20/03/1995: Tấn công khí sarin tại ga tàu điện ngầm Tokyo

Nguồn: Nerve gas attack on Tokyo subway, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1995, trong giờ cao điểm buổi sáng tại Tokyo, Nhật Bản, năm nhóm khủng bố (mỗi nhóm gồm hai người) đến từ giáo phái Aum Shinrikyo, đã đón các chuyến tàu điện ngầm riêng biệt. Họ gặp nhau tại ga Kasumigaseki và bí mật thả khí sarin gây chết người vào không khí. Những kẻ khủng bố sau đó đã uống thuốc giải độc sarin và trốn thoát trong khi các hành khách, bị khói làm cho mù mắt và thiếu không khí, vội vã tìm lối thoát.

Đã có 12 người chết tại hiện trường, 5.500 người khác được điều trị tại bệnh viện, một số người thậm chí đã rơi vào tình trạng hôn mê. Hầu hết những người sống sót đã hồi phục, nhưng một số nạn nhân đã vĩnh viễn bị tổn thương mắt, phổi, và hệ tiêu hóa. Một ủy ban từ Thượng viện Mỹ sau đó ước tính rằng nếu khí sarin lan rộng hơn tại ga Kasumigaseki, điểm trung chuyển của hệ thống tàu điện ngầm Tokyo, thì hàng chục ngàn người có thể đã chết.

Sau vụ tấn công, cảnh sát Nhật đã đột kích vào trụ sở chính của giáo phái Aum Shinrikyo và bắt giữ hàng trăm thành viên, kể cả lãnh đạo bị mù của giáo phái này, Shoko Asahara. Aum Shinrikyo là giáo phái kết hợp Phật giáo và yoga với triết lý khải huyền của đạo Thiên Chúa. Họ vốn đang bị điều tra về một vụ tấn công bằng khí sarin khác vào năm 1994, khiến bảy người chết, ngoài ra còn vì tội giết một số đối thủ chính trị.

Trong thập niên 1980, Asahara, một tu sĩ Phật giáo tự xưng, đã thành công trong việc khiến rất nhiều người cải đạo sang giáo phái Aum Shinrikyo của mình (Tên gọi của giáo phái này được dịch sát nghĩa là Giáo lý tối cao Om). Asahara đã khai thác khoảng trống tinh thần xuất hiện sau thời kỳ bùng nổ kinh tế của Nhật, hứa sẽ ban sự tái sinh tôn giáo và sức mạnh siêu nhiên cho những người Nhật trẻ tuổi cảm thấy không thoải mái trong xã hội cứng nhắc đồng nhất của đất nước họ. Năm 1989, Aum Shinrikyo đã được công nhận là một nhóm tôn giáo tại Nhật, và đến năm 1995, nó đã có hơn 40.000 tín đồ trên toàn thế giới và có tài sản vượt quá 1 tỷ USD.

Đầu thập niên 1990, Asahara bổ sung triết lý khải huyền của đạo Thiên Chúa vào Phật pháp mà ông ta đang truyền dạy và tuyên bố rằng mình là hóa thân của cả Chúa Jesus và Phật Thích Ca Mâu Ni. Các tín đồ Aum trở thành chiến binh, bắt đầu tàng trữ vũ khí và tuyển dụng các nhà khoa học trẻ xuất sắc để tạo ra một kho vũ khí sinh hóa, gồm cả các chất độc thần kinh cấp cao như VX và bệnh dịch chết người như sốt Q và bệnh than. Asahara hứa rằng những vũ khí này sẽ giúp Aum Shinrikyo giành chiến thắng trong “trận chiến cuối cùng giữa cái Thiện và cái Ác.”

Hơn một tá các đối thủ chính trị của giáo phái này đã bị giết chết, và xác của họ đã bị thiêu trong những chiếc lò đặc biệt. Tháng 06/1994, Aum tiến hành vụ tấn công khí sarin đầu tiên ở Matsumoto, phía tây Tokyo. Một chiếc xe hơi, đã được điều chỉnh để xả chất khí gây chết người theo đúng kế hoạch, đã được lái đến gần khu căn hộ nơi các thẩm phán và cán bộ đang thụ lý một vụ kiện chống lại Aum đang ở. Đã có bảy người chết và 150 người bị thương. Nhưng cơ quan chức năng Nhật Bản, bị cản trở bởi điều luật bảo vệ các tổ chức tôn giáo trong hiến pháp, đã không thể bắt giữ Asahara, hay buộc ông ta xóa bỏ giáo phái của mình, dù họ là nghi phạm chính trong vụ tấn công. Đầu năm 1995, Asahara nói với các tín đồ rằng Thế chiến III đã bắt đầu, và một cuộc tấn công sarin thứ hai đã được lên kế hoạch nhắm vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo, chuyên chở khoảng bốn triệu lượt người một ngày.

Sau vụ tấn công 1995, năm thành viên Aum đã bị kết án tử hình vì tội giết người tại ga Kasumigaseki và các nơi khác, và nhiều người khác thì bị kết án tù. Shoko Asahara, đã bị kết án tử hình bằng cách treo cổ vào tháng 02/2004, nhưng ông ta vẫn tiếp tục kháng án.

Aum Shinrikyo đã bị tước bỏ tư cách pháp nhân và ưu đãi thuế trong vai trò một tổ chức tôn giáo, nhưng chính phủ Nhật Bản đã kết luận nó không còn là một mối đe dọa và quyết định không ban hành lệnh cấm giáo phái này. Aum đã đổi tên thành Aleph, chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái Do Thái và có nghĩa là dấu hiệu đổi mới. Hiện nay, tôn giáo này vẫn duy trì được lượng tín đồ ấn tượng.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]