06/05/1994: Khánh thành Đường hầm Eo biển Manche

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: English Channel tunnel opens, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này 1994, trong một buổi lễ do Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp Francois Mitterand chủ trì, một đường hầm đường sắt dưới Eo biển Manche đã chính thức mở cửa, nối liền nước Anh và châu Âu lục địa lần đầu tiên kể từ kỷ băng hà.

Đường hầm Eo biển Manche – được đặt biệt danh “Chunnel” (ghép giữa channel/con kênh và tunnel/đường hầm) – đã nối Folkstone, Anh, với Sangatte, Pháp, nằm cách nhau 31 dặm. Chunnel đã giúp cắt giảm thời gian đi lại giữa Anh và Pháp chỉ còn 35 phút, và sau này là giữa London và Paris chỉ còn hai tiếng rưỡi.

Là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới, Chunnel đi ngầm dưới mặt nước 23 dặm (37km), với độ sâu trung bình là 150 ft (45m) dưới đáy biển. Mỗi ngày, có khoảng 30.000 người, 6.000 xe hơi và 3.500 xe tải đi qua Chunnel trên các chuyến tàu khách, tàu con thoi và tàu hàng.

Hàng triệu tấn đất đã được di chuyển để xây dựng hai đường hầm đường sắt – một hướng bắc và một hướng nam – và một đường hầm dịch vụ. Trong giai đoạn cao điểm, mười lăm nghìn người đã tham gia xây dựng đường hầm, và đã có mười người thiệt mạng trong quá trình xây dựng.

Kỹ sư của Napoleon, Albert Mathieu, đã lên kế hoạch xây dựng đường hầm dưới Eo biển Manche lần đầu tiên vào năm 1802, với hình dung về một lối đi ngầm có những ống thông gió vượt trên những ngọn sóng. Năm 1880, nỗ lực xây dựng đầu tiên đã được tiến hành bởi Đại Tá Beaumont, người đã cho xây dựng một đường hầm dài hơn một dặm trước khi từ bỏ dự án. Những nỗ lực khác đã được thực hiện trong thế kỷ 20, nhưng không có kế hoạch xây dựng quy mô nào mãi cho đến tháng 06/1988.

Chunnel có chi phí xây dựng 16 tỷ USD – cao gần gấp đôi so với ước tính ban đầu, và được hoàn thành trễ một năm so với kế hoạch. Sau một năm đi vào phục vụ, Eurotunnel đã công bố thua lỗ, một trong những khoản thua lỗ lớn nhất trong lịch sử các doanh nghiệp Anh quốc vào thời điểm đó. Một kế hoạch mà qua đó các ngân hàng đồng ý hoán đổi hàng tỷ bảng tiền cho vay thành cổ phiếu đã cứu đường hầm khỏi cảnh đóng cửa và nó đã ghi nhận lợi nhuận ròng lần đầu tiên vào năm 1999.

Giao thông đã ngừng trệ trong sáu tháng sau khi lửa bùng phát trên một chiếc xe tải trong đường hầm vào tháng 11/1996. Không ai bị thương nặng trong vụ việc.

Năm 1996, Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ (American Society of Civil Engineers) xác định Đường hầm Eo biển Manche là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.