Nguồn: “Truman confronts Molotov,” History.com (truy cập ngày 22/4/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày 23 tháng 4 năm 1945, chưa đầy hai tuần sau khi nhậm chức Tổng thống sau cái chết của Franklin D. Roosevelt, Harry S. Truman đã công kích Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov. Sự kiện này cho thấy Truman đã quyết tâm áp dụng một lập trường “cứng rắn hơn” đối với Liên Xô so với người tiền nhiệm của mình.
Sau khi Roosevelt qua đời vì đột quỵ hôm 12 tháng 4 năm 1945, Harry S. Truman đã lên nắm quyền tổng thống. Truman đã bị choáng ngợp trước những trách nhiệm mà ông đột ngột phải gánh vác và vị tổng thống mới này vẫn chưa chắc chắn về phương hướng trước mắt, đặc biệt là về chính sách đối ngoại. Roosevelt đã giữ bí mật với vị phó Tổng thống của mình về hầu hết các quyết định ngoại giao, thậm chí còn không thông báo cho Truman về chương trình bí mật nhằm phát triển bom nguyên tử.
Thế nhưng Truman phải nhanh chóng nắm bắt mọi việc. Sự kết thúc sắp tới của Thế chiến II đồng nghĩa với việc các quyết định quan trọng về thế giới hậu thế chiến cần được đưa ra nhanh chóng. Vấn đề chính mà Truman phải đối mặt là đối phó ra sao với Liên Xô.
Chỉ vài tuần trước khi qua đời, Roosevelt đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và Thủ tướng Anh Winston Churchill ở Yalta để thảo luận tình hình hậu thế chiến. Những thỏa thuận được ký trong cuộc họp đã cho phép Liên Xô kiểm soát Đông Âu trên thực tế để đổi lấy lời hứa của Liên Xô là sẽ tổ chức bầu cử “dân chủ” ở Ba Lan. Một số quan chức trong chính phủ Mỹ đã lo sợ trước những quyết định này, tin rằng Roosevelt đã quá “mềm mỏng” đối với Liên Xô và ngây thơ với niềm tin rằng Stalin sẽ hợp tác với phương Tây sau chiến tranh.
Truman nghiêng về phía quan điểm này, một phần vì muốn tỏ ra cương quyết, một phần vì thái độ thù địch từ lâu của ông đối với Liên Xô.
Ngày 23 tháng 4 năm 1945, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov đến Nhà Trắng để dự một cuộc họp cùng vị Tổng thống mới của Mỹ. Truman lập tức chỉ trích Molotov “bằng những từ một âm tiết” (“in words of one syllable” – các từ chửi thề trong tiếng Anh đa số đều có một âm tiết – NBT) như vị tổng thống sau này nhớ lại. Trong khi Molotov lắng nghe một cách đầy hoài nghi, Truman cáo buộc rằng Liên Xô đã phá vỡ cam kết của họ và Stalin cần giữ lời hứa. Sau một tràng đả kích của Truman, Molotov phẫn nộ tuyên bố rằng ông chưa từng gặp ai nói năng như vậy trong cuộc đời mình. Không chịu kém cạnh, Truman trả lời rằng nếu Molotov giữ lời thì ông đã không cần phải nói như thế.
Molotov đột ngột rời cuộc họp. Truman đã rất vui mừng với buổi nói chuyện của mình, nói với một người bạn rằng ông đã cho vị quan chức Liên Xô kia “một cú ăn thua thẳng vào hàm” (“the straight one-two to the jaw”). Tổng thống Truman tin tưởng rằng một lập trường cứng rắn là cách duy nhất để đối phó với những người cộng sản, chính sách đó đã thống trị các chính sách của Mỹ đối với Liên Xô trong thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh.
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov.