09/10/1975: Andrei Sakharov giành Nobel Hòa bình

Print Friendly, PDF & Email

09-10-1975-sakharov-wins-peace-prize

Nguồn: Sakharov wins Peace Prize, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1975, nhà vật lý Liên Xô Andrei Dmitriyevich Sakharov, người tạo ra quả bom hydro đầu tiên của Liên Xô, đã được trao giải Nobel Hòa bình nhằm công nhận những đóng góp của ông trong cuộc đấu tranh chống lại “sự lạm dụng quyền lực và vi phạm nhân phẩm con người dưới tất cả các hình thức.” Tuy nhiên, chính phủ Liên Xô đã cấm Sakharov không được đến Oslo, Na Uy, để nhận giải.

Sinh tại Moskva vào năm 1921, Sakharov theo học vật lý tại Đại học Moskva và từ tháng 6/1948 đã được tuyển dụng vào các chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Năm 1948, sau khi kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên của mình, Liên Xô cùng với Mỹ đã bắt đầu cuộc đua phát triển bom hydro, một thứ vũ khí mà về mặt lí thuyết còn mạnh hơn hàng chục lần so với hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki.

Khái niệm bom nhiều lớp (the “Layer Cake” bomb) của Sakharov đã cho thấy vài kết quả đầy hứa hẹn, thế nhưng vào cuối năm 1952, người Mỹ đã thử thành công “siêu bom” đầu tiên trên thế giới. Vậy là nhóm nghiên cứu của Liên Xô phải ráo riết để bắt kịp, và nhờ trợ giúp của tình báo Xô Viết, họ cũng phát triển được một quả bom giống như của Mỹ. Ngày 22/11/1955, Liên Xô cho nổ thành công quả bom hydro đầu tiên của mình.

Dù Sakharov giành được rất nhiều phần thưởng khoa học danh giá từ Liên Xô vì những thành quả của mình, nhà khoa học ngày càng quan tâm đến những tác động của loại vũ khí đáng sợ ấy, và rồi ông hối tiếc vì đã góp phần tạo ra nó. Năm 1957, chính những quan ngại của ông về mối nguy hiểm sinh học của thử nghiệm hạt nhân đã gợi cảm hứng để Sakharov viết một bài viết về những ảnh hưởng của bức xạ ở mức độ thấp và kêu gọi chấm dứt các vụ thử hạt nhân. Chính phủ Liên Xô đã giữ kín những lời chỉ trích của ông mãi đến năm 1969, khi một bài luận Sakharov viết đã được truyền ra nước ngoài và được đăng trên tờ The New York Times. Trong bài viết này, ông chỉ trích cuộc chạy đua vũ trang và hệ thống chính trị của Liên Xô và kêu gọi xây dựng một “xã hội dân chủ, đa nguyên, bao dung và không giáo điều, một xã hội nhân đạo quan tâm đến Trái Đất và tương lai của nó.”

Sau khi công bố bài luận của mình, Sakharov đã bị sa thải khỏi các chương trình vũ khí và trở thành một người ủng hộ nhân quyền công khai. Năm 1975, ông là người Liên Xô đầu tiên giành giải Nobel Hòa bình. Sau khi ông lên án cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô vào năm 1979, chính quyền Liên Xô đã nhanh chóng phản ứng, trục xuất ông tới Gorky, nơi ông buộc phải sống trong điều kiện khó khăn. Tháng 12/1986, việc lưu đày Sakharov đã kết thúc khi lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev mời ông trở về Moskva. Sau đó, ông được bầu vào Đại hội Đại biểu Nhân dân (Congress of People’s Deputies) với cương vị một nhà cải cách dân chủ và được bổ nhiệm vào ủy ban chịu trách nhiệm soạn thảo một hiến pháp mới cho Liên Xô. Sakharov qua đời vào năm 1989.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]