Nguồn: Brahma Chellaney, “Asia’s Troubled Water”, Project Syndicate, 22/04/2016.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tình trạng khan hiếm nước tại châu Á đang ngày càng xấu đi. Vốn đã là lục địa khô nhất tính theo lượng nước bình quân đầu người, châu Á hiện còn phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng diễn ra trên một khu vực rộng lớn, kéo dài từ miền Nam Việt Nam đến miền Trung Ấn Độ. Điều này đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng chính trị, bởi vì nó làm nổi bật tác động của chính sách xây đập của Trung Quốc đối với môi trường và đối với các quốc gia nằm ở hạ lưu sông Mekong.
Đợt hạn hán hiện nay ở các nước Đông Nam Á và Nam Á là đợt hạn hán tồi tệ nhất suốt nhiều thập niên qua. Trong đó, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (một vựa lúa của châu Á) và Tây Nguyên của Việt Nam; 27 trong số 76 tỉnh của Thái Lan; một vài nơi tại Campuchia; hai thành phố lớn nhất của Myanmar, Yangon và Mandalay; và nhiều khu vực ở Ấn Độ, vốn là nơi sinh sống của hơn một phần tư dân số nước này.
Hạn hán có thể không làm sụp đổ các công trình, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và kinh tế. Hàng triệu người châu Á hiện phải sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, và một số đã bị buộc phải di cư. Myanmar, Thái Lan và Campuchia đã phải thu hẹp quy mô các lễ hội té nước truyền thống đánh dấu năm mới của họ. Tòa án Tối cao Bombay phải yêu cầu chuyển nơi tổ chức giải đấu cricket lớn nhất thế giới, Giải Indian Premier League, khỏi bang Maharashtra. Ở một quận của Maharashtra, chính quyền địa phương vì lo ngại bạo lực đã tạm thời cấm tụ họp hơn năm người xung quanh những cơ sở chứa và cung cấp nước.
Trong khi đó, các thiệt hại gia tăng liên quan đến hạn hán ở một số nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới – Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ – đe dọa đến thị trường gạo vốn đã căng thẳng của thế giới. Chỉ có khoảng 7% sản lượng gạo toàn cầu là được bán ra thị trường thế giới, bởi vì phần lớn gạo được tiêu thụ ngay tại nơi sản xuất là châu Á.
Thiệt hại về lúa gạo đặc biệt nghiêm trọng ở Thái Lan và Việt Nam, hai nước chiếm đến một nửa sản lượng xuất khẩu gạo của thế giới và gần ba phần tư tăng trưởng xuất khẩu dự kiến của thập niên này. Khoảng 230.000 ha lúa đã bị mất trắng chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà sông ngòi cạn kiệt đã dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập từ Biển Đông, khiến gần 10% vựa lúa có khả năng mất khả năng canh tác.
Đợt hạn này có thể chưa từng có tiền lệ, nhưng nó không phải là điều bất thường. Ngược lại, những thách thức về môi trường ở châu Á, chẳng hạn như suy thoái hệ sinh thái, cạn kiệt nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước, mẫu hình thời tiết nhiệt đới El Niño, và tác động của sự nóng lên toàn cầu đang khiến hạn hán diễn ra ngày càng thường xuyên – và ngày càng nghiêm trọng.
Ngay cả khi không có hạn hán, châu Á vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Lượng nước ngọt có sẵn theo đầu người hàng năm trong khu vực (2.816 m3) còn thấp hơn một nửa mức trung bình toàn cầu (6.079 m3). Và vì khu vực theo đuổi phát triển kinh tế nhanh chóng, đặc trưng bởi việc tăng mạnh không chỉ lượng tài nguyên được tiêu thụ, mà còn tăng cả các thiệt hại môi trường nghiêm trọng, nên tình trạng khan hiếm nước của họ càng trầm trọng hơn nữa. Thách thức này còn trở nên phức tạp hơn bởi sự thay đổi trong chế độ ăn uống của người châu Á. Họ tiêu thụ thịt nhiều hơn, mà việc sản xuất thịt lại cần rất nhiều nước.
Dù các nền kinh tế “đói” tài nguyên ở châu Á có thể nhập nhiên liệu hóa thạch và quặng khoáng sản từ bên ngoài, nhưng họ không thể nhập khẩu nước, vì vận chuyển quá tốn kém. Thế nên, thay vào đó, họ đã khai thác quá mức các nguồn tài nguyên địa phương – thực tế này đã gây nên một cuộc khủng hoảng môi trường, làm thay đổi khí hậu khu vực và gia tăng các thiên tai như hạn hán.
Kết quả là, châu Á, nơi chiếm 72% tổng diện tích được tưới tiêu của thế giới, giờ đây phải đối mặt với một tình thế lưỡng nan: họ phải trồng đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng, trong khi phải giảm lượng nước dành cho thủy lợi. Trừ khi châu Á giải quyết được vấn đề này, nếu không thì phát triển kinh tế sẽ rất khó khăn, và gây ra những hậu quả lớn cho nền kinh tế thế giới.
Thế nhưng, cuộc khủng hoảng nước ở châu lục này chỉ đang xấu đi. Theo một nghiên cứu gần đây của MIT, có “nguy cơ cao” rằng căng thẳng nước châu Á có thể trầm trọng hơn và trở thành khan hiếm nước vào năm 2050. Tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia hoặc các tỉnh [trong một nước] đã diễn ra ngày càng thường xuyên bởi sự gia tăng của các dự án xây đập có thể ảnh hưởng xấu đến dòng chảy hạ lưu – một cách tiếp cận cho thấy người ta tiếp tục ưu tiên tăng cường nguồn cung hơn là quản lý nước một cách thông minh.
Thủ phạm chính trên phương diện này là Trung Quốc, nước hiện có rất nhiều đập trên sông Mekong, dòng sông huyết mạch của Đông Nam Á. Trong mùa khô năm nay, sẽ kéo dài cho đến khi những cơn mưa gió mùa đến vào tháng 6, theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, mực nước ở hạ lưu sông Mekong là “mức thấp nhất trong vòng 100 năm gần đây.”
Trung Quốc giờ đây đang cố gắng diễn vai “vị cứu tinh” bằng cách xả một lượng nước không xác định từ một trong sáu đập siêu lớn ở thượng nguồn của mình để “giải quyết mối quan ngại” của các nước đang hạn hán. Những người đứng đầu Trung Quốc cho rằng động thái này nhấn mạnh tính hiệu quả của “các cơ sở chứa nước” ở thượng nguồn trong việc giải quyết hạn hán và lũ lụt.
Tất nhiên, trong thực tế, tất cả những điều này chỉ đơn giản là nhấn mạnh sự phụ thuộc của các nước ở hạ lưu vào “thiện chí” của Trung Quốc – một sự phụ thuộc rồi sẽ còn sâu sắc hơn khi mà Trung Quốc xây thêm 14 con đập trên sông Mekong. Tác động môi trường của các dự án này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức sinh thái, gồm cả hạn hán, mà châu Á đang phải đối mặt.
Cách tiếp cận mang tính cạnh tranh này sẽ khiến châu Á rơi vào một con đường nguy hiểm, chỉ có thể dẫn tới suy giảm môi trường, phát triển kinh tế chậm lại, và thậm chí là cả các cuộc chiến tranh giành nguồn nước. Đây là lúc phải thay đổi và phải hợp tác dựa trên luật pháp, dựa trên các hiệp định về quản lý nguồn nước, tự do thông tin về dữ liệu thủy văn, và dựa trên các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Các nước châu Á phải làm việc cùng nhau để đảm bảo việc sử dụng nước đạt hiệu quả cao hơn, tăng cường sử dụng nước tái chế và ngọt hóa, và khuyến khích các giải pháp sáng tạo nhằm bảo tồn và thích nghi. Muốn như vậy, các chính phủ phải cắt bỏ các khoản trợ cấp của nhà nước vốn gây nên tình trạng sử dụng nước hoang phí, chẳng hạn như trong nông nghiệp, và tập trung vào việc xây dựng các cơ chế thị trường mới và quan hệ đối tác công-tư hiệu quả.
Sẽ không có điều gì trở thành sự thật nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc. Thật vậy, nếu Trung Quốc không từ bỏ cách tiếp cận hiện tại của nước này – từ việc “lấy nước” từ sông Mekong và các sông quốc tế khác cho đến việc “lấy đất” ở Biển Đông – thì triển vọng cho một trật tự dựa trên luật pháp ở châu Á có thể sẽ mãi mãi không tồn tại.
Brahma Chellaney là Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi và là nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch ở Berlin. Ông là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có “Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground”, và “Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.”
Copyright: Project Syndicate 2016 – Asia’s Troubled Water
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]