Thế giới hôm nay: 17/10/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Elizabeth Warren bắt đầu cảm thấy sức nóng từ các đối thủ Dân chủ trong cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp giữa các ứng viên. Bà Warren, cùng với Joe Biden, là người có khả năng cao nhất nhận được đề cử của đảng Dân chủ vào năm 2020, đã bị tấn công về kế hoạch áp dụng “Y tế cho Tất cả” của bà. Các đối thủ ít có khả năng hơn, như Amy Klobuchar, nói bà Warren không giải thích chính xác nguồn tiền sẽ đến từ đâu.

Margrethe Vestager, ủy viên châu Âu về vấn đề cạnh tranh, đã yêu cầu Broadcom, một nhà sản xuất chip, tạm dừng các thỏa thuận độc quyền với các nhà sản xuất TV và modem trong khi nhà chức trách EU điều tra xem liệu công ty Mỹ có cản trở các đối thủ một cách không công bằng hay không. Các biện pháp tạm thời là nhằm mục đích ngăn chặn hành vi chống cạnh tranh trong các cuộc điều tra kéo dài. Bà Vestager cũng cho biết bà sẵn sàng sử dụng các biện pháp như vậy thường xuyên hơn.

General Motors và Công đoàn công nhân Ô tô Liên kết (United Auto Workers Union) đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ có thể chấm dứt cuộc đình công kéo dài một tháng tại nhà sản xuất xe hơi lớn nhất nước Mỹ. Khoảng 48.000 công nhân đã đình công trong cuộc tranh cãi về lương, chi phí chăm sóc sức khỏe và việc đóng cửa một số nhà máy theo kế hoạch. Cuộc đình công ước tính gây thiệt hại 2 tỷ đô cho GM. Chi tiết của bản thỏa thuận, mà các thành viên UAW hiện phải phê chuẩn, không được công bố.

Bank of America, đơn vị cho vay lớn thứ hai của Mỹ, công bố thu nhập quý ba tốt hơn dự kiến, phần lớn nhờ vào doanh thu mảng ngân hàng đầu tư ngày càng tăng. Lợi nhuận ròng của BofA tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, bất kể việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang và nền kinh tế chậm lại. Hôm qua JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ, và Citigroup cũng vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, trong khi Goldman Sachs lại báo cáo lợi nhuận giảm 27%.

Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc tấn công chống lại quân nổi dậy người Kurd ở miền bắc Syria. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đang đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về việc chấm dứt cuộc tấn công. Nga đã triển khai quân đội trong khu vực và mô tả cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận được”. Ông Erdogan từ chối lời kêu gọi hòa giải và tuyên bố “tất cả những kẻ khủng bố nên từ bỏ vũ khí”.

Đức xác nhận sẽ không cấm Huawei, nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc, khỏi các mạng của họ, bất chấp áp lực từ chính phủ Mỹ yêu cầu làm như vậy vì lý do an ninh. Các đồng minh của Mỹ như Australia và New Zealand đã cấm Huawei, trong khi các nước khác, đặc biệt là Anh, vẫn chưa đưa ra quyết định.

Lạm phát ở khu vực đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm, do đó không đạt được mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu và làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế. Giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với ước tính trước đó. Ở Anh lạm phát vẫn ở mức thấp nhất trong ba năm là 1,7%, dưới mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh.

TIÊU ĐIỂM

Thỏa thuận Brexit sắp đến hạn

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tham gia cùng các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hôm nay, với hy vọng thuyết phục được họ chấp nhận bản sửa đổi mới của thỏa thuận Brexit. Sau đó, ông Johnson muốn triệu tập một phiên họp Quốc hội đặc biệt vào thứ Bảy để các nghị sĩ Anh cũng có thể chấp thuận thỏa thuận này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sẽ vẫn tiếp tục cho đến phút cuối cùng, vì vậy các nhà lãnh đạo EU có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn trước khi phê duyệt đầy đủ.

Và giống như người tiền nhiệm Theresa May, ông Johnson sẽ khó có đủ số nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận này. Đảng Liên hiệp Dân chủ Bắc Ireland phản đối các quy định hải quan và biên giới pháp lý được đề xuất ở Biển Ireland; trong khi Công đảng cũng hoài nghi. Ngay cả khi ông Johnson vượt qua vòng bỏ phiếu đầu, ông vẫn sẽ gặp khó khi đề xuất dự luật lên Nghị viện, nơi ông không đạt đa số. Ông có thể sẽ phải gia hạn Brexit đến sau ngày 31 tháng 10, mặc dù đã hứa sẽ “ra đi hay là chết”.

Đại sứ Mỹ tại EU ra điều trần trước Quốc hội

Gordon Sondland, một chủ khách sạn, đã dành nhiều năm gây quỹ cho các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa với hy vọng giành được một chức đại sứ. Sau khi quyên góp 1 triệu đô cho chiến dịch của Donald Trump, ông đạt được điều ước của mình; năm 2018, ông nhậm chức đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu, một công việc cũng bao gồm, như ông giải thích, “những nhiệm vụ đặc biệt – trong đó có Ukraine”. Hôm nay, ông Sondland sẽ đến điều trần trước các ủy ban Hạ viện đang tiến hành cuộc điều tra luận tội nhắm vào ông Trump.

Hôm thứ Hai, Fiona Hill, một cựu phụ tá Nhà Trắng, nói ông Sondland là một phần của nỗ lực ngoại giao “cửa sau” nhằm gây áp lực buộc Ukraine phải điều tra Joe Biden, người đang dẫn đầu đề cử tổng thống của đảng Dân chủ. Mặc dù ông cam đoan với một nhà ngoại giao khác rằng “ông Trump không hề yêu cầu ‘có qua có lại’” với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng ông có thể làm chứng rằng Trump đã chỉ thị cho ông qua điện thoại. Song, ông cũng có thể nói các quan chức chính quyền không liên quan đến các hoạt động của ông ở Ukraine, điều sẽ mâu thuẫn với lời khai trước đó của bà Hill.

Nhìn lại quyết định hợp pháp hóa cần sa của Canada

Canada từng có những kỳ vọng lớn khi hợp pháp hóa một số hình thức giải trí bằng chất kích thích đúng một năm trước. Thị trường chợ đen sẽ khô héo khi thị trường hợp pháp nở rộ. Các công ty Canada sẽ kiếm bộn tiền từ loại cây này. Song, mọi sự đã không như ý. Doanh số bất hợp pháp vẫn lớn gấp đôi doanh số hợp pháp trong nửa đầu năm nay. Các đại lý đường phố cung cấp giá tốt hơn rất nhiều so với các nhà bán lẻ được ủy quyền, vốn đã chậm mở cửa tại các tỉnh đông dân nhất, Ontario và Quebec.

Chỉ số Cần sa Bắc Mỹ, thuớc đo giá trị của các công ty lớn, đã giảm gần hai phần ba trong năm qua. Các nhà đầu tư hy vọng việc giới thiệu các món ăn hợp pháp (như bánh quy cần sa) và đồ uống vào cuối năm nay sẽ nâng giá cổ phiếu, cũng như đưa người tiêu dùng của họ lên “cao” hơn nữa. Nhưng hy vọng sớm chấm dứt sự tham gia của tội phạm vào ngành công nghiệp cần sa Canada đã trở thành một giấc mơ xa vời.

Công nhân điện lực Pháp đình công

Các công nhân của Electricité de France (EDF), công ty điện lực sở hữu đa số bởi nhà nước, tối qua đã bắt đầu cuộc đình công thứ hai trong nhiều tháng. Các công đoàn không hài lòng trước viễn cảnh công ty bị chia làm hai, với một phần (bao gồm cả mảng năng lượng tái tạo) được tư nhân hóa. Một cuộc đình công trước đó vào ngày 20 tháng 9 đã đánh sập 9% tổng sản lượng điện của Pháp khi hơn một phần ba công nhân ngừng làm việc. Tuy nhiên, cuộc đình công đã không dẫn đến bất kỳ sự cố cắt điện nào, nhờ vào nhập khẩu điện từ các nước láng giềng.

Các cải cách của chính phủ Pháp nhằm mục đích tách biệt các hoạt động hạt nhân của EDF, vốn bị cản trở bởi tình trạng chậm tiến độ và chi phí vượt mức, thành một thực thể mà sau đó sẽ hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước. Các công nhân lo ngại các doanh nghiệp còn lại sẽ phải đối mặt với cạnh tranh nhiều hơn, và do đó sẽ làm cho điều kiện làm việc tồi tệ hơn nữa. Đối với các nhà đầu tư, nỗi lo của họ là hỗn loạn đang gây ảnh hưởng đến lợi nhuận. Cổ phiếu của EDF đã giảm một phần ba trong năm nay.

Đặc điểm tôn giáo của Sénégal

Hôm nay, hàng triệu người hành hương sẽ tổ chức lễ hội Magal tại thành phố linh thiêng Touba của Sénégal. Đại đa số người dân Sénégal theo một trong số bốn chi Anh em Hồi giáo Sufi. Touba là thủ đô của Mourides, chi phái mạnh nhất. Magal là lễ kỷ niệm cuộc đời của Amadou Bamba, người đã thành lập hội Anh em vào năm 1883. Ngày nay, Mourides nắm giữ quyền lực chính trị to lớn. Khoảng 40% dân số theo tín ngưỡng của họ, và mạng lưới Marabouts (tức các imam – chức sắc tôn giáo) của họ là một lực lượng mạnh mẽ. Các tổng thống và doanh nhân phải chấp nhận cúi mình để nhận được sự ủng hộ của họ.

Các nhà phân tích an ninh nói sự thống trị của hội Anh em đối với tôn giáo ở nước này là một trong những lý do chính khiến các chiến binh thánh chiến vốn đang tàn phá khắp khu vực Sahel lại không làm được gì nhiều ở Sénégal. Các chiến binh thánh chiến Sahel ủng hộ một hình thức Hồi giáo cực đoan gọi là chủ nghĩa Wahhabi. Trong khi ở Sénégal, các nhà truyền giáo cực đoan bị những người Sufi Marabouts phản đối hoặc báo cáo với chính quyền.