Nguồn: German foreign minister celebrates revolution in Russia, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1917, Ngoại trưởng Richard Von Kuhlmann (hình) đã có một bài phát biểu trước Quốc Hội Đức (Reichstag) trong đó hoan nghênh Vladimir Ilyich Lenin và Đảng xã hội cấp tiến của ông – Đảng Bolshevik, lên nắm quyền tại Nga.
Ngay sau ngày 07/11/1917, khi những người Bolshevik nắm quyền kiểm soát Petrograd từ tay chính quyền tạm thời – được lập ra sau khi Sa hoàng Nicholas II thoái vị hồi tháng 3 – Lenin đã nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức với phe Liên minh (Liên minh Trung tâm) trong Thế chiến I. Cũng không ngạc nhiên khi Đế quốc Áo-Hung và Đức đều hoan nghênh bước đi này. Thật ra, người Đức chính là người đã giúp một Lenin lưu vong trở lại Nga vào tháng 4 trước đó. Ngày 29/11, Thủ tướng Đức, Bá tước Georg von Hertling, thậm chí còn đề nghị với Kuhlmann rằng nên biến nước Nga mới thành một trong những đồng minh của Đức.
Ngày hôm sau, Kuhlmann đứng trước Quốc Hội và tuyên bố “Đôi mắt của chúng ta lúc này đang hướng về phía đông. Nga đã ‘đốt cháy’ cả thế giới.” Việc tổng động viên của Nga, ông tiếp tục, là “nguyên nhân ‘thực tế và trực tiếp’ của toàn bộ cuộc chiến.” Giờ đây, Nga đã nằm trong tay của các nhà lãnh đạo sẽ làm những điều đúng đắn và tìm kiếm hòa bình ngay lập tức với Đức. Theo Kuhlmann, đồng minh của Nga – Anh và Pháp – sẽ thận trọng xem xét hành động của nước này, vì “người Đức sẽ đứng lên và chuẩn bị đánh bại hàng lớp quân thù, cho đến khi bình minh của sự thấu hiểu tốt hơn và nhân đạo hơn nơi vùng trời phía Đông cũng sẽ xuất hiện ở các quốc gia phương Tây, những nơi vẫn còn đầy lòng tham tiền bạc và quyền lực.”
Trong khi phe Liên minh vui mừng với sự kiện ở Petrograd, thì phe Đồng minh (Đồng minh Hiệp ước) lại đang sợ hãi. Khi Nga bước ra khỏi cuộc chiến, Đức sẽ có thể chuyển nhiều nhân lực hơn đến Mặt trận phía Tây; về phía nam, Áo-Hung dường như cũng gần áp đảo Italia. Mặc dù vào tháng 04/1917, Mỹ đã tham chiến bên phe Đồng minh, nhưng nước này cũng đã không cấp quân với số lượng lớn cho đến mùa hè năm sau. Đến cuối năm 1917, với thương vong lớn ở Mặt trận phía Tây, quân Đồng minh lại càng e dè vì khả năng chiến thắng của họ đang ngày một xa vời.