Nguồn: Minxin Pei, “China’s one-child calamity”, Project Syndicate, 04/11/2015.
Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách một con sau 35 năm thi hành đã khép lại một trong những chương tăm tối nhất của lịch sử nước này. Vào cuối những năm 1970, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhận định rằng, kiểm soát dân số là chìa khóa cho việc thực hiện quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hàng triệu ca phá thai, triệt sản đã diễn ra sau đó, và giờ đây, họ đang phải trả giá.
Theo những số lệu chưa chính thức, chính sách một con đã gây ra tổn thất về người thậm chí còn lớn hơn cả chiến dịch Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông – nguyên nhân dẫn đến nạn đói khủng khiếp khiến xấp xỉ 36 triệu người chết từ năm 1959 đến năm 1961 – và Cách Mạng Văn Hóa – thời kì xảy ra bạo lực chính trị quy mô lớn khiến hơn cả chục triệu người chết trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến năm 1976.
Để thực thi chính sách, theo dữ liệu được ban hành bởi Bộ Y Tế Trung Quốc năm 2013, từ năm 1971 đến năm 2012, có 336 triệu ca phá thai – nhiều hơn tổng dân số Hoa Kỳ – đã được thực hiện tại các cơ sở được cấp phép. (Mặc dù chính sách một con chỉ được ban hành khoảng sau năm 1979, nhưng các chính sách kế hoạch hóa gia đình khác đã tồn tại trước đó.)
Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy thi hành chính sách một con, thậm chí còn đưa ra một con số cao hơn: hơn 13 triệu ca nạo phá thai mỗi năm – chưa kể những ca dùng thuốc hay được thực hiện tại các cơ sở tư nhân chưa được cấp phép.
Tất nhiên, không thể biết chính xác bao nhiêu trong số các ca phá thai trên là hệ quả của chính sách này. Nhưng, như ở Ấn Độ, nơi mà phá thai là hợp pháp và các chính sách kế hoạch hóa gia đình tương tự không tồn tại, con số lại thấp hơn đáng kể – tuy không thấp ở mức 630.000 ca như những gì mà Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ cung cấp, nhưng con số thực tế chỉ khoảng gần sáu triệu ca một năm.
Mặc dù có sự chênh lệch đáng kể giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng dân số của hai quốc gia này lại xấp xỉ nhau. Vậy nên có cơ sở để nói rằng, một nửa số ca phá thai của Trung Quốc – khoảng 6,5 triệu ca nạo phá thai hợp pháp, cộng với những ca sử dụng thuốc hay những ca phá chui mỗi năm – là kết quả của chính sách một con. Có nghĩa là đã có tới 200 triệu ca phá thai trong suốt 35 năm thực hiện chính sách.
Thế nhưng việc ép phá thai mới chỉ là màn khởi đầu. Trong thực tế, những con số gây sốc kia còn chưa nói lên được những gì con người phải chịu đựng hay những hậu quả kinh tế tồi tệ mà chính sách một con đã gây ra.
Giới truyền thông đã đưa nhiều câu chuyện về các gia đình và những người phụ nữ đang mang thai phải hứng chịu cảnh đối xử dã man từ các viên chức địa phương vì đã vi phạm chính sách – một hành động tàn bạo được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết The Dark Road (tạm dịch: Con đường tăm tối) của Mã Kiến. Trong một vụ việc nổi tiếng năm 2012, chính quyền địa phương tỉnh Thiểm Tây đã buộc một phụ nữ phải bỏ cái thai đã bảy tháng.
Không chỉ phải chịu những chấn thương về tâm lý và thể xác, các nạn nhân của chính sách này – cũng thường là những người nghèo nhất – còn phải đối mặt với những hình phạt đánh vào kinh tế. Xem xét một số tỉnh điển hình cho thấy Chính phủ Trung Quốc thu được khoảng 20 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ đô la) mỗi năm từ các khoản phạt do vi phạm kế hoạch hóa gia đình. Quan chức địa phương nhiều nơi còn thẳng thừng đe dọa những người vi phạm bằng những hình phạt dã man như phá nhà hay tịch thu gia súc, gia cầm.
Chính sách một con còn gây ra những hậu quả lâu dài về nhân khẩu học. Những dữ liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi – những người từ 65 tuổi trở lên so với những người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) – hiện tại ở mức 13%. Khi những thế hệ con một già đi – sẽ có thêm mười triệu người về hưu mỗi năm – thì tỉ lệ này sẽ còn tăng cao, cùng với đó là việc nguồn lao động thặng dư đã tạo ra sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế Trung Quốc bấy lâu nay sẽ được thay thế bởi tình trạng thâm hụt nhân lực nghiêm trọng vốn có thể kìm hãm tăng trưởng.
Một vấn đề nhức nhối không kém là tình trạng mất cân bằng giới tính đáng báo động của nước này. Các gia đình đều mong muốn sinh được con trai, điều này đã dẫn đến hàng loạt các ca phá thai chọn giới tính. Năm 2013, lượng nam giới từ 0 đến 24 tuổi nhiều hơn số nữ giới đến 23 triệu người, có nghĩa là, hơn 20 triệu đàn ông trẻ Trung Quốc sẽ không thể kết hôn trong những thập niên tới.
Bài học đắt giá nhất từ những thiệt hại mà chính sách một con gây ra đơn giản là chính quyền nước này đã áp đặt chính sách này quá lâu. Thực tế Trung Quốc là nước duy nhất trong lịch sử đã thực hiện thành công việc ép giảm dân số. Mấu chốt nằm ở chế độ độc đảng không ai kiểm soát được duy trì bởi một bộ máy quan liêu đồ sộ và đầy quyền lực.
Những ai khi nhìn từ ngoài vào thường sẽ thấy ngưỡng mộ trước khả năng hoàn thành mục tiêu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – ít nhất khi đó là những việc như xây dựng thành phố siêu hiện đại và mạng lưới đường tàu cao tốc. Nhưng họ lại không quan tâm đến những hậu quả nghiêm trọng mà Đảng này đã gây ra khi cố dùng quyền lực của mình để theo đuổi một mục tiêu tàn bạo.
Giờ đã đến lúc thẳng thắn nhìn nhận những hậu quả trên, nhất là khi giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa thôi ý định hạn chế sinh sản. Trái lại, họ chỉ đơn giản là đang chuyển từ chính sách một con sang chính sách hai con. Trung Quốc cũng như các quốc gia khác phải nhấn mạnh tính chất dã man mà các chính sách này gây ra, đồng thời phải hành động để đảm bảo rằng những chính sách như thế sẽ không còn tồn tại, ở Trung Quốc hay bất kỳ nơi nào khác.
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), giáo sư về quản trị tại Claremont McKenna College, là nghiên cứu viên không thường trú của Quỹ Marshall Đức ở Hoa Kỳ.
Copyright: Project Syndicate 2015 – China’s one-child calamity
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]