Nguồn: Harold James, “Europe’s Last Straw?” Project Syndicate, 05/11/2015.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng kinh hoàng. Sau khi khủng hoảng đồng euro và nợ công kéo dài đã chia rẽ châu lục này, tạo ra một sự rạn nứt bắc-nam sâu sắc, sự xuất hiện của hàng trăm ngàn người tị nạn đã khiến Đông Âu (cộng với Vương quốc Anh) bất đồng với Tây Âu. Thêm vào đó là rất nhiều chia rẽ và mâu thuẫn khác, và đối với nhiều người, việc EU sụp đổ dường như nhiều khả năng xảy ra hơn bao giờ hết.
Hãy xem xét những sự khác biệt lớn về chính sách năng lượng của các nước thành viên EU, bắt đầu với các cấu trúc định giá năng lượng không đồng nhất, đi ngược lại ý tưởng về một thị trường chung duy nhất. Các quốc gia cũng đã áp dụng các giải pháp không tương thích, khiến cho việc kết nối các mạng lưới năng lượng quốc gia trở nên vô cùng khó khăn.
Ví dụ, trong khi Pháp chủ yếu khai thác phần lớn điện năng từ năng lượng hạt nhân, Đức vội vã đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân của mình sau tai nạn tại nhà máy Fukushima của Nhật năm 2011. Giờ đây, Đức, cùng với Tây Ban Nha, đang tập trung vào năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời – nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch khi không có gió hay mặt trời.
Trong khi đó, các thách thức an ninh từ Nga gia tăng đều đặn từ năm 2008, và đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng kể từ sự kiện Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp và xâm lược một số khu vực miền đông Ukraina năm ngoái. Chiến sự tiếp diễn và những yêu sách lãnh thổ chưa ngã ngũ đã tạo nên cảm giác bức bách mới tại các cuộc thảo luận về chính sách năng lượng của châu Âu, mà cụ thể là sự phụ thuộc của châu lục này vào năng lượng nhập khẩu.
Nga cũng đang nhúng tay vào một thách thức nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định châu Âu: cuộc khủng hoảng ở Syria vốn đẩy hàng trăm ngàn người tị nạn đổ xô đến châu lục hiện nay. Cuộc khủng hoảng người tị nạn bắt nguồn một phần từ thất bại trong chính sách đối ngoại của châu Âu nhằm ngăn chặn Bắc Phi và Trung Đông rơi vào hỗn loạn. Việc Nga tấn công các nhóm lực lượng chống lại chế độ của tổng thống Syria Bashar al-Assad đang làm trầm trọng thêm sự bất ổn ở phần lớn lãnh thổ đất nước này, khiến ngày càng nhiều người tuyệt vọng tìm nơi ẩn náu ở châu Âu.
Như thể những cuộc khủng hoảng ấy vẫn là chưa đủ, EU còn bị thách thức bởi những câu hỏi căn bản về tính chính danh dân chủ của nó. Hệ tư tưởng cực đoan đang ngày càng chiếm ưu thế, và các phong trào ly khai đã được tiếp thêm sinh khí.
Trong nửa đầu năm nay, Hy Lạp dường như bị buộc phải cân não với cả châu Âu. Một hoạt cảnh tương tự hiện đang diễn ra ở Bồ Đào Nha, nơi một liên minh cánh tả có sự góp mặt của các chính trị gia có thái độ thù địch sâu sắc với châu Âu, trong khi Tổng thống nước này khẳng định rằng chính phủ trung hữu lâu nay có thể giành được sự ủng hộ bằng việc nhấn mạnh cam kết của nước này với châu Âu. Tây Ban Nha có thể sớm phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự.
Nói một cách đơn giản, châu Âu đang bị quá tải bởi các cuộc khủng hoảng – trên thực tế quá tải đến mức nhiều người cho rằng nó quá kiệt sức đến nổi không thể ứng phó hiệu quả được với các thách thức mới nảy sinh. Theo quan điểm này, nhiều năm đằng đẵng chịu tổn thương đã làm suy sụp thứ tinh thần mà các nhà lãnh đạo châu Âu cần có để đưa ra các giải pháp hiệu quả, và làm hao mòn nguồn vốn chính trị (political capital) cần thiết để giành được sự ủng hộ cho các giải pháp này. Đó là lý do tại sao việc ứng phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn lại thiếu và yếu trầm trọng như vậy.
Nhưng EU được xây dựng dựa trên sự tiên liệu về khủng hoảng. Jean Monnet, một trong những người sáng lập nên EU, liên tục quay trở lại quan điểm cho rằng tính bức thiết của tình huống khẩn cấp sẽ thúc đẩy hội nhập. Như ông phát biểu, “châu Âu sẽ được tôi luyện trong các cuộc khủng hoảng, và sẽ là tổng hòa của các giải pháp áp dụng cho những cuộc khủng hoảng đó.”
Tuy nhiên, người ta có thể lập luận rằng, những vấn đề nảy sinh khủng hoảng như thế phải đủ nhỏ để có thể quản lý được. Khủng hoảng hoặc quá lớn hoặc quá nhiều cùng một lúc – có nguy cơ vượt quá khả năng ứng phó của EU – cuối cùng sẽ dẫn đến sự tan rã. Trong vở “Hamlet”, khi nhìn thấy trạng thái tinh thần ngày càng xấu đi của Ophelia, Claudius đã đúc kết rằng, “Khi những ưu phiền đến, chúng không xuất hiện như những gián điệp riêng lẻ / mà ập tới như những đạo quân.” Cuối cùng, tất nhiên, Ophelia đã phát điên và trầm mình tự tử.
Nhưng Claudius, một kẻ giết người tàn bạo, không hẳn có sự khôn ngoan chính trị. Trên thực tế, giải quyết đồng thời nhiều cuộc khủng hoảng có thể làm cho chúng dễ dàng ứng phó hơn, bằng việc mở rộng phạm vi cho những đánh đổi. Trong EU, nơi mà lợi ích mâu thuẫn nhau thường cản trở sự ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng, cách tiếp cận này có thể là chìa khóa dẫn đến sự tiến bộ. Thay vì việc áp đặt chủ quyền quốc gia , EU sẽ trở thành một đấu trường cho việc đàm phán các thỏa hiệp mà đôi bên cùng có lợi.
Ví dụ, sự miễn cưỡng của Đức trong việc giảm nợ cho các nước nam Âu đã khiến thời gian khủng hoảng của họ kéo dài. Tuy nhiên giờ đây, Đức có lẽ có đủ động lực để làm nhiều hơn thế, bởi lẽ Đức sẽ gặt hái lợi ích trước mắt từ một giải pháp toàn EU cho cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tương tự như vậy, hội nhập quân sự có thể tăng hiệu quả chiến lược và giảm chi phí, đặc biệt là cho các nước có ngân sách quốc phòng lớn hơn.
Một dạng của phương pháp tiếp cận “xâu chuỗi vấn đề” này đã được áp dụng trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế. Mặc dù khó đạt được các đột phá lớn nhưng chúng mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên tham gia.
Châu Âu cần lấy lại tinh thần của năm 1989, khi sự di chuyển của một lượng người vượt biên lớn – mà khởi đầu là ở biên giới Hungary-Áo – đã thúc đẩy cải cách và tinh thần cởi mở, thay vì tâm lý việc ai người nấy lo (silo mentality). Trong làn sóng của các cuộc cách mạng đó, những người biểu tình tìm kiếm tự do đã suy ngẫm về châu Âu và nguyện vọng của các quốc gia quê hương mình cùng một lúc. Sự củng cố châu Âu đóng vai trò thiết yếu cho tính chính danh của mỗi quốc gia.
Trong năm 2015, không kém gì năm 1989, các quốc gia châu Âu cần nhiều sự bảo vệ hơn trước các áp lực bên ngoài cũng như những cú sốc chiến lược, và điều này vượt quá những gì một quốc gia đơn lẻ có thể đáp ứng. Và bây giờ, cũng như năm 1989, chỉ có EU mới có thể đem lại sự bảo vệ đó.
Harold James là Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton, Giáo sư Lịch sử tại Viện Đại học Châu Âu (EUI), Florence, và là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI). Là chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và về toàn cầu hóa, ông là tác giả của The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle, Krupp: A History of the Legendary German Firm, và Making the European Monetary Union.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Europe’s Last Straw?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]