Nguồn: “Germans enter Paris”, History.com (truy cập ngày 13/06/2016)
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Vào ngày này năm 1940, người dân Paris bị đánh thức bởi một giọng Đức thông báo qua loa phóng thanh rằng một lệnh giới nghiêm đã được áp đặt từ 8 giờ tối hôm đó khi quân đội Đức tiến vào và chiếm đóng Paris.
Thủ tướng Anh Winston Churchill trong nhiều ngày trước đó đã cố gắng thuyết phục chính phủ Pháp chờ đợi, không theo đuổi hòa bình (bằng cách đầu hàng), rằng Mỹ sẽ bước vào cuộc chiến và hỗ trợ cho Pháp. Thủ tướng Pháp Paul Reynaud đánh điện cho Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, đề nghị cung cấp viện trợ và Mỹ tuyên bố chiến tranh, và nếu không làm được như vậy thì bất kỳ sự giúp đỡ nào cũng được.
Roosevelt trả lời rằng Hoa Kỳ đã chuẩn bị gửi viện trợ và sẵn sàng công bố lời hứa viện trợ đó – nhưng Ngoại trưởng Cordell Hull phản đối một lời tuyên bố như vậy vì biết rằng Hitler cũng như các đồng minh của Đức sẽ coi một tuyên bố công khai giúp đỡ như vậy là khúc dạo đầu cho lời tuyên chiến chính thức. Dù viện trợ vật chất sẽ được cung cấp, nhưng không có cam kết nào được công bố chính thức và công khai.
Tới lúc các xe tăng Đức tiến vào Paris, 2 triệu người dân thành phố đã bỏ chạy, với lý do chính đáng. Chẳng bao lâu sau, lực lượng Gestapo của Đức đã bắt tay vào việc: tiến hành bắt giữ, thẩm vấn, và các hoạt động gián điệp, trong khi một lá cờ chữ thập ngoặc khổng lồ bay phấp phới bên dưới Khải hoàn Môn.
Trong khi người dân Paris tuyệt vọng vì bị mắc kẹt tại thủ đô thì người dân Pháp ở phía tây đất nước reo hò chào mừng binh lính Canada tiến qua khu vực của họ, mang lại niềm hy vọng cho một nước Pháp tự do.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng không hoàn toàn ngồi yên. Vào hôm đó, Tổng thống Roosevelt đã phong tỏa các tài sản ở Mỹ của các nước phe Trục là Đức và Italia.