn thất kinh tế khổng lồ. Thật không dễ nếu các quốc gia muốn tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới.

Nguồn gốc của sự phụ thuộc lẫn nhau

Có bốn sự phân biệt giúp làm sáng tỏ những khía cạnh của sự phụ thuộc lẫn nhau: nguồn gốc, lợi ích, các chi phí tương đối, và sự cân xứng. Sự phụ thuộc lẫn nhau có thể dẫn đễn những hiện tượng vật lý (tự nhiên) hay xã hội (kinh tế, chính trị, nhận thức). Cả hai thường xuất hiện cùng lúc. Sự phân biệt giúp làm rõ mức độ lựa chọn trong các tình huống có sự phụ thuộc qua lại hoặc phụ thuộc lẫn nhau.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về quân sự là sự tương thuộc xuất phát từ cạnh tranh về quân sự. Ở đây có những khía cạnh vật lý hữu hình như về vũ khí, vốn rất nóng bỏng từ khi vũ khí nguyên tử được phát triển, dẫn đến khả năng các bên chắc chắn hủy diệt lẫn nhau. Tuy nhiên, liên quan đến sự phụ thuộc lẫn nhau ở đây còn có nhân tố quan trọng là nhận thức, và sự thay đổi về nhận thức hay chính sách có thể làm giảm mức độ phụ thuộc lẫn nhau về quân sự. Như chúng ta đã thấy trong Chương 5, người Mỹ hầu như không phải lo nghĩ gì về việc Anh hoặc Pháp sở hữu vũ khí nguyên tử trong suốt Chiến tranh lạnh bởi vì Mỹ không có nhận thức rằng những vũ khí này sẽ tấn công vào đất Mỹ. Tương tự như vậy, người phương Tây ngủ ngon hơn ít nhiều vào cuối thập niên 1980 sau khi Gorbachev công bố những “tư duy mới” trong chính sách ngoại giao của Liên Xô. Sự khác biệt không phải đến từ số vũ khí của Liên Xô mà đến từ sự thay đổi trong nhận thức của phương Tây về sự thù địch và ý định của Liên Xô. Thật tế, sự lo lắng của Mỹ về kho vũ khí nguyên tử của Liên Xô hầu như đã biến mất sau sự sụp đổ của nước này, mặc dù cuối thế kỷ 20 có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân không được bảo vệ cẩn thận của Liên Xô có nguy cơ rơi vào tay của các tên khủng bố hoặc của các quốc gia như Iraq và Bắc TriềuTiên.

SỰ PHỤ THUỘC LẪN NHAU VỀ KINH TẾ VÀ SINH THÁI
Một quan chức đến từ một quốc gia vùng Caribê nói rằng “Lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ, các nước đang phát triển gặp một vấn đề mà họ có ảnh hưởng thực sự. Họ không có chút quyền lực nào trong các cuộc đàm phán về nợ. Nhưng họ là một phần của môi trường toàn cầu, nên giờ đây họ có tiếng nói. Và họ đang sử dụng quyền lực đó. Đó chính là chiến lược đàm phán của họ.”

Ông cho rằng các nước nghèo nhận thấy quyền lực của mình vì các nước phương Bắc, những người gây ô nhiễm chính, muốn họ cắt giảm lượng khí thải, chấm dứt phá rừng và đưa ra các thay đổi khác. Nhưng họ lập luận rằng muốn thích nghi với những sự thay đổi đó họ cần có kinh phí và công nghệ.

– Thời báo New York, 17/3/1992[7]

Nhìn chung, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cũng giống như sự phụ thuộc lẫn nhau về quân sự vì đây cũng là một lĩnh vực của chính trị quốc tế truyền thống và có nguồn gốc quan trọng từ xã hội, đặc biệt là từ nhận thức. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế bao gồm các lựa chọn chính sách về giá trị và chi phí. Ví dụ, đầu thập niên 1970 xuất hiện sự lo lắng rằng dân số thế giới sẽ vượt quá khả năng cung cấp lương thực. Nhiều quốc gia đã mua ngũ cốc của Mỹ, do đó đẩy giá thực phẩm trong các siêu thị của Mỹ lên cao. Một ổ bánh mì ở Mỹ sẽ đắt hơn vì thời tiết bất thường ở Ấn Độ hay vì Liên Xô mất mùa. Năm 1973, nhằm nỗ lực ngăn giá cả leo thang, Mỹ đã quyết định ngừng xuất khẩu đậu nành sang Nhật Bản. Kết quả là Nhật Bản đã phải đầu tư sản xuất đậu nành ở Brazil. Một vài năm sau đó, khi cung và cầu đã cân bằng, nông dân Mỹ đã rất nuối tiếc về vụ cấm vận đó vì người Nhật giờ đây lại mua đậu nành từ một nguồn rẻ hơn là Brazil. Các lựa chọn xã hội cũng như sự thiếu hụt về mặt vật chất ảnh hưởng tới sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong dài hạn. Vì vậy luôn cần phải xem xét các hậu quả lâu dài khi đưa ra các lựa chọn trước mắt.

Các lợi ích của sự phụ thuộc lẫn nhau

Lợi ích của sự phụ thuộc lẫn nhau đôi khi được diễn đạt theo các khái niệm như “tổng bằng không” và “tổng không bằng không”. Trong tình huống tổng bằng không, cái mất của anh là cái được của tôi, và ngược lại. Trong tình huống tổng dương, cả hai đều được, và trong tình huống tổng âm, cả hai đều mất. Chia một cái bánh là tình huống tổng bằng không, nướng một cái bánh lớn hơn là tình huống tổng dương, và đánh rơi chiếc bánh xuống sàn nhà là tình huống tổng âm. Cả hai trường hợp tổng bằng không và tổng không bằng không đều hiện hữu trong sự phụ thuộc lẫn nhau.

Một số nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do thường xem xét sự phụ thuộc lẫn nhau theo nghĩa cùng có lợi, nghĩa là các tình huống tổng dương, và mọi người đều được hưởng lợi và khá giả hơn. Việc không chú ý đến sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích và mâu thuẫn nảy sinh từ việc phân chia các lợi ích so sánh làm cho những nhà phân tích như vậy bỏ qua các khía cạnh chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có thể thu được lợi ích từ thương mại thông qua trao đổi máy tính và tivi, nhưng vấn đề đặt ra là lợi ích từ thương mại đó sẽ được phân chia như thế nào? Thậm chí nếu cả hai bên đều thu lợi thì liệu Nhật Bản sẽ thu lợi được rất nhiều trong khi Hàn Quốc chỉ thu lợi được một ít, hay ngược lại? Sự phân chia lợi ích – ai sẽ nhận bao nhiêu từ lợi ích chung – là tình huống có tổng bằng không trong đó phần được của một bên sẽ là phần thiệt hại của bên còn lại. Kết qủa là hầu như luôn tồn tại xung đột chính trị trong phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Ngay cả khi có một chiếc bánh lớn hơn, người ta cũng có thể đánh nhau để xem ai lấy được phần lớn nhất. Thậm chí nếu các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau cùng hưởng một lợi ích chung, xung đột vẫn có thể xuất hiện về việc ai sẽ nhận được nhiều hơn hay ít hơn phần lợi ích chung đó.

Một số nhà phân tích theo chủ nghĩa tự do đã phạm sai lầm khi nghĩ rằng toàn cầu hóa làm thế giới càng ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, và hợp tác sẽ thay thế cạnh tranh. Lập luận của họ là sự phụ thuộc lẫn nhau tạo ra các lợi ích chung, và những lợi ích chung đó khuyến khích sự hợp tác. Điều này là đúng, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cũng có thể được sử dụng như một vũ khí –  như trường hợp sử dụng trừng phạt thương mại chống lại Serbia, Iraq, và Libya. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thực sự có thể hữu dụng hơn vũ lực trong một số trường hợp bởi nó có thể có các cấp độ khác nhau. Và trong một số trường hợp, các quốc gia không quan tâm đến các lợi ích tuyệt đối thu được từ sự phụ thuộc lẫn nhau bằng các lợi ích tương đối lớn hơn mà các đối thủ của họ thu được và có thể sử dụng để chống lại họ.

Một số nhà phân tích tin rằng chính trị thế giới truyền thống luôn có tổng bằng không. Nhưng đó là một cách nhìn sai về quá khứ. Chính trị quốc tế truyền thống có thể có tổng dương, tùy thuộc vào ý định của các chủ thể tham gia. Ví dụ, có sự khác biệt giữa việc Bismarck hay Hitler lãnh đạo nước Đức. Nếu một bên tìm kiếm sự bành trướng, như Hitler đã làm, thì chính trị lúc đó thật sự có tổng bằng không – phần được của một bên sẽ là phần mất của bên kia. Nhưng nếu tất cả các bên mong muốn sự ổn định, có thể xuất hiện lợi ích chung trong việc cân bằng quyền lực. Ngược lại, chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế tồn tại cả khía cạnh tổng bằng không mang tính cạnh tranh lẫn các khía cạnh tổng dương mang tính hợp tác.

Trong chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau, sự phân biệt những gì là quốc nội và những gì là nước ngoài trở nên mờ nhạt. Ví dụ, trường hợp đậu nành đã đề cập ở trên liên quan đến cả vấn đề trong nước là kiềm chế lạm phát, lẫn mối quan hệ của Mỹ với Nhật Bản và Brazil. Một mặt, cuối thập niên 1990, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á đã giảm giá hàng hóa thế giới, giúp nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển mà không gặp phải áp lực lạm phát. Năm 2005, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Snow thăm Trung Quốc, ông đã kêu gọi nước này tăng tín dụng tiêu dùng vì Mỹ nhận thấy điều này “liên quan trực tiếp tới vấn đề mà Mỹ đang quan tâm thường trực – mất cân bằng thương mại toàn cầu” (do Mỹ đang chịu thâm hụt trong quan hệ thương mại với Trung Quốc – ND). Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trả lời rằng người Mỹ “nên lo chuyện nhà mình trước bằng cách giảm thâm hụt ngân sách.”[8] Vậy trong trường hợp này liệu Snow và các nhà đồng chức Trung Quốc của ông đang phát biểu về chính sách đối nội hay đối ngoại?

Lấy một ví dụ khác, sau cuộc cách mạng năm 1979 Iran đã cắt giảm việc sản xuất dầu mỏ, chính phủ Mỹ đã thúc ép công dân cắt giảm việc tiêu thụ năng lượng bằng cách lái xe ở tốc độ 55 dặm một giờ và tắt điều hòa nhiệt độ. Đó là vấn đề chính sách trong nước hay quốc tế? Liệu Mỹ có nên cho phép khai thác than bề mặt nếu như chúng được dùng để xuất khẩu? Liệu những quốc gia nhập khẩu lượng than đó có phải trả thêm chi phí đi kèm với việc hủy hoại môi trường ở Tây Virginia? Sự phụ thuộc lẫn nhau trộn lẫn cả những yếu tố trong nước và quốc tế, làm xuất hiện các liên kết ngày càng phức tạp hơn, nhiều dạng mâu thuẫn rắc rối hơn, cũng như một cách phân chia lợi ích khác hơn so với quá khứ.

Sự phụ thuộc lẫn nhau cũng ảnh hưởng đến chính trị trong nước theo những cách khác nhau. Năm 1980, một chính trị gia người Pháp quan tâm đến lợi ích so sánh về kinh tế sẽ theo đuổi chính sách kiềm chế nước Đức. Nhưng hiện nay một chính sách kiềm chế sự phát triển kinh tế của Đức sẽ không tốt cho Pháp. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Đức và Pháp có nghĩa là sự phát triển kinh tế của Đức chính là chỉ dấu cho thấy liệu kinh tế Pháp có sáng sủa hơn hay không. Giờ đây khi hai quốc gia sử dụng chung đồng tiền, việc kinh tế Đức phát triển cũng chính là lợi ích của các chính trị gia Pháp và ngược lại. Lý thuyết cân bằng quyền lực cổ điển cho rằng một quốc gia sẽ cố gắng hành động chỉ để hạ bệ quốc gia khác nhằm ngăn cản quốc gia đó chiếm thế thượng phong đã không còn đúng nữa. Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các quốc gia quan tâm đến cả lợi ích tuyệt đối lẫn lợi ích so sánh với các quốc gia khác.

Chi phí của sự phụ thuộc lẫn nhau

Tính cân xứng của sự phụ thuộc lẫn nhau

Sự lãnh đạo và các thể chế trong nền kinh tế thế giới

Chủ nghĩa hiện thực và sự phụ thuộc lẫn nhau phức tạp

Chính trị dầu mỏ

Dầu mỏ như một nguồn quyền lực

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Toan cau hoa va su phu thuoc lan nhau.pdf

—————–

[1] Dani Rodrik, Has Globalization Gone Too Far? (Washington, DC: Institute for International Economics, 1997), trang 2.

[2] James J. McCarthy, “The Scope of the IPCC Third Assessment Report,” Climate Report (Winter 2001), trang 3.

[3] Thomas Friedman, The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization (New York: Farrar, Straus & Giroux, 1999), trang 7-8.

[4] Joseph Stiglitz, “Weightless Concerns,” Financial Times (Luân Đôn) 3/2/1999, trang 14.

[5] John Maynard Keynes, The Economic Consequences of the Peace (New York: Penguin, 1988), trang 11.

[6]  Robert Wade, “Winners and Losers” và “Of Rich and Poor,” The Economist, 28/4/2001, trang 72-74, 80.

[7] “North – South Devide is Marring Environmental Talks,” The New York Times, 17/3/1992, trang 8.

[8] Edmund Andrews, “Snow Urges Consumerism on China Trip,” The New York Times, 14/10/2005, trang 1.