Đằng sau sự hình thành các liên minh đối địch trong thế giới Hồi giáo

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Jonathan Spyer, “Turkey, Pakistan, Malaysia and Qatar form troubling new alliance”, The Jerusalem Post, 27/05/2020.

Biên dịch: Đỗ Minh Châu

Nhà truyền giáo đạo Hồi dòng Salafi người Ấn Độ hiện đang bị truy nã Zakir Naik gần như không được biết đến ở phương Tây. Naik, người sáng lập Quỹ Nghiên cứu Hồi giáo hiện đặt trụ sở tại Mumbai, đang bị chính quyền Ấn Độ truy nã vì tội rửa tiền và sử dụng ngôn ngữ thù địch nhằm gây kích động.

Naik là một nhà truyền giáo đạo Hồi có tiếng ở quê hương mình. Ông được coi là người theo đạo Salafi có ảnh hưởng nhất ở Ấn Độ và là “tín đồ phúc âm Salafi hàng đầu thế giới”. Quan điểm của ông về các chủ đề như đồng tính luyến ái, bội giáo hay về người Do Thái đều có nhiều ảnh hưởng (hai loại “tội” đầu đáng chịu án tử hình còn người Do Thái thì theo ông đang “kiểm soát nước Mỹ”).

Chính quyền Ấn Độ đã có bằng chứng rằng hai trong số bảy kẻ khủng bố thực hiện vụ tấn công chết người tại một quán cà phê ở Dhaka, Bangladesh vào ngày 1 tháng 7 năm 2016 thừa nhận rằng họ đã lấy cảm hứng từ những lời truyền đạo của Naik.

Có thể bản thân kẻ truyền giáo đang bị truy nã này chỉ là một mối lo ngại nhất thời. Nhưng các hoạt động của Naik lại đáng chú ý hơn bởi danh sách những người ủng hộ và các hoạt động của họ nhân danh ông ta nói lên nhiều điều về một liên minh mới nổi trong thế giới Hồi giáo đáng chú ý. Sự hình thành của liên minh này có vẻ sẽ có những hệ quả đáng kể trong thời gian tới, không chỉ đối với Israel và một số đối tác trong khu vực mà còn hơn thế nữa.

Sau khi chạy trốn chính quyền Ấn Độ, Naik đã may mắn nhận được quy chế thường trú nhân ở Malaysia. Ở đó, trường hợp của ông ta đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong dư luận. Đảng Hồi giáo Malaysia, với bốn bộ trưởng trong nội các chính phủ hiện tại, đang phản đối mạnh mẽ việc đáp ứng yêu cầu dẫn độ Naik của chính phủ Ấn Độ.

Các báo cáo của nhiều hãng truyền thông Ấn Độ nói rằng việc cấp quy chế thường trú nhân (một cách bất thường) cho kẻ truyền giáo đang bị truy nã này là do yêu cầu từ chính phủ Pakistan. Các báo cáo còn cho thấy “Pakistan cũng đang sử dụng mối quan hệ với … Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar để bảo trợ tài chính cho Zakir Naik.”

Về phần mình, Naik đã dành nhiều lời khen ngợi cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Trong cuộc nói chuyện với một nhóm Hồi giáo, đứng đầu là Bilal Erdogan, vào năm 2017, nhà truyền đạo Ấn Độ đã gọi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các nhà lãnh đạo Hồi giáo đủ can đảm để công khai ủng hộ Hồi giáo. Ôngnói thêm rằng “Ôi thế giới Hồi giáo, hãy bừng tỉnh … Erdogan sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo trong thế giới Hồi giáo.”

Tranh cãi xoay quanh Naik làm sáng tỏ mối quan hệ đang phát triển giữa ba quốc gia Hồi giáo quan trọng – Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Malaysia. Liên minh mới nổi này phản ánh sự chuyển dịch quyền lực trong thế giới Hồi giáo ra khỏi trung tâm Ả Rập truyền thống.

Ankara, Islamabad và Kuala Lumpur, với Qatar là đối tác bổ sung, nay tạo thành một trung tâm quyền lực mới nổi, được xây dựng theo định hướng chung hướng tới chủ nghĩa Hồi giáo Sunni bảo thủ. Liên minh này được gắn kết bởi nhiều kẻ thù cũng như mối quan tâm chung. Kẻ thù chung của họ là Ấn Độ, Israel và (ở một cấp độ nào đó) Kitô giáo phương Tây.

Ngoài ra đối thủ của liên minh này trong ngoại giao của thế giới Hồi giáo là Ả Rập Saudi, nước lâu nay thống trị Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, tổ chức ngoại giao chính của các quốc gia Hồi giáo và UAE.

Sự hình thành của liên minh mới này đã rõ ràng trong một thời gian. Vào cuối tháng 9 năm 2019, Erdogan, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 74 tại New York. Cả ba cùng đồng ý tại cuộc họp về việc thiết lập một kênh truyền hình tiếng Anh để chiến đấu chống “Chủ nghĩa bài trừ Hồi giáo” ở phương Tây.

Sau đó, Mahathir đã tìm cách triệu tập một hội nghị thượng đỉnh tại Kuala Lumpur vào tháng 12 năm 2019 để xác định “chuyện gì đã xảy ra với thế giới Hồi giáo – với mục đích cuối cùng là đòi lại danh tiếng và vinh quang cho thế giới Hồi giáo”, theo một thông cáo báo chí về hội nghị. Khi trả lời các phương tiện truyền thông ở Putrajaya, Malaysia, tại hội nghị, Mahathir cho biết “đây có thể được coi là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng lại nền văn minh Hồi giáo vĩ đại.”

Các quốc gia được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Kuala Lumpur là Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Qatar và Indonesia. Mahathir mô tả các quốc gia được mời là số ít các quốc gia chung quan điểm về đạo Hồi và các vấn đề mà người Hồi giáo phải đối mặt.

Áp lực sau đó của Ả Rập Saudi đối với Pakistan đã ngăn nước này tham dự hội nghị. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại giao chung của các quốc gia được mời vẫn diễn ra như bình thường. Cho đến nay, những nỗ lực này phần lớn nhắm vào Ấn Độ, với trọng tâm là vấn đề tranh chấp lãnh thổ Kashmir.

Kashmir dường như là một vấn đề được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đặc biệt, trong nỗ lực xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo, cùng với mong muốn thúc đẩy quan hệ với Pakistan.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một hội nghị quốc tế về chủ đề này vào ngày 21 tháng 11 năm 2019. Một thượng nghị sĩ Pakistan, Sherry Rehmen, đã tham gia cuộc họp. Trong chuyến thăm của Erdogan tới Pakistan vào đầu năm 2020, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc đến Kashmir sáu lần trong bài phát biểu dài 25 phút trước phiên họp chung của haiviện quốc hội Pakistan.

Erdogan đã ví tranh chấp Kashmir như cuộc đấu tranh của Thổ Nhĩ Kỳ để giữ vững Gallipoli trước cuộc đổ bộ của người Anh và người Pháp trong Thế chiến I. “Hồi đó là Canakkale và bây giờ là Kashmir. Không có sự khác biệt ở đây,” ông khẳng định như vậy. Những phát ngôn này đã khiến Ấn Độ gửi công hàm tới đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở New Delhi, yêu cầu họ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Ấn Độ.

Malaysia cũng đã có một giọng điệu mới, mạnh mẽ chỉ trích vấn đề này. Mahathir, một thời gian ngắn trước khi từ chức vào cuối năm 2019, đã nói rằng Ấn Độ đã “xâm lược và chiếm đóng” Kashmir và “đang có những hành động tước đoạt quyền công dân của người Hồi giáo.”

Điều đáng chú ý là trái ngược với sự vận động ngoại giao này, Ả Rập Saudi và UAE vẫn thống nhất rằng Kashmir là vấn đề nội bộ của Ấn Độ.

Điều này phản ánh sự gần gũi ngày càng gia tăng giữa Riyadh và New Delhi, một mối quan hệ cũng được thể hiện trong các khoản đầu tư lớn vào Ấn Độ mà Thái tử Mohammed bin Salman công bố trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2019.

Liên minh mới nổi giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Malaysia và Qatar có ý nghĩa về mặt chiến lược và ý thức hệ theo quan điểm của các quốc gia thành viên.

Nó phản ánh quá trình tái định vị đang diễn ra trên khắp châu Á, với bối cảnh bá quyền của Hoa Kỳ sau Chiến tranh Lạnh đang thoái trào. Các quốc gia này được liên kết bởi một tầm nhìn chung cùng một số kẻ thù chung đang trỗi dậy.

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã có quan hệ đối tác trên thực tế trong cả thập niên qua, trên cơ sở sự đối đầu chung với Ả Rập Saudi và UAE. Họ cũng thống nhất ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo chính trị Sunni trên toàn khu vực dưới hình thức Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, và một phiên bản tương tự ở Palestine – phong trào Hamas. Pakistan và Malaysia là những đồng minh tự nhiên cho khối mới nổi này. Và Ấn Độ hiện là mục tiêu ngoại giao chính của họ.

Liên minh này cũng chia sẻ sự thù hằn sâu sắc với nhà nước Do Thái. Đối thủ của họ – Ấn Độ và UAE – là những đối tác chiến lược mới nổi của Jerusalem. Zakir Naik, hiện đang trú ngụ ở Malaysia, với các tài khoản ngân hàng Qatar và sự bảo trợ ngoại giao của Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, đang chống lại những kẻ bội giáo, người đồng tính và người Do Thái, là một biểu tượng phù hợp của liên minh này.

Lý giải sự kình địch giữa Iran và Ả-rập Saudi

Tác giả hiện là giám đốc của Trung tâm Báo cáo và Phân tích Trung Đông và là nghiên cứu viên chính tại Diễn đàn Trung Đông và Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem. Ông là tác giả của cuốn Days of the Fall:  Reporter’s Journey in the Syria and Iraq Wars.