05/08/1914: Trận đánh đầu tiên của Thế chiến I

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: German assault on Liege begins first battle of World War I, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1914, quân đội Đức khởi động cuộc tấn công vào thành phố Liege ở Bỉ, vi phạm địa vị trung lập của quốc gia này và bắt đầu trận đánh đầu tiên của Thế chiến I.

Trước đó, ngày 04/08, tập đoàn quân số 1, 2 và 3 của Đức – gồm khoảng 34 sư đoàn – đang tiến tới biên giới Đức, sẵn sàng chuyển quân sang Bỉ. Tổng cộng đã có bảy tập đoàn quân Đức, với tổng số 1,5 triệu binh sĩ, đã được tập hợp dọc theo biên giới với Bỉ và Pháp, sẵn sàng thực hiện Kế hoạch Schlieffen – kế hoạch càn quét, tiến quân qua Bỉ để tới Pháp, được soạn thảo bởi cựu Tư lệnh Đức Alfred von Schlieffen. Tập đoàn quân số 2, chỉ huy bởi Nguyên soái Karl von Bulow, được giao nhiệm vụ chiếm thành phố Liege, nằm ở cửa ngõ vào Bỉ từ Đức. Được xây dựng trên một sườn dốc cao 152m, đi từ sông Meuse, rộng khoảng 200 thước Anh, và được bảo vệ bởi 12 pháo đài có vũ trang hạng nặng – sáu trong số đó nằm ở hai bên bờ sông, trải dài dọc theo chu vi 30 dặm — Liege được nhiều người cho là nơi được phòng vệ vững chắc nhất ở châu Âu.

Tập đoàn quân số 2 của Bulow, với quân số khoảng 320.000 lính, bắt đầu tấn công Liege và 35.000 binh sĩ đồn trú tại đây vào ngày 05/08. Sáu lữ đoàn, dưới sự chỉ huy của Tướng Otto von Emmich, đã tách khỏi Tập đoàn quân số 2 để tạo thành “Đoàn quân Meuse” đặc biệt sẽ mở đường cho các đồng đội còn lại tiến vào Liege. Tự tin về một chiến thắng dễ dàng với ít kháng cự đáng kể từ người Bỉ, người Đức cho rằng lính của Emmich có thể chiếm được Liege trong khi phần còn lại của quân đội Đức vẫn đang được tập hợp. Nhưng thực tế, thì người Bỉ đã phòng thủ dũng cảm ngay từ giây phút đầu tiên – sẵn sàng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Vua Albert, người trước đây đã thúc giục các thần dân của mình chống lại mối đe dọa đối với tính trung lập và nền độc lập của họ bằng mọi giá. Cuối ngày 05/08, tất cả 12 pháo đài của Liege vẫn nằm trong tay Bỉ.

Liege cuối cùng cũng rơi vào tay Đức vào ngày 15/08, nhưng chỉ sau khi Đức đã sử dụng đến các vũ khí trên bộ mạnh nhất trong kho của mình, những khẩu pháo khổng lồ dùng cho bao vây. Một khẩu pháo, được chế tạo bởi công ty Skoda của Áo, có nòng cỡ 12 inch (305mm); khẩu còn lại, do Krupps sản xuất ở Essen, Đức, thậm chí còn lớn hơn với cỡ nòng 16,5 inch (420mm). Cho đến thời điểm đó, những khẩu pháo lớn nhất có nòng 13,5 inch và được Hải quân Anh sử dụng; khẩu đại bác lớn nhất trên đất liền chỉ có nòng 11 inch. Đợt pháo kích hạng nặng vào Liege bắt đầu từ ngày 12/08. Sang ngày 15/08, sau khi chiếm được 11 trong số 12 pháo đài của Liege và cho nổ tung các bức tường của pháo đài thứ 12, Pháo đài Loncin, với một quả pháo, Emmich và đồng đội là Erich Ludendorff tiến vào Loncin. Cả hai tìm thấy chỉ huy của Liege, Tướng Gerard Mathieu Leman, còn sống nhưng bất tỉnh. Bị người Đức bắt làm tù nhân, sau đó Leman đã viết thư cho Vua Albert từ Đức, “Thần đã vui vẻ dâng hiến mạng sống, nhưng Thần Chết lại chẳng chấp nhận.” Về phần mình, Emmich và Ludendorff đã được trao tặng huy chương quân sự cao nhất của Đức, Pour la Merite, vì chiếm được Liege.

Việc hành quân qua Bỉ, hướng tới Pháp của quân Đức bắt đầu ba ngày sau đó, ngày 18/08. Lo ngại sự kháng cự của dân cư, đặc biệt là từ các tay súng bắn tỉa (franc-tireurs), những người sẽ bắn họ từ vị trí ẩn nấp trong các lùm cây và bụi rậm, quân Đức ngay từ ngày đầu tiên ở Bỉ đã mạnh mẽ chống lại người dân bản địa. Ngay từ ngày 05/08, người Đức không chỉ bắt đầu bắn giết thường dân mà còn hành quyết có chủ ý các linh mục người Bỉ, những người mà Bộ Tuyên truyền Đức khẳng định là đã khuyến khích hoạt động bắn tỉa. “Quá trình tiến quân của chúng ta ở Bỉ chắc chắn là rất tàn bạo”, Tư lệnh Đức Helmuth von Moltke viết cho người đồng cấp ở Áo của ông, Conrad von Hotzendorff, vào ngày 5 tháng 8. “Nhưng chúng ta đang chiến đấu cho sinh mạng của mình và tất cả những ai cản đường phải chịu hậu quả.” Tổng cộng, quân Đức đã giết 5.521 thường dân ở Bỉ và 896 người ở Pháp, cũng vì thế bị người Bỉ thù hận và còn làm hại hình ảnh của họ trong con mắt của nhiều nhà quan sát nước ngoài. Sự kháng cự bền bỉ của dân Bỉ, tại Liege và các nơi khác trong quá trình tiến quân của Đức, đã giúp đất nước nhỏ bé và vị vua dũng cảm nhận được sự kính trọng của thế giới, và đưa ra một ví dụ điển hình, một nguyên nhân xứng đáng để các quốc gia phe Hiệp ước khác tham gia vào cuộc xung đột tàn phá nhất của châu Âu cho đến lúc đó.