Đài Loan bầu ra nữ tổng thống đầu tiên của mình

Print Friendly, PDF & Email

Part-DEL-Del8397079-1-1-0

Nguồn: Taiwan Elects Its First Female President”, TIME magazine, 16/01/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Hôm thứ Bảy, người dân Đài Loan đã bầu ra nữ tổng thống đầu tiên của họ – một nhà kỹ trị ham mê đọc sách cam kết sẽ đặt các vấn đề trong nước lên trên các mối quan hệ ngày một sâu sắc với Trung Quốc đại lục, điều ngày càng được xem như một chén thuốc độc.

Thái Anh Văn, một nhà khoa học được đào tạo tại Mỹ và Anh, và là người đứng đầu Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) luôn hoài nghi chính quyền Bắc Kinh, chỉ cần chưa đến 60% số phiếu bầu để chấm dứt tám năm cầm quyền của Quốc Dân Đảng (Kuomintang hay KMT), thời kỳ gắn với tăng trưởng trì trệ và bất bình đẳng tăng cao.

“Tôi xin lỗi … Chúng tôi đã không giành thắng lợi. Quốc Dân Đảng đã chịu thất bại trong cuộc bầu cử,” ứng cử viên Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân phát biểu trước đám đông tập trung tại trụ sở của đảng này tại Đài Bắc. Khép lại một đêm thảm bại cho đảng cầm quyền trước đây , ca sĩ chính của ban nhạc death metal Chthonic, Freddy Lim (Lâm Sưởng Tá), cũng đánh bại Lâm Úc Phương của Quốc Dân Đảng trong đơn vị bầu cử của mình tại Đài Bắc. Chu thừa nhận: “Chúng tôi đã nỗ lực chưa đủ và không đáp ứng được lòng mong đợi của cử tri.”

Bà Thái đã cam kết làm sống lại nền kinh tế chậm chạp của vùng lãnh thổ mà trên thực tế là một quốc gia 23 triệu dân bằng việc đa dạng hóa thương mại với Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á, qua đó phá vỡ chính sách của Quốc Dân Đảng hội nhập sâu hơn với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – với hy vọng điều này sẽ thúc đẩy kinh tế của chính Đài Loan.

Bắc Kinh vẫn tuyên bố Đài Loan là một “tỉnh nổi loạn” của Trung Quốc và có thể giành lại bằng vũ lực nếu cần thiết – một tàn dư của cuộc nội chiến Trung Quốc và việc lực lượng Quốc dân Đảng của Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch cầm đầu bị đánh bại năm 1949 và bỏ chạy ra Đài Loan. Dưới áp lực của Trung Quốc, Đài Loan chỉ được công nhận chính thức bởi một số ít các quốc gia và không có ghế tại Liên Hợp Quốc. Nhiều người Đài Loan lo sợ việc hai kẻ thù lâu năm xích lại gần nhau trong suốt thập kỷ vừa qua chỉ đơn thuần là khúc dạo đầu cho việc “sáp nhập mềm” hòn đảo của Bắc Kinh.

Bobby Lin, một nha sĩ 26 tuổi ủng hộ đảng DPP ở Đài Bắc cho biết: “Quốc Dân Đảng đứng về phía người giàu và Chính quyền Trung Quốc. Họ gần như muốn thống nhất với Trung Quốc. Còn Thái Anh Văn luôn lo nghĩ cho người dân Đài Loan và cách cải thiện nền kinh tế Đài Loan.”

Những lo ngại về nền kinh tế luôn được cử tri đặt lên hàng đầu trong suốt chiến dịch tranh cử. Mức tăng trưởng năm ngoái là chỉ 1%, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với năm trước, với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, lương bổng trì trệ và chi phí sinh hoạt tăng vọt (Đài Bắc phồn hoa giờ là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.)

Maggie Chen, 34 tuổi, một người quản lý dự án từ Đài Bắc, chia sẻ tình huống tiến thoái lưỡng nan mà cô và chồng phải đối mặt “Chúng tôi đã lập gia đình và đang lo lắng về tương lai bởi lẽ chúng tôi không mua nổi một căn nhà. Chúng tôi ủng hộ đảng DPP bởi họ từ trước tới giờ luôn giải thích cặn kẽ các chính sách của họ.”

Chu đáo đến từng chi tiết đã trở thành phẩm chất đặc trưng của bà Thái, cựu giáo sư Đại học. Sinh ra tại Đài Bắc trong một gia đình giàu có, tân tổng thổng 59 tuổi học luật tại Đài Loan trước khi có tấm bằng thạc sỹ tại Đại học Cornell và tiến sĩ tại Trường Kinh tế London. Những người thân cận của bà cho biết dưới một vẻ bề ngoài hết mực trí thức, bà Thái có phong cách hài hước, và các quan chức trong Đảng đã nỗ lực không ngừng để gây dựng một hình ảnh dịu dàng hơn cho bà, đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội những bức ảnh của người phụ nữ giờ đây đã trở nên quyền lực nhất trong thế giới nói tiếng Hoa với hai con mèo của bà, Think Think và Ah-Tsai.

Đó là một thông điệp nhận được cảm tình từ những cử tri trẻ, những người tiên phong trong chiến thắng của đảng DPP. Tại cuộc tuần hành vận động tranh cử chính thức bên ngoài Dinh Tổng thống Đài Bắc vào ngày thứ Bảy, các ban nhạc heavy metal, một ban nhạc mang mặt nạ Kinh kịch đầy hăm dọa, đã trình diễn trước hàng ngàn người bất chấp mưa lớn đang vẫy biểu ngữ mang khẩu hiệu của Đảng  “Hãy thắp sáng Đài Loan.”

Phong thái lạc quan này đối lập hoàn toàn với thông điệp báo trước điềm gở của Quốc Dân Đảng rằng chiến thắng của đảng DPP đồng nghĩa với việc mối thù địch giữa hai bờ eo biển sẽ quay trở lại. Tổng thống sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu  của Quốc Dân Đảng không đủ điều kiện để tái tranh cử do đã đảm nhiệm cương vị tối đa hai nhiệm kỳ, và ứng cử viên của đảng ông, Chu Lập Luân, luôn bị dẫn trước trong các cuộc thăm dò. Trả lời tạp chí Time, Phó chủ tịch Quốc Dân Đảng Jason Hu, cho biết: “Chúng tôi đã quá thành công [trong lịch sử] trong việc giáo dục người dân rằng Trung Quốc là những kẻ xấu”.

DPP hứa hẹn một loạt biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm thiết lập năm trung tâm công nghiệp và sáng tạo trên khắp Đài Loan, cải tổ triệt để hệ thống giáo dục, và nỗ lực thúc đẩy du lịch. Do đó, đảng DPP muốn khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan có vốn đầu tư tại Trung Quốc xem xét việc chuyển cơ sở hoạt động về Đài Loan.

Thạch Chi Du, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết. “Tôi cho rằng đây là một” nền kinh tế mặc cảm tội lỗi”. Đó là cách tạo ra ý thức trách nhiệm đối với những cá nhân đang làm giàu tại Trung Quốc, để họ cố gắng hướng các nguồn lực của họ trở về Đài Loan.”

Tất nhiên, những sách lược như vậy có thể chọc giận Bắc Kinh, và những gợn sóng tài chính có thể làm đảo lộn nền kinh vốn đã không ổn định của Đài Loan. Khoảng 25% hàng  hóa xuất khẩu của Đài Loan là sang đại lục, cộng thêm 13% sang Hồng Kông, lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc. Gần một nửa trong số kỷ lục 10 triệu du khách thăm Đài Loan năm ngoái đều từ Trung Quốc đại lục.

Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đài Loan tại Đại học Nottingham tại Anh cho biết: “Thái Anh Văn sẽ rất thận trọng với những gì bà nói và làm. Tuy nhiên, ưu tiên của chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình tại thời điểm này không phải là Đài Loan, mà là củng cố quyền kiểm soát, tái cân bằng nền kinh tế và đưa Trung Quốc vào quỹ đạo tiến lên.”

Bà Thái sẽ có những mục tiêu tương tự cho nhiệm kỳ đầu tiên. Quan trọng hơn, đảng DPP sẽ thiết lập đa số an toàn trong cơ quan lập pháp Đài Loan – lần đầu tiên Quốc Dân Đảng đã mất quyền kiểm soát thể chế quan trọng này. Nhưng lợi thế này cũng có nghĩa là bà sẽ phải ra sức kiềm chế những tiếng nói bất đồng ngày càng mạnh mẽ hơn trong nội bộ đảng, kêu gọi nền độc lập chính thức – một mục tiêu DPP duy trì trong điều lệ thành lập đảng nhưng cũng là vấn đề mà bà Thái đã thực dụng chọn cách làm ngơ với nhận thức rằng việc tuyên bố độc lập sẽ vấp phải một phản ứng quân sự mau lẹ từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Lâm Chung Bân tại Viện Quan hệ Quốc tế sau đại học thuộc Đại học Đạm Giang, Đài Loan, giữa tổng thống Thái  và chủ tịch Tập có những “tham vọng chồng chéo” khiến việc làm xấu đi hoàn toàn quan hệ song phương khó có thể xảy ra.

Giáo sư cũng cho biết thêm: “Bà Thái ngay từ giờ đã hy vọng tái đắc cử vào năm 2020, và để đạt được điều này, bà cần phải ổn định kinh tế. Bốn năm tiếp theo cũng là hai phần ba thời gian đương nhiệm còn lại của Tập Cận Bình, và Tập sẽ không để hồ sơ của mình về vấn đề Đài Loan và quan hệ giữa hai bờ eo biển không có bất cứ tiến triển nào trước khi mãn nhiệm.”

Trước mắt, người dân Đài Loan có thể hưởng thụ một quá trình dân chủ sôi động – nơi duy nhất sở hữu điều này trong thế giới của người Hoa – và thực tế là họ đã bầu ra nữ lãnh đạo đầu tiên của một nền dân chủ châu Á, người không đi lên nhờ sự nâng đỡ của một bậc họ hàng cha chú. Bà Thái là một người phụ nữ tự lập đại diện cho một dân tộc tự cường.

Xem thêm:

Thái Anh Văn: Ứng viên tổng thống hàng đầu Đài Loan

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]