01/10/1918: Khủng hoảng ở Đức

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Crisis in Germany, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1918, lúc 4 giờ sáng, Max von Baden đến Berlin để nhậm chức thủ tướng mới của Đức sau khi xung đột giữa quân đội Đức và lãnh đạo chính phủ khiến người tiền nhiệm của ông, Georg von Hertling, từ chức.

Mặc dù phe Đồng minh đã phá vỡ Phòng tuyến Hindenburg – khu vực phòng thủ được gia cố vững chắc và được coi là tuyến phòng thủ cuối cùng của quân Đức trên Mặt trận phía Tây – vào những ngày cuối cùng của tháng 09 năm 1918, các lực lượng Đức nhìn chung vẫn tiếp tục cố thủ. Tuy nhiên, tin tức về việc đồng minh của Đức là Bulgaria đã được trao cho một thỏa thuận đình chiến đã khiến chỉ huy Tổng cục Hậu cần Đức Erich Ludendorff mất đi tinh thần một thời gang thép của mình.

Tại một hội đồng hoàng gia được triệu tập bởi Hoàng đế Đức Wilhelm II tại Spa vào ngày 29 tháng 09, Ludendorff yêu cầu chính phủ Đức tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến ngay lập tức trên cơ sở mười bốn điểm được đưa ra bởi Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson vào tháng 01 năm trước. Sự chuyển biến đột ngột này của Ludendorff – người cho đến lúc đấy vẫn đã luôn tuyên bố rằng các lực lượng của Đức còn lâu mới thất bại – và lời thỉnh cầu trực tiếp của ông tới hoàng đế đã gây ra sự giận sữ từ những người lãnh đạo chính phủ như Hertling, người đã đến quá muộn để tham gia cuộc họp và nhanh chóng từ chức thủ tướng.

Khi von Baden đến Berlin vào sáng hôm sau, ông đã nói rõ rằng chính sách của ông không phải là tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến cho đến khi quân đội Đức có thể tái lập được sự ổn định trên mặt trận. Ông lập luận rằng bằng cách theo đuổi hòa bình, Đức sẽ mất đi sức mạnh đàm phán sau chiến tranh; ông nói rằng “một yêu cầu đình chiến khiến cho bất kỳ sáng kiến ​​hòa bình nào cũng trở nên bất khả thi”. Baden, một quý tộc được bổ nhiệm bởi hoàng đế, đã nhanh chóng thực hiện các cải cách hiến pháp cần thiết ở Đức, làm suy yếu quyền lực của Bộ Tư lệnh Tối cao Thứ ba của quân đội – và của Ludendorff nói riêng – với hy vọng rằng một nước Đức ôn hòa và dân chủ hơn có thể đàm phám các điều khoản đình chiến có lợi hơn với các nước Đồng minh.

Mặc dù có sự phản đối ban đầu, chính von Baden đã liên lạc với Wilson vào ngày 04 tháng 10 để tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến ngay lập tức. Trong vài tuần tiếp theo, bị áp lực bởi phe Dân chủ Xã hội thuộc cánh tả, von Baden đã giám sát việc thành lập một nền cộng hòa Đức và sự thoái vị của Hoàng đế Wilhelm vào ngày 09 tháng 11, và sau đó ông tuyên bố nghỉ hưu, trao quyền kiểm soát cho nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Friedrich Ebert.