22/06/1944: F.D. Roosevelt ký Đạo luật G.I.

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: FDR signs G.I. Bill, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã ký Đạo luật G.I. (G.I. Bill). Đây là một đạo luật chưa từng có tiền lệ, được thiết kế để hỗ trợ cho những người giải ngũ – vốn được gọi là G.I.s – vì những nỗ lực của họ trong Thế chiến II.

Là phần cuối cùng trong cuộc cải cách toàn diện Kinh tế mới (New Deal), chính quyền của Roosevelt đã soạn ra Đạo luật G.I. – tên gọi chính thức là Đạo luật Tái Điều chỉnh Cựu Binh (Servicemen’s Readjustment Act of 1944) – với hy vọng đất nước không tiếp tục rơi vào Đại Suy thoái sau khi chiến tranh kết thúc. FDR đặc biệt muốn ngăn chặn việc lặp lại sự kiện Diễu hành Đòi Trợ cấp (Bonus March of 1932), khi mà 20.000 cựu binh thất nghiệp và gia đình họ đã biểu tình phản đối Washington. Quân đoàn Mỹ (American Legion), một tổ chức cựu chiến binh, đã thành công khi đấu tranh cho nhiều điều khoản trong dự luật, cho phép các cựu binh giải ngũ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được vay để mua nhà và kinh doanh với lãi suất thấp, và quan trọng nhất là được tài trợ giáo dục.

Bằng cách hỗ trợ các cựu binh tiền học phí, chi phí sinh hoạt, sách vở, vật tư, thiết bị, Đạo luật G.I. đã chuyển đổi giáo dục đại học ở Mỹ một cách hiệu quả. Trước chiến tranh, đại học là lựa chọn cho chỉ 10-15% giới trẻ Mỹ và các trường đại học đã trở thành nơi trú ẩn cho tầng lớp có đặc quyền nhất. Nhưng đến năm 1947 thì ngược lại, các cựu binh đã chiếm một nửa lượng sinh viên đăng ký học đại học trên toàn quốc. Ba năm sau đó, gần 500.000 người Mỹ tốt nghiệp đại học, so với con số 160.000 vào năm 1939.

Khi các cơ sở giáo dục mở cửa cho nhóm sinh viên đa dạng này, tình trạng lớp học và nhà ở quá tải đã thúc đẩy việc nâng cấp và mở rộng cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của trường đại học. Hàng loạt các khóa học nghề mới đã được phát triển trên khắp đất nước – bao gồm cả đào tạo nâng cao về giáo dục, nông nghiệp, thương mại, khai thác mỏ và đánh bắt cá – mà trước đây chỉ được giảng dạy không chính thức.

Đạo luật G.I. trở thành một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở Mỹ, kéo dài 30 năm sau Thế chiến II. Chỉ có 20% ngân sách dành cho trợ cấp thất nghiệp theo dự luật này đã được chi trả, vì hầu hết các cựu chiến binh đều đã tìm được việc làm hoặc đi học đại học. Các khoản cho vay gia đình lãi suất thấp cũng cho phép hàng triệu gia đình Mỹ chuyển khỏi các trung tâm đô thị, và mua hoặc xây nhà bên ngoài thành phố, làm thay đổi bộ mặt của các khu ngoại ô. Sau hơn 50 năm, tác động của Đạo luật G.I. là rất lớn, với 20 triệu cựu binh và thân nhân phụ thuộc đã sử dụng các khoản trợ cấp giáo dục, và 14 triệu khoản vay mua nhà đã được đảm bảo, với tổng chi của liên bang là 67 tỷ USD. Trong số hàng triệu người Mỹ được hưởng lợi từ đạo luật này, có những cái tên như cựu Tổng thống George H.W. Bush và Gerald Ford, cựu Phó Tổng thống Al Gore và các ngôi sao giải trí Johnny Cash, Ed McMahon, Paul Newman và Clint Eastwood.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]