04/10/1918: Đức tìm cơ hội đình chiến với phe Hiệp ước

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Germany telegraphs President Wilson seeking armistice, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Rạng sáng ngày này năm 1918, Thủ tướng Đức Max von Baden, được Hoàng đế Wilhelm II bổ nhiệm ba ngày trước đó, đã gửi một bức điện đến chính quyền Tổng thống Woodrow Wilson ở Washington, D.C., nhằm tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến giữa Đức và phe Hiệp Ước trong Thế chiến I.

Cuối tháng 09/1918, phe Hiệp Ước đã “hồi sinh” mạnh mẽ ở Mặt trận phía Tây, đảo ngược những thắng lợi từ cuộc tấn công lớn của Đức vào mùa xuân trước đó, đồng thời khiến quân Đức ở miền đông Pháp và miền tây Bỉ phải lui về hàng thủ cuối cùng – Phòng tuyến Hindenburg.

Bị bất ngờ và tuyệt vọng, Tướng Đức Erich Ludendorff, kiến trúc sư trưởng của cuộc tấn công mùa xuân, đã phải từ bỏ tinh thần lạc quan trước đây của ông về tình hình quân sự của Đức và đưa ra yêu cầu trong buổi họp hội đồng hoàng gia vào ngày 29/09 rằng, Đức [cần] tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến ngay lập tức dựa trên các điều khoản mà Tổng thống Wilson đặt ra trong bài phát biểu “Mười Bốn điểm” (Fourteen Points) nổi tiếng của ông vào tháng 01/1918. Nhận thấy rằng các lãnh đạo quân đội đã hoàn toàn lấn át trong chính phủ, Thủ tướng Georg von Hertling lập tức từ chức; Hoàng đế Wilhelm sau đó bổ nhiệm người em họ thứ hai của mình, Hoàng tử Max von Baden, vào vị trí này.

Ngay sau khi von Baden đến Berlin để nhậm chức vào ngày 01/10, ông đã nói rõ rằng mình không có ý định thừa nhận thất bại cho đến khi Đức lấy lại được ít nhất một số khu vực trên chiến trường; bằng cách này, ông hy vọng giữ lại một số sức mạnh đàm phán với phe Hiệp Ước. Tuy nhiên, vào ngày 03/10, Paul von Hindenburg, Tổng Tư lệnh quân đội kiêm Chỉ huy Bộ Tư lệnh Tối cao Thứ ba (Third Supreme Command – bộ máy lãnh đạo quân sự của Đức) đã nhắc lại lời khuyên của Ludendorff, rằng “Quân đội Đức vẫn đang đứng vững và tự bảo vệ mình chống lại mọi cuộc tấn công. Tuy nhiên, tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, và có thể buộc Tư lệnh Tối cao phải đưa ra các quyết định quan trọng. Trong những trường hợp này, ngừng chiến là điều bắt buộc để người Đức và đồng minh tránh được những hy sinh không cần thiết. Mỗi ngày trì hoãn có thể khiến hàng ngàn người lính dũng cảm phải mất đi cuộc sống của họ.”

Von Baden không đồng ý với Hindenburg, nói rằng đình chiến quá sớm có thể khiến Đức mất đi các vùng lãnh thổ có giá trị ở Alsace-Lorraine và Đông Phổ, điều đã được ngầm nói đến trong các điều khoản của Mười Bốn điểm, mặc dù Wilson bày tỏ mong muốn “hòa bình không cần đến chiến thắng” (peace without victory). Quyết định tự tìm cách giải quyết khác với quan điểm của Bộ Tư lệnh Tối cao, von Baden đưa hai thành viên Đảng Xã hội trong Quốc Hội Đức (Reichstag) vào nội các của ông; nhưng chính họ, sau khi cân nhắc tình cảm phản chiến ngày càng tăng ở trong nước và trong chính phủ, đã khuyên vị Thủ tướng tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến. Ngày 04/10, theo lời khuyên của hai vị này, von Baden đã gửi bức điện tới Washington.

Phản ứng của Wilson, trong các ghi chép của ngày 14 và 23/10, đã cho thấy rõ rằng phe Hiệp Ước sẽ chỉ đàm phán với một nước Đức dân chủ, không phải là một nhà nước đế quốc với chế độ độc tài quân sự do Tư lệnh Tối cao đứng đầu. Cả Wilson lẫn các đồng sự của ông ở Anh và Pháp đều không tin vào tuyên bố của von Baden vào ngày 05/10 rằng ông đang thực hiện các bước đi cần thiết để đưa nước Đức tiến tới nền dân chủ nghị viện. Sau khi bức điện thứ hai của Wilson đến, Ludendorff lại thay đổi quyết định và tuyên bố rằng đề nghị này nên bị từ chối và chiến tranh cần được tiếp tục.

Tuy nhiên, khi hòa bình đã đến rất gần, tình thế lại trở nên khó khăn hơn cho người Đức – trên chiến trường cũng như trong nước. Trong vòng một tháng, Ludendorff từ chức, vì vị thế của Đức ngày càng xuống dốc và ai cũng xác định được rằng chiến tranh không thể tiếp tục. Ngày 07/11, Hindenburg liên lạc với người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tối cao phe Hiệp Ước, Ferdinand Foch, để mở các cuộc đàm phán đình chiến; bốn ngày sau, Thế chiến I kết thúc.