06/10/1908: Áo-Hung sáp nhập Bosnia và Herzegovina

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Austria-Hungary annexes Bosnia-Herzegovina, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1908, Đế quốc Áo-Hung đã tuyên bố sáp nhập Bosnia và Herzegovina, hai tỉnh ở vùng Balkan của châu Âu, trước đây nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman.

Mặc dù Bosnia và Herzegovina vẫn dưới quyền kiểm soát của Sultan Ottoman vào năm 1908, Áo-Hung thực chất đã quản lý các tỉnh này kể từ Hội nghị Berlin (Congress of Berlin, 1878), khi các cường quốc châu Âu trao cho Áo – Hung quyền chiếm hai tỉnh dù về mặt pháp lý chúng vẫn thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Và bởi nhiều kẻ cũng thèm muốn vùng đất này – thực tế, cả Áo và Hungary đều muốn giữ Bosnia và Herzegovina cho riêng mình – quyết định trao quyền ít nhiều được xem như một giải pháp tạm thời để duy trì cân bằng quyền lực vốn đang rất mong manh ở châu Âu. Vấn đề càng phức tạp hơn khi hai tỉnh nơi phần lớn dân số là người Slav này có tham vọng dân tộc của riêng họ, trong khi những người Slav ở Serbia gần đó cũng muốn thôn tính hai tỉnh để tiếp tục tham vọng của mình.

Khi cuộc nổi loạn của Ủy ban Liên minh và Tiến bộ (Committee of Union and Progress) – còn được gọi là nhóm Young Turks – chiếm được chính quyền Ottoman vào năm 1908, Nam tước Aloys von Aerenthal, Ngoại trưởng Áo-Hung, đã nhận ra cơ hội để đất nước ông khẳng định sự thống trị của mình ở vùng Balkan. Bên cạnh những yếu kém của Ottoman, Nga, đối thủ lớn của Áo-Hung trong việc tranh giành quyền lực ở vùng Balkan, cũng đang quay cuồng sau thất bại trong chiến tranh Nga-Nhật và cách mạng trong nước năm 1905.

Thông báo vào tháng 10/1908 về việc Áo-Hung sáp nhập Bosnia và Herzegovina đã làm đảo lộn cân bằng quyền lực mong manh ở vùng Balkan, khiến những người Serbia cùng tất thảy người Slav trên khắp châu Âu nổi giận. Dù buộc phải chấp nhận tình hình trong nhục nhã vì bản thân đang ở thế yếu, nhưng Nga vẫn coi hành động của Áo-Hung là quá hung hăng và mang tính đe dọa, mặc cho lời bảo đảm của Aerenthal rằng ông không có kế hoạch chiếm Macedonia, một tỉnh Ottoman cũ cũng đang bị tranh chấp. Nga đã phản ứng bằng cách khuyến khích tình cảm thân Nga, chống Áo ở Serbia và các tỉnh Balkan khác, khiến người Áo phải lo sợ trước chủ nghĩa bành trướng của người Slav trong khu vực.

Tháng 01/1909, đỉnh cao của cuộc khủng hoảng Bosnia-Herzogovina, Franz Conrad von Hotzendorff, người đứng đầu quân đội Áo, đã tiếp cận Helmuth von Moltke, người đồng cấp tại Đức, để dò hỏi rằng Đức sẽ làm gì nếu Áo xâm lược Serbia và do đó khiêu khích Nga can thiệp nhân danh Serbia. Ngạc nhiên thay khi Moltke trả lời rằng – dù liên minh trước đó của họ, thành lập vào năm 1879, có bản chất hoàn toàn phòng thủ –Đức vẫn sẽ hỗ trợ Áo-Hung ngay cả khi họ là kẻ xâm lược, và sẽ không chỉ gây chiến chống lại Nga, mà còn chống lại Pháp, đồng minh mạnh mẽ của Nga ở phía Tây. Mùa hè năm 1914, tình hình trở nên đúng như vậy, khi tranh giành quyền lực tại Balkans biến thành cuộc xung đột quốc tế – Thế chiến I.