Nguồn: Minxin Pei, “Surviving Tiananmen”, Project Syndicate, 03/06/2014.
Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Có thể thật khó tưởng tượng, nhưng 25 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần như bị lật đổ bởi một phong trào dân chủ. Điều đó đã không xảy ra nhờ vào thần kinh thép của Đặng Tiểu Bình, nhà cố lãnh đạo tối cao và đoàn xe tăng của Quân đội Giải phóng Nhân dân được đưa ra để thi hành thiết quân luật và đàn áp cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn, với cái giá là hàng trăm mạng người, nhằm tránh sự sụp đổ của chế độ.
Nhân dịp 25 năm thảm sát Thiên An Môn (6/6/1989-6/6/2014), hai câu hỏi được đặt ra: Làm cách nào Đảng cộng sản đã tồn tại trong một phần tư thế kỷ qua, và liệu nó có thể tiếp tục thêm 25 năm nữa không?
Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên khá rõ ràng: thay đổi chính sách, chiến thuật thao túng khôn khéo, và rất nhiều may mắn đã giúp ĐCSTQ dành được những sự ủng hộ cần thiết để duy trì quyền lực và đàn áp các thế lực gây mất ổn định
Rõ ràng đã là cũng có những sai lầm nghiêm trọng. Sau cuộc thảm sát, các nhà lãnh đạo bảo thủ Trung Quốc đã nỗ lực đảo ngược những cải cách tự do hoá mà Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng trong những năm 1980, làm cho nền kinh tế Trung Quốc lâm vào suy thoái. Sự kiện Liên Xô sụp đổ năm 1991 cũng gây ra hoang mang trong Đảng.
Nhưng Đặng Tiểu Bình đã một lần nữa cứu ĐCSTQ. Tập hợp tất cả sức lực và vốn liếng chính trị, nhà lãnh đạo 87 tuổi đã làm sống lại các cải cách kinh tế thị trường, mở ra một cuộc cách mạng kinh tế mang lại một làn sóng tăng trưởng và phát triển chưa từng có, nhờ đó uy tín ĐCSTQ tăng lên đáng kể.
Đặng Tiểu Bình và những người kế tục đã củng cố xu hướng này bằng cách trao cho công dân Trung Quốc khá nhiều quyền tự do cá nhân, nhen nhóm sự trỗi dậy của xã hội tiêu dùng và giải trí đại chúng mù quáng. Trong thế giới mới của “bánh mì và rạp xiếc” này, ĐCSTQ dễ dàng giành được sự ủng hộ của công chúng và đàn áp phe đối lập. Những động thái được dàn dựng công phu nhằm thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và khai thác tinh thần bài ngoại cũng có tác dụng.
Ngay cả sự đàn áp, trụ cột duy trì sự tồn vong của chế độ, cũng được tinh chỉnh. Sự giàu có mới giành được của Trung Quốc cho phép các lãnh đạo xây dựng một trong những hệ thống tường lửa Internet tinh vi nhất thế giới và trang bị những công cụ hiệu quả nhất cho các lực lượng an ninh trong nước.
Trong việc đối phó với cộng đồng bất đồng chính kiến nhỏ nhưng bền bỉ, Đảng dùng chiến thuật “chặt đầu”. Nói cách khác, chính phủ xoá bỏ các mối đe doạ từ những nhân vật chống đối cầm đầu bằng cách bỏ tù hoặc ép đi lưu vong, bất kể tầm quan trọng của những nhân vật này. Lưu Hiểu Ba (Liu Xiabo) – người giành giải Nobel Hoà bình năm 2010 đã bị tuyên án 11 năm tù bất kể sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Dù thô bạo, nhưng cách tiếp cận này hiệu quả. Tuy nhiên ĐCSTQ có lẽ đã không thành công đến vậy nếu không nhờ vào may mắn ở một số lĩnh vực quan trọng. Ví dụ, những cải tổ sau 1992 trùng với sự trỗi dậy của toàn cầu hoá, mang lại cho Trung Quốc một nguồn vốn khổng lồ (khoảng 1 nghìn tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 1992), sự phát triển chóng mặt của công nghệ mới, và sự tiếp cận thị trường tiêu dùng phương Tây gần như không bị cản trở. Do đó Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, với lượng xuất khẩu tăng gấp 10 lần cho đến năm 2007.
Một yếu tố có lợi nữa cho chế độ của Đảng là ưu thế dân số vàng (một lực lượng lao động dồi dào và tỷ lệ trẻ em và người già phụ thuộc thấp). Điều này mang lại cho Trung Quốc một lực lượng lao động giá rẻ, trong khi tiết kiệm cho chính phủ một lượng chi tiêu lớn cho lương hưu và chăm sóc y tế.
Vấn đề ĐCSTQ đang đối diện hiện tại là những yếu tố đã làm cho Đảng tồn tại từ sau sự kiện Thiên An Môn hoặc đã biến mất, hoặc chuẩn bị biến mất. Thực vậy, những cải tổ theo hướng thị trường đã chết về mọi mặt. Sự ‘cướp bóc’ làm giàu của nhân viên nhà nước và gia đình họ, cũng như của những doanh nhân có nhiều mối quan hệ, đã chi phối nhà nước Trung Quốc và sẽ chặn đứng bất kỳ cải cách nào có thể đe doạ đến vị thế hưởng lợi của họ.
Ngoài ra, ĐCSTQ cũng không thể dựa vào sự phồn thịnh ngày một lớn để duy trì sự ủng hộ của công chúng nữa. Tham nhũng ở khắp nơi và bất bình đẳng ngày càng tăng, cùng với việc môi trường bị tàn phá, đã làm cho người dân Trung Quốc – đặc biệt là tầng lớp trung lưu, đối tượng đã từng hi vọng nhiều vào cải cách – trở nên ngày càng vỡ mộng.
Cùng lúc đó, với việc dân số già đi nhanh chóng, lợi thế về dân số của Trung Quốc đang mất dần. Và vì Trung Quốc đã là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, với hơn 11% thị phần toàn cầu, xuất khẩu ít khả năng sẽ tăng lên trong những năm tới.
Chỉ còn hai lá bài trong bộ công cụ hậu Thiên An Môn của Đảng là đàn áp và chủ nghĩa dân tộc. Và thực tế, cả hai lá bài này tiếp tục có vai trò trung tâm trong chiến thuật của Tổng bí thư Tập Cận Bình nhằm đảm bảo sự sống còn của ĐCSTQ.
Tuy nhiên Tập Cận Bình cũng đang thử nghiệm hai công cụ mới: một chiến dịch chống tham nhũng chưa có tiền lệ và một nỗ lực làm sống lại các cải cách theo hướng thị trường. Cho đến nay, cuộc chiến chống tham nhũng có tác dụng lớn hơn so với kế hoạch cải tổ kinh tế.
Trên bề mặt, chiến thuật của Tập Cận Bình có vẻ tốt. Tuy nhiên một cuộc chiến chống tham nhũng của quan chức và thúc đẩy cải cách nhắm đến việc triệt hạ chế độ “đạo tặc” chắc chắn sẽ đặt Tập Cận Bình vào thế đối lập với giới tinh hoa chính trị và kinh tế Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Tập có thể vượt qua sự phản kháng mà không cần phải huy động người dân, khi mà sự huy động người dân về mặt chính trị có thể đe doạ chế độ một đảng.
ĐCSTQ đã vượt qua những lời tiên đoán tối tăm sau 1989: Đảng đã tồn tại và đã ngăn chặn được những đe doạ đối với quyền lực của mình. Nhưng cơ hội để Đảng có thể kéo dài thêm một phần tư thế kỷ nữa là thấp, và không có nhiều khả năng tăng lên.
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là Giáo sư ngành Quản trị chính quyền tại Claremont McKenna College và là nhà nghiên cứu cao cấp không thường trú tại German Marshall Fund của Mỹ.
Xem thêm:
Copyright: Project Syndicate 2014 – Surviving Tiananmen