10/03/1917: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sơ tán khỏi Baghdad

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Turkish troops begin evacuation of Baghdad, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, chưa đầy hai tuần sau khi chiếm lại được thành phố chiến lược Kut-al-Amara trên sông Tigris vùng Lưỡng Hà, quân Anh dưới quyền chỉ huy của Sir Frederick Stanley Maude đã tấn công luôn Baghdad, khiến các đối thủ người Thổ Nhĩ Kỳ của họ buộc phải bắt đầu di tản toàn bộ khỏi thành phố.

Ngay sau khi được trao quyền kiểm soát các chiến dịch quân sự ở Lưỡng Hà vào mùa hè năm 1916, Maude bắt đầu tái cấu trúc và bổ sung quân để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới. Mục tiêu trung tâm của chiến dịch sẽ là thành phố Kut, nơi đã bị Thổ Nhĩ Kỳ tước khỏi tay 10.000 lính Anh và Ấn Độ dưới sự chỉ huy của Sir Charles Townshend vào tháng 04/1916, một thất bại thảm hại cho các hoạt động của quân Hiệp ước trong khu vực.

Tháng 01/1917, 150.000 quân của Maude bắt đầu rời khỏi sở chỉ huy khu vực tại Basra, nằm ở phía nam Kut, gần chỗ giao sông Tigris với sông Euphrates, phát động một cuộc tấn công vốn sẽ lên đến đỉnh điểm trong cuộc tái chiếm Kut vào ngày 24/02.

Sau thành công tại Kut, lực lượng của Maude đã tạm dừng một thời gian ngắn trong khi chờ xác nhận từ bộ chỉ huy ở London để được phép tiếp tục tấn công. Chiến dịch đã không được tiếp tục cho đến ngày 05/03 – chính khoảng thời gian tạm dừng này đã cho chỉ huy Thổ Nhĩ Kỳ Khalil Pasha cơ hội xem xét các lựa chọn nhằm bảo vệ Baghdad, thủ phủ của Đế chế Ottoman ở miền nam. Thế nhưng, Pasha lại tỏ ra thiếu quyết đoán – dù đã cho chuẩn bị một đợt tấn công vào lực lượng Hiệp ước, ông lại quyết định lui về và tập trung quân đội gần Baghdad. Ông lệnh cho Tập đoàn quân số 6 của Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại vị trí khoảng 35 dặm về phía nam thành phố, gần chỗ sông Tigris giao với sông Diyala.

Do thiếu trầm trọng quân dự bị, quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị áp đảo, chỉ có 9.500 binh sĩ đối mặt với 45.000 lính Anh và Ấn Độ. Lực lượng Maude tới Diyala vào ngày 08/03, tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong sáng hôm sau, nhưng Pasha và binh sĩ của mình đã đẩy lùi thành công. Sau khi vật lộn để vượt qua Diyala, Maude quyết định chuyển quân và vượt sông tại một điểm xa hơn về phía bắc. Được máy bay trinh sát Đức cảnh báo về động thái của kẻ thù, Pasha đã quyết định chốt chặn, gửi phần lớn lực lượng của mình đến đón đầu các binh sĩ Hiệp ước, chỉ để một trung đoàn duy nhất ở lại vị trí phòng thủ ban đầu tại Diyala, nơi đã bị quân Anh và Ấn Độ nghiền nát nhanh chóng bằng một cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 10/03. Choáng váng, Pasha ra lệnh cho quân đội của mình rút lui. Đến cuối ngày, cuộc di tản khỏi Baghdad đã được tiến hành.

Sau khi hành quân hơn 100 dặm trong vòng 15 ngày, quân của Maude tiến vào Baghdad vào ngày 11/03 mà không vấp phải kháng cự nào, bắt giữ 9.000 tù nhân thuộc quân đội Ottoman đang rút lui trong sự cổ vũ từ 140.000 cư dân thành phố. Chiến thắng của phe Hiệp ước ở Baghdad chỉ đánh dấu bước khởi đầu của việc tranh giành quyền kiểm soát vùng Lưỡng Hà giàu dầu mỏ (khu vực giữa sông Tigris và Euphrates, nay là Iraq và miền đông Syria). Chính phủ Anh trước đó đã hứa với một số nhà lãnh đạo Ả Rập rằng người dân của họ sẽ nhận được độc lập nếu họ nổi dậy chống lại sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ; một cuộc nổi dậy diễn ra sau đó vào tháng 06/1916 được lãnh đạo bởi Faisal Husein và được hỗ trợ phần nào bởi người Anh, bao gồm Đại tá T.E. Lawrence (sau này được biết đến với tên gọi Lawrence xứ Ả Rập).

Sau khi Thế chiến I kết thúc vào tháng 11/1918, Hiệp ước Versailles và Hội Quốc Liên mới được thành lập đã trao cho Anh quyền cai trị ở Lưỡng Hà, và chính phủ Anh và Pháp đã ra tuyên bố chung về ý định thành lập các chính phủ Ả Rập độc lập ở các quốc gia thuộc Ottoman cũ. Tuy nhiên, điều này là không đủ đối với người Ả Rập ở Lưỡng Hà, họ bắt đầu một cuộc nổi dậy vũ trang vào năm 1920 chống lại lực lượng Anh đang chiếm đóng Baghdad và các khu vực khác. Sau khi đàn áp cuộc nổi dậy với cái giá cắt cổ – 40 triệu bảng, chính phủ Anh đã quyết định từ bỏ quyền cai trị của mình, thành lập một chính phủ lâm thời tại Iraq, bao gồm một hội đồng bộ trưởng người Ả Rập dưới sự giám sát của một ủy viên cấp cao người Anh. Tháng 08/1921, Faisal Husein đã giành được 96% số phiếu và được bầu làm vua của nước Iraq mới.