Saudi Arabia đã giết chết OPEC như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

opec-1024x640

Nguồn: Anas Alhajji, “The Death of OPEC”, Project Syndcate, 26/07/2016

Biên dịch: Trịnh Ngọc Phương Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã chết. Saudi Arabia đã giết nó. Hiện tại, OPEC chỉ là một cái xác sống vô hại, thu hút sự chú ý, nhưng không có bất cứ ảnh hưởng nào đến thế giới thực.

Chỉ một số ít nhận ra cái chết của OPEC bởi một lý do đơn giản: nó chưa bao giờ thật sự sở hữu tầm ảnh hưởng lớn lao như người ta hằng tưởng. Nó chưa bao giờ là một cartel sở hữu quyền lực thị trường độc quyền đúng nghĩa. Bất kỳ ai có suy nghĩ ngược lại đều đã nhầm lẫn gán cho nó thứ quyền lực thị trường thực ra của Saudi Arabia.

Và quyền lực của Saudi Arabia thì rất rộng lớn. Nước này tiếp tục là nhà sản xuất dầu mỏ chính trên thị trường dầu thế giới, và các quyết sách kinh tế, chính trị của nước này ảnh hưởng đến nền kinh tế năng lượng toàn cầu. Sự ảnh hưởng này sẽ càng tăng nếu Vương quốc này đưa dầu Arab Light trở lại thành chuẩn dầu thô của thế giới.

Đương nhiên, các nhân tố mới trong cuộc chơi sản xuất năng lượng có thể hợp tác chống lại Saudi Arabia. Nhưng, đến nay, Vương quốc này vẫn tránh được các thiệt hại nặng nề.

Ví dụ, cuộc cách mạng năng lượng đá phiến ở Hoa Kỳ đã có một ảnh hưởng lớn đến thị trường quốc tế – mạnh mẽ hơn cả mong đợi. Lần đầu tiên trong vòng nửa thế kỷ, vùng Lòng chảo Đại Tây Dương gặp phải tình trạng thừa cung – tức sản xuất nhiều dầu hơn khả năng tiêu thụ, trong khi vùng Lòng chảo Thái Bình Dương trở thành nơi ‘xả hàng’ dầu thô duy nhất. Làn sóng sản xuất dầu đá phiến trong nước Mỹ khiến các thành viên OPEC như Algeria, Angola, và Nigeria mất nhiều thị phần tại Mỹ.

Thế nhưng cuộc cách mạng ấy lại không ảnh hưởng nhiều đến Saudi Arabia, Iraq hay Kuwait, do yếu tố chất lượng dầu thô. Algeria, Angola, và Nigeria xuất khẩu sang Hoa Kỳ loại dầu thô ngọt nhẹ, chất lượng tương đương dầu đá phiến. Thế nhưng các nhà máy lọc dầu tại Mỹ lại chuộng loại dầu nặng và chua hơn mà quốc gia này đang nhập khẩu từ Trung Đông. Kết quả là, thị phần của Saudi Arabia tại Mỹ có vẻ như vẫn không hề bị đe dọa.

Điều này không có nghĩa rằng Saudi Arabia không thể bị đánh bại. Ngược lại, quốc gia này đã mất thị phần tại nhiều nhà nhập khẩu dầu lớn nhất châu Á, những nước đã tăng mua dầu thô từ Tây Phi (được chuyển hướng khỏi thị trường Mỹ). Đau đớn nhất có lẽ là khi Vương quốc này mất một thị phần lớn tại Trung Quốc vào tay Nga.

Sự xâm nhập của Nga vào thị trường Trung Quốc được thúc đẩy khi phương Tây cấm vận Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine và sát nhập Crimea vào năm 2014. Trung Quốc tận dụng triệt để sự tuyệt vọng của điện Kremlin, giành được nguồn năng lượng giá thấp của Nga. Tuy nhiên, khi cánh cửa thị trường châu Á mở ra, các công ty Nga ngay lập tức nắm lấy cơ hội để xâm nhập thị trường hạ nguồn (tức sản phẩm chế biến) tại Ấn Độ và Indonesia – 2 quốc gia trọng yếu đối với chiến lược của Saudi Arabia.

Trong vòng khoảng 2 năm trở lại đây, Saudi Arabia đã thể hiện vô cùng rõ ràng rằng quốc gia này sẽ không dễ dàng từ bỏ thị phần của mình cho bất kỳ đối thủ nào. Nước này đã theo đuổi một chiến dịch để hồi phục vị thế của mình không chỉ trong lĩnh vực dầu thô, mà cả các sản phẩm xăng dầu, khí hóa lỏng, và các sản phẩm hóa dầu. Để thực hiện mục tiêu này, nước này đã duy trì một cuộc chiến giá cả được hậu thuẫn bằng cách gia tăng sản lượng để loại trừ các đối thủ yếu hơn.

Ban đầu, Saudi Arabia nhắm vào ngành công nghiệp dầu đá phiến. Nhưng chiến lược giữ vững ưu thế trên thị trường năng lượng toàn cầu của nước này đã phát triển theo thời gian, thích nghi với những thông tin kinh tế và tình hình chính trị mới. Cuối cùng, Saudi Arabia đã kéo tất cả các thành viên OPEC vào cuộc chiến giá dầu. Các nước tăng cường sản xuất cho đến khi nào họ còn có thể, khiến giá dầu giảm. Khi sản xuất tăng đến mức đỉnh, những đối thủ yếu nhất bị đẩy ra khỏi thị trường, bởi các thành viên OPEC buộc phải tham gia cạnh tranh giá trực tiếp với nhau.

Sự căng thẳng nội bộ lâu dài do tất cả chuyện này gây ra được thể hiện rõ ràng tại phiên họp tháng Tư của OPEC tại Doha, nơi một thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã thất bại. Saudi Arabia từ chối cắt giảm sản lượng trừ khi Iran cũng làm theo. Nhưng Iran – quốc gia mà, cũng như Nga, đã mất một thị phần đáng kể do cấm vận của phương Tây – thẳng thừng từ chối yêu cầu này. Các nhà sản xuất đã mất thị phần tại Mỹ cũng sẽ không cắt giảm sản lượng.

Đến thời điểm này, Saudi Arabia đã nhận ra rằng giá dầu thấp sẽ không giúp nước này khôi phục được thị phần tại châu Á và châu Âu. Nhưng nước này cũng thấy không còn cần đến OPEC nữa, một tổ chức do chính nước này thiết lập trong cuộc khủng hoảng dầu lần thứ nhất vào năm 1973 và từ đó đã được sử dụng như một lá chắn cho các chính sách dầu của nước này. Khi cuộc cách mạng dầu đá phiến tại Mỹ khiến OPEC trở nên vô dụng, Saudi Arabia quyết định rằng ‘sinh vật’ mà họ tạo ra không còn đáng được duy trì nữa.

Nhưng điều này không có nghĩa rằng đã hết hy vọng trong lĩnh vực hợp tác năng lượng. Saudi Arabia hiện đang theo đuổi một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, kinh tế và năng lượng, thể hiện bằng việc sắp tư hữu hóa một phần Aramco, công ty dầu khí quốc gia của nước này vốn đang muốn mở rộng năng lực lọc dầu.

Tất cả điều này cho thấy cạnh tranh trên thị trường năng lượng của thể chuyển dịch từ dầu thô sang các sản phẩm lọc dầu. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho sự hợp tác: các nhà sản xuất có khả năng lọc dầu và dự trữ lớn có thể thu mua dầu thừa từ các nhà sản xuất thiếu các năng lực này.

Một sự chuyển dịch từ cạnh tranh dầu thô sang cạnh tranh sản phẩm xăng dầu sẽ tạo nên tác động lớn đến thị trường dầu toàn cầu và các ngành công nghiệp liên quan khác, như vận chuyển dầu. Rốt cuộc, điều này có nhiều khả năng sẽ thúc đẩy năng suất chung của thị trường dầu và làm gia tăng năng lực của các nhà sản xuất trong việc vượt qua các bấp bênh của thị trường. Các nhà sản xuất và chế biến với công nghệ tối tân nhất sẽ thống trị – bắt đầu với Saudi Arabia.

Anasa Alhajji là một nhà kinh tế học năng lượng và nguyên là nhà kinh tế trưởng tại NGP Energy Capital Management.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Death of OPEC
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]