19/03/1949: Đông Đức phê chuẩn hiến pháp mới

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: East Germany approves new constitution, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1949, trong giai đoạn chuẩn bị thành lập một nước Đông Đức riêng biệt do Liên Xô thống trị, Hội đồng Nhân dân trực thuộc Khu vực do Liên Xô Chiếm đóng (People’s Council of the Soviet Zone of Occupation) đã phê chuẩn một hiến pháp mới. Hành động này, cùng với chính sách theo đuổi con đường độc lập cho Tây Đức của Mỹ, đã góp phần làm sâu sắc hơn sự phân chia tại Đức.

Tình trạng hậu chiến của Đức đã luôn là vấn đề gây tranh luận nóng bỏng giữa Mỹ và Liên Xô ngay cả trước khi Thế chiến II kết thúc. Liên Xô muốn đảm bảo rằng Đức sẽ được giải giáp vĩnh viễn và yêu cầu khoản bồi thường chiến phí rất lớn từ chính phủ Đức sau chiến tranh. Trong khi đó, Mỹ lại do dự không muốn cam kết với những yêu cầu này.

Đến năm 1945, nhiều quan chức Mỹ bắt đầu coi Liên Xô là một kẻ thù tiềm tàng trong thế giới hậu chiến và cho rằng một nước Đức thống nhất– và thân phương Tây – sẽ có giá trị trong việc bảo vệ Châu Âu. Khi chiến tranh kết thúc vào tháng 05/1945, lực lượng của Liên Xô đã chiếm một phần lớn nước Đức, bao gồm cả Berlin. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Xô, Anh và Pháp dẫn đến việc thiết lập các khu vực chiếm đóng cho từng quốc gia. Berlin cũng được chia thành các khu vực chiếm đóng khác nhau. Dù Mỹ lẫn Liên Xô công khai kêu gọi thành lập một nước Đức thống nhất, cả hai đều đi đến kết luận rằng một nước Đức bị chia rẽ vĩnh viễn có thể có lợi cho cả hai bên.

Đối với Mỹ, Tây Đức với nền kinh tế hùng mạnh và sức mạnh quân sự tiềm tàng sẽ tạo nên một đồng minh quan trọng trong tình hình Chiến tranh Lạnh đang leo thang. Liên Xô cũng có kết luận tương tự đối với Đông Đức. Năm 1949, khi Mỹ đề xuất thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (một liên minh quân sự và chính trị giữa Mỹ và một số quốc gia châu Âu) và bắt đầu thảo luận về khả năng đưa một nước Tây Đức tái vũ trang tham gia vào NATO, Liên Xô đã phản ứng nhanh chóng.

Hiến pháp mới của Đông Đức, được phê chuẩn bởi Hội đồng Nhân dân trực thuộc Khu vực do Liên Xô Chiếm đóng (một cơ quan lập pháp bù nhìn do Liên Xô thống trị), khẳng định rõ ràng rằng họ sẽ thành lập một Đông Đức riêng biệt và độc lập.

Tháng 10/1949, Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) được tuyên bố thành lập. Trước đó, vào tháng 5, Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) cũng được chính thức tuyên bố thành lập. Đức vẫn là một quốc gia bị chia cắt cho đến khi chính quyền cộng sản sụp đổ ở Đông Đức và hai nửa đất nước thống nhất vào năm 1990.