Nguồn: G. Edward Griffin, “Sinking Lusitania”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 12.
Biên dịch: Phạm Thị Thu Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island
Nội dung chính: Vai trò của J.P. Morgan trong việc cấp những khoản vay cho Anh và Pháp trong Thế chiến I; việc những khoản vay này gặp rủi ro vào thời điêm Đức gần như chắc chắn chiến thắng; việc từ bỏ một con tàu Anh và hy sinh những hành khách Mỹ – một chiến lược để kéo Mỹ vào cuộc chiến; Sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ để trả cho các khoản vay.
Nguồn gốc của Thế chiến I thường được quy cho sự kiện Hoàng tử Francis Ferdinard của Đế chế Áo- Hung bị ám sát bởi một người Serbia theo chủ nghĩa dân tộc năm 1914. Đó là một sự sỉ nhục đối với nước Áo nhưng chưa đủ là lý do để đưa thế giới lún sâu vào một cuộc xung đột chết chóc khiến hơn 10 triệu người bị chết và 20 triệu người bị thương. Trẻ con trong tuổi đi học ở Mỹ được dạy rằng Chú Sam nhảy vào cuộc chiến “để làm thế giới an toàn hơn cho dân chủ”. Nhưng như chúng ta sắp thấy sau đây, tiếng trống chiến tranh của Hoa Kỳ được gióng lên bởi những người mang những mục tiêu ít tính lý tưởng hơn nhiều.
Từ nửa sau thế kỷ 18, Công thức Rothschild đã kiểm soát môi trường chính trị của Châu Âu. Các quốc gia gia tăng đối đầu lẫn nhau vì tranh chấp biên giới, tranh giành thuộc địa và các tuyến giao thương. Một cuộc chạy đua vũ trang đã được tiến hành trong nhiều năm, các đội quân thường trực với số lượng lớn được tuyển mộ và huấn luyện, những liên minh quân sự được hình thành, tất cả đều nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. Vụ ám sát Ferdinand không phải là nguyên nhân mà chỉ là ngòi nổ. Nó chỉ là tia lửa châm ngòi cho khẩu pháo đại bác được lên đạn đầu tiên.
Một sự đầu tư cho cuộc chiến
Các nhu cầu cấp bách về chiến tranh tại Châu Âu buộc Anh và Pháp lún sâu vào nợ nần. Khi các ngân hàng trung ương của các nước này và những ngân hàng thương mại địa phương không còn đáp ứng được nhu cầu này, các quốc gia đang trong tình trạng nguy khốn này tìm đến Mỹ và chọn Gia tộc Morgan – với vai trò là đối tác của nhà Rothschilds – làm đại lý phát hành trái phiếu cho họ. Phần lớn khoản tiền thu được theo cách này nhanh chóng quay trở lại Mỹ để thu mua vật tư liên quan đến chiến tranh, và Morgan được lựa chọn làm đại lý Mỹ chuyên thu mua những vật tư này. Hoa hồng được trả cho tất cả các giao dịch theo cả hai chiều: một lần khi khoản tiền được mượn và một lần nữa khi nó được chi ra. Hơn nữa, nhiều công ty nhận được hợp đồng sản xuất hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Morgan hoặc nằm chắc chắn trong tầm kiểm soát về tài chính của Morgan. Nhờ một sự sắp xếp như thế, sẽ không có gì bất ngờ, như chúng sẽ thấy sau đây, khi Morgan đã không quá trông chờ cuộc chiến kết thúc. Ngay cả những người đáng kính nhất cũng bị lôi kéobởi sự cám dỗ của dòng tiền khổng lồ này.
Được viết vào năm 1919, chỉ vài tháng sau khi kết thúc chiến tranh, John Moody nói:
Anh và Pháp không chỉ chi trả cho những nhà cung cấp của họ bằng những khoản tiền được cấp bởi Phố Wall mà họ còn thu mua thông qua cùng một trung gian đó. Chắc chắn tập đoàn Morgan được lựa chọn cho nhiệm vụ quan trọng này. Vì thế cuộc chiến đã trao cho Phố Wall một vai trò hoàn toàn mới. Trước đó, nó chỉ là một trụ sở tài chính, nhưng giờ đây nó còn trở thành chợ công nghiệp lớn nhất mà thế giới từng biết đến. Bên cạnh việc bán cổ phiếu và trái phiếu, cung cấp vốn cho ngành đường sắt và thực hiện những nhiệm vụ khác của một trung tâm ngân hàng lớn, Phố Wall bắt đầu thực hiện những hợp đồng đạn pháo, đại bác, tàu ngầm, chăn, quần áo, giày dép, thịt hộp, bột mỳ và hàng ngàn vật phẩm khác cần thiết cho việc theo đuổi một cuộc chiến lớn.[1]
Tiền bắt đầu chảy từ tháng 1 năm 1915 khi Gia tộc Morgan ký hợp đồng với Hội đồng Quân đội và Hải quân Anh. Thương vụ đầu tiên thật kỳ lạ là dành để mua ngựa và khoản tiền được đấu thầu là 12 triệu đô. Nhưng đó mới chỉ là những giọt nước đầu tiên của trận mưa rào. Tổng lượng thu mua thực tế sẽ lên tận 3 tỷ đô.Công ty trở thànhngười mua hàng lớn nhất thế giới,với khoản chi lên đến 10 triệu đô/ngày. Văn phòng Morgan tại 23 Phố Wall bị bao vây bởi các nhà môi giới và các nhà sản xuất đang tìm cách có được hợp đồng. Ngân hàng này đã phải đặt nhân viên bảo vệ ở tất cả các cửa cũng như tại nhà ở của các nhân viên chính. Hàng tháng, Morgan chủ trì những thương vụ có giá trị tương đương với Tổng sản phẩm quốc dân của toàn thế giới chỉ một thế hệ trước đó.[2]
Trong suốt thời gian này, Morgan luôn quả quyết mạnh mẽ mình là người yêu chuộng hòa bình. Ông đã nói tại Ủy ban Quân trang Thượng viện: “Không ai có thể ghét chiến tranh hơn tôi”. Nhưng sự bộc bạch ngay thẳng đó khó được chấp nhận. Lewinsohn nhận xét:
Khoản vay 500 triệu đô la được ký vào mùa thu năm 1915 mang đến cho nhóm các ngân hàng, mà người đứng đầu là Morgan, một khoản lợi nhuận ròng 9 triệu đô… Một lần nữa, năm 1917, chính phủ Pháp trả cho Morgan và những ngân hàng khác khoản hoa hồng 1,5 triệu đô và 1 triệu đô nữa năm 1918.
Ngoài các khoản cho vay còn có nguồn lợi nhuận khác: Việc mua và bán tại Mỹ các loại chứng khoán mà các nước đồng minh muốn bán để có tiền mua đạn dược từ Hoa Kỳ. Ước đoán rằng trong giai đoạn chiến tranh, một khoản 2 tỷ đô lưu thông theo cách này qua tay của Morgan. Ngay cả khi tiền hoa hồng rất nhỏ, những giao dịch với quy mô như vậy có thể cho ông ta khả năng ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán nơi có thể mang lại những lợi thế thực sự…
Sự thù ghét chiến tranh của ông không ngăn cản ông, công dân của một quốc gia trung lập, cung ứng cho các cường quốc 4.400.000 khẩu súng trường tương đương với 194 triệu đô la… Lợi nhuận này đã bù đắp phần nào đó sự thù ghét chiến tranh của ông. Riêng về phần mình, ông nhận được từ việc làm đại lý cho chính phủ Anh và Pháp một khoản hoa hồng 1% trên các đơn hàng tổng giá trị 3 tỷ đô. Ngoài 2 đối tác chính trên, Morgan còn làm việc cho Nga (với số thương vụ lên đến 412 triệu đô), cho Italy và Canada (quy mô hoạt động kinh doanh của Morgan với 2 đối tác cuối này vẫn chưa được công bố)…
J.P. Morgan, và một vài cộng sự của ông trong ngân hàng, trong thời gian này là cổ đông của những công ty …vốn có được khoản lợi nhuận khổng lồ từ những đơn hàng mà Morgan giao cho họ… Thực sự đáng kinh ngạc khi một công việc mua sắm trọng yếu lại được ủy thác cho một người vừa là người mua và người bán.[3]
Tàu ngầm U-boat của Đức suýt thắng trong cuộc chiến
Tuy nhiên có những đám mây đen che phủ Phố Wall khi cuộc chiến trở nên xấu đi với phe Đồng minh. Khi thời gian qua đi và lịch sử cô đọng lại, thật dễ để quên rằng Đức và các Cường quốc Trung tâm đã suýt giành phần thắng trước khi Mỹ tham chiến. Sử dụng một hạm đội nhỏ gồm những con tàu ngầm mới được phát triển, Đức đã sắp sửa cắt đứt thành công mọi nguồn viện trợ bên ngoài cho Anh và các nước đồng minh. Đó là một chiến thắng đáng kinh ngạc và đã thay đổi mãi mãi khái niệm chiến tranh hải quân. Đức có tất cả 21 tàu ngầm U-boat, nhưng chúng cần được sửa chữa và bảo dưỡng thường xuyên, nên tại một thời điểm số lượng tối đa trực ngoài biển chỉ là 7. Mặc dù thế, từ 1914 đến 1918, tàu ngầm Đức đã đánh chìm hơn 5.700 tàu mặt nước. 300.000 tấn hàng của quân đồng minh bị chìm xuống đáy biển mỗi tuần. Cứ bốn con tàu hơi nước rời cảng của Anh thì có một chiếc không bao giờ trở lại. Trong những năm sau đó, Ngoại trưởng Anh Arthur Balfour viết rằng: “Vào thời gian đó, có vẻ như chúng tôi chắc chắn sẽ thua trận”.[4] Robert Ferrell, trong tác phẩm Woodrow Wilson và Thế chiến I, kết luận: “quân đồng minh đã tiến gần tới bờ vực của thảm họa, không có cách nào khác ngoài chấp nhận những điều kiện của Đức.”[5] William McAdoo, Bộ trưởng Bộ Tài chính giai đoạn đó (và cũng là con rể của Wilson) nói trong hồi ký của ông:
Người Anh gần mất hết tinh thần trên biển, họ ý thức sâu sắc về một thảm họa có thể xảy ra. Có một nỗi sợ hãi có cơ sở rằng Anh có thể bị bỏ đói dẫn đến đầu hàng trong khốn khổ … Ngày 27/04/1917, Đại sứ Walter H. Page mật báo cho thổng thống rằng lương thực thực phẩm tại Anh không đủ để cung cấp cho cư dân trong 6 tuần đến 2 tháng.[6]
Trước tình hình trên, Morgan không thể tìm kiếm được người mua mới cho những trái phiếu chiến tranh của các nước đồng minh, dù để có nguồn vốn mới hay để thanh toán cho các trái phiếu cũ đã đến ngày đáo hạn và đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Vấn đề này thực sự nghiêm trọng bởi một vài lý do. Nếu lượng bán trái phiếu tạm dừng lại thì sẽ không có tiền để tiếp tục đầu tư cho vật tư chiến tranh. Hoa hồng có thể bị mất ở cả hai đầu. Hơn nữa, nếu những trái phiếu được bán trước đó rơi vào tình trạng không thanh toán được, điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu Anh và Pháp buộc phải chấp nhận hòa bình theo các điều kiện mà Đức đưa ra, thì các nhà đầu tư sẽ phải chịu những khoản thua lỗ nặng nề. Cần phải làm điều gì đó. Nhưng là cái gì? Robert Ferrell gợi ý câu trả lời:
Giữa thập niên 1930, một ủy ban Thượng viện đứng đầu là Gerald P. Nye của bang Bắc Dakota đã điều tra việc buôn bán vũ khí trước năm 1917 và nêu lên một khả năng rằng chính quyền Wilson đã tham chiến bởi các ngân hàng Mỹ cần phải bảo vệ những khoản vay của các nước đồng minh.[7]
Như đã được William McAdoo đề cập ở trên, đại sứ Mỹ ở Anh vào thời điểm đó là Walter Hines Page, một thành viên ủy thác của một tổ chức xã hội của Rockefeller có tên gọi là Hội đồng Giáo dục Tổng hợp.Ủy ban Nye xác nhận rằng, bên cạnh lương chính phủ vốn bị ông ta phàn nàn là không đủ, Page còn nhận được một khoản phụ cấp 25.000 đô/năm (một con số khổng lồ vào năm 1917) từ Cleveland Dodge, chủ tịch Ngân hàng National City Bank của Rockefeller.Ngày15/03/1917, Đại sứ Page gửi một bức điện cho Bộ Ngoại giao tóm tắt cuộc khủng hoảng tài chính tại Anh.Bởi những nguồn cấp vốn mới đã cạn kiệt, theo ông cách duy nhất để duy trì cuộc chiến là nhận tài trợ trực tiếp từ Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, bởi hành động này vi phạm các hiệp ước trung lập, Mỹ có thể phải từ bỏ vị trí trung lập của mình và nhảy vào cuộc chiến. Ông nói:
Tôi cho rằng áp lực của cuộc khủng hoảng đang tới gần đã vượt ra ngoài khả năng ứng phó của Cơ quan Tài chính Morgan đối với chính phủ Pháp và Anh… Sự giúp đỡ lớn nhất chúng ta có thể dành cho các quốc gia Đồng minh là một khoản tín dụng như vậy… Trừ khi chúng ta tham chiến chống lại Đức, thì chính phủ của chúng ta tất nhiên không thể cung cấp một khoản trợ cấp tín dụng trực tiếp như vậy.[8]
Tập đoàn Morgan đã cho Anh và Pháp vay một khoản trị giá 1,5 tỷ đô la. Với việc cuộc chiến này trở nên bất lợi cho họ, các nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ hoàn toàn. Như Ferdinand Lundberg quan sát: “Sự tuyên chiến của Mỹ, ngoàiviệc giải cứu những dòng họ giàu nhất nước Mỹ khỏi một tình trạng nguy hiểm, thì còn mở ra một triển vọng lợi nhuận mới.”[9]
Đại tá House
Ở giai đoạn này, một trong những người có ảnh hưởng nhất đứng ở hậu trường là Đại tá Edward Mandell House, cố vấn riêng của Woodrow Wilson, và sau đó là của Franklin D. Roosevelt. House có mối liên hệ mật thiết với cả J.P. Morgan và những gia tộc ngân hàng lâu đời của Châu Âu. Ông có vài năm học tập tại Anh và, trong những năm sau đó, vây quanh ông là những thành viên tiêu biểu của Hội Fabian. Thêm vào đó, ông còn là ngườicó nhiều tài sản, phần lớn có được trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Cha ông, Thomas William House, làm đại diện bí mật cho các ngân hàng London ẩn danh tại Hoa Kỳ. Ông được cho là đại diện của Rothschilds. Mặc dù định cư tại Houston, Texas, người cha thường nhắc nhở rằng ông muốn con ông “biết và phụng sự cho Anh quốc”. Ông là một trong số ít cư dân của một bang ly khai miền Nam bước ra khỏi cuộc nội chiến với một khối tài sản lớn.
Đại tá House được thừa nhận rộng rãi là người đã lựa chọn Wilson cho vị trí ứng cử viên tổng thống và cũng là người đảm bảo Wilson được đảng đề cử.[10] Ông trở thành người đồng hành trung thành của Wilson, và tổng thống đã công khai thừa nhận rằng ông phụ thuộc rất nhiều vào các chỉ dẫn của Đại tá House. Nhiều quyết định bổ nhiệm quan trọng của Wilson trong chính phủ do House tận tay lựa chọn. Ông và Wilson thậm chí còn đi xa hơn khi phát triển một bảng mật mã cá nhân nhờ đó họ có thể giao tiếp tự do qua điện thoại.[11] Chính tổng thống đã từng viết: “Ông House là nhân cách thứ hai của tôi. Ông ấy là phần khác của tôi. Suy nghĩ của ông và của tôi là một.”[12]
George Viereck, một người viết tiểu sử ngưỡng mộ House, nói với chúng ta:
House nắm đoàn đại biểu Texas trong tay… Luôn luôn di chuyển lặng lẽ phía sau, ông đã dựng lên và hạ xuống nhiều thống đốc bang Texas… House lựa chọn Wilson bởi vì ông đánh giá Willson là ứng cử viên sáng giá nhất…
Trong suốt 7 năm, Đại tá House là hiện thân khác của Wilson. Trong 6 năm ông chia sẻ cùng Wilson mọi quyết định trừ việc bổ nhiệm chức danh Chánh án tòa án tối cao Hoa Kỳ. Trong 6 năm, ông được toàn quyền sử dụng hai phòng ở nửa phía Bắc của Nhà Trắng… Chính House là người lên danh sách cho Nội các, xây dựng những chính sách đầu tiên của Chính phủ và trực tiếp điều hành quan hệ đối ngoại của Mỹ. Chúng ta thực tế có hai tổng thống trong một!… Là Siêu đại sứ, ông nói chuyện với các vị vua và hoàng đế như là một người đồng cấp. Ông là tổng tư lệnh tinh thần của Chính phủ, là người thuyền trưởng chèo lái con thuyền này.[13]
Một hiệp định bí mật kéo Mỹ vào cuộc chiến
Khi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới gần nhiệm kỳ thứ hai của Wilson, Đại tá House tham gia vào một chuỗi đàm phán bí mật với Sir William Wiseman, người có quan hệ mật thiết với Đại sứ quán Anh tại Washington và là người có vai trò như một trung gian bí mật giữa House và Bộ Ngoại giao Anh. Charles Seymour viết: “Giữa House và Wiseman đã sớm có một vài bí mật chính trị.”[14] Điều này làm Ngoại trưởng William Jennings Bryan không hài lòng. Bà Bryan, đồng tác giả cuốn hồi ký của chồng bà, viết:
Trong khi Bộ trưởng Bryan đang phải chịu những trách nhiệm nặng nề của Bộ Ngoại Giao, thì một tình trạng kỳ lạ nổi lên quanh mối quan hệ không chính thức giữa ông E.M. House với tổng thống và những chuyến công tác nước ngoài của ông để giải quyết các vấn để đối ngoại của chính phủ mà không thông qua Bộ trưởng Bryan… Tổng thống đã giao thiệp một cách không chính thức với các quốc gia khác.[15]
Mục đích của những giao dịch này là gì? Không có gì khác ngoài giải quyết vấn đề liệu Mỹ có thể tham chiến không. Viereck giải thích:
10 tháng trước cuộc bầu cử giữ Wilson ở lại Nhà Trắng năm 1916 “bởi ông giữ nước Mỹ đứng ngoài cuộc chiến,” Đại tá House đã đàm phán một hiệp định bí mật với Pháp và Anh thay mặt Wilson qua đó cam kết Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc chiến theo phe các nước đồng minh.
Ngày 9/3/1916, Woodrow Wilson chính thức phê chuẩn cam kết này. Nếu việc đàm phán và ký kết giữa Đại tá House và các lãnh đạo của Anh và Pháp đến tai dân Mỹ trước cuộc bầu cử, nó có thể đã tạo ra làn sóng dư luận khôn lường…
Từ cuộc đàm phán này và một loạt cuộc hội nghị khác với Sir Edward Grey, Hiệp ước bí mật đã được xây dựng mà không cần thông báo và có sự thông qua của Thượng viện Hoa Kỳ, qua đó Woodrow Wilson và House trói Mỹ vào cỗ xe ngựa của phe Liên minh… Sau cuộc chiến, nội dung của bản hiệp định bị rò rỉ ra ngoài là vấn đề đầu tiên được bàn tán. Đại sứ Page bàn luận rất nhiều về vấn đề này. Đại tá House nói về lịch sử của nó. C. Hartlet Grattan cũng phân tích kỹ vấn đề này trong cuốn sách của ông có tựa đề Tại sao chúng ta tham chiến (Why We Fought). Nhưng vì một vài lý do khó lý giải, ý nghĩa to lớn của sự tiết lộ này chưa bao giờ được người dân Mỹ biết đến rộng rãi.[16]
Điều khoản cơ bản của Hiệp định này là chính phủ Mỹ sẽ đề nghị đàm phán một giải pháp hòa bình giữa Đức và các nước Đồng minh và sau đó sẽ đưa ra một đề xuất đặc biệt cho những điều khoản của giải pháp này. Nếu một trong hai bên từ chối đề xuất này thì Mỹ sẽ tham chiến với tư cách đồng minh của phe còn lại. Mục tiêu là nội dung của đề xuất được lập cẩn thận để Đức không thể chấp nhận. Vì thế, đối với thế giới, có vẻ như Đức là phía có lỗi và Mỹ vẫn có tính nhân đạo. Như Đại sứ Page nói trong bản ghi ngày 09/02/1916:
House di chuyển giữa Berlin- Harve- Paris để nói về khả năng can thiệp của Mỹ. Đầu tiên, kế hoạch của ông ấy là ông ấy và tôi và một nhóm trong nội các Anh (Grey, Asquith, Lloyd George, Reading, vv…) nên ngay lập tức thảo ra một chương trình hòa bình tối thiểu để phe Đồng minh chấp nhận, cái mà theo House là Đức không thể đồng ý. Sau đó Thổng thống sẽ đưa chương trình này trình bày cho cả hai phe; bên nào từ chối sẽ phải chịu trách nhiếm đối với việc chiến tranh tiếp diễn… Tất nhiên, điểm yếu chết người về mặt đạo đức của đề án nói trên là chúng ta (Mỹ) phải lún sâu vào cuộc chiến, không phải bởi nguyên nhân bắt buộc mà bởi một toan tính đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.[17]
Nhìn bề ngoài, có một nghịch lý là Wilson, người luôn luôn ủng hộ hòa bình, nay lại tham dự một hiệp định bí mật với các cường quốc nước ngoài để kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh mà nước Mỹ có thể dễ dàng né tránh. Chìa khóa có thể giải mã bí ẩn này là sự thật rằng Wilson cũng là một người theo chủ nghĩa quốc tế. Một trong những mối liên hệ mật thiết nhất giữa House và Wilson là ước mơ chung của họ về một chính phủ toàn cầu. Họ đều nhận ra rằng người Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận khái niệm này trừ khi có những tình tiết giảm nhẹ. Họ cho rằng một cuộc chiến đẫm máu kéo dài có thể là sự kiện duy nhất có thể tác động đến suy nghĩ người Mỹ khiến họ chấp nhận từ bỏ chủ quyền quốc gia, đặc biệt nếu nó được bao bọc bởi lời hứa sẽ đặt dấu chấm hết cho mọi cuộc chiến trong tương lai. Wilson cũng biết rằng nếu Mỹ tham chiến đủ sớm để tạo ra một điều thực sự khác biệt trong cuộc chiến, và nếu một lượng lớn đô la được các nước đồng minh vay, ông sẽ có được vị thế để đặt ra các điều khoản hòa bình sau chiến tranh. Ông viết cho Đại tá House: “Anh và Pháp không có cùng quan điểm về hòa bình như chúng ta theo bất cứ cách nào. Khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta có thể ép các nước này theo suy nghĩ của chúng ta bởi lúc đó họ sẽ bị phụ thuộc tài chính vào chúng ta.”[18] Và sau đó Wilson đã phải chịu đựng một thứ cảm xúc lẫn lộn khi chính ông dàn dựng cuộc chiến như là một điều xấu xa cần thiết để mang lại cái mà ông cho là điều tốt nhất, đó là chính phủ toàn cầu.
Đầu năm 1917, Tổng thống đã bắt đầu hé lộ về cuộc chiến và chính phủ toàn cầu trong hầu hết các bài phát biếu công khai. Trong một tuyên bố tiêu biểu tháng 3 cùng năm, ông nói: “Những sự kiện bi kịch trong 30 tháng rối loạn nghiêm trọng mà chúng ta vừa trải qua đã biến chúng ta trở thành các công dân của thế giới. Sẽ không có đường quay lại. Vận mệnh của dân tộc chúng ta gắn liền với vận mệnh thế giới, dù vận mệnh đó có may mắn hay không.”[19]
Cũng chính khoảng thời gian này Wilson đã cùng với những nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ trong Quốc hội cùng nhau có một buổi họp ăn sáng đặc biệt tại Nhà Trắng. Ông đã trình bày với họ rằng mặc dù công chúng không đồng tình nhưng có rất nhiều lý do hợp lý để nước Mỹ nhảy vào cuộc chiến, và ông đề nghị họ giúp ông thuyết phục Quốc hội và cử tri về kế hoạch này. Harry Elmer Bannes cho biết:
Những vị này phản đối chiến tranh và từ chối kịch liệt đề xuất của ông. Wilson biết rằng ngay trước kỳ bầu cử mà làm đảng bị chia rẽ là không nên, vì thế ông gạt vấn đề này sang một bên và cùng với Đại tá House vạch ra một đề cương hòa bình cho chiến dịch tranh cử sắp tới. Thống đốc Martin Glynn của New York và thượng nghị sĩ Ollie James của Kentucky được cử tới Hội nghị St. Louis để phát biểu dẫn đề trên cơ sở khẩu hiệu: “Ông ấy giữ chúng ta đứng ngoài chiến”… Trước khi tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai, người Đức đã trao lợi thế vào tay ông khi thông báo nối lại chiến tranh tàu ngầm… Đó là điều may mắn cho Anh và các ngân hàng khi mà người Đức phạm sai lầm đúng lúc này, khi mà Anh đã thậm chi khoản tín dụng mà Mỹ cung cấp cho là hơn 450 triệu đô la và các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc phát hành thêm các khoản cho vay cá nhân lớn. Đã đến lúc chuyển gánh nặng tài chính của phe Liên minh cho Bộ Tài chính liên bang.[20]
Thuyết phục người Mỹ về chiến tranh
Thông qua những hiệp định và âm mưu bí mật, Mỹ đã cam kết tham chiến, nhưng các nhà chính trị và tiền tệ nhận ra rằng vẫn còn việc cần làm để thay đổi quan điểm của công chúng. Làm thế nào để đạt được mục đích này?
Sự kiểm soát của Phố Wall đối với những phân đoạn quan trọng của truyền thông là rất đáng lưu tâm. George Wheeler nói với chúng tôi rằng: “Quanh thời điểm đó, công ty Morgan đang chọn nhà quản lý cấp cao cho Công ty xuất bản lâu đời đang gặp rắc rối là Harper & Brothers…. Trong lĩnh vực báo chí, Pierpont Morgan trong giai đoạn này đang nắm quyền kiểm soát tờ New York Sun,… Boston News Bureau, tạp chí Barron’s, và tờ Wall Street Journal”[21]
Ngày 09/02/1917, Hạ nghị sĩ Callaway đến từ Texas tham dự hội nghị và cung cấp thêm cách nhìn. Ông nói:
Tháng 3 năm 1915, các nhóm lợi ích thuộc J.P. Morgan, các nhóm về lĩnh vực sắt thép, đóng tàu và thuốc súng cùng các công ty con chọn ra 12 người sáng giá nhất trong ngành báo chí thế giới và thuê họ để chọn ra những tờ báo có sức ảnh hưởng nhất nước Mỹ và một số người trong số họ giúp quản lý tổng thể các chính sách áp dụng cho những ấn phẩm xuất bản hàng ngày… Họ nhận ra chỉ cần nắm được quyền kiểm soát 25 trong số các tờ báo tốt nhất… Một thỏa thuận đã được thông qua; chính sách của các tờ báo đã bị mua chuộc và thanh toán ngay trong tháng; một biên tập viên được bổ sung thêm cho mỗi tờ báo giúp họ giám sát và chỉnh sửa thông tin liên quan đến những câu hỏi về sự sẵn sàng tham chiến, chính sách quân sự và tài chính và những vấn đề trong nước và quốc tế phù hợp với lợi ích của những người mua chuộc.[22]
Charles S. Mellen đến từ Công ty Đường sắt New Haven làm chứng trước Quốc hội rằng công ty đường sắt của ông, thực chất do Morgan làm chủ, có hơn 1.000 biên tập viên New England trong biên chế, tốn khoảng 400.000 USD/năm. Công ty đường sắt cũng nắm giữ gần nửa triệu đô dưới hình thức trái phiếu do Boston Herald phát hành.[23] Mạng lưới kiểm soát này được nhân lên bởi hàng trăm công ty liên quan được kiểm soát cũng bởi Morgan và những ngân hàng đầu tư khác.
Thêm vào đó, Morgan còn thực hiện việc kiểm soát phương tiện truyền thông thông qua sức mạnh của quảng cáo. Viết năm 1937, Lundberg trình bày rằng: “J.P. Morgan kiếm soát lượng quảng cáo nhiều hơn bất cứ tập đoàn tài chính đơn lẻ nào, một yếu tố ngay lập tức khiến các nhà xuất bản độc lập phải dành sự chú ý đầy nể trọng cho ngân hàng này.”[24]
Việc Morgan kiểm soát phương tiện truyền thông vào giai đoạn đó đã được ghi chép rõ ràng, nhưng không có nghĩa chỉ có một mình ông hoạt động trong lĩnh vực này. Tại phiên điều trần năm 1912 được tổ chức bởi Ủy ban Đặc quyền và Bầu cử Thượng viện, Hạ nghị sĩ Joseph Sibley đến từ Pennsylvania được tiết lộ là đã làm trung gian rót tiền của Fockefeller tới rất nhiều Nghị sĩ. Một lá thư được giới thiệu tại Ủy ban do Sibley viết năm 1905 gửi tới John D. Archbold, người thuộc Công ty Standard Oil của Rockefeller và cũng là người cung cấp khoản tiền. Trong lá thư, Sibley nói: “Một phòng biên tập hiệu quả là cần thiết, không phải chỉ cho một ngày hay một cuộc khủng hoảng mà là để kiểm soát lành mạnh lâu dài hãng Associated Press và các cơ quan tương tự. Việc này sẽ tốn kém nhưng cuối cùng sẽ là cách tiết kiệm nhất.”[25]
Lundberg nhận xét thêm:
Thông tin có được cho tới lúc này cho thấy Rockefellers đã từ bỏ chính sách cũ là sở hữu hoàn toàn các tờ báo và tạp chí, thay vào đó giờ đây ông dựa vào các ấn phẩm thuộc mọi thành phần để phục vụ tốt nhất lợi ích của họ, đổi lấy một lượng lớn dầu mỏ và quảng cáo (cho) đồng minh dưới sự chỉ đạo của Rockefeller.Sau khối J.P. Morgan, Rockefellers có trong tay lượng quảng cáo nhiều hơn bất cứ tổ chức nào khác. Và khi chỉ mình quảng cáo không đủ hiệu quả trong việc đảm bảo sự trung thành của một tờ báo thì các công ty của Rockefeller được biết là đã trực tiếp chi ra để đổi lấy thái độ hợp tác từ các biên tập viên.[26]
Vì thế không ngạc nhiên khi một phần lớn báo chí quốc gia, đặc biệt là ở miền Đông, bắt đầu lên tiếng phê phán Đức. Những lời kêu gọi tiến hành cuộc chiến chống lại “kẻ thù của nền văn mình phương Tây” lan rộng khắp cả nước. Các biên tập viên trở nên hùng hồn về trách nhiệm yêu nước của tất cả người dân Mỹ để bảo vệ nền dân chủ thế giới. Các cuộc tuần hành và diễu binh lớn thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu đã được tổ chức trên phạm vi lớn.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Mặc dù đã tổ chức chiến dịch lớn để lôi kéo lòng tin, người dân Mỹ vẫn không bị cắn câu. Các cuộc thăm dò được thực hiện giai đoạn này thể hiện tâm lý chung vẫn là ủng hộ việc đứng ngoài cuộc chiến ở Châu Âu. Rõ ràng, cần phải làm điều gì đó quyết liệt và nghiêm trọng hơn để thay đổi quan điểm của công chúng.
Morgan kiểm soát hàng hải
Ngân hàng không phải lĩnh vực kinh doanh duy nhất mà Morgan có lợi ích tài chính lớn. Sử dụng quyền kiểm soát đối với ngành đường sắt quốc gia làm đòn bẩy tài chính, ông đã tạo ra một lĩnh vực độc quyền trong lĩnh vực vận chuyển đường biển quốc tế gồm cả hai hãng tàu lớn nhất Đức cộng với một trong hai hãng tàu lớn nhất tại Anh, hãng White Star Lines. Năm 1902, Morgan đã từng nỗ lực kiểm soát nốt hãng tàu lớn còn lại của Anh, Cunard Company, nhưng ông bị ngăn cản bởi Hải quân Anh bởi họ muốn giữ Cunard nằm ngoài tầm kiểm soát của các thế lực nước ngoài để tàu của Cunard có thể được đưa vào phục vụ quân đội trong thời chiến nếu cần. Tàu Lusitania và Mauretania do Cunard đóng trở thành đối thủ cạnh tranh chính của cartel của Morgan. Bởi vậy, một chú thích thú vị của lịch sử là theo quan điểm của Morgan, sự tồn tại của tàu Lusitania là không cần thiết. Ron Chernow giải thích:
Pierpont đã xây dựng một kế hoạch cho một công ty hàng hải Mỹ để chuyển đổi nguyên tắc “cộng đồng lợi ích” – tức sự hợp tác của các đối thủ cạnh tranh trong một ngành công nghiệp nào đó – sang phạm vi toàn cầu. Ông tạo ra… (hạm đội) tư nhân lớn nhất thế giới… Một kiến trúc sư quan trọng trong việc xây dựng công ty độc quyền hàng hải là Albert Ballin, mà hãng tàu hơi nước Hamburg-Amerika Steamship Line nơi ông làm chủ sở hữu hàng trăm con tàu, là hãng tàu lớn nhất thế giới… Pierpont phải chiến đấu với độc nhất một hãng tàu, hãng Cunard của Anh…Sau chiến tranh Boer, tập đoàn Morgan và Cunard làm kiệt quệ lẫn nhau bởi các cuộc chiến giảm lãi suất.[27]
Như trình bày ở trên, Morgan được giữ làm đại lý thương mại chính thức của Anh. Ông giải quyết việc mua tất cả các loại vật tư chiến tranh tại Mỹ cũng như sắp xếp việc vận chuyển. Tiếp bước nhà Rothschild ở những thế kỷ trước đó, ông nhanh chóng học được những kỹ năng làm ra lợi nhuận từ việc buôn lậu trong thời chiến. Colin Simpson, tác giả của cuốn The Lusitania, miêu tả hoạt động này như sau:
Suốt giai đoạn Mỹ đứng trung lập, các quân nhân mặc thường phục của Anh làm việc tại công ty của Morgan. Tổ hợp ngân hàng lớn này nhanh chóng tạo nên mạng lưới mê cung những chủ hàng giả, tài khoản ngân hàng và cả vật phẩm buôn lậu. Không chỉ Đức thiệt hại mà còn có những trường hợp nghiêm trọng khác khi chúng ảnh hưởng đến Hải quân và hãng Cunard, chưa nói tới những hành khách không may mắn trên những chuyến tàu có chứa hàng lậu.[28]
Tàu Lusitania
Lusitania là một tàu chở khách của Anh thường xuyên thực hiện hành trình giữa Liverpool và New York. Con tàu này thuộc về Cunard Company, công ty mà như đã trình bày ở trên, là hãng tàu lớn duy nhất được coi là đối thủ cạnh tranh của cartel Morgan. Tàu rời cảng New York ngày 1 tháng 5 năm 1915, và bị tàu ngầm Đức đánh chìm gần bờ biển Ireland 6 ngày sau đó. Trong số 1.195 người thiệt mạng có 195 người Mỹ. Hơn bất cứ sự kiện nào khác, chính sự kiện này đã mang lại cho những người ủng hộ chiến tranh một nền tảng thuyết phục cho quan điểm của họ, và nó trở thành bước ngoặt trong suy nghĩ của người Mỹ khi họ bắt đầu miễn cưỡng chấp nhận nếu không phải sự cần thiết của cuộc chiến thì it nhất cũng là khả năng không thể tránh khỏi của nó.
Thông tin tàu Lusitania là một tàu chở hành khách là không chính xác. Mặc dù con tàu được xây dựng rất sang trọng, cấu trúc đặc biệt của nó được thiết kế bởi Hải quân Anh để con tàu có thể được chuyển đổi khi cần thiết thành một chiếc tàu chiến. Tất cả mọi thứ từ công suất của động cơ và hình dáng của thân tàu cho tới vị trí của khu vực lưu trữ đạn dược, trên thực tế đều được thiết kế cho hoạt động quân sự. Con tàu được đặc biệt xây dựng để mang theo 12 khẩu súng cỡ nòng 6 inch. Chi phí xây dựng để có được những tính năng này do chính phủ Anh chi trả. Ngay cả trong thời bình, các thuyền viên được yêu cầu gồm cả sĩ quan và thủy thủ của lực lượng dự bị Hải quân Hoàng gia.
Tháng 5/1913, tàu được đưa trở lại xưởng và trang bị thêm vỏ bọc thép, các vòng súng xoay được trên bong tàu và kệ pháo trong khoang chứa đạn. Thang kéo tay để nâng đạn pháo cho vào súng cũng được lắp đặt. 12 khẩu pháo hỏa lực mạnh được vận chuyển tới xưởng. Tất cả điều này được ghi chép công khai tại Bảo tàng Hàng hải Quốc gia tại Greenwich, Anh, nhưng liệu những khẩu đại bác này có thực sự được lắp đặt trong thời gian đó thì vẫn còn nhiều tranh luận. Không có bằng chứng cho điều này. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, vào ngày 17 tháng 9, tàu Lusitania vẫn trở lại biển sẵn sàng cho sự khắc nghiệt của cuộc chiến, và con tàu được đưa vào danh bạ hạm đội Hải quân dưới danh nghĩa không phải là tàu chở khách mà là một tàu tuần dương bổ trợ có vũ trang! Sau này, con tàu được liệt kê trong ấn phẩm Jane’s Fighting Ships là tàu tuần dương phụ trợ và trong ấn phẩm The Naval Annual của Anh là tàu buôn có vũ trang.[29]
Tại xưởng, sự sửa đổi gồm cả việc loại bỏ tất cả phòng cho hành khách tại tầng dưới tàu để tạo nhiều khoảng trống hơn cho hàng hóa quân sự. Sau đó, con tàu trở thành một trong những phương tiện quan trọng nhất chuyên vận chuyển vật tư chiến tranh, gồm cả đạn dược từ Mỹ sang Anh. Ngày 8 tháng 3 năm 1915, sau vài lần giáp mặt với tàu ngầm Đức, thuyền trưởng tàu Lusitania xin từ chức. Ông nói ông sẵn sàng đối mặt với các tàu ngầm U-boat nhưng ông không thể “chịu trách nhiệm cho việc trộn lẫn giữa hành khách và đạn dược hay hàng buôn lậu.”[30]
Churchill đặt bẫy
Một kho đạn nổi
Chuyến đi cuối cùng
Một vụ nổ lớn, một ngôi mộ dưới đáy biển
Sự che đậy nhanh chóng
Kêu gọi chiến tranh
Tóm lược
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll-Ch 12.pdf
————
[1] John Moody, The Masters of Capital (New Haven: Yale University Press, 1919), trang 164-165.
[2] Chernow, trang 187-89.
[3] Lewinsohn, trang 103-4,222-24.
[4] Balfour MSS, FO/800/208, British Foreign Office records, Public Record Office, London, as cited by Robert H. Ferrel l , Woodrow Wilson and World War I (New York: Harper & Row, 1985), trang 35.
[5] Ferrel l , trang 12.
[6] William G. McAdoo, Crowded Years (New York: Houghton Miffl in, 1931; rpt. New York: Kennikat Press, 1971), trang 392.
[7] Ferrel l , trang 88.
[8] Quoted by Ferdinand Lundberg, America’s Sixty Families (New York: Vanguard Press, 1937), trang 141. Also see Link et al ., eds., The Papers of Woodrow Wilson, Vol . 41 (1983), trang 336-37, cited by Ferrel l , trang 90.
[9] Lundberg, trang 141-42
[10] The Columbia Encyclopedia (Third Edition, 1962, trang 2334) nói rằng sự đề cử của Đảng Dân chủ dành cho Wilson khi William Jennings Bryan chuyển sang ủng hộ ông là “do Edward M. House dẫn dắt.” Chi tiết xem thêm Martin, trang 155.
[11] Charles Seymour, The Intimate Papers of Colonel House (New York: Houghton Mifflin Co., 1926), Vol . I, trang 114-15.
[12] Seymour, Vol . I, trang 114.
[13] George Sylvester Viereck, The Strangest Friendship in History: Woodrow Wilson and Colonel House (New York: Liveright Publishers, 1932), trang 4, 18-19,33, 35.
[14] Seymour, Vol . II, trang 399.
[15] William Jennings Bryan and Mary Baird Bryan, The Memoirs of William Jennings Bryan (New York: Kennikat Press, 1925), Vol .II, trang 404-5.
[16] Viereck, trang 106-08. Vấn đề này, cùng với bản ghi chú đầy đủ của Sir Edward, được thảo luận trong The Memoirs of William Jennings Bryan Vol. II, trang404-6.
[17] Quoted by Viereck, trang 112-13.
[18] Quoted by Ferrel l , trang 88.
[19] Ferrel l , trang 12.
[20]Harry Elmer Barnes, In Quest of Truth and Justice: De-Bunking the War Guilt Myth (Chicago: National Historical Society, 1928; rpt. New York: Arno Press & The New York Times, 1972), trang 104. Để biết một tường thuật khác về cuộc họp này, xem Viereck, trang180-83.
[21] George Wheeler, Pierpont Morgan and Friends: The Anatomy of a Myth (Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice Hal l , 1973), trang 283-84.
[22] Congressional Record, Vol . 54, Feb. 9, 1917, trang 2947.
[23] Lundberg, trang 257. [khoản tiền $400,000 năm 1915 tương đương với $4,400,000 ngày nay]
[24] Lundberg, trang 252.
[25] Ibid., trang 97, 249.
[26] Ibid., trang 247.
[27] Chernow, trang 100-01
[28] Col in Simpson, The Lusitania (Boston: Little, Brown & Co., 1972), trang 50.
[29] Simpson, trang 17-28, 70.
[30] Simpson, trang 87