10/02/1962: Liên Xô trao đổi tù nhân gián điệp với Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Soviets exchange American for captured Russian spy, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1962, Francis Gary Powers, phi công người Mỹ bị bắn rơi ở Liên Xô khi đang lái máy bay do thám của CIA vào năm 1960, đã được phía Liên Xô trao trả. Đổi lại, người Mỹ cũng sẽ thả một điệp viên Nga. Cuộc trao đổi tù nhân này đã kết thúc một trong những sự kiện kịch tính nhất của Chiến tranh Lạnh.

Francis Gary Powers từng là một phi công thuộc đội máy bay do thám U-2 của Mỹ vào cuối thập niên 1950. Từng được cho là “bất khả xâm phạm” trước hệ thống phòng không của Liên Xô, các máy bay U-2 đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chụp ảnh căn cứ quân sự tại Nga. Ngày 01/05/1960, chiếc U-2 của Powers bị tên lửa Liên Xô bắn hạ. Powers đáng lẽ đã phải kích hoạt hệ thống tự hủy của máy bay (rồi tự tử bằng thuốc độc của CIA,) nhưng ông đã bị bắt giữ cùng toàn bộ phần còn lại của chiếc máy bay.

Ban đầu chính phủ Mỹ phủ nhận liên quan đến chuyến bay, nhưng sau đó đã buộc phải thừa nhận rằng Powers đang làm việc cho mình khi Liên Xô đưa ra bằng chứng không thể chối cãi. Để trả đũa, Nikita Khrushchev đã quyết định hoãn hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Dwight D. Eisenhower.

Powers đã bị đưa ra xét xử, kết tội gián điệp, và bị kết án 10 năm tù giam. Tuy nhiên, tháng 02/1962, Liên Xô thông báo rằng họ sẽ thả người phi công theo một lá thư thỉnh cầu từ gia đình Powers. Thế nhưng phía Mỹ lại thông báo rất rõ ràng rằng đây chỉ là một thỏa thuận trao đổi gián điệp, chứ không phải cử chỉ nhân đạo như lời người Liên Xô. Cụ thể, chính phủ Mỹ thông báo rằng để Powers được tự do, họ sẽ thả Đại tá Rudolf Abel, một người Nga bị kết tội làm gián điệp ở Mỹ. Ngày 10/02, Abel và Powers đã được đưa đến cầu Gilenicker – cây cầu nối Đông và Tây Berlin, để tiến hành trao đổi. Sau khi vụ việc thành công, Powers đã lên đường trở về Mỹ.

Trong một thông báo, Liên Xô tuyên bố rằng họ thả Powers một phần là bởi “mong muốn cải thiện quan hệ Xô – Mỹ.” Còn các quan chức Mỹ lại tỏ ra thận trọng trong việc đánh giá đề nghị của Liên Xô, nhưng họ vẫn ghi nhận hành động này chắc chắn giúp giảm bớt căng thẳng Chiến tranh Lạnh. Việc trao đổi này là một phần của “điệu nhảy ngoại giao” giữa Khrushchev và Tổng thống John F. Kennedy. Dường như cả hai đều thực sự nghiêm túc hướng đến một mối quan hệ tốt hơn, và vụ trao đổi tháng 02/1962 rõ ràng chính là một nỗ lực của họ. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra với việc Liên Xô xây dựng các căn cứ tên lửa ở Cuba. Cuộc khủng hoảng đã xóa bỏ mọi đề nghị ngoại giao và đưa hai cường quốc đến bờ vực xung đột hạt nhân.

Xem thêm: Lịch sử tình báo viết trên cây cầu qua hai chiến tuyến

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]