12/04/1961: Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Soviet cosmonaut Yuri Gagarin becomes the first man in space, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1961, trên tàu vũ trụ Vostok 1, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Alekseyevich Gagarin trở thành người đầu tiên du hành vào vũ trụ. Trong chuyến bay, phi công thử nghiệm kiêm kỹ thuật viên công nghiệp 27 tuổi này cũng trở thành người đầu tiên bay quanh hành tinh của chúng ta, một kỳ tích được thực hiện bởi tàu không gian của ông trong vòng 89 phút. Vostok 1 đã bay quanh Trái Đất ở độ cao tối đa 187 dặm (301 km) và đã được hướng dẫn hoàn toàn bởi một hệ thống điều khiển tự động. Câu nói duy nhất được cho là của Gagarin trong suốt khoảng thời gian 1 giờ 48 phút trên vũ trụ là, “Chuyến bay đang diễn ra bình thường. Tôi vẫn khỏe.”

Sau khi chiến công lịch sử của ông được công bố, một Gagarin cuốn hút và khiêm nhường đã ngay lập tức trở thành người nổi tiếng trên toàn thế giới. Ông được trao tặng Huân chương Lenin và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Các tượng đài của ông được dựng lên khắp Liên Xô và nhiều đường phố cũng được đổi tên để vinh danh ông.

Chiến thắng của người Liên Xô trong chương trình không gian nhằm đưa con người đầu tiên lên vũ trụ đã trở thành một cú sốc lớn đối với Mỹ, những người đã lên kế hoạch cho chuyến bay vũ trụ đầu tiên vào tháng 05/1961. Ngoài ra, Gagarin đã bay vòng quanh Trái Đất, một kỳ tích mà chương trình vũ trụ của Mỹ vẫn chưa làm được mãi cho đến tháng 02/1962, khi phi hành gia John Glenn bay ba vòng quanh quỹ đạo Trái Đất trên tàu Friendship 7. Tính đến thời điểm đó, Liên Xô đã có một bước nhảy vọt khác trong “cuộc đua vào không gian” với chuyến bay tháng 08/1961 của nhà du hành vũ trụ Gherman Titov và tàu Vostok 2. Titov đã bay 17 vòng quanh quỹ đạo Trái Đất và sống hơn 25 giờ trong không gian.

Đối với các nhà tuyên truyền Liên Xô, chiến thắng trên không gian của nước này là bằng chứng cho sự thắng thế của chủ nghĩa cộng sản trước chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, đối với những cá nhân làm việc trong chương trình Vostok và trước đó là chương trình Sputnik (phóng vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ năm 1957), thành công chủ yếu đến từ tài năng siêu việt của một người đàn ông: Sergei Pavlovich Korolev. Vì quá khứ gây tranh cãi của mình, Trưởng ban thiết kế Korolev đã không được biết đến ở phương Tây, cũng như với công chúng Liên Xô, trừ những người trong cuộc, cho đến khi ông qua đời năm 1966.

Sinh ra ở Ukraine vào năm 1906, Korolev là thành viên của một nhóm các nhà khoa học đã phóng thành công tên lửa nhiên liệu lỏng đầu tiên của Liên Xô vào năm 1933. Năm 1938, người đỡ đầu ông trong quân đội trở thành nạn nhân trong cuộc thanh trừng của Lãnh đạo Liên Xô, Joseph Stalin, khiến Korolev và các đồng sự cũng bị đưa ra xét xử. Bị kết tội phản quốc và phá hoại, Korolev phải nhận bản án 10 năm tù giam trong trại tập trung. Tuy nhiên, chính quyền Liên Xô sớm lo ngại trước những tiến bộ tên lửa của Đức, và chỉ sau một năm, Korolev được giao phụ trách một phòng thiết kế trong nhà tù và được ra lệnh tiếp tục công việc chế tạo tên lửa của mình.

Năm 1945, Korolev được gửi đến Đức để tìm hiểu về tên lửa V-2, vốn đã được Đức Quốc Xã sử dụng hiệu quả trong việc tàn phá nước Anh. Người Mỹ đã bắt được nhà thiết kế tên lửa, Wernher von Braun, người sau này trở thành nhà khoa học đứng đầu chương trình không gian của Mỹ, nhưng Liên Xô vẫn có được một lượng tài nguyên tương đối về V-2, bao gồm tên lửa, thiết bị phóng, bản thiết kế và một vài kỹ thuật viên người Đức từng sản xuất V-2. Bằng cách sử dụng công nghệ này cùng tài năng kỹ thuật đáng kể của riêng mình, đến năm 1954, Korolev đã chế tạo được một tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 5 tấn, và năm 1957 đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên.

Năm đó, kế hoạch của Korolev nhằm phóng vệ tinh lên vũ trụ đã được phê duyệt và vào ngày 04/10/1957, Sputnik 1 đã được đưa vào quỹ đạo Trái Đất. Đó là chiến thắng đầu tiên của Liên Xô trong cuộc đua vũ trụ và Korolev, về mặt kỹ thuật vẫn là tù nhân, đã chính thức được phục hồi danh dự.

Từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960, chương trình không gian của Liên Xô dưới thời Korolev đã thành công trong việc đạt được rất nhiều cột mốc “lần đầu tiên” trên vũ trụ: động vật đầu tiên lên vũ trụ, vệ tinh khoa học lớn đầu tiên, người đàn ông đầu tiên, người phụ nữ đầu tiên, nhóm ba người đàn ông đầu tiên, cuộc đi bộ đầu tiên, tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận Mặt Trăng, tàu vũ trụ đầu tiên bay quanh Mặt Trăng, tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận sao Kim và tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh trên Mặt Trăng.

Trong suốt thời gian này, Korolev vẫn sống ẩn danh, chỉ được biết đến với cái tên “Trưởng ban thiết kế.” Đáng tiếc, uớc mơ gửi các phi hành gia lên Mặt Trăng của ông cuối cùng đã thất bại, chủ yếu vì chương trình khám phá Mặt Trăng của Liên Xô chỉ nhận được một phần mười số tiền được phân bổ cho chương trình Apollo về Mặt Trăng thành công của Mỹ.

Korolev qua đời vào năm 1966. Sau khi ông mất, danh tính của ông cuối cùng đã được tiết lộ cho thế giới, và ông đã được chôn cất tại Bức tường Kremlin như một anh hùng Liên Xô.

Còn Yuri Gagarin đã thiệt mạng trong một chuyến bay thử nghiệm máy bay phản lực thông thường vào năm 1968. Tro cốt của ông cũng được đặt tại Bức tường Kremlin.